Thứ Ba, 1 tháng 10, 2013

Tin được không: “Nói con số không đáng tin cậy là không công bằng”

Càng đọc càng thấy bác Lâm trả lời thiếu thuyết phục và càng lộ rõ số liệu thống kê Việt Nam không đáng tin cậy. Chưa nói tới cách điều tra, thu thập, ước lượng tùy tiện thiếu chính xác hoặc được điều chỉnh cho phù hợp với ý đồ cấp trên, riêng về mặt phương pháp luận đã có những vấn đề khá trầm trọng, đặc biệt là nội hàm của các chỉ tiêu thống kê của ta rất khác so với quốc tế. Đối với trả lời của bác Lâm, chúng ta thấy:
Qua trả lời câu 1, bác thừa nhận các tỉnh tính GDP có hiện tượng vừa bị trùng, vừa bị bỏ sót về mặt phạm vi, đồng thời tính toán GDP vẫn bị bệnh thành tích ở địa phương. Như vậy 
số liệu thống kê đương nhiên sẽ không đáng tin cậy.
Đối với câu 2, bác nói người VN cần cù lao động, mất việc làm tìm việc khác; đâu có dễ như vậy. Mặt khác, làm gì có chuyện ở các nước phát triển người thất nghiệp cứ ở nhà nhận được tiền đủ sống; số tiền đó quá thấp và thời gian được hưởng tiền thất nghiệp không dài nên họ vẫn phải tìm việc làm tạm thời để có thêm nguồn cân đối chi tiêu. Mặc dù có việc tạm thời như vậy, họ vẫn là người thất nghiệp, vẫn nằm trong danh sách thất nghiệp và được hưởng lương thất nghiệp, chứ không phải như bác Lâm nghĩ khi thiếu việc làm và tham gia lao động phi chính thức thì họ không còn là người thất nghiệp nữa (ví dụ xem trường hợp Thụy sĩ ở đây). Do vậy, theo cách thống kê phương Tây, tất cả người mất việc do suy trầm kinh tế của ta hiện nay đều là người thất nghiệp và được tính vào tỷ lệ thất nghiệp, dù họ đang có việc làm tạm thời, vì vậy tỷ lệ thất nghiệp ở ta phải tăng lên mới đúng.
Câu thứ 3 thì đã rõ: Có sự không khớp nhau giữa Tổng cục Thống kê và Bộ Tài chính về quan niệm thế nào là doanh nghiệp giải thể, đóng cửa; hậu quả là sinh ra các con số khác nhau và người ta không biết nên dùng con số nào.
Về câu 4, phóng viên hỏi một câu khá ngớ ngẩn, bác Lâm trả lời rất đúng là thống kê sử dụng một phương pháp và áp dụng cho tất cả các năm, nên dù kinh tế ổn định hay biến động cũng không được chỉnh sửa cho đẹp. Tuy nhiên, các nhà kinh tế đang nghi ngờ và không tin các kết quả tính toán của ngành thống kê vì chúng đều quá đẹp so với thực tiễn đất nước, đẹp đến mức vô lý... Điều này bác Lâm đã không trả lời.

Phó tổng cục trưởng tổng cục Thống kê
“Nói con số không đáng tin cậy là không công bằng”
SGTT.VN - Trong khi dư luận đang băn khoăn vì có một số ý kiến cho rằng các số liệu thống kê không chuẩn, ông Nguyễn Bích Lâm, phó tổng cục trưởng tổng cục Thống kê đã có cuộc trao đổi với phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị chiều 29.9.

Ông Nguyễn Bích Lâm.
1. Thưa ông, việc GDP của địa phương và Trung ương không khớp nhau là do đâu?

Ở các nước, họ tính GDP cho toàn bộ nền kinh tế. Còn ở Việt Nam, do phục vụ yêu cầu của UBND tỉnh, thành phố trong đánh giá, điều hành, dự báo tình hình, nên phải tính cả chỉ tiêu GDP cho tỉnh.
Theo đúng thông lệ quốc tế thì phải tính theo đơn vị thường trú. Chẳng hạn như một đơn vị xây dựng, giả sử trụ sở chính ở Hà Nội, nhưng nhận công trình ở Nghệ An. Tất cả các tính toán hạch toán luôn vào doanh nghiệp mẹ ở Hà Nội.
Các tỉnh khó thu thập các số liệu của các doanh nghiệp mẹ đóng ở Hà Nội, khó tách bao nhiêu cho Nghệ An. Cho nên việc tính GDP cho tỉnh hiện nay vẫn có cái bất cập, ngành thống kê cố gắng thu thập theo đơn vị cơ sở nhưng hiện nay vẫn chưa hoàn thiện được. Các tỉnh tính GDP có hiện tượng vừa bị trùng, vừa bị bỏ sót về mặt phạm vi.

Cái thứ hai, hiện nay tính toán GDP vẫn bị bệnh thành tích ở địa phương. Việc gửi báo cáo cho UBND tỉnh, thành phố nhiều khi vẫn có chuyện “bảo về xem xét lại, thế này thế kia”. Giả sử nghị quyết của HĐND, đặc biệt là nghị quyết của Đảng bộ tỉnh, thành phố đưa ra rất cao, xây dựng mục tiêu rất cao, báo cáo thì cố gắng thực hiện mục tiêu nghị quyết đã đặt ra... Cho nên tốc độ tăng GDP cả nước và các tỉnh có sự lệch nhau như thế.

Hiện tượng này chúng tôi biết nhiều năm rồi, giờ ngành thống kê đang cố gắng nghiên cứu để có quy trình tính toán làm sao để phù hợp hơn.

2. Tỷ lệ thất nghiệp thấp thì sao, thưa ông?

Có một thực trạng hiện nay là tại sao nền kinh tế khó khăn như thế, tại sao chỉ tiêu thất nghiệp cứ giảm. Chúng tôi cũng khá ngạc nhiên về hiện tượng như thế từ những năm 2011, từ 2012. Chúng tôi rà kỹ lại. Việt Nam có hiện tượng, người dân Việt Nam cần cù lao động, khi doanh nghiệp đóng cửa thì tìm việc khác làm. Ở các nước phát triển có quỹ bảo hiểm thất nghiệp lớn, họ cứ ở nhà nhận được tiền đủ sống, khi khó khăn thì tỷ lệ thất nghiệp tăng. 


Còn ở Việt Nam, khi kinh tế khó khăn, người dân tìm việc khác để làm, nếu không thì về nông thôn, hoặc phục vụ gia đình. Do đó lao động chuyển từ khu vực chính thức sang phục vụ gia đình, làm hàng ăn, làm phi chính thức. Số thất nghiệp của Việt Nam phải nghiên cứu ba chỉ tiêu: thất nghiệp, thiếu việc làm và lao động ở khu vực phi chính thức. Như vậy mới phản ánh đầy đủ bức tranh lao động của Việt Nam, khi mà chúng tôi thấy thất nghiệp giảm đi, tỷ lệ thiếu việc làm và lao động phi chính thức tăng lên. Nếu nghiên cứu cả ba mới thấy thất nghiệp Việt Nam giảm đi là phù hợp.

3. Thế còn số liệu doanh nghiệp đóng cửa?

Doanh nghiệp giải thể có cái bất cập, quy trình và thủ tục giải thể có nhiều yêu cầu. Nếu doanh nghiệp còn nợ thuế, thì cơ quan thuế chưa cấp giấy đồng ý giải thể. Số liệu giải thể hiện nay khác nhau, thống kê đi thu thập số liệu vì khác với cơ quan thuế, bởi vì mục tiêu mỗi cơ quan khác nhau. Chúng tôi thấy không hoạt động thì cho là giải thể. Nhưng cơ quan thuế thì yêu cầu phải hoàn thành hết các thủ tục thuế, kể cả nợ thuế.

4. Thống kê theo kỹ thuật như ông nói là hợp lý, nhưng khi kinh tế khó khăn cần con số hợp lý, giúp Chính phủ điều hành?

Thống kê là ngành nghiệp vụ chuyên sâu nên thu thập, xử lý tính toán công bố là có cả một phương pháp của nó, áp dụng cho tất cả các năm, theo thông lệ quốc tế, chứ không phải năm này làm một kiểu, năm khác làm một kiểu, khi kinh tế khó khăn làm kiểu khác.

Lúc kinh tế khó khăn kêu là không đáng tin cậy, lúc không khó khăn kêu tin cậy là không phải.

Ví dụ chỉ số giá không tăng, ổn định thì không sao, nhưng khi tăng do các chính sách vĩ mô, do điều chỉnh một số thứ, năm ngoái chẳng hạn như giá dịch vụ y tế tăng lên, khi đó một số người kêu thống kê không tin cậy, quay lại hỏi thống kê là phương pháp luận thế nào. Phương pháp tính CPI thì năm nào, tháng nào chẳng như nhau. Cho nên mọi người cứ kêu chất lượng số liệu thế này thế kia trong lúc kinh tế khó khăn là không đúng và không công bằng.

VIỆT ANH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét