Thứ Hai, 26 tháng 3, 2012

Lạm phát tháng 3 tăng chậm nhờ thắt chặt tiền tệ năm 2011

Lý giải việc lạm phát tháng 3 tăng chậm
Nhờ thắt chặt tiền tệ năm 2011

SGTT.VN - Theo công bố của tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng tháng 3.2012 chỉ tăng 0,16% so với tháng 2.2012 bất chấp việc giá xăng RON 92 đã được điều chỉnh tăng mạnh thêm 2.100 đồng/lít vào 7.3.2012.

Như vậy CPI tính theo năm tiếp tục xu hướng giảm, từ mức 16,42% vào tháng trước xuống còn 14,13% vào tháng này. Với mức tăng thấp như vậy, có lẽ đây là lần đầu tiên trong vài năm gần đây nạn “té nước theo mưa” đã không xuất hiện sau những đợt tăng giá các hàng hoá cơ bản như xăng dầu hay điện như trước đây. Thắt chặt cung tiền năm 2011 là nguyên nhân chính khiến cho hiện tượng “xấu” này không xảy ra.
 

Giá xăng tăng ít ảnh hướng tới CPI trong tháng 2.2012

Chi phí đầu vào tăng cao nhưng chỉ số giá tiêu dùng không tăng nhiều
 đồng nghĩa với việc doanh nghiệp phải chịu gánh nặng... Ảnh: Đặng Hoàng

Trong suy nghĩ của mọi người, những người bán hàng Việt Nam thường có tính xấu là hay “té nước theo mưa”, tức là khi thấy Chính phủ điều chỉnh một loại hàng hoá thiết yếu nào đó, như xăng dầu hoặc điện, hoặc tăng lương bổng, v.v. thì ngay lập tức sẽ lấy đó làm cớ để tăng giá các mặt hàng mà mình cung cấp.


Trong quá khứ những lần tăng giá xăng đều làm lạm phát những tháng sau đó leo thang nhanh chóng. Thời điểm tăng giá xăng ảnh hưởng mạnh mẽ nhất lên chỉ số giá tiêu dùng có thể kể đến thời điểm 14.1.2010 và 21.2.2010, giá xăng đã điều chỉnh tăng liên tiếp từ 15.950 đồng/lít lên mức 16.400 đồng/lít và 16.990 đồng/lít. Chỉ số giá tiêu dùng tính theo tháng trong tháng 2.2010 và tháng 3.2010 đã tăng mạnh ở các mức tương ứng là 1,96% và 0,75%.

Trong năm 2011, giá xăng một lần nữa được điều chỉnh liên tiếp trong tháng 2.2011 và tháng 3.2011, tăng từ mức 16.400 đồng/lít lên mức 19.300 đồng/lít và 21.300 đồng/lít. Chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 3.2011 và tháng 4.2011 sau đó cũng ở mức cao 2,17% và 3,32%.

Tuy nhiên trong tháng 3.2012 mọi chuyện lại hoàn toàn khác. Mặc dù giá xăng tăng ngày 7.3.2012 được phản ánh ngay vào trong chỉ số giá tiêu dùng tháng 3.2012, nhưng chỉ số giá tiêu dùng tháng 3.2012 lại chỉ tăng 0,16%, tiếp nối xu hướng giảm của chỉ số này tính theo năm từ tháng 8.2011. Tỉnh Long An thậm chí còn ghi nhận mức giảm 1,7% trong chỉ số giá tiêu dùng tháng 3.2012.

CPI tháng này tăng chủ yếu từ các nhóm hàng hoá có liên quan trực tiếp đến gas và xăng dầu. Cụ thể, tăng giá mạnh nhất là nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng, với 2,31%, tiếp theo là nhóm giao thông tăng 1,08%. Trong khi đó, giá nhóm hàng hoá lương thực và thực phẩm lại giảm.

Ghi nhận thị trường ngày 24.3.2012 cho thấy giá cả chỉ tăng lẻ tẻ ở một số mặt hàng thay vì tăng đồng loạt như những đợt tăng giá xăng dầu trước đây. Nguyên nhân chủ yếu là do sức mua của người dân yếu.







Thắt chặt cung tiền ghìm cương lạm phát


Như vậy, mặc dù trong thời gian qua đã có sự tăng mạnh giá cả các yếu tố đầu vào, bao gồm giá điện, giá gas, và giá xăng dầu, nhưng mức giá cả chung lại không tăng đáng kể. CPI trong quý 1/2012 chỉ ở mức 2,53%, thấp nhất trong gần một thập kỷ qua, ngoại trừ năm 2003 và 2009 có mức tăng tương ứng là 2,5% và 1,32%.

Sự khác biệt chủ yếu ở thời điểm hiện tại so với các thời điểm tăng giá xăng trước đó là mức cung tiền trong nền kinh tế. Ở Việt Nam, thông thường cung tiền tác động tới giá cả có độ trễ từ 6 – 9 tháng. Trong những năm trước, tốc độ tăng trưởng cung tiền mở rộng (M2) những tháng trước đó ở mức rất cao, trên dưới 30%, và chỉ giảm nhẹ những tháng sau đó nên ở thời điểm tăng giá xăng dầu, sức mua của người dân vẫn còn rất lớn. Người bán hàng cảm nhận được rằng việc tăng giá các hàng hoá khác theo giá xăng sẽ ảnh hưởng ít đến sức mua của người dân. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng cung tiền mở rộng (M2) sáu tháng trước đây chỉ ở mức 18 – 20% và đang trên đà giảm mạnh vào cuối năm, còn khoảng 10%. Đây có thể coi là nguyên nhân chính khiến sức mua của người dân hiện nay tiếp tục bị giảm sút và người bán hàng sẽ bị giảm mạnh doanh thu nếu như tăng giá hàng hoá (xem bảng).

Rõ ràng nguyên nhân chính khiến lạm phát tại Việt Nam trong những năm qua tăng cao chính là cung tiền mở rộng. Việc những người bán hàng “té nước theo mưa” khi giá điện và giá xăng tăng chỉ là hệ quả của chính sách nới lỏng tiền tệ trước đó mà thôi. Với mức cung tiền thắt chặt mạnh trong những tháng cuối năm 2011, chúng tôi tin rằng ảnh hưởng của việc tăng giá xăng dầu đợt vừa rồi đối với CPI trong các tháng tới sẽ không đáng kể.

Khó khăn đổ dồn vào doanh nghiệp

Chi phí đầu vào như xăng dầu, điện, khí đốt, chi phí nhân công, lãi suất… tăng cao nhưng chỉ số giá tiêu dùng không tăng nhiều đồng nghĩa với việc doanh nghiệp phải chịu gánh nặng với phần lớn các chi phí tăng lên mà không thể chuyển nhiều vào giá bán. Nhìn vào mức tăng trưởng GDP quý 1/2012 ở mức 7,3% của Hà Nội và 7% của TP.HCM, thấp hơn đáng kể so với mức tương ứng năm 2011 là 9,2% và 10,3%, cũng như chỉ số công nghiệp của cả nước tăng chậm có thể thấy rõ sự khó khăn của các doanh nghiệp sản xuất.

Đầu ra khó khăn khiến cho lượng hàng tồn kho của các doanh nghiệp có xu hướng gia tăng. Phó vụ trưởng vụ Kế hoạch (bộ Công thương) Nguyễn Thanh Hoà cho biết “Đến thời điểm này, chỉ số tồn kho của toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã tăng 17,4% so với cùng kỳ năm trước...” Nhiều doanh nghiệp có thể phải tiếp tục giảm bớt giá bán, chấp nhận thua lỗ, để giải phóng hàng tồn kho cũng như thu tiền về để tránh tình trạng mất khả năng thanh toán. Và như thế, chỉ số giá tiêu dùng sẽ tiếp tục xu hướng giảm dù cho các hàng hoá đầu vào thiết yếu bị điều chỉnh. Đây rõ ràng là tin vui cho người tiêu dùng nhưng có lẽ không hẳn đối với doanh nghiệp.

Nguyên Minh Cường

Trưởng đại diện IMF tại Việt Nam

“Cần duy trì quan điểm chính sách tiền tệ chặt chẽ”

Năm 2012, câu chuyện của kinh tế Việt Nam không chỉ là lạm phát cao, mà còn là các vấn đề khác, đó là việc cải cách hệ thống ngân hàng và chính sách tài khóa. Trưởng đại diện quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam Sanjay Kalra trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị.

Thưa ông, năm nay, có những nguyên nhân nào tác động đến lạm phát?

Đối với năm 2012, chúng ta có thể nhận dạng một số nhân tố có thể tác động đến lạm phát, đó là giá dầu thế giới cao trở lại, giá nhiên liệu trong nước được điều chỉnh tăng lên, và có khả năng giá điện cũng tăng tiếp trong các tháng tới. Hơn thế nữa, dư luận vẫn lo ngại về hệ thống ngân hàng, niềm tin vào Việt Nam đồng vẫn mong manh, và tỷ giá hối đoái mới chỉ bắt đầu ổn định. Đó là các nhân tố bên trong và bên ngoài mà có thể làm tăng áp lực lên lạm phát. Tuy nhiên, lạm phát đang giảm xuống, trừ phi có một số sự kiện thực sự tồi tệ, thì lạm phát vẫn duy trì xu hướng giảm đi.

Vậy câu chuyện chính của Việt Nam trong năm nay là gì, thưa ông?

Lạm phát vẫn phải được giám sát chặt chẽ. Nhưng hành động cần thiết thực sự lại là với hệ thống ngân hàng. Một số bước đi đầu tiên đã được thực hiện. Đã có sự thừa nhận rằng “có các vấn đề trong hệ thống ngân hàng” và cần có sự tái cấu trúc nó. Khi được thừa nhận rằng có vấn đề trong hệ thống ngân hàng, thì câu hỏi là làm sao giải quyết được tình hình. Tại sao có một số ngân hàng yếu trong hệ thống? tại sao bảng cân đối kế toán của họ yếu kém? và tại sao quản trị của họ, quản lý rủi ro của họ, hệ thống hoạt động của họ yếu kém?

Gần đây, ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã hạ trần lãi suất từ 14% xuống 13%, ông có ý kiến gì về việc này?

Về tổng thể, việc hạ lãi suất chính sách là một động thái thích đáng. Lạm phát đang giảm, tháng 2 và tháng 3 chúng ta chứng kiến tình hình lạm phát tốt. Cùng với đó, sự ổn định của tỷ giá hối đoái, các hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng, những bước đi đầu tiên trong giải quyết các vấn đề của hệ thống ngân hàng, tất cả đã tạo các điều kiện để hạ lãi suất.

Có một số chỉ dấu hiệu từ thị trường cho thấy tỷ giá hối đoái có thể vẫn ổn định trong vài tháng tới. Nhưng ngân hàng Nhà nước vẫn phải tiếp tục giám sát chặt chẽ lạm phát, tỷ giá hối đoái, tăng trưởng tín dụng trong các tháng tới. Niềm tin vào đồng tiền Việt Nam và vào hệ thống ngân hàng cần được nâng lên.

Vậy ngân hàng Nhà Nước Việt Nam cần làm gì, thưa ông?

Cần phải duy trì quan điểm chính sách tiền tệ chặt chẽ. Và thực hiện các bước đi tiếp tục trong hệ thống ngân hàng. Các ngân hàng yếu kém phải cải thiện các điều kiện tài chính của mình, củng cố bảng cân đối kế toán của mình và cho thấy kết quả hoạt động tốt hơn.

Việt Anh (thực hiện)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét