Những Biện Pháp Kích Cầu
Hậu quả bất lường của biện pháp cứu nguy kinh tế
Hậu quả bất lường của biện pháp cứu nguy kinh tế
* AFP photo - Bộ trưởng thương mại các nước tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới
tại Davos hôm 28/1/2012 với chủ đề "After Doha: The future of global trade".*
Vũ Hoàng & Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA Ngày 20120308
Trong vụ Tổng suy trầm vừa qua của kinh tế thế giới, các quốc gia đều cố gắng áp dụng một số biện pháp kích thích thuộc loại kinh điển, như hạ lãi suất, bơm tín dụng, giảm thuế hay tăng chi ngân sách.
Bốn năm sau, hình như những biện pháp trên vẫn chưa đạt kết quả, ngay cả với trường hợp Trung Quốc là một xứ đã tăng chi và bơm tín dụng tới mức kỷ lục lên đến 40% Tổng sản lượng. Diễn đàn Kinh tế tìm hiểu sự kiện đó qua phần trao đổi cùng nhà tư vấn kinh tế của đài Á châu tự do là chuyên gia Nguyễn Xuân Nghĩa.
Hậu quả bất lường
Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nghĩa. Thưa ông, đầu năm 2008, khi kinh tế Hoa Kỳ trước tiên suy trầm và một số ngân hàng đầu tư bị chấn động, Chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống George W. Bush cùng Ngân hàng Trung ương đã lập tức ban hành biện pháp kích thích kinh tế. Rồi khi suy trầm lan rộng trong mấy năm kế tiếp và trở thành nạn Tổng suy trầm toàn cầu, các quốc gia khác cũng ứng phó bằng nhiều phương thức được coi là kinh điển. Nhưng cho đến nay thì tình hình chung có vẻ như chưa sáng sủa mà nhiều xứ còn gặp vấn đề khác nên người ta tranh luận khá nhiều về sự hữu hiệu của các biện pháp này. Tiết mục chuyên đề của chúng ta sẽ cố gắng tìm hiểu về hiện tượng đó, ông nghĩ thế nào?