Chủ Nhật, 20 tháng 10, 2013

Lịch sử sẽ nói gì về đám tang tướng Võ Nguyên Giáp?

Lịch sử sẽ nói gì về đám tang tướng Võ Nguyên Giáp?
Cùng trong một tiếng kèn đồng
Người ngoài cung kính, người trong bất bình!
V.Quốc Uy: Nếu nhìn vào những hiện tượng biểu kiến như : quốc tang rất quy mô, tốn kém, hàng chục vạn dân chúng tự phát tham gia tang lễ, tình cảm xúc động của các tầng lớp nhân dân, mức độ tôn vinh vô tiền khoáng hậu ở trong và ngoài nước…thì đây là đám tang lớn nhất từ khi ĐCSVN cầm quyền, xác nhận người quá cố là một vĩ nhân của nước Việt Nam và của thế giới! Không ít người coi đây là dấu ấn sâu đậm đã tạc vào lịch sử, bất di bất dịch!
Rồi đây chắc chắn lịch sử sẽ xác nhận sự đánh giá đó là đúng hay sai, nhưng là người đương thời ta hãy ghi nhận một vài đặc điểm của sự việc mà ta nhận thấy:

Rất nhiều ý kiến so sánh đám tang này với đám tang chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1969 như hai đám tang đẹp nhất và chắc chắn không còn được lặp lại. Nhưng thực ra hai đám tang có sự khác nhau rất căn bản. Trong đám tang HCM thì cảm thức của nhà cầm quyền và cảm thức của quần chúng là đồng nhất, tại thời điểm ấy trong lòng họ đều thương tiếc HCM như “một lãnh tụ cứu quốc anh minh, một cha già dân tộc”. Kết quả đồng nhất ấy có thể đoán trước. Trái lại, trong đám tang VNG thì có sự phân ly ghê gớm giữa nhà cầm quyền và đám đông tham dự, trong đó có những diễn biến bất ngờ không thể dự đoán.

Sự cung kính của ĐCS và nhà nước VN (e rằng) chỉ là cung kính giả, vì “cung kính không bằng nghe lời” (cung kính bất như tòng mệnh). Đã mấy chục năm VNG bị vô hiệu, những ý kiến rất đúng của VNG đều bị bỏ ngoài tai, còn bị giao những nhiệm vụ nhằm sỉ nhục (mà sau đó không hề sửa lỗi hoặc xin lỗi) thì việc tổ chức tang lễ linh đình chỉ nhằm che mắt thế gian và lợi dụng để làm sống lại hào quang quá khứ mà họ đang rất cần và chỉ VNG mới có thể là biểu tượng cuối cùng của hào quang đó. Có người ca ngợi chữ “Nhẫn” của VNG để cuối cùng gặt hái được sự vinh danh hôm nay, nhưng vui mừng thế là nhầm, vì hậu quả của chữ “Nhẫn” có tính thúc thủ đầu hàng đến hơi thở cuối cùng đó (nghĩa là vẫn đứng chung hàng ngũ với những sai trái) khiến cho những “đồng chí” thù địch của ông có thể sử dụng cái xác của ông để thu cái lợi mà họ không tự tạo được. Khi sống ông đã thua, khi chết lại thua một lần nữa.
Việc tổ chức Quốc tang khá bất ngờ, còn nhớ khi VNG bắt đầu nằm bệnh nhiều người đoán ĐCS sẽ không tổ chức Quốc tang nên mới lên tiếng tranh đấu để đòi! Ngờ đâu sẽ là kịch bản “lúc sống thì chẳng cho ăn, đến khi thác xuống lại làm văn tế ruồi”, làm tang to để thu lợi, đâu cung kính gì? Việc một vị tướng được mệnh danh là “tướng của nhân dân” luôn gần gũi nhân dân đến khi chết lại chọn nằm ở một nơi “khỉ ho cò gáy” cách biệt nhân dân thì rất đáng băn khoăn, rất khó thuyết phục. Không chọn trên đồi cao, lại chọn nơi vũng thấp dễ ngập nước, lại càng khó hiểu.

Số lượng nước mắt và những tiếng khóc hời của dân chúng cũng là diễn biến bất ngờ đối với Đảng, trong đó bao nhiêu phần trăm là tiếng khóc thương yêu thành tâm dành cho “danh tướng”, bao nhiêu phần trăm ca ngợi tướng Giáp để ngầm cảnh báo những người cầm quyền hiện nay, bao nhiêu phần trăm là đường mòn ngộ nhận bởi tuyên truyền, bao nhiêu phần trăm là tâm lý đám đông a-dua, hiếu kỳ, rồi bao nhiêu phần trăm là từ nỗi ức chế bấy lâu bị giam hãm kìm nén, nay bênh vực tướng Giáp như bênh vực một người “cùng cảnh ngộ” nên “đồng bệnh tương lân”?
Nói “cùng cảnh ngộ” vì ở địa vị cao như VNG mà không có quyền lực tương xứng, cũng bị vu cáo những tội rất nặng, cũng bị xử trí oan có lần suýt chết! Ủng hộ VNG như ủng hộ một “dân oan” hay “quan oan” vậy! Nhiều người không dám dũng cảm ủng hộ các dân oan ở vườn hoa Mai Xuân Thưởng hay ủng hộ Tiên Lãng, Thái Bình, Văn Giang…thì nay ủng hộ “quan oan” VNG cũng xả được chút ẩn ức mà lại an toàn. Giới trí thức có quá khứ theo đảng thì bám lấy VNG như chiếc phao của hào quang và vinh quang quá khứ để tự an ủi và biện minh cho mình…

Mấy diễn biến kể trên cho thấy quả thực tướng Giáp gặp vận may, những yếu tố khách quan từ những phía, những nhu cầu rất khác nhau thậm chí ngược nhau nhưng lại cùng hội tụ để gây ra hiệu quả chung là một Quốc tang hoành tráng, với nhiều lời khuếch đại, nhiều nét được kích động thêm lên bởi tâm trạng, bởi nhu cầu tự thân của những người trong đám đông tham dự. Tác giả Dạ Ngân dùng chữ “khóc cho chính mình” là quá đúng.
Nói đến vận may của tướng Giáp không thể quên cái vận may “được” mấy chục năm thất sủng và vô hiệu. Bị oan ức ngồi chơi xơi nước hóa ra được đứng ngoài những sai lầm rất tai hại của đảng và nhà nước (......), thành ra vô tội! Đã “vô tội”, lại có công, lại còn bị oan nên mới được tung hô như vậy trong Quốc tang, chứ nếu vẫn được ngồi ghế cao thì tránh sao được vết xe đổ đã được thiết kế từ thời HCM mà không một hậu duệ nào có thể làm khác, thì đám tang sẽ như thế nào, liệu có khác gì những đám tang nhạt nhẽo của những tứ trụ cựu và đương chức, và liệu có vinh dự bằng đám tang của các ông Trần Độ, Võ Văn Kiệt hay không?
Sẽ không thể đánh giá về những chi tiết mâu thuẫn và khó hiểu trong Quốc tang VNG nếu không chú ý đến yếu tố ngầm nhưng “nặng ký” là yếu tố Trung Quốc. VNG và Hoàng Văn Hoan giống nhau ở chỗ cùng cảm phục chủ tịch HCM và Cộng sản nhưng VNG không theo bành trướng Trung Quốc. Quan hệ của VNG với Trung Quốc là quan hệ “cơm không lành canh chẳng ngọt” với những va chạm trong quá khứ mà hai bên phải cố giữ gìn để khỏi bộc lộ công khai. Việc Bộ ngoại giao Việt Nam phải cấp tốc chỉ thị cho khắp kinh đô Hà Nội hạ cờ quốc tang ngay giữa trưa 13-10-2013, khi thi hài VNG chỉ vừa kịp đẩy ra khỏi Hà Nội nhưng chưa kịp hạ thổ, để kịp đón sứ giả Trung Quốc Lý Khắc Cường là sự nhục nhã không thể biện minh (việc để tang thì quy định ngày chứ ai lại quy định giờ?). Đó là cách để ĐCSVN vô hiệu hóa sự cung kính VNG cho Trung Quốc vừa lòng, đồng thời là cách của Thiên triều dạy cho Chư hầu biết rằng nhân vật cao quý nhất của đất nước Việt Nam mà các ngươi đang đưa lên mây xanh cũng không được thất lễ trước một sứ thần thông thường của ta! Nếu quả thực là sứ giả của “tình hữu nghị” thì dịp Quốc tang một nhân vật ưu tú nhất của nước chủ nhà chính là dịp tốt để Lý Khắc Cường lịch sự cúi chào từ biệt người đã khuất và có lời phân ưu với chủ nhà chứ sao chủ nhà lại phải dọn sạch bàn thờ và trút sạch khăn tang để đón khách?
Tuy chưa chống Tàu mạnh mẽ nhưng cũng không ngoan ngoãn theo Tàu như nhiều đồng chí của mình rõ ràng là một trong ba ưu điểm nổi bật của tướng Giáp đáng được ghi nhận. Ưu điểm nữa là ông biết cách huy động lòng yêu nước của dân chúng và có chiến thuật chiến lược thích hợp để từ 34 anh lính đầu tiên mà lập nên một đội quân hùng mạnh đủ sức đánh đuổi những đội quân nhà nghề của những nước lớn. Lại nữa, là võ tướng cao cấp nhất mà không võ biền, biết gắn bó chan hòa với binh sĩ và dân chúng như “phụ tử chi binh”, có quyền chức cao mà không sa đọa, bị thiệt thòi mà không oán giận, nhiều mưu lược mà không mưu mô…, trong một nền độc tài ác tính mà ứng xử “đắc nhân tâm” được như vậy chẳng hiếm có lắm sao? Chỉ tiếc rằng những tố chất đáng quý ấy lại rơi vào tay một chủ nghĩa sai lầm mà tuổi thịnh trị của nó chỉ bằng nửa tuổi thọ của VNG!
- Sở dĩ nói đáng tiếc, bởi những ưu điểm ấy chỉ gắn với công trạng để tôn vinh nếu ta thừa nhận những tiền đề như giá trị của chủ nghĩa Mác Lê, nhân vật HCM, Cách mạng Tháng Tám và chủ nghĩa Xã hội… Nếu những giá trị tiền đề ấy không còn, không được thực tiễn và lịch sử xác nhận thì mọi giá trị xuất phát từ nó và xây dựng trên nó, trong đó có giá trị VNG, tất nhiên cần được xem xét lại, có khi công lại thành tội biết đâu? Bên trên đã đề cập đến những vận may của tướng VNG nhưng đến đây lại nổi lên điều không may rất căn bản của ông.
Xét về nền tảng thì đến nay cái chủ nghĩa Mác-Lê ảo tưởng và quá khích đã được nhân loại tiến bộ đánh giá xong rồi, khỏi cần nhắc lại. Về kết cục thực tế thì nội trị xã hội VN đã như con bệnh ung thư giai đoạn cuối (lời cựu TBT Lê Khả Phiêu), còn ngoại giao thì “Toàn bộ lãnh thổ Việt Nam đã an bài trong tay Trung quốc” ! Phải chăng những chiến công vĩ đại kia chính là kẻ dẫn đường rất ngọt đến kết quả rất đắng hôm nay? Chưa dám kết luận thì cũng xin coi đây là một lời bàn không thể bỏ qua.
Là con người với nhau, nhất là người Việt Nam thì “nghĩa tử là nghĩa tận”, khi lâm chung chỉ nên lưu lại với nhau điều tốt, quên đi những sai lầm, khổ đau. Hơn thế, đại tướng VNG quả là có những tài năng và phẩm chất cá nhân bẩm sinh khác người, vượt trội. Nhưng đã là “nhân vật lịch sử” thì khác. Lịch sử có “barème” nghiêm khắc của nó, một khi lịch sử là sự tiến hóa của nhân loại, vì hạnh phúc của muôn người, lịch sử phải lạnh lùng duy lý, lịch sử phải vượt lên trên mọi sự duy cảm thường tình.
V.Quốc Uy
17-10-2013
(Blog giangnamlangtu)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét