Thứ Sáu, 25 tháng 10, 2013

Học sinh nông thôn nương nhờ cửa miếu “kiếm chữ”

Giáo dục thời bác Nhân, bác Luận:
Học sinh nông thôn nương nhờ cửa miếu, nhà văn hóa “kiếm chữ”
Trong khi nhiều công trình nghìn tỷ bỏ hoang, thì tại nhiều vùng nông thôn, học sinh không được đến trường do không có lớp để học hoặc phải chịu cảnh học ké tại những ngôi miếu, nhà văn hóa hay bất cứ nơi đâu còn chỗ trống.
“Heo vàng” tìm chữ bằng những phòng học “di động”
Trẻ em đang học ké trong nhà sinh hoạt văn hóa thôn Bản Long 
xã Tam Tiến, huyện Núi Thành, Quảng Nam (Ảnh: Dân Việt)
Từ đầu năm học đến nay, hơn 140 học sinh hai khối lớp 4 và lớp 5 của Trường tiểu học Cẩm Phô (phường Cẩm Phô, TP Hội An, Quảng Nam) phải học tạm tại ở Khổng miếu (miếu thờ Khổng Tử - PV) - một ngôi miếu trong phường vì nhà trường không đủ phòng học.

Bốn gian lớp học này được ngăn cách bởi những tấm phên tạm bợ, không cách âm, thiếu ánh sáng. Thậm chí có lớp nằm ngay sát vách, nơi người khuyết tật đang làm việc cùng không gian hết sức chật chội.

Tình trạng học tạm này còn tiếp diễn đến tháng 1/2014 do phải đợi công trình xây mới 12 phòng học của nhà trường hoàn thiện. Trong quá trình xây dựng, ngoài phương án cho các em học nhờ tại miếu thờ không còn phương án thay thế khi tại các trường trên địa bàn đều không dư phòng học.

Tương tự, tình trạng thiếu lớp học cũng xảy ra tại các địa bàn khác, nhất là vùng nông thôn trên cả nước. Xã Tam Tiến, huyện Núi Thành, Quảng Nam có 359 em đang học mẫu giáo, nhưng chỉ có một điểm trường chính Trùng Dương, còn lại phụ thuộc vào những lớp học tại 12 thôn. Trong khi đó, tại các thôn không có lớp học cho trẻ, nhà văn hóa thôn đã được trưng dụng làm lớp học cho trẻ mầm non.

Cô giáo Bùi Thị Gái - dạy lớp mẫu giáo thôn Bản Long - tâm sự: Lớp có 24 trẻ. Mấy năm trước, chúng tôi tổ chức lớp ở điểm trường phía sau UBND xã Tam Tiến. Nhưng lâu ngày trường bị xuống cấp, hư hỏng, không thể tiếp tục học. Ở đây chưa có bảng để viết, chúng tôi đành mượn tấm bảng của nhà văn hóa. Bàn ghế thiếu trầm trọng. Chúng tôi phải xin của phụ huynh mới có cho các em ngồi. Nhiều lúc đang dạy học, nhưng thôn có việc họp đột xuất, cô và trò đành dừng lại nhường chỗ cho bà con họp. Khi họ họp xong lại học tiếp.

Trường Mầm non xã Kim Tân (Kim Sơn, Ninh Bình) còn rơi vào tình cảnh 400 học sinh và giáo viên phải học nhờ tại 6 điểm khác nhau trong xã, trong đó có hai nhà văn hóa, một điểm học nhờ trường THCS, một điểm mượn chốt tiền tiêu của bộ đội biên phòng. Riêng Ban Giám hiệu phải mượn tạm nhà dân làm văn phòng.

Tại Yên Bái, thống kê của Sở GĐĐT cho biết: toàn tỉnh thiếu 316 phòng học mầm non. Ông Trần Xuân Hưng - Giám đốc Sở Giáo dục - Đầu tư cho biết: Để có đủ chỗ học cho trẻ, ngành giáo dục phải mượn các nhà văn hóa thôn bản, thuê nhà dân và các nhà công vụ khác làm lớp học.

Cũng theo ông Trần Xuân Hưng, vì thiếu trường lớp mà việc phổ cập giáo dục cho trẻ 5 tuổi của tỉnh phải xin phép điều chỉnh chậm lại một năm (trước dự kiến hoàn thành năm 2014). Nhiều vùng còn không dám nhận trẻ dưới 36 tháng tuổi để ưu tiên lớp học cho các trẻ lớn hơn.

Tại Bình Phước, tình trạng học ghé tạm bợ cũng xảy ra ở nhiều xã. Ông Nguyễn Văn Hùng - Giám đốc Sở GDĐT Bình Phước thừa nhận: “Các địa phương còn thiếu phòng học và thiếu bếp ăn đã phải mượn nhà văn hóa thôn, ấp và sử dụng thêm nhà công vụ”.

Theo Vụ Giáo dục mầm non (Bộ GDĐT), năm học này, cả nước còn 365/11.124 xã, phường, thị trấn chưa có trường mầm non; 2.879 thôn, bản chưa có nhóm, lớp mầm non, tập trung ở các tỉnh Lạng Sơn, Vĩnh Long, Kiên Giang, Long An, Hòa Bình... Cả nước vẫn còn 12.530 phòng học nhờ, mượn (chiếm 8,4%). Vì thiếu phòng học, nhiều nơi số trẻ trong độ tuổi mầm non đến lớp chỉ đạt 18-20%.

Trong khi các khu đô thị, nhà cao tầng mọc lên ầm ầm, thì tình trạng thiếu chỗ học ngày càng gay gắt. Dù rằng: mục tiêu phổ cập giáo dục luôn được đề ra là mục tiêu, ưu tiên hàng đầu của ngành giáo dục. Thế nhưng, việc đơn giản là có lớp để học lại trở thành xa xỉ. “An cư” mới “lập nghiệp”, học sinh mà cứ phải chạy đôn đáo, nương nhờ “cửa miếu” thì liệu chất lượng học tập đảm bảo?
Tổng hợp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét