Thứ Tư, 26 tháng 9, 2012

THĂM THẲM LŨNG MÀN SƯƠNG!..

THĂM THẲM LŨNG MÀN SƯƠNG!..

Mai Thanh Hải - Lũng Màn Sương là điểm nằm dưới thung lũng, nhưng cách đến 3 dãy núi, tính từ điểm Trường xóm Lũng Mật (xã Xuân Trường, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng).

Cái sự "tính từ" ở đây, không chỉ đơn thuần bằng những chấm xanh trên bản đồ quân sự, mà cụ thể bằng những bước chân gằn của người và ngựa, từ con đường cấp phối lao xuống và ngược lên không biết bao nhiêu lần, để lên được cột mốc 612, phân chia biên giới 2 nước Việt - Trung, hơn 10 năm rồi vững vàng trong màu trắng đá nguyên khối, khẳng định chủ quyền Quốc gia.

Những người lính ở Đồn Biên phòng Xuân Trường (Đồn 147, BĐBP Xuân Trường) chỉ biết: Lũng Mật là xóm vùng sâu, vùng xa của xã Xuân Trường. Đây là nơi sinh sống định cư lâu đời của hơn 40 hộ đồng bào dân tộc Dao, Nùng và cuộc sống của họ, chủ yếu nhờ vào mấy nương ruộng nước, khoảnh ngô sắn ngang lưng đồi và những thân trúc lửng lơ gần nương rẫy, chứ hỏi về địa danh Lũng Màn Sương, ai cũng lắc đầu và hỏi những người già của xóm Lũng Mật, cũng chỉ nói: "Vì nơi đây, suốt 4 mùa, sương trắng phủ như tấm màn, che an lành cho cột mốc - xóm bản thân thương".
Mà thật!. Từ Đồn Biên phòng Xuân Trường, đổ hết con dốc ngắn cỡ gang tay, xe máy đã phải khựng lại, để những người ngồi sau cắt dốc - nghiêng chân, cẩn trọng đi bộ xuống, chờ đợi người lái xe máy hì hục đặt bánh xe vào những vũng nước, tránh đoạn dốc 2 tầng lổn nhổn những đá tảng, trơn như đổ mỡ và thở phào, chờ nhau phía dưới, đã thấy ngút ngát sương trắng đọng trên đỉnh núi, chỉ chờ gió bắc đẩy lưng là òa xuống, bịt mắt người dưới đường, bé li ti như thể con kiến.

Thêm đoạn đường vòng dưới chân núi đá, đất đỏ lầy lên như hờn dỗi, đẩy bánh xe máy chạm mép vực, khiến người ngồi trên xe cứ nín thở, không dám cựa mình, sợ cả người và xe lao xuống vực, cũng lại thấy sương mù bung biêng, la đà trên cỏ - dưới cây.

Dừng lại trước căn nhà tranh của Tổ Công tác Biên phòng Lũng Mật, đơn sơ vài tấm giát giường, bàn nước gỗ, chái bếp dột nát, bên trong lỏng chỏng mấy gói mì tôm, 2 quả trứng gà và thùng gạo sắp hết, sờ vào đâu cũng thấy mun mủn, ươn ướt, anh em bảo: "Cũng chỉ vì sương. Cả năm may ra được mặc quân phục khô vài lần, còn lại, lúc nào cũng ẩm mốc - ngứa ngáy!".

Thế nhưng, cái sự "hun hút sương mây", thấy rõ nhất khi dừng lại điểm Trường Lũng Mật, nấn ná đến cả tiếng đồng hồ, trao quà cho các thầy cô gượng vai bám trường, bám lớp bao nhiêu năm nay và lũ trẻ con lít nhít Mầm non - Tiểu học, mới thấy thương đến quặn lòng.

Điểm Trường Lũng Mật có tổng số 61 học sinh (28 nữ), với 43 học sinh Tiểu học (Lớp 1:7, lớp 2: 15, lớp 3: 10, lớp 4: 7, lớp 5: 4) và 18 học sinh Mầm non (3 tuổi: 4, 4 tuổi: 8, 5 tuổi: 6), nhưng chỉ có vẻn vẹn 5 thầy cô giáo, dạy "hầm bà làng", cả lớp 1 lẫn lớp 2, Mầm non lẫn Mẫu giáo.

Gần 100 cô trò như thế, nhưng tất cả phải chen chúc trong 2 dãy nhà mái lợp bằng thân trúc vốn đặc sản vùng, vách cũng ghép bằng thân gỗ tre chặt ở ngoài rừng, chẳng cần mưa gió, cứ mỗi ngày sương đặc quánh lại lũ lượt luồn qua khe cửa, chui vào làm mờ mắt lũ trẻ, nặng trịch từng nét phấn trắng trên bảng xanh cũ và cô giáo phải cho chúng nó nghỉ học, từ ngang buổi chiều.

Học trò lút cút về với những ngôi nhà, nằm cô đọc trên mãi sườn đồi, đỉnh núi hay tít tắp thung sâu, để lại mấy cô giáo cắm bản, lụi hụi với căn phòng đầu chái nhà, đồ đạc chỉ vừa đủ đầu giường đôi, che kín bằng tấm vải cho tối, chẳng cần đến cửa nẻo...

Mà cửa để làm gì, khi cả năm, khách đến với các cô, rút cục cũng chỉ là những người lính Biên phòng xuống địa bàn, tuần tra cột mốc?..

Chả thế mà khi tụi mình tặng điểm Trường của các cô (cũng như 12 điểm Trường khác trong xã), hộp giấy đựng thực phẩm (bao gồm 3 -5 chai dầu ăn, 8-10 hộp sữa đặc có đường, 10-15 gói muối tinh, bột canh), kèm theo các phần quà/tổng số học sinh, cô giáo Thúy (gọi là... bà giáo thì đúng hơn, vì có hơn 30 năm gắn bó với vùng cao Lũng Mật), lập cập bày hết lên bàn uống nước và... ngồi ngắm, rất say sưa.

Ừ!. Ở cái nơi "trâu gõ mõ, chó leo thang, ở nhà sàn, ăn ngô nắm" này, thứ quý nhất là muối ăn - dầu hỏa đốt đèn cũng không có đủ, sao dám mơ đến tấm áo, cuốn vở, chiếc cặp cho học sinh và chai dầu ăn, hộp sữa đặc để cải thiện bữa ăn của chính mình?.

Nhìn mấy xô nước các cô giáo mới toát mồ hôi xách lên từ dưới lũng, tò mò hỏi: "Mỗi ngày các cô nấu ăn mấy lần?", để rồi được nghe trả lời ngượng nghịu: "Củi phải đi kiếm, nước phải thay nhau xách, nên chỉ cần nấu 1 bữa sáng là ăn cả ngày!".

GIáo viên đã vậy, học sinh còn cơ khổ gấp mấy lần. Dừng xe trước điểm Trường, thấy 2 hàng học sinh xếp sẵn phía dưới, định lớn tiếng nhắc các cô cho học sinh vào lớp, chứ tụi có phải Phó Thủ tướng đâu mà xếp hàng vỗ tay chào mừng.

Thượng úy Khâm, Cán bộ Đồn Biên phòng Xuân Trường bảo: "Không có mặt bằng làm Trường, chỉ có mỗi đoạn trống ấy làm sân tập thể dục - chào cờ đầu tuần!", khiến mình chùng lại, suýt thành vô duyên..

Lúc phát áo khoác chống rét 5 lớp dày khự cho 18 đứa trẻ Mầm non, cứ quay mặt tránh ánh mắt thèm thuồng của lũ Tiểu học, cũng lít nhít trứng gà trứng vịt xếp bên cạnh.

Đến màn đội cho chúng nó mũ len (phần quà do chị Vĩnh Quyên, Phó Giám đốc VOVTV tặng cho toàn bộ số học sinh Mầm non trong xã), cô giáo Tiểu học rụt rè hỏi: "Các anh chị còn mũ len không, em xin 2 cái cho 2 cháu mồ côi, mới học lớp 1!", lại quay mặt, tránh ánh mắt của lũ trẻ và lại ước: Có nhiều tiền để mua thêm cho mỗi đứa trẻ đang cắp sách ở Xuân Trường, chỉ 1 cái mũ len mùa đông...

Chia quà xong cũng là lúc hết giờ học, lũ trẻ à à chạy ngược lên dốc ngoài cửa lớp, vai gọn gàng cặp sách mới, chỉ vài đứa còn khư khư giữ cặp cũ trên tay.

Hỏi cô giáo: "Những đứa khác không mang cặp cũ về à?". Cô giáo lắc đầu: "Sách vở cũng còn thiếu, nữa là cặp sách?" và chỉ vào nhóm lít nhít, đang kéo tay ào đi trước: "Mấy em này nhà xa, tận gần mốc 612, đi người không mấy km là cũng tốt lắm rồi!"...

Thì ra, mấy đứa lít nhít này, nhà ở Lũng Màn Sương.

Đi cùng chúng nó trên hành trình lên thăm cột mốc biên giới 612, cắm rễ đứng thẳng lưng trên địa hình núi hình yên ngựa, cứ bập bõm trong líu ríu trẻ thơ, về đường biên, nơi chúng đang sống, cùng bao đời trước cha ông...

Chúng nó kể: Từ nhà con lên cột mốc, chỉ qua 2 thung lũng, các chú Biên phòng qua nhà luôn; đứa khác lại líu ríu: "Con đã lên cột mốc rồi đấy, trên đấy đẹp đẹp là!"; tiếng khác chen ngang: "Nhưng trên đấy lúc nào cũng toàn sương là sương!"...

Câu chuyện biên giới, tưởng như rất nghiêm trọng với nhiều người, nhưng với bọn trẻ nối tiếp bao đời cha ông cột mốc, lại rất bình thường và đơn giản, như nắm ngô, vụm nước suối và màn sương trắng lửng lơ ngoài khung cửa.

Cái Lũng Màn Sương này, xóm Lũng Mật này, xã Xuân Trường khó khăn cấp 1 tỉnh Cao Bằng này, bao đời nay vẫn sống và phải vượt lên mọi vất vả để sống, để giữa dải đất phía nam dãy núi yên ngựa - nơi cột mốc đá nguyên khối ghi chữ đỏ "Việt Nam - 612 - 2001" cắm chân vào đá, mãi thuộc chủ quyền đất nước.  

Gian khó lắm, nhưng cũng nghĩa tình lắm. Chả thế mà dọc con đường tuần tra biên giới, dốc đã lên thì dựng đứng, đèo đã đổ thì sấp mặt, đá cũng quắt lại vì thiếu nước, đất vón cục lại vì thiếu chất màu... nhưng đến đâu, cũng gặp nhưng chùm hoa sâm tím ngắt chen với màu hồng tinh khiết, miết lên cánh hoa mỏng mảnh, mọc tràn trên núi đá, hốc đất, ven đường, giữa lối đi...

Vất vả lắm, nhưng cũng lên thơ lắm. Dọc bước chân lội suối, vượt đèo, bám đá, đạp hốc đất... thi thoảng lại có nhành hoa rừng khẽ khàng chạm vào lưng, như nắm tay ai đẩy hộ, động viên "Cố lên!. Sắp lên tới mốc rồi" và mỗi khi dừng lại, đều thấy thoang thoảng mùi hoa rừng dìu dịu, tinh khiết nhưng thơm đến nao lòng...

Hình như, càng ở những nơi khó khăn vất vả, cái tình đất cũng hòa với tình người, để lại luyến lưu trên từng vết chân lữ khách.
 Tự dưng lại nhớ đến cái nắm tay của Thượng úy Khiêm, chờ sẵn phía sau gộp đá, kéo thẳng từng đứa trong Đoàn chúng mình, bổng lên vòm trời biên giới, san hết mệt sang nhau...

Không quên nổi bát mì tôm buổi chiều, anh em trong Tổ Công tác Biên phòng Lũng Mán gượng nhẹ đập 2 quả trứng - suất thức ăn tươi duy nhất trong tuần - vào trong nồi to, khuấy đều và cẩn thận chọn từng sợi lòng trắng, vón cục lòng đỏ, đặt vào bát của khách, còn chúng mình, nép hết phía đầu hồi nhà xa xa, đợi cho khách no bụng, mới ăn sau...

Rưng rưng nước mắt khi room máy ảnh, chụp từ đỉnh dốc xuống, gặp mồ hôi chảy tràn từ vành mũ cứng, ướt đầm gương mặt đen sạm, cương nghị của Thiếu tá Nông Văn Hà, Chính trị viên Đồn Biên phòng Xuân Trường, bởi hơn 20 km đánh vật với đường sá, đèo dốc lên Lũng Màn Sương nhưng vẫn cười tươi, giấu mệt và mình chỉ tìm thấy cái sự mệt bị giấu ấy, qua tay áo ướt đầm mồ hôi, cũng giấu khách quệt vội sau lèn đá...

Hạnh phúc có khi chỉ là sự sẻ chia.

Hạnh phúc cũng là những gì mình cảm nhận.

Hạnh phúc còn là được nhìn, được thấy, được nghe và được hòa mình vào những lá, những hoa, những sắc màu cuộc sống không phải ở quanh mình.

Và hạnh phúc, có khi chỉ là nắm tay ấm đêm trăng biên giới; nắm lá thơm hái vội ngoài bìa rừng, làm dịu đi vết đau ở gan bàn chân son rỗi; vành mũ chụp vội cho nhau, nhường che mưa rừng ập xuống ban trưa; cái ghì tay tránh độ xóc ổ gà, dọc con đường tuần tra biên giới; bát mì tôm - vụn lương khô nhường nhịn, làm vợi đi cơn đói cuối chiều...

Hạnh phúc từ những điều bình dị nhưng ấm lòng ấy, lâu lắm rồi mình mới gặp, ở miền thăm thẳm Lũng Màn Sương, nơi địa đầu Tổ quốc xa hút Xuân Trường..
--------------------------------------------------------------------------------------------------------------------  
Áo và mũ của con đẹp không?

Nhận quà xong rồi, về lại lớp thôi

Cô giáo cũng tò mò xem trong cặp có gì?

Áo mũ ấm rồi, nhưng vách lớp có chắn được gió lạnh không con?

Phải học đứng vì ghế của con hỏng

Khóa huấn luyện... đóng mở cặp cấp tốc.


Thượng tá Nguyễn Minh Lý, Phó Chủ nhiệm Chính trị - BĐBP Cao Bằng đồng hành cùng Đoàn và cùng trao áo rét

Áo em cũng đẹp, áo chị cũng xinh

Áo đẹp nhưng quần chưa đẹp

Xếp hàng nhận cặp nhé

Lăm lăm hộp kẹo C, như thể... lựu đạn đánh Khựa, nếu chúng tràn qua mốc
Trường của em be bé, nằm ở giữa... vườn ngô


Có cặp mới, em mang túi về trả mẹ

Bịn rịn

Có mới nhưng không nới cũ

Cháu vui, chú thích





Lớp thì chật, bảng thì dài nên phải ngồi học thế này thôi

Sân trường của con đây

Bánh kẹo nữa nhé

Vượt dốc, về nhà nào



Tương lai của Lũng Màn Sương

2 nhận xét:

  1. Đọc bài viết của anh và những hình ảnh của những em bé vùng cao mà em cứ nước mắt rơi hồi nào không hay. Thương tất cả mọi người từ nhưng người cán bộ, chiến sĩ ở nơi biền giới xa xôi cho đến những đứa trẻ thiếu thốn và chịu nhiều thiệt thòi vì cuộc sống còn quá...khó khăn. Và cả những anh, chị - Những người chung tay góp của, góp sức cho chuyến đi này!
    Trả lời
  2. Tôi đã từng đưa ngài F. Baron (Trưởng Phái đoàn Liên minh EU tại Hà Nội) lên xã Xuân Trường năm 1999. Chúng tôi đi từ Lũng Pán vào. Sau đó đi bộ qua xã Khánh Xuân về thị trấn Bảo Lạc (20km gì đó). Đập tưới Thua Tổng tại xã sau đó được EU tài trợ. Đây là xã quê của đồng chí Mông Hữu Cầu (Chủ tịch Bảo Lạc, sau làm Chủ tịch Bảo Lâm). Anh Đinh (Bí thư xã) tiếp chúng tôi... Cao Bằng có câu: "xa Yên Thổ, khổ Đức Hạnh, lạnh Xuân Trường", bọn tôi đều đi bộ vào tận từng xóm của các xã này. Xuân Trường có lê (mắc cọp) ngon nổi tiếng. Hiện tôi đang học tập ở nước ngoài, rất cảm động khi xem trang blog này của anh. Cảm ơn nhiều. Chúc bà con nhanh thoát nghèo khổ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét