Chủ Nhật, 27 tháng 10, 2013

Điều trị bệnh Cao Áp Huyết

Điều trị bệnh Cao Áp Huyết
Theo Tổ chức Y tế Thế giới hiện nay tăng huyết áp được xem là một trong 10 bệnh nguy hiểm ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ nhân loại có thể làm giảm thọ từ 10 đến 20 tuổi. Thực tế cũng đã cho thấy hậu quả của việc điều trị không đúng bệnh tăng huyết áp sẽ dẫn đến tình trạng huyết áp tăng cao đột ngột có thể làm đứt mạch máu não gây xuất huyết não, đột quỵ, suy tim cấp, phù phổi cấp hay tình trạng huyết áp tăng vừa phải thường xuyên sẽ gây ra suy tim mãn, suy thận mãn, tổn thương ở đáy mắt. Qua đó chúng ta thấy hầu hết các biến chứng này đều nguy hiểm tính mạng hoặc không hồi phục. Nhưng trong thực tế việc điều trị tốt bệnh tăng huyết áp để tránh các tai biến nguy hiểm này là đều không dễ dàng thực hiện được.
Tại nhiều nước trên thế giới việc kiểm soát tốt bệnh tăng huyết áp vẫn ở một tỷ lệ khá thấp. Chẳng hạn như bệnh nhân tăng huyết áp được kiểm soát tốt huyết áp dưới mức 140/90mmHg tại Mỹ là 24%, tại Pháp là 24%, tại Canađa là 16%, tại Anh quốc là 6% và tại nhiều nước đang phát triển con số này cũng chỉ khoảng 1- 2%. Qua các con số này cho chúng ta thấy cứ 100 người bị tăng huyết áp thì chỉ khoảng 10 người là có huyết áp được điều trị tốt dưới 140/90mmHg còn là 90 người huyết áp luôn ở mức gây hại cho sức khoẻ. Như vậy làm sao để điều trị tốt bệnh tăng huyết áp và phòng ngừa được các biến chứng của nó, đó chính là mục tiêu của bài nói hôm nay.
Để đạt được mục tiêu này chúng ta cần xem và hiểu 3 vấn đề cơ bản sau đây:

1. Các yếu tố nào làm bệnh tăng huyết áp trở nên nguy hiểm hơn.
2. Làm gì để điều trị tốt bệnh tăng huyết áp.
3. Cách theo dõi huyết áp tại nhà khi đang điều trị tăng huyết áp.

Theo quan niệm hiện nay của Tổ chức Y tế Thế giới thì huyết áp thấp hơn 120/80mmHg được xem là huyết áp tối ưu không gây hại cho sức khoẻ. Trong đó 120 gọi là số huyết áp trên 80 gọi là số huyết áp dưới. Gọi là tăng huyết áp khi số trên cao hơn 140mmHg hoặc số huyết áp dưới cao hơn 90mmHg.

Gọi là tăng huyết áp độ 1 hay độ nhẹ khi: số huyết áp trên từ 140 đến 159mmHg hoặc số huyết áp dưới từ 90 đến 99mmHg.
Gọi là tăng huyết áp độ 2 hay độ trung bình khi: số huyết áp trên từ 160 đến 179mmHg hoặc số huyết áp dưới từ 100 đến 109mmHg.
Gọi là tăng huyết áp độ 3 hay độ nặng khi: số huyết áp trên từ 180mmHgtrở lên hoặc số huyết áp dưới từ 110mmHg trở lên.

Khi số huyết áp trên và dưới thuộc 2 độ khác nhau thì chọn độ theo số huyết áp cao hơn.
Khi đã xác định có bị tăng huyết áp bạn cần xác định thêm 4 yếu tố sẽ làm tác động xấu hơn bệnh tăng huyết áp của bạn. Bốn yếu tố này là:

1. 8 yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch.
2. Tổn thương nội tạng trong cơ thể do tăng huyết áp
3. Bị bệnh đái tháo đường.
4. Có một số bệnh lý khác đi kèm.

Khi bạn càng có`nhiều yếu tố trong 4 yếu tố này thì khả năng bị tai biến do bệnh tăng huyết áp càng tăng cao. Các yếu tố này cụ thể như sau:

8 yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch:


1. Mức độ tăng của số huyết áp trên và số huyết áp dưới từ độ 1 đến độ 3.
2. Phái nam trên 55 tuổi.
3. Phái nữ trên 65 tuổi.
4. Có hút thuốc lá.
5. Bị rối loạn mỡ trong máu. Cụ thể là Cholesterol toàn phần trong máu cao hơn 6,5mmol/l hoặc 250mg%. Hoặc cholesterol gây hại có tênLDL-c cao hơn 4mmol/l hay 155mg% hoặc cholesterol bảo vệ có tên là HDL-c thấp hơn 40mg% ở nam, hay 48mg% ở nữ.
6. Trong gia đình có người bị bệnh tim mạch sớm nam dưới 55 tuổi, nữ dưới 65 tuổi.
7. Bị béo phì vòng bụng, nam có vòng bụng trên 102cm hay nữ có vòng bụng trên 88cm.
8. Trong máu loại protein có tên protein phản ứng C cao hơn 1mg/dl.

Các dạng tổn thương cơ quan nội tạng do tăng huyết áp:

1. Lớn tim: biểu hiện trên điện tâm đồ, siêu âm tim, chụp x quang tim.
2. Suy thận mãn, tổn thương thận dưới dạng tiểu vi đạm niệu.
3. Tổn thương đáy mắt: xuất huyết, xuất tiết võng mạc, phù gai thị.

Bị bệnh tiểu đường:

Tức là đường trong máu khi đói cao hơn 7mmol/l hoặc đường trong máu sau ăn tăng lên 11mmol/l hoặc 198mg%.

Có các bệnh lý khác đi kèm:

1. Đã bị tai biến mạch máu não dù nặng hay nhẹ.
2. Bệnh tim do thiếu máu cơ tim cục bộ dưới các mức độ: cơn đau ngực, nhồi máu cơ tim.
3. Đã bị suy tim, suy thận…
4. Các dạng bệnh lý mạch máu ngoại biên.
Khi đã xác định được tất cả các yếu tố tác động xấu thêm bệnh tăng huyết áp. Bạn phải có thái độ điều trị tích các yếu tố này có thể được

Những việc cần làm để điều trị tốt bệnh tăng huyết áp:

Để điều trị tốt bệnh tăng huyết áp bạn cần thực hiện 3 điều sau đây:
* Đưa được huyết áp về thấp hơn 140/90mmHg.
* Thực hiện tốt các biện pháp điều trị không dùng thuốc và có dùng thuốc
* Điều trị các bệnh lý khác đi kèm theo.

Điều trị để mức huyết áp thấp hơn 140/90mmHg là bạn đã tự giúp cơ thể mình trách được các biến chứng nguy hiểm của bệnh tăng huyết áp như: giảm 40% khả năng bị đứt mạch máu não, 50% khả năng bị suy tim mãn, giảm 30% khả năng bị tai biến mạch máu não tái phát, và nhiều biến chứng khác… Như vậy để đạt được các lợi ích này bạn cần thực hiện các điều sau đây:
* Thực hiện tốt việc điều trị không dùng thuốc và việc điều trị có dùng thuốc.
* Điều trị các bệnh lý khác đi kèm theo nếu có.

Trong điều trị không dùng thuốc bạn cần thực hiện 10 điểm sau đây:

1. Nếu bị béo phì, nên áp dụng chế độ ăn giảm cân: ít đường, ít mỡ, nhiều chất đạm và chất xơ rau quả, trái cây.
2. Nên ăn lạt, không ăn quá 1 muỗng cà- phê muối mỗi ngày. Lượng muối này bao gồm cả lượng muối được nêm trong thức ăn và nước chấm.
3. Nên ăn chất đạm có nguồn gốc từ cá và thực vật hơn là các loại thịt heo, bò, gà…
4. Không nên ăn quá ngọt ngay cả khi không bị tiểu đường…
5. Hạn chế ăn mỡ động vật và dầu dừa. Tốt nhất là dùng dầu ô- liu, dầu hướng dương, dầu mè, dầu đậu nành.
6. Nên ăn nhiều rau cải, trái cây để cung cấp nhiều chất khoáng, vitamin và chất xơ.
7. Ngừng hoặc hạn chế uống nhiều rựơu.
8. Bỏ hẳn hút thuốc lá.
9. Giữ nếp sinh hoạt điều độ, ổn định. Tránh trạng thái căng thẳng, xúc động, lo âu.
10. Rèn luyện thân thể thường xuyên: tập thể dục đều đặn ít nhất 45 phút mỗi ngày, 3 lần trong một tuần nhưng không nên gắng sức.
Trong các vấn đề điều trị không dùng thuốc nêu trên thì hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ nếu có thể loại bỏ được, bỏ hút thuốc lá mang lại các lợi ích sau cho sức khỏe:
Lợi ích tức thì:
20 phút sau ngưng hút thuốc lá huyết áp, mạch và nhiệt độ trở về bình thường.
Sau 24 giờ các cơn đau tim bắt đầu giảm.
Sau 48 giờ ăn uống thấy ngon miệng hơn.
Sau 72 giờ phế quản dãn ra hơn, hô hấp dễ dàng hơn, lượng không khí hít thở tăng nhiều hơn.
Sau 1-9 tháng giảm được những cơn ho, tình trạng thở ngắn và thiếu hơi thở.

Lợi ích lâu dài:
Sau vài tháng ngưng thuốc lá nguy cơ bệnh mạch vành tim bắt đầu giả rõ rệt và sau 3- 5 năm trở về giống như người chưa hút thuốc lá.
Sau10 năm ngưng hút thuốc lá nguy cơ ung thư phổi giảm 30-50%, sau 15 năm nguy cơ ung thư phổi giống như người chưa hút thuốc lá.
Ngưng hút thuốc lá còn làm giảm nguy cơ ung thư khác như ung thư thanh quản, thực quản, tuỵ tạng, bàng quang.
Ngưng hút thuốc lá còn làm giảm các bệnh lý khác như tai biến mạch máu não, tắc mạch máu ở chân, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, viêm phổi và cải thiện được tình trạng khí phế thủng, viêm phế quản.
Ở bệnh nhân tiểu đường ngưng hút thuốc lá làm giảm biến chứng tim mạch và tai biến mạch máu não.

Ngoài vấn đề hút thuốc lá thì uống rượu cũng có nhiều vấn đề cần quan tâm:

1. Uống rượu quá nhiều, thường xuyên say xỉn rất dễ bị đột quỵ, tai biến mạch máu não.
2. Có sự tỉ lệ thuận giữa bệnh tăng huyết áp và sự uống rượu.
3. Người đang uống nhiều thường xuyên khi ngừng rượu khi ngừng rượu đột ngột huyết áp có thể tăng vọt lên và gây tai biến. Do đó nếu bạn đang nghiện rượu khi bỏ rượu cũng phải giảm từ từ trong 3 tháng đến mức độ có thể chấp nhận được.
4. Lượng rượu bia tối đa mà bạn có thể uống mà không gây ảnh hưởng đến tim mạch là không quá 2 lon bia hay 60ml rượu mạnh hoậc1/4 xị rượu đế một ngày.

Điều trị có dùng thuốc:

Mục tiêu: Đưa huyết áp về dưới 140/90mmHg.
Trong điều trị có dùng thuốc bạn cần lưu ý 3 điểm:
1. Phải tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ, tái khám đúng kỳ hẹn. Bạn không nên tự ý mua thuốchạ huyết áp để uống hay uống thuốc theo chỉ dẫn của người quen, lối xóm hay bạn bè lhông phải là bác sĩ.
2. Theo quan niệm hiện nay thuốc hạ huyết áp nên được sử dụng sớm khi có chỉ định và nên phối hợp nhiều loại thuốc hạ huyết áp với liều thấp hơn là sử dụng một loại thuốc với liều cao.
3. Sáu nhóm thuốc hạ huyết áp thường được sử dụng hiện nay có tên là khoa học.
1. Nhóm thuốc lợi tiểu.
2. Nhóm thuốc chẹn kênh canxi
3. Nhóm thuốc ức chế thụ thể bêta
4. Nhóm thuốc ức chế thụ thể alpha
5. Nhóm thuốc ức chế men chuyển
6. Nhóm thuốc ức chế thụ thể angiotensinll

Trong 6 nhóm thuốc chính nêu trên mỗi nhóm có nhiều thế hệ mỗi thế hệ có nhiều dẫn xuất khác nhau, mỗi dẫn xuất lại có nhiều tên thương mạikhác nhau do vậy trên thị trường thuốc hiện nay có đến vài trăm tên thuốc hạ huyết áp.

Khi chọn lựa thuốc huyết áp cho người bệnh thầy thuốc sẽ căn cứ vào 6 yếu tố sau đây:
1. Loại thuốc bệnh nhân đã dùng trước đó và sự dung nạp hay phản ứng phụ của bệnh nhân với loại thuốc này.
2. Khả năng kinh tế của bệnh nhân đáp ứng cho việc sử dụng lâu dài với các loại thuốc hạ huyết áp và những xét nghiệm theo dõi khác kèm theo.
3. Các nguy cơ tim mạch mà bệnh nhân đang có.
4. Sự hiện diện của tổn thương nội tạng do tăng huyết áp hay bệnh tim mạch, bệnh thận và đái tháo đường.
5. Sự hiện diện của các bệnh lý khác như rối loạn mỡ trong máu, hen suyễn, bệnh lý về khớp, u sơ tiền liệt tuyến…các bệnh này có thể thuận lợi hay gây bất lợi khi sử dụng một loại thuốc hạ huyết áp.
6. Tương tác giữa thuốc điều trị tăng huyết áp và các loại thuốc khác mà bệnh nhân đang dùng.

Cần tránh ba sai lầm mà người bệnh hay mắc phải khi chữa trị là:
1. Tự mua thuốc hạ huyết áp để uống. Đã có nhiều trường họp phải đưa đến bệnh viện cấp cứu do tự uống thuốc hạ huyết áp.
2. Chỉ chữa bệnh khi huyết áp tăng cao và ngừng thuốc khi huyết về bình thường.
3. Uống lâu dài với 1 toa thuốc mà không tái khám để đánh giá lại tình trạng bệnh.

Trong quá trình điều trị khi theo dõi huyết áp tại nhà bạn cần lưu ý:

1. Phải có sổ theo dõi huyết áp, trong sổ náy bạn ghi số đo huyết áp mỗi ngày 1-3 lần, triệu chứng bất thường trong ngày, thuốc uống trong ngày. Bạn trình cho bác sĩ điều trị sổ này mỗi lần tái khám.

2. Cách dùng máy đo huyết áp điện tử tại nhà: Đa phần bà con sau khi đưa mua máy đo huyết áp điện tử đều bị khủng hoảng trong thời gian đầu vì bạn thường đo huyết áp rất nhiều lần trong ngày mà mỗi lần đo máy điện tử thường cho một số đo khác nhau nên người bệnh cho là huyết áp của mình không ổn định. Từ đó dẫn đến bất an hay khủng hoảng tâm lý. Cho nên khi theo dõi huyết áp tại nhà bạn chỉ nên đo huyết áp 1-3 lần trong ngày, mỗi lần đo huyết áp nên đo 2 lần liên tiếp cách nhau vài phút rồi lấy trung bình 2 lần đo. Cần nhớ phải nằm nghĩ khoảng 15 phút trước khi đo. Trước khi đo huyết áp 30 phút không được uống rượu, cà phê hay hút thuốc lá. Không nên đo huyết áp sau khi ăn sau khi mới ngủ dậy.

Như vậy khi tuân thủ đúng các hướng dẫn điều trị và theo dõi của bác sĩ huyết áp của bạn được đưa về thấp hơn 140/90mmHg. Lúc này bạn sẽ thấy mình có cuộc sống thoải mái bình thường không phải lo âu về biến chứng của bệnh tăng huyết áp. Bài nói đến đây là hết, cám ơn sự lắng nghe của quí vị và các bạn.

BS Phan Hữu Phước - Thạc Sĩ Lão Khoa
Trưởng khoa Lão học – BV. Nguyễn Trãi

Đo Huyết Áp Đúng Cách

Huyết áp là áp xuất của máu vào thành động mạch. Huyết áp trung bình là dưới 120/80 mmHg. Trên số này sau ba lần đo là bị Cao huyết áp. Cao Huyết áp vẫn được coi là Tên Sát Nhân Thầm Lặng-Silent Killer, vì có khả năng giết người mà không báo trước.

Người bị cao huyết áp cần được điều trị lâu dài. Bệnh nhân cần tham dự và hợp tác với bác sĩ trong việc điều trị này. Một trong những hình thức hợp tác rất quan trọng là sự tự đo huyết áp.

Sau đây là mục đích của tự đo huyết áp:

-Biết huyết áp của mình cao thấp là bao nhiêu, để thay đổi nếp sống, giữ gìn ăn uống và coi xem thuốc hạ huyết áp có công hiệu hay không;
-Cho bác sĩ hay kết quả đo huyết áp để bác sĩ điều chỉnh dược phẩm, duy trì huyết áp ở mức độ chấp nhận được;
-Để phòng tránh các hậu quả trầm trọng khi huyết áp đột nhiên lên cao, như tai biến não, heart attack, suy thận, khiếm thị do tổn thương võng mạc…

Do đó, bệnh nhân bị cao huyết áp cần phải thường xuyên đo huyết áp ở nhà một cách đều đặn. Việc này tưởng như giản dị, nhưng cũng có nhiều điều cần lưu ý, để kết quả được chính xác.

Xin nhắc lại là huyết áp thay đổi tùy theo sự hoạt động của cơ thể và tùy theo thời gian trong ngày. Huyết áp thấp nhất vào ban đêm trong khi ta ngủ, cho tới khi ta thức dậy vào buổi sáng. Ngay sau khi ta đứng dậy rời khỏi giường và bắt đầu sinh hoạt thì huyết áp bắt đầu nhích lên tới cao độ vào buổi trưa. Tới nửa chiều thì huyết áp xuống dần cho tới tối.

Nếu vào buổi sáng mà huyết áp lên cao và tiếp tục cao suốt ngày thì có thể là ta bị cao huyết áp. Nên đo và ghi số kết quả trong vài ngày và cho bác sĩ hay để xác định bệnh.
Một số thắc mắc thường được nêu ra là khi nào đo huyết áp? Đo bao nhiêu lần trong ngày? Tại sao khi đi bác sĩ thì huyết áp cao hơn là khi đo ở nhà? Tại sao kết quả đo không giống nhau sau khi đo hai ba lần? Máy đo huyết áp nào tốt?…

Xin lần lượt tìm hiểu.

Bao giờ thì đo và đo mấy lần trong ngày?

Tùy theo tình trạng bệnh nặng hay nhẹ, bác sĩ gia đình sẽ cho ta hay là phải đo bao nhiêu lần trong ngày.
Thường thường có thể đo vào buổi sáng trước khi uống thuốc hạ huyết áp hoặc ăn điểm tâm.
Không dưới 1 giờ sau khi vận động cơ thể, hút thuốc lá hoặc uống cà phê.
Nên nhớ là cần ngồi nghỉ thoải mái khoảng 10 phút để cơ thể thích nghi với nhiệt độ trong phòng.
Không đặt máy đo ở cánh tay bị thương hoặc đang được truyền dịch tĩnh mạch.
Phụ nữ đã cắt bỏ một bên nhũ hoa bị bệnh, nên đo ở cánh tay phía bên kia;
Không đo huyết áp ngay sau khi vận động cơ thể hoặc đang trong tình trạng căng thẳng tinh thần
Ta có thể đo hai lần một ngày trong hai tuần rồi một lần mỗi ngày trước khi uống thuốc. Khi máu đã tương đối bình thường thì chỉ cần đo vài lần trong tuần.

Làm gì trước khi đo?

-Đi tiểu dốc hết bầu tâm sự trước khi đo;
-Ngồi nghỉ khoảng dăm ba phút, không nói chuyện trước khi đo;
-Ngồi thoải mái trên một cái ghế có dựa lưng và dựa tay, hai chân thoải mái để xuống sàn nhà, không bắt chéo cẳng chân;
-Vén tay áo, đặt cánh tay lên mặt bàn, ngang tầm trái tim, bàn tay ngửa;
-Nhẹ nhàng quấn vòng bít (băng huyết áp) xung quanh phần trên của cánh tay trần. Quấn vừa chặt để ta vẫn luồn được ngón tay vào giữa vòng và da;
-Nhớ đặt phần dưới của vòng khoảng ½ cm trên nếp gấp của khủyu tay;

Có mấy loại máy đo huyết áp ?

Có hai loại hiện đang rất phổ biến:

a- Loại máy bơm bằng tay, có kim đồng hồ chỉ số huyết áp trong khi ta nghe nhịp tim bằng ống nghe. Loại này dễ mang theo khi di chuyển, có sẵn ống nghe nhịp tim, giá tiền vừa phải từ 20-30 mỹ kim. Nhưng máy có vài điểm bất tiện là dễ hư, không chính xác, không thuận tiện cho người lãng tai vì phải nghe nhịp tim bằng ống nghe. Mà lão niên thì cũng hay nghễnh ngãng, kém nghe.

b-Máy digital hiện nay phổ thông hơn, dễ đọc vì con số hiện trên màn ảnh, dễ sử dụng, tiện lợi cho người bị kém thính giác vì không phải nghe nhịp tim. Một vài loại máy có thể in kết quả, nhờ đó ta không phải ghi vào sổ tay. Máy có thể bơm căng bằng tay hay tự động, xả hơi thì tự động.

Bất tiện của máy trước hết là đắt tiền hơn, từ 40 tới 100 mỹ kim; độ chính xác của máy thay đổi khi cơ thể cử động hay khi nhịp tim không đều; máy cũng cần cục pin để điều hành.

Ít nhất mỗi năm một lần, mang máy đo huyết áp tới nhờ bác sĩ hoặc y tá kiểm soát coi xem máy còn hoạt động tốt hay không.

Máy đo với ống nghe:

-Mang ống nghe nhịp tim vào hai tai;
-Đặt đĩa nghe nhịp tim của ống nghe vào phía trong của nếp gấp khuỷu tay;
-Lẹ làng bơm vòng băng cho tới khi vượt quá huyết áp tâm thu (S) thường lệ khoảng 30-40 điểm. Bơm quá chậm có thể làm số đo sai lệch.
-Từ từ nhả van khoảng 2-3 mmHg/ 1giây để không khí thoát ra. Nhả quá nhanh ta sẽ không đọc được kết quả.
-Trong khi không khí bắt đầu thoát ra thì tai để ý nghe nhịp tim xuất hiện. Khi nghe thấy tiếng đập đầu tiên thì đó là huyết áp tâm thu.
-Tiếp tục từ từ thả không khí, khi không còn nghe tiếng tim đập thì lúc đó là huyết áp tâm trương.
-Ghi kết quả, huyết áp tâm thu trước rồi đến huyết áp tâm trương. Chẳng hạn 120/80 mmHg.
-Nếu muốn đo lại, nên đợi chừng vài ba phút rồi lại bơm hơi.
Thường thường nên đo ba lần, cách nhau 5 phút.
Nên đo ở cả hai cánh tay, bên nào có số đo cao thì lấy số đó làm kết quả chính thức.

Máy digital

Máy có loại đo ở cổ tay hoặc cánh tay, đôi khi cũng đo được ở cổ chân.
-Đặt vòng bít vào cánh tay. Ấn nút điện khởi động máy.
-Bơm tự động sẽ bắt đầu đưa hơi vào vòng bít rồi từ từ nhả hơi.
-Đọc kết quả huyết áp trên màn hình và ghi kết quả.
-Muốn đo lại, đợi vài ba phút.
Nên dè dặt với kết quả từ các máy đo công cộng ở siêu thị, không được chính xác vì máy không được điều chỉnh và cũng vì vòng băng có thể không vừa với cánh tay của mình.

Những yếu tố nào ảnh hưởng tới huyết áp?

Huyết áp có thể tạm thời thay đổi trong những hoàn cảnh sau đây:

-Khi ta ở trong tâm trạng lo âu căng thẳng thì huyết áp tăng lên đáng kể và sẽ trở lại bình thường sau khi ta thoải mái thư giãn. Vì thế khi đi khám bệnh huyết áp thường hơi cao hơn khi đo ở nhà vì nhiều người lúc đó cũng hơi emotion (xúc động). Và cũng vì thế, nên nghỉ vài phút trước khi đo.
-Nghiên cứu cho hay trong khi đo mà ta nói chuyện với người khác hoặc với nhân viên y tế, huyết áp cũng lên cao. Vì thế nên giữ im lặng trong khi đo.
-Nhiệt độ xung quanh như phòng quá lạnh, mạch máu co lại cũng khiến cho huyết áp tạm thời nhích cao.
-Băng huyết áp quá nhỏ so với cánh tay có thể tăng huyết áp tới cả chục mmHg mà băng quá lớn lại cho số đo thấp hơn thường lệ.
-Khi đo, nên để cánh tay trực tiếp với băng huyết áp, vì nếu mặc áo, huyết áp có thể cao hơn thường lệ. Nhớ cất bỏ trang sức vướng víu cánh tay, cổ tay
-Đo huyết áp khi không ngồi nghỉ mấy phút có thể khiến cho huyết áp tâm thu tạm cao tới 10-20mmHg.
-Vị thế ngồi khi đo cũng quan trọng. Khi đo, nên ngồi hết sức thoải mái trên ghế, dựa lưng vào thành ghế, để cánh tay trên chỗ dựa tay ngang tầm trái tim, hai bàn chân chạm mặt đất, chân để thẳng không bắt chéo. Chéo chân có thể làm huyết tăng vài ba độ; cánh tay thấp hơn tim tăng huyết áp tới 2 độ mà thấp hơn cũng giảm vài ba độ.
-Hút thuốc lá trước khi đo huyết áp sẽ cao hơn, vì chất nicotine trong thuốc là làm mạch máu co lại và sức ép của máu lên động mạch tăng. Vậy thì đừng hút thuốc lá trước khi đo.
-Rượu và cà phê cũng làm tăng huyết áp, vậy ta nên tránh trước khi đo huyết áp.
-Ăn quá no huyết áp cũng hơi nhích cao, ví thể chỉ đo trước bữa ăn hoặc sau đó vài giờ;
-Và nhớ trút hết bầu tâm sự trước khi đo, vì bàng quang đầy nước tiểu cũng khiến cho huyết áp tâm thu tăng tới 10-15mmHg.
-Nhưng đừng đo huyết áp sau khi đại tiện, huyết áp sẽ cao vì đại tiện cũng là một activity.
-Một vài loại dược phẩm như thuốc chống cảm dị ứng, thuốc steroid, chữa viêm khớp, hen suyễn cũng khiến huyết áp lên cao.

Tóm lại, tự đo huyết áp cũng không lấy gì là khó, quý thân hữu nhỉ. Chì cần để ý tới các điều kể trên là có kết quả chính xác rồi. Tuy nhiên, cũng xin đừng quên hẹn tái khám với bác sĩ theo đúng ngày hẹn để được theo dõi bởi nhà chuyên môn và cũng để tìm hiểu coi có biến chứng hay không.

Chúc quý thân hữu bình an, với huyết áp ở mức độ bình thường.

Bác sĩ Nguyễn Ý Đức

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét