Chủ Nhật, 20 tháng 10, 2013

Ồ ạt xây trung tâm hành chính như cung điện

Ồ ạt xây trung tâm hành chính như cung điện
Các địa phương này đều có cách làm chung là dồn cơ sở hành chính vào một khu vực chung, còn cơ sở cũ thì bán đi để bù đắp chi phí xây trung tâm hành chính hoặc cho thuê, chuyển cho các đơn vị sự nghiệp.
Các tỉnh ồ ạt xây trung tâm hành chính

Chỉ tính riêng trong năm 2013, tỉnh Bình Dương đã có kế hoạch sắp xếp 500 tỉ đồng cho công trình xây dựng tòa nhà hành chính đặt tại thành phố mới Bình Dương (cách TP Thủ Dầu Một 6-7km). Công trình này nằm trong tổng thể khu trung tâm chính trị - hành chính mới trị giá tới 140 triệu USD.

Trung tâm hành chính Bình Dương đang được xây dựng
Trung tâm chính trị - hành chính mới của tỉnh Bình Dương được xây dựng từ tháng 11/2010 trong khu liên hợp đô thị - dịch vụ rộng 1.000 ha. Tổng diện tích trung tâm rộng hơn 20 ha, gồm một nhóm công trình, trong đó nổi bật là tòa tháp cao 21 tầng sẽ là nơi làm việc tập trung các cơ quan của tỉnh.

Theo kế hoạch, sẽ có hàng chục cơ quan cấp tỉnh của Bình Dương sẽ chuyển từ TP Thủ Dầu Một về tòa tháp trung tâm này. Bên cạnh đó còn có một số tòa nhà độc lập là nơi làm việc của các cơ quan trung ương có chi nhánh tại Bình Dương.

Ngoài tòa tháp trung tâm, tỉnh Bình Dương cũng xây dựng một trung tâm hội nghị quy mô lớn tại trung tâm chính trị - hành chính mới, xây dựng công viên và quảng trường với sức chứa hơn 10.000 người... Dự kiến các hạng mục này được hoàn thành trong tháng 10 và 11/2013.

Ông Nguyễn Thành Tài - Giám đốc Sở Xây dựng Bình Dương - cho biết đối với trụ sở cũ của các cơ quan sau khi dời đi, UBND tỉnh đang giao cho Sở Xây dựng rà soát để có phương án xử lý thích hợp. Cụ thể, với các sở đang có trụ sở tại phường Phú Lợi (TP Thủ Dầu Một) sẽ được dùng là nơi làm việc của một số đơn vị sự nghiệp.

Trụ sở một số sở ngành khác được tỉnh Bình Dương bán đấu giá hoặc hoán đổi công năng nhằm thu hồi vốn bù đắp chi phí xây dựng trung tâm chính trị - hành chính mới. Đại diện Sở Xây dựng Bình Dương cho biết những nội dung này đang được sở nghiên cứu để tham mưu cho UBND tỉnh chứ chưa có quyết định cụ thể.

Trung tâm hành chính - chính trị tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đóng tại phường Phước Trung (TP Bà Rịa) trong khu đất rộng khoảng 20 ha, hoạt động từ tháng 4/2012. Trước khi trung tâm hành chính tỉnh dời từ Vũng Tàu về TP Bà Rịa, một số cơ quan ban ngành đã chuyển sang TP Bà Rịa.

Tổng mức đầu tư xây dựng trung tâm này hơn 1.000 tỉ đồng (hiện chưa quyết toán). Nguồn vốn đầu tư xây dựng trung tâm - hành chính chính trị tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu lấy từ ngân sách tỉnh. Một phần ngân sách sẽ thu lại khi tỉnh tiến hành bán đấu giá các khu đất trước đây dùng làm trụ sở các sở ngành tại TP Vũng Tàu.

Xây mới, bán cũ để bù vốn

Chính quyền TP Đà Nẵng đã quyết định bỏ ra hơn 1.700 tỉ đồng để đầu tư xây dựng tòa nhà 34 tầng trên khu đất rộng hơn 23.000 m2 tại địa chỉ 24 Trần Phú (Q.Hải Châu) có sức chứa lên đến hơn 1.500 người. Dự kiến cuối năm nay, sau khi hoàn tất phần xây dựng thì toàn bộ sở, ban ngành của TP Đà Nẵng sẽ tập trung chuyển về tòa nhà này.

Tòa nhà trung tâm hành chính TP Đà Nẵng đang xây dựng 

Theo một lãnh đạo TP Đà Nẵng, hầu hết trụ sở các sở, ban ngành của TP hiện nay là nhà công sản từ thời bao cấp, kiến trúc lạc hậu, sau thời gian sử dụng nay đã xuống cấp. Trung tâm hành chính được xây dựng sẽ là nơi làm việc tập trung của văn phòng HĐND, UBND và các sở ngành TP.

Công trình này được xây dựng từ ngân sách nhà nước bằng cách chuyển quyền sử dụng đất nhà công sản và công sở trên địa bàn.


Cuối tháng 7/2013, chính quyền TP Đà Nẵng đã ra thông báo về việc bán đấu giá một loạt công sở nhà nước. Theo kế hoạch, các công sở sẽ được bàn giao cho bên mua chậm nhất cuối tháng 6/2014.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Công Lang - giám đốc Công ty Quản lý nhà Đà Nẵng, đến nay vẫn chưa bán đấu giá thành công một công sở nào để lấy tiền xây dựng trung tâm hành chính TP.

Tương tự, UBND tỉnh Lâm Đồng đã lên kế hoạch bán và cho thuê 19 biệt thự, năm nhà ở tại Đà Lạt hiện đang được trưng dụng để làm công sở nhằm tạo kinh phí xây khu hành chính tập trung với diện tích sàn 56.000 m2 (trên diện tích đất 3,5 ha) thuộc đường Trần Phú (Đà Lạt). Công trình này có tổng vốn đầu tư 1.014 tỉ đồng.

Tuy nhiên, theo thông tin từ Trung tâm Quản lý nhà Đà Lạt, sau nhiều lần chào giá đến nay vẫn chưa có nhà đầu tư quyết định mua hoặc thuê các biệt thự công. Nguyên nhân là do giá bán và cho thuê quá cao, trong khi thị trường nhà đất đang đóng băng.

Các cơ quan điều phối việc bán biệt thự công tại Đà Lạt như Sở Tài chính, Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng, Trung tâm Quản lý nhà Đà Lạt đang có kiến nghị điều chỉnh giá bán, cho thuê các căn biệt thự để đẩy nhanh tiến độ.

Khu hành chính tập trung và quảng trường lộng lẫy của tỉnh miền núi Lai Châu

Đại biểu Quốc hội: Lộng lẫy như cung điện

Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 19/9, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước đánh giá về Báo cáo của Chính phủ về ngân sách nhà nước do Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày: “báo cáo chưa tổng hợp, đánh giá được định lượng tổn thất, lãng phí bao nhiêu; chưa thể hiện được quyết tâm khắc phục, trách nhiệm của người đứng đầu.”

“Chỉ nói về xây dựng trụ sở, có tỉnh làm rất nghiêm túc, sử dụng hết công năng nhưng có tỉnh xây dựng lộng lẫy như cung điện. Đây là trụ sở phục vụ nhân dân, chứ không phải là nơi du lịch, thăm quan. Xây dựng lộng lẫy gây phản cảm vì dân còn nghèo, tỉnh còn khó khăn”, ông Ksor Phước bày tỏ.

Ngoài ra, vẫn còn hiện tượng mua xe ô tô đắt tiền, nhiều công trình lãng phí, báo chí phản ánh, người dân bức xúc nhưng việc xử lý chưa nghiêm.

Đại biểu Quốc hội Ksor Phước

“Nếu các đồng chí không quyết liệt thì phải chịu trách nhiệm trước Quốc hội. Tôi tin rằng lãng phí còn lớn hơn rất nhiều. Do đó cần khắc phục về mặt quản lý và đặt vấn đề về vai trò người đứng đầu”, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc nêu ý kiến.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Nguyễn Kim Khoa đề nghị báo cáo phải đánh giá rõ thực trạng, có địa chỉ cụ thể: “Ta nói rất nhiều về đầu tư dàn trải, dự án treo, quy hoạch treo..., vậy đến nay giải quyết đến đâu? Việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia cũng có vấn đề nên cần đánh giá giá trị của chương trình, dự án xuống người dân như thế nào. Đầu tư nhiều mà chưa hiệu quả là lãng phí”.

Theo báo cáo, trong 6 tháng đầu năm 2013, các bộ, ngành, địa phương trong cả nước mua mới 168 xe ô tô, với nguyên giá 219,3 tỷ đồng; mua mới các loại tài sản khác có nguyên giá từ 500 triệu đồng trở lên là 106 tài sản, với nguyên giá 982 tỷ đồng.

M.T (Tổng hợp TTO, VOV)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét