Thứ Bảy, 9 tháng 6, 2012

LHQ kêu gọi từ bỏ chính sách kinh tế khắc khổ

LHQ kêu gọi từ bỏ chính sách kinh tế khắc khổ

(Tamnhin.net) - Trong Báo cáo cập nhật về "Tình hình kinh tế thế giới và triển vọng năm 2012 (WESP)" LHQ khẳng định cuộc khủng nợ công châu Âu vẫn là mối đe dọa lớn nhất cho nền kinh tế thế giới và kêu gọi các nước từ bỏ chính sách kinh tế khắc khổ để nền kinh tế toàn cầu có thể vượt qua khủng hoảng việc làm và chuyển nhanh sang tăng trưởng xanh.




Báo cáo nhấn mạnh nền kinh tế toàn cầu vẫn không ổn định và tiếp tục bị thách thức. Sau đợt suy thoái năm 2011, tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu năm 2012 vẫn trì trệ với hầu hết các khu vực đều tăng trưởng dưới mức tiềm năng. LHQ dự báo GDP toàn cầu chỉ tăng 2,5% năm 2012, giảm 0,2% so với năm 2011 và đạt mức 3,1% năm 2013. Tăng trưởng buôn bán toàn cầu cũng chậm lại chỉ đạt 4,1% năm 2012, giảm mạnh so với mức 6,6% năm 2011 và 13,1% năm 2010.
Hầu hết các nước phát triển vẫn đang chật vật đối phó với các thảm hoạ kinh tế bắt đầu từ khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu năm 2008-2009. Kinh tế Mỹ dẫn đầu các nền kinh tế phát triển được dự báo tăng 2,1% năm 2012 và 2,3% năm 2013, cao hơn mức 1,7% năm 2011 trong khi các nền kinh tế Tây Âu hầu như hoàn toàn ngừng phục hồi. Sau khi tăng 1,5% năm 2011 GDP của Tây Âu giảm 0,3% năm 2012 và có thể tăng 0,9% năm 2013.


Bốn nhân tố cơ bản kìm hãm mọi khả năng phục hồi kinh tế nhanh của các nền kinh tế phát triển vẫn chưa được khắc phục. Đó là tỷ lệ thất nghiệp cao; các ngân hàng, các công ty và hộ gia đình đang mất động lực; các chính sách khắc khổ làm tăng nợ công; nợ công và sự mong manh của khu vực tài chính. Các nước phát triển đặc biệt là châu Âu vẫn chật vật để phá vỡ các vòng luẩn quẩn này.

Cũng theo báo cáo, tỷ lệ thất nghiệp cao; các ngân hàng, các công ty và hộ gia đình đang mất động lực; cộng với các khoản nợ chủ quyền đang góp phần tạo nên các nhân tố làm sụt giảm kinh tế.

Báo cáo của LHQ cũng nêu rõ rằng do nhu cầu bên ngoài suy giảm và sự bất ổn của nền kinh tế toàn cầu tiếp tục tăng lên, tăng trưởng của các nền kinh tế các nước đang phát triển và các nền kinh tế chuyển tiếp sẽ chậm lại và chỉ đạt lần lượt 5,3% và 4% năm 2012.

Báo cáo của LHQ đặc biệt cảnh báo cuộc khủng hoảng việc làm toàn cầu không giảm cả ở các nước phát triển và đang phát triển. Tỷ lệ thất nghiệp vẫn cao hơn trước khủng hoảng và đang tăng nhanh ở các nền kinh tế thuộc khu vực đồng euro. Tỷ lệ việc làm trên dân số vẫn thấp hơn mức năm 2007 ở tất cả các nền kinh tế thế giới, trừ Braxin và Đức. Vào cuối năm 2011, thế giới cần thêm 48 triệu việc làm để có thể trở lại mức tỷ lệ việc làm trên dân số của năm 2007. Tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ vẫn ở mức 8%, cao hơn mức trước khủng hoảng. Tỷ lệ thất nghiệp ở các nước Hy Lạp, Ailen và Tây Ban Nha thậm chí cao hơn mức trước khủng hoảng tới 10%. Thất nghiệp dài hạn ở tất cả các nước phát triển tiếp tục tăng và hiện đã chiếm tới 40% số người thất nghiệp ở nhiều nước.

Các nhà kinh tế LHQ khẳng định các nhà hoạch định chính sách các nước và quốc tế đang phải đối mặt với những thách thức lớn. Các nỗ lực trở lại nợ bền vững thông qua chính sách khắc khổ tài chính đã có tác động ngược lại. LHQ kêu gọi các nước phát triển cũng như đang phát triển thúc đẩy các nỗ lực cụ thể hơn và gắn kết hơn trên cả cấp độ quốc gia và quốc tế để phá vỡ các vòng luẩn quẩn trong bối cảnh các chính sách kinh tế hiện hành của các nước phát triển đã lạc hướng, đẩy các nền kinh tế vào khủng hoảng và gây nguy hiểm cho nền kinh tế toàn cầu. Điều cần thiết là thay đổi chính sách tài chính và chuyển trọng tâm từ củng cố ngắn hạn sang thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mạnh thông qua thúc đẩy bền vững tài chính dài hạn. Sự chuyển đổi chính sách này cần được phối hợp quốc tế hài hoà song hành với chính sách cải tổ cơ cấu hỗ trợ tạo nhiều việc làm và tăng trưởng xanh.

Lê Chân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét