Thứ Bảy, 8 tháng 9, 2012

Khoảng cách giàu nghèo tại Việt Nam nới rộng


Khoảng cách giàu nghèo tại Việt Nam nới rộng


Khoảng cách thu nhập, giàu nghèo cũng như các vùng miền với thành phố ở Việt Nam không ngừng tăng, sự phân hóa ngày càng trầm trọng và gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội.

Quá cách biệt

Cuộc sống sau hơn 20 đổi năm mới đã có nhiều đổi thay tích cực, song bên cạnh đời sống vật chất đã tăng lên đáng kể, thì sự phân hóa giầu nghèo giữa các bộ phận dân cư, khoảng cách chênh lệch về thu nhập giữa các tỉnh thành cũng bị nới rộng. Mặt trái của sự phát triển không đồng đều tại Việt Nam chính là sự bất công cả về thu nhập lẫn tài sản, điều này đe dọa đến an ninh kinh tế, an ninh xã hội cũng như cản trở quá trình cải cách ở Việt Nam. Sự quan ngại trên của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng là những nhức nhối trong một xã hội Việt Nam hiện đại “không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng.”
Thế nhưng “sự không công bằng” ấy lại đang có mặt ở hầu hết các hang cùng ngõ hẻm. Nếu người ta bắt gặp những chiếc xe hơi đắt tiền chen chân ở các khu đô thị rực rỡ ánh đèn, thì đâu đó trong xã hội vẫn có những gia đình một ngày 2 mẹ con chi tiêu không quá 10 ngàn đồng bạc; nếu báo chí rùm beng những bữa tiệc của các đại gia tiêu tốn hàng trăm triệu đồng cho một đêm vui, thì ở một góc nào đó tối tăm nơi phố nghèo, vẫn có những người dân quần quật từ sáng đến tối chỉ mong có được 5-7 chục ngàn đồng.

Mời quí vị cùng nghe chia sẻ của một vài nhân vật “người nghèo” đã được phóng viên đồng nghiệp Quỳnh Chi thực hiện trong chuyên mục Câu Chuyện Hàng Tuần để hiểu thêm về những khó khăn của những người dân lam lũ. Trước hết là của chị Thùy, quê ở Hậu Giang cả năm không mua được tấm áo cho con mình:
Tôi nói chị đừng cười, nhiều khi gạo còn không có ăn. Nhiều khi có gạo, đi kiếm được con cá cho con ăn là mừng lắm rồi. Gạo thì kiếm có hôm một lon, hôm một lít. Nấu được hôm nào là hay hôm đó. Cái nhà cũng dột nát mà còn chưa có tiền lợp nóc lại nữa. Tôi cũng không có tiền gì cả. Hôm rồi tôi cũng vay mượn được người này người nọ, mỗi người vài chục lên Sài Gòn trị bệnh cho con chứ cũng không có tiền bạc gì cả, toàn ăn cơm từ thiện thôi.
Còn đây là lời tâm sự của bà Kiểm ở thành phố Thái Nguyên khi 2 mẹ con chỉ dám chi tiêu không quá 10,000 đồng một ngày:
Tôi chẳng có nguồn thu nhập nào, tôi chỉ bán thêm gói kẹo gói thuốc để lấy tiền rau muối hằng ngày. Một tháng, thu nhập của tôi chừng khoảng 200 ngàn thôi, chẳng có gì hơn cả. Nói thật với cô, có ngày có tiền thì tôi mua thức ăn. Nếu không có tiền thì tôi chẳng đi mua gì cả, chỉ ăn rau mắm vớ vẩn thế thôi. Thỉnh thoảng tôi mua quả trứng về hoặc gà nhà tôi đẻ thì ăn thôi chứ tôi chẳng dám mua thịt đâu. Dăm bữa nửa tháng tôi mới dám mua tí mỡ về ăn.
Giống với hoàn cảnh chật vật của chị Thùy hay bà Kiểm, bà Liễu quê ở Gò Công cũng không khấm khá hơn, để có được 7 chục ngàn đồng, bà phải khuân vác đến 14 tiếng mỗi ngày:
Tôi vác rau cần, mỗi bao nặng 50kg. Khuya 4 giờ sáng tôi phải thức dậy. Tôi đi làm đến 8-9 giờ tối mới về đến nhà.
Vâng, những mảnh đời nghèo khổ là như vậy, thế nhưng, những phúc lợi an sinh họ cũng đâu có được hưởng nhiều.
Theo một kết quả khảo sát của Chương trình phát triển LHQ (UNDP) về an sinh xã hội tại Việt Nam cho thấy nhóm giàu nhất chiếm 20% tổng số hộ gia đình nhận được 40% lợi ích từ an sinh xã hội, trong khi đó, nhóm nghèo nhất chỉ nhận được chưa tới 7%.
Trong một bản tham luận mới đây về sửa đổi Luật thuế thu nhập cá nhân do Ủy ban tài chính – Ngân sách của Quốc hội tổ chức, bà Phạm Chi Lan cho biết tại Việt Nam mức độ chênh lệch tài sản tăng nhanh hơn chênh lệch thu nhập, theo đó, sự tích tụ của cải hay nguồn lực của xã hội như đất đai, quyền khai thác tài nguyên ở qui mô lớn rơi vào tay một số ít người, từ đó làm cho một bộ phận người nông dân mất đất canh tác, khiến tài sản của họ bị giảm mạnh. Bên cạnh đó, tham nhũng, lãng phí lan rộng cũng là một tác nhân tạo nên sự chênh lệch về tài sản.
Số liệu từ Tổng cục Thống kê Việt Nam cho thấy mức chênh lệch giữa nhóm 20% thu nhập cao nhất và nhóm 20% thu nhập thấp nhất trong năm 1995 là khoảng 7 lần thì nó đã tăng lên hơn 9 lần vào năm 2010, dĩ nhiên, đây chỉ là những con số bề nổi, còn những con số nằm bên dưới “tảng băng trôi” thì chẳng có thước đo nào có thể đong đếm.

Nguyên nhân

_MG_1495-250.jpg
Những phụ nữ nông thôn lên thành phố bán trái cây dạo. RFA photo
Theo giới chuyên gia thì những hệ quả tất yếu của bất bình đẳng về thu nhập sẽ là bất bình đẳng về mặt xã hội và đầu tư về con người. Cơ hội cho đầu tư vào học tập của các nhóm thu nhập thấp bị giảm, có nghĩa là trong tương lai họ không có đủ kiến thức và kỹ năng để có thể tham gia vào thị trường lao động mang lại thu nhập cao hơn.
Theo một bài phân tích của G.S Trần Lê Anh, đại học Lasell, Hoa Kỳ được đăng tải trên báo điện tử Vietnamnet thì có nhiều lý do dẫn tới sự bất bình đẳng, đó là hệ quả của sự thay đổi công nghệ, quá trình toàn cầu hóa cho đến những hậu quả của chính sách nhà nước và sự lũng đoạn chính sách của các nhóm lợi ích có thế lực. Theo đó, G.S Trần Lê Anh nhấn mạnh tới 3 điểm chính gắn với đặc thù của Việt Nam.
Thứ nhất đó là do tình trạng lạm phát cao trong những năm qua khiến thu nhập không đuổi kịp, làm mức sống thật của nhiều người dân bị sa sút. Thứ hai mức đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn giảm sút trong khi mức đầu tư lại ồ ạt vào những ngành công nghiệp bị thua lỗ nặng. Và cuối cùng là tình trạng người dân mất đất canh tác, không biết bám víu vào đâu sau hàng loạt các hiện tượng thu hồi đất đai bừa bãi.
Vậy làm sao để có thể xóa nhòa ranh giới giầu nghèo hay ít nhất là thu hẹp được khoảng cách ngày đàng bị sẻ rộng tại Việt Nam, chúng tôi đặt câu hỏi này với G.S Tương Lai, nguyên Viện trưởng Viện KHXH, thì được ông cho biết:
Theo quan điểm của tôi để xóa dần khoảng cách giầu nghèo thì cần 2 giải pháp. Giải pháp thứ nhất về mặt kinh tế là phải làm thế nào để nền kinh tế phát triển lên, phát triển lên bằng nhiều cách, trong đó làm sao để hàm lượng chất xám trong sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ càng ngày càng cao lên, để nó tạo nên nhiều giá trị gia tăng, như thế mới làm cho nền kinh tế tăng trưởng khá và bền vững được. Giải pháp thứ hai về mặt xã hội, phải làm thế nào để của cải tăng lên đó, phải lo lắng đến an sinh xã hội, nâng đời sống người nghèo lên mà đây là của đại đa số, cho nên phải có một chính sách hết sức đặc biệt và quyết liệt, đó là cách để giảm phân hóa ngày càng doãng ra.
Có thể nhận thấy khoảng cách giầu nghèo diễn ra ở khắp mọi nơi trên thế giới và là một hiện tượng không thể tránh khỏi trong những xã hội hiện đại. Không phải ngẫu nhiên mà phong trào Chiếm phố Wall tại Hoa Kỳ phản đối 1% những người giàu có nhất chiếm tới 40-50% tài sản quốc gia lại lan rộng ra khắp thế giới. Bất bình đẳng hẳn là câu chuyện dài hơi, để thu hẹp giàu nghèo, xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh như Việt Nam vẫn chủ trương không chỉ là của chính phủ, của cá nhân mà đó là sự chung tay đóng góp của toàn xã hội.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét