Thứ Sáu, 4 tháng 10, 2013

Lý Quang Diệu và triết lý tuyển chọn nhân tài

Cùng là chế độ một Đảng nắm quyền trong suốt chiều dài lịch sử, cùng cơ chế mỗi cán bộ đảng viên được tối đa 3 nhiệm kỳ quốc hội trong đó có một phần ba đảng viên lớn tuổi về hưu trước mỗi mùa bầu cử... nhưng sao kết quả phát triển của Việt Nam và của Singapore trong quá khứ, hiện tại (và cả tương lai) khác nhau dữ dội như giữa trời cao và vực thẳm. Khác nhau này là do Singapore có ông Lý Quang Diệu và có một triết lý tuyển chọn nhân tài chính trực trung thực ?
Lý Quang Diệu và triết lý tuyển chọn nhân tài
Một trong những tuyên bố quan trọng của Lý Quang Diệu trên cương vị thủ tướng được bầu đầu tiên của đảo quốc Sư tử sau khi giành được tự chủ chính quyền (self-government) vào tháng 8 năm 1959 là Singapore vẫn duy trì bức tượng của Ngài Stamford Raffles, người đã có công sáng lập thuộc địa ở quảng trường Empress, nơi đặt trụ sở cai trị của thực dân Anh.
Ngài Stamford Raffles
Với thông điệp mang tính biểu tượng này, thủ tướng Lý đã khẳng định cho người dân và cả thế giới biết rằng Singapore sẽ xây dựng lại đất nước trên những giá trị nền tảng lâu đời của người Anh là nhà nước pháp quyền (rule of law), lòng khoan dung tôn giáo (religious tolerance) và trọng dụng nhân tài (meritocracy).

Nhân tài xung quanh ông Lý vào thời điểm đó, những đảng viên của đảng cầm quyền Hành động Nhân dân (PAP) tham gia vào nội các cũng như lá mùa thu mà theo thú nhận của ông, chỉ có năm người có thể gọi là tinh hoa (elite), còn lại là cũng chỉ là những gương mặt “thường thường bậc trung” (mediocre).

Chưa hết, đảng viên PAP tham gia nghị trường cũng thuộc các thành phần xã hội khác nhau về trình độ học vấn, văn hóa, sắc tộc và tôn giáo như nhân viên bưu điện gốc Mã Lai, thợ mộc, thợ cắt tóc gốc Hoa hay thủ lĩnh nghiệp đoàn gốc Ấn.

Và rồi sau một thời gian cùng với nhịp độ phát triển kinh tế – xã hội, thế hệ đảng viên trẻ PAP muốn trở thành nghị sĩ hay bộ trưởng đều phải có bằng đại học và hiện nay tuyệt đại đa số thành viên nội các Singapore đều có bằng thạc sĩ…

Lý Quang Diệu (giữa) trong những năm đầu tự chủ chính quyền cùng các đảng viên PAP thuộc các thành phần xã hội khác nhau về trình độ học vấn, văn hóa, sắc tộc và tôn giáo 

Nhưng nhân tài vẫn luôn là mối quan tâm hàng đầu và nỗi ám ảnh dai dẳng của vị cha già lập quốc họ Lý, nay đã hơn 90 tuổi, tuy không còn quyền hành gì trong nội các nhưng vẫn còn là đại biểu quốc hội và giữ chức danh Cố vấn Bộ trưởng (Minister Mentor) và ảnh hưởng lớn đến chính trường Singapore.

Trong một phỏng vấn với nhật báo The Straits Times (TST) năm 1982, khi một bộ phận thế hệ lãnh đạo đầu tiên của PAP phải về hưu để trẻ hóa đội ngũ, ông cho rằng:

“Để Singapore lọt vòng tay của những kẻ tầm thường là một tội lớn.”

Hai mươi lăm năm sau đó, ông nói rõ điều này hơn với phóng viên TST:

“Nếu chúng ta không có một chính phủ và người dân khác biệt với các nước láng giềng theo cách tích cực và có thể bảo vệ quyền lợi của đất nước, Singapore sẽ không còn tồn tại nữa.”

Theo ông Lý, sẽ là thiếu sót nếu chỉ tìm kiếm nhân tài trong số tầng lớp tinh hoa tốt nghiệp hạng ưu từ những trường đại học đẳng cấp tham gia vào guồng máy hành chính công quyền, những nhà chuyên môn giỏi như bác sĩ, kỹ sư, luật sư hay những người có tài hùng biện được lòng dân trong những kỳ bầu cử.

Singapore sử dụng phương pháp tuyển chọn người tài của tập đoàn Shell với những tiêu chí về tính cách, động cơ cá nhân và “phẩm chất máy bay lên thẳng” (helicopter quality), tức là khả năng đánh giá tình huống thông qua việc phân tích, cảm nhận thực tế và tưởng tượng.

Do đó, nhân tài không đơn thuần là những cá nhân thành đạt về học vấn hay nghề nghiệp mà những tiêu chí đó còn phải hòa quyện với nhân cách kiên định và triển vọng tương lai, trong đó tính chính trực và lòng trung thực là nhân tố sống còn.


Tinh hoa / nhân tài tại Singapore không chỉ là chính trị gia hay những người có học vị cao trong guồng máy hành chính công quyền mà còn là doanh nhân, nhà chuyên môn hay những cá nhân thành đạt trong xã hội

Quy trình tuyển chọn nhân tài của PAP được dư luận trong nước và quốc tế xem khá khắt khe, mang tính hệ thống và kín đáo.

Những người có trình độ chuyên thành đạt trong khu vực nhà nước và tư nhân sẽ được lãnh đạo PAP “mời dùng trà” (“invited for tea”), một lối nói uyển ngữ về cuộc phỏng vấn đầu tiên.

Các ứng viên là công chức tham gia vào guồng máy hành chính đã có quá trình làm việc “cận kề” với lãnh đạo PAP không nhất thiết phải qua công đoạn này.

Sau đó, các ứng viên có triển vọng sẽ qua một vòng thử lửa nữa là gặp trực tiếp các bộ trưởng trong nội các và Ban Chấp hành Trung ương (CEC) mà ông Lý là một thành viên.

Đây sẽ là một bộ hồ sơ nặng ký cả về nghĩa đen và nghĩa bóng trong đó phải kể đến trắc nghiệm tâm lý kéo dài sáu tiếng về những vấn đề rất cá nhân như tôn giáo và hôn nhân.

Ứng viên cũng phải đưa ra cách xử lý những tình huống tiến thoái lưỡng nan về mặt đạo đức đối với những giá trị riêng của bản thân.

Bộ trưởng Phát triển Xã hội và Gia đình Chan Chung Sing, 
bộ trưởng trẻ nhất trong nội các của Singapore, năm nay mới có 44 tuổi

Nhiệm kỳ bất thành văn của một chính khách PAP hiện nay là 3 nhiệm kỳ quốc hội trong đó có một phần ba đảng viên lớn tuổi sẽ về hưu trước mỗi mùa bầu cử.

Theo ông Lý, một bộ trưởng mới ra lò chưa thể hiện được trình độ và năng lực của mình trong nhiệm kỳ đầu tiên mà phải sau nhiệm kỳ thứ hai, khi người này đã thấu hiểu được nguyện vọng của người dân, nắm bắt guồng máy vận hành của chính phủ và hiểu điều gì có thể làm được.

Lương của một bộ trưởng Singapore hiện nay không dưới một triệu USD còn thủ tướng không dưới 3 triệu và đã gây nhiều chỉ trích từ chính đảng đối lập hay một bộ phận dân chúng Singapore.

Tuy nhiên, ông Lý cho biết ông chẳng bận tâm với điều đó bởi chi phí vận hành nội các tính ra không quá 0,02% GDP và thấp hơn tiền Bộ Quốc phòng Singapore mua một chiếc máy bay tiêm kích F5.

LÊ HỮU HUY (*)
(*) Giám đốc Công ty Tư vấn Vietnam Global Network, Singapore
(kinhnghiemsingapore)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét