Thứ Hai, 17 tháng 12, 2012

“Bồ thóc” dự trữ ngoại hối

Đọc bài này mà thấy buồn cười cho nhận thức của tác giả. Đâu phải bồ to là khỏe, các cụ đã nói miệng ăn núi lở. Chính phủ mà phá thì chỉ 1 năm là hết, như đã từng xảy ra sau năm 2008. Xét cho cùng, sức khỏe của chính bản thân nên kinh tế mới là nhân tố quyết định. Nếu khủng hoảng xảy ra, thì bồ to hơn thế cũng tan. Khi đó IMF, WB nhảy vào, không phải chủ yếu là đem tiền, mà chủ yếu là đem trí tuệ để giúp vực lại nền kinh tế cho khỏe...

“Bồ thóc” dự trữ ngoại hối

Mới chỉ duy nhất một lần trong lịch sử, dự trữ ngoại hối của Việt Nam được công bố bằng con số chính thức...

“Bồ thóc” dự trữ ngoại hối


Năm 2012, dự trữ ngoại hối của Việt Nam tăng mạnh trở lại. Giá trị này không chỉ gói gọn ở chính sách tiền tệ, mà mang tầm quốc gia.

Chuyện rằng, một số người trong ngành ngân hàng thỉnh thoảng có nhắc lại “giai thoại” cách đây nhiều năm: tại một cuộc họp, có vị lãnh đạo cấp vụ nêu ý kiến, trong lịch sử Việt Nam từng không có một đồng ngoại tệ nào trong dự trữ ngoại hối nhà nước và cũng không cần thiết phải có.
Tiếp nhận thông tin này, nhiều người tham dự cuộc họp, có cả đại diện một số tổ chức quốc tế, đều ngỡ ngàng. Bởi, một quốc gia không có dự trữ ngoại hối, hoặc mức dự trữ quá yếu sẽ đối diện với nhiều rủi ro…

Một ví dụ, năm 2008, trong bối cảnh chung toàn cầu, nền kinh tế Việt Nam đứng trước ảnh hưởng khủng hoảng, giới đầu tư nước ngoài quan ngại và áp lực vốn ngoại đảo chiều đặt ra. Trong bối cảnh đó, lần đầu tiên và duy nhất cho đến nay, con số dự trữ ngoại hối nhà nước được công bố chi tiết.

Chiều muộn ngày 19/6/2008, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh lúc đó chủ trì một diễn đàn truyền hình trực tuyến, cùng Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương (tên gọi lúc bấy giờ) và các tổ chức quốc tế Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), với sự phối hợp của ngân hàng Credit Suisse.

Buổi truyền hình trực tuyến kết nối với nhà đầu tư tại các đầu cầu Hà Nội, Tp.HCM, Hồng Kông và Singapore, thực hiện tại văn phòng của WB. Tại đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu lúc đó công bố: dự trữ ngoại hối ròng của Việt Nam ở mức 20,7 tỷ USD.

Lần đầu tiên và duy nhất cho đến nay con số dự trữ ngoại hối được nêu rõ như vậy. Thuộc diện bí mật quốc gia, nhưng do tình huống buộc phải công bố. Và nó được xem là có sức nặng trước quan ngại của giới đầu tư nước ngoài. Với quy mô đó, Thống đốc Nguyễn Văn Giàu khẳng định tại diễn đàn: “Đảm bảo đủ để can thiệp thị trường”.

Ví dụ trên cho thấy dự trữ ngoại hối nhà nước có sức nặng của nó, mà không chỉ gói gọn ở chính sách tiền tệ.

Năm 2012, sau khi sụt giảm nhanh và mạnh kể từ sau thời điểm công bố mức 20,7 tỷ USD nói trên, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã tăng mạnh trở lại. Con số mua vào năm nay ước khoảng hơn 10 tỷ USD. Tổng thể, một số tổ chức trong và ngoài nước ước tính hiện có thể đã đạt trên 20 tỷ USD.

Còn theo phát ngôn hay cách nói của một số lãnh đạo nhà nước, quy mô dự trữ ngoại hối hiện đã đáp ứng được gần 12 tuần nhập khẩu của nền kinh tế.

Nói theo tuần nhập khẩu là một chuẩn mực, bởi hơn 20 tỷ USD với Việt Nam là có ý nghĩa, nhưng giả sử với Thái Lan lại không hẳn là đạt yêu cầu tối thiểu. Việc tính theo tuần nhập khẩu nhằm thể hiện khả năng hỗ trợ thanh toán quốc tế của dự trữ ngoại hối quốc gia đó, hoặc khả năng phòng vệ trước rủi ro các dòng vốn đảo chiều. Và theo IMF, một quốc gia có dự trữ ngoại hối từ 12 - 14 tuần nhập khẩu thì được coi là đủ.

Với tiêu chí đó, kết thúc năm 2012 Việt Nam đã có thể hài lòng hơn khi đã gia tăng được quy mô dự trữ ngoại hối. Và quan trọng hơn là giá trị chiều sâu của nó.

Một chuyên gia khi trao đổi với VnEconomy nói vui rằng: “Anh ra ngoài “chém gió” gì đi nữa, thì người ta vẫn nhìn vào bồ thóc của nhà anh. Chuyện dự trữ ngoại hối của mình cũng theo đó mà suy xét”.

Ý của chuyên gia này là, khi Chính phủ, doanh nghiệp Việt Nam đi ra thị trường quốc tế, đàm phán để huy động vốn, các đối tác sẽ để mắt đến thực lực quốc gia, mà một “bồ thóc” là dự trữ ngoại hối. Điều này cũng tương tự như một trong nhiều tiêu chí để đảm bảo thu hút vốn đầu tư nước ngoài tốt hơn.

Một quy mô dữ trữ ngoại hối tốt hơn, gia tăng rõ rệt hơn sẽ góp phần cải thiện tín nhiệm quốc gia. Tín nhiệm quốc gia cũng là một tham chiếu quan trọng khi các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế đánh giá các doanh nghiệp. Hạng mức tốt hơn, chi phí vay vốn sẽ thấp hơn. Đây là một giá trị rõ ràng và mở rộng.

Năm 2012, dự trữ ngoại hối của Việt Nam gia tăng mạnh, cải thiện rõ rệt. Song, tháng 9/2012, Moody’s hạ bậc tín nhiệm Việt Nam, mà quan ngại nổi bật là vấn đề nợ xấu gia tăng trong hệ thống ngân hàng.

Thử hỏi, giả sử cùng với nợ xấu, dự trữ ngoại hối và biến động tỷ giá USD/VND vẫn bất ổn như vài ba năm liền trước, thì hạng mức tín nhiệm quốc gia sẽ còn xuống đến đâu?

Ngược lại, nếu trong năm 2013, dự trữ ngoại hối tiếp tục được nâng lên, vấn đề nợ xấu được xử lý tốt hơn thì có thể lạc quan với triển vọng thăng hạng tín nhiệm trở lại. Vấn đề còn lại, là chữ “nếu” đó có nằm trong khả năng hay không.

Bình luận (6)
Các ý kiến bạn đọc được đăng tải không nhất thiết phản ánh quan điểm của Tòa soạn. VnEconomy có thể biên tập lại ý kiến của bạn nếu cần thiết. Đang hiển thị 6/6 bình luận.
  • Chúng ta không quên rằng vì USD là phương tiện giao hoán phổ biến nhất thế giới nên quốc gia nào cũng ghim sẵn một số USD trong giỏ ngoại tệ để kịp thanh toán chênh lệch về ngoại thương.

    Cụ thể là phải có đủ USD để tài trợ yêu cầu nhập khẩu cho 3 tháng. Nếu nhập khẩu càng nhiều thì dự trữ ngoại tệ càng cao. Khi đó, khối dự trữ ngoại tệ có chức năng an toàn ngoại thương. Vì các nước cũng ấn định hối suất USD hay tỷ giá đồng bạc với USD sao cho có lợi về xuất khẩu mà vẫn không có khác biệt thái quá vì hối suất thấp sẽ làm hàng nhập khẩu đắt hơn.

    Việt Nam luôn bị bội chi ngân sách, tức là chi nhiều hơn thu trong khi đầu tư nước ngoài sút giảm mạnh. Đấy là điều đáng lo ngại với giỏ dự trữ ngoại tệ ở mức nâng vừa đủ cho 3 tháng nhập khẩu.

    Về lý thuyết thì các nước khỏi cần dự trữ ngoại tệ nữa vì về dài thì sai biệt hối suất trên thị trường sẽ tự đồng điều chỉnh sai biệt về xuất nhập khẩu. Nhập siêu sẽ giảm dần nhờ hốt suất thấp chẳng hạn. Nhưng trên thực tế thì các nước vẫn cần dự trữ ngoại tệ để ứng phó với những sai lệch quá lớn về hối suất trên thị trường hối đoái hay ngoại hối quốc tế. Cụ thể là có ngoại tệ để kịp bán ra hầu giữ cho đồng nội tệ xứ đó khỏi mất giá.

    Khi tích lũy khối dự trữ ngoại tệ như vậy trong mục đích đầu tư thì Việt Nam đầu tư vào đâu là có lời nhất và an toàn nhất? Từ đó, chúng ta mới nghĩ tiếp về cơ cấu và tỷ phần trăm của khối dự trữ này. Chẳng hạn như là giữ bao nhiêu phần trăm dưới dạng USD, vàng, Euro, bao nhiêu dưới dạng ngoại tệ nào khác nữa...

    Và dưới dạng tài sản của nước khác như vậy thì bao nhiêu là cổ phiếu, bao nhiêu là trái phiếu hay công khố phiếu? Chứ mà giữ những trái phiếu, công khố phiếu "junk bond" hay "giấy lộn", này mà các hãng lượng cấp trái phiếu như Standard and Poor's, Moody's hoặc Fitch xếp từ chữ B xuống thì đáng ngại.
    11:29 (GMT+7) - Chủ Nhật, 16/12/2012Trả lờiThích
  • Dự trữ ngoại hối bằng so với năm 2008 thì có gì đáng tự hào, với quy mô nền kinh tế như thế này thì gọi là tạm ổn thôi.
    18:54 (GMT+7) - Thứ Bảy, 15/12/2012Trả lờiThích1 người thích bình luận này
  • Nước ngoài họ rất khôn. Họ nhìn vào túi tiền của quốc gia rồi họ mới đầu tư vào nước đó.
    18:47 (GMT+7) - Thứ Bảy, 15/12/2012Trả lờiThích1 người thích bình luận này
  • Quả đúng là dự trự ngoại hối là "bồ thóc" của quốc gia - nói như vậy là rất đúng. Dự trữ ngoại hối thể hiện sức mạnh của nền kinh tế, đồng tiền bản địa và năng lực quản lý kinh tế quốc gia. Năng lực sản xuất mạnh, đáp ứng được nhu cầu trong nước và xuất khẩu mạnh thì "bồ thóc" sẽ phình ra và ngược lại.

    Vì thế, tôi mong mỏi rằng Chính phủ ngày càng quan tâm đến "bồ thóc" quốc gia và đảm bảo rằng "bồ thóc" ngày càng lớn. Muốn thế thì việc điều hành nền kinh tế phải tốt, như: (1) đẩy mạnh sản xuất trong nước để thay thế nhập khẩu và đáp ứng tối đa nhu cầu nội địa - sản xuất được càng nhiều càng tốt (2) khuyến khích xuất khẩu, (3) thường xuyên cân đối mậu dịch - triệt để tránh nhập siêu đặc biệt là hàng tiêu dùng và hàng xa xỉ, vì đất nước đang còn nghèo thì không thể phung phí nguồn ngoại tệ quí giá, (4) quản lý chặt chẽ thị trường để xóa bỏ tình trạng buôn lậu và gian lận thương mại hiện nay - đặc biệt là hàng hóa từ Trung Quốc (5) điều hành tỷ giá có lợi cho xuất khẩu, (6) tạo môi trường tốt nhất để thu hút tôt đầu tư nước ngoài vào khu vực chế tạo và sản xuất ...
    13:46 (GMT+7) - Thứ Bảy, 15/12/2012Trả lờiThích9 người thích bình luận này
  • Nói đúng hơn là cái ví. Vì nó ít. 10-20 tỉ trên 100 tỉ GDP. Hơn nữa, thời buổi bây giờ xuất nhập bao nhiêu... nó không là thông tin khó nắm bắt đối với các chuyên gia thế giới và cũng chẳng bí mật vì thông tin đó không bí mật đối với họ và nhiều người biết qua hệ thống internet bây giờ.
    12:00 (GMT+7) - Thứ Bảy, 15/12/2012Trả lờiThích
  • Với mức dự trữ ở mức nâng gần qua ngưỡng rủi ro mà Việt Nam đua ra là gần 12 tuần nhập khẩu của nền kinh tế đó là dấu hiệu tích cực.
    09:30 (GMT+7) - Thứ Bảy, 15/12/2012

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét