Thứ Sáu, 28 tháng 9, 2012

Tận diệt và hủy hoại


(Dân Việt) - Người ta đã đào bới, phá nát cả khu rừng để tìm trầm, thiên nhiên bị tận diệt đến từng gốc cây, hốc đá, nhưng vẫn chưa ai tìm thấy trầm và kỳ nam.
Từ thông tin về một vụ trúng kỳ nam tiền tỷ, cả ngàn người đổ xô về xã Sơn Trung, huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa để tìm trầm, kỳ nam. Người ta đã đào bới, phá nát cả khu rừng để tìm trầm, thiên nhiên bị tận diệt đến từng gốc cây, hốc đá, nhưng vẫn chưa ai tìm thấy trầm và kỳ nam.
Ở phía Bắc, nghe tin Trung Quốc mua rễ cây sim, hàng ngàn người dân huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn đổ xô lên rừng đào bới kiếm rễ. Để có được mớ rễ sim xuất sang Trung Quốc, đổi lại một mảng rừng bị tàn phá. Không chỉ các loại trầm, kỳ, rễ sim, mà gỗ sưa bán xuất qua Trung Quốc cũng là nguyên nhân gây ra hàng trăm vụ phá rừng. Kiếm được đồng tiền sinh sống, dân mình hủy diệt thiên nhiên, đem cả mạng sống ra để thử thách với rừng. Ăn của rừng bây giờ không chỉ “rưng rưng nước mắt” mà còn cả đổ máu.
Trước đây, thương lái Trung Quốc dụ dỗ mua mèo, thế là dân ta bắt mèo nhà, trộm mèo hàng xóm, mua bán mèo để xuất qua Trung Quốc. Hậu quả là chuột sinh sôi phá hoại mùa màng. Ngư dân một số tỉnh miền Trung, nghe lời ngon ngọt của thương lái Trung Quốc, thu gom hải sản bán với giá cao, tận thu cho bằng hết sinh vật lớn bé trên biển. Làm ăn được vài lần, thương lái Trung Quốc gom hàng rồi biến mất, ngư dân bị lừa nhưng chẳng níu áo ai.
Tóm lại là từ trên rừng, xuống đồng ruộng, ra tới biển, từ hoang tin cho đến thông tin thật liên quan đến thương nhân, thương lái Trung Quốc thời gian qua đều mang lại họa cho dân mình, nước mình. Nếu có lợi thì chỉ lợi nhất thời, dân nghèo kiếm được bát cơm nhưng lâu dài thì phải trả giá rất đắt. Không phải chỉ những người làm ăn, buôn bán gánh chịu mà cả xã hội, cả đất nước nhận hậu quả. Những cánh rừng bị phá tan hoang không thể phục hồi trong vài chục năm.

Ngăn chặn dân nghèo không lên núi đào đãi vàng, phá rừng tìm trầm, tận diệt cây cối tìm rễ sim là chuyện quá khó. Dân đói thì họ phải kiếm cái ăn, dù vào rừng hiểm nguy, cực khổ đến mấy, họ cũng phải làm. Dân không thể nghĩ suy chuyện lớn là bảo vệ thiên nhiên khi họ đang sống trong khốn khổ, chỉ cần bát cơm ăn. Dân không thể đủ thông tin để phân tích thiệt hơn khi làm ăn với thương lái Trung Quốc...
Chỉ khi (và phải quyết tâm) xây dựng được đất nước giàu mạnh mới hết được cảnh vì tìm miếng cơm mà tận diệt thiên nhiên và hủy hoại môi trường như hôm nay.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét