Thứ Ba, 19 tháng 6, 2012

(3) CUỘC KHỦNG HOẢNG CHÂU ÂU VÀ NHỮNG GIẢI PHÁP

THÔNG TẤN XÃ VIỆTNAM


Tài liệu Tham khảo đặc biệt
Chủ nhật, ngày 17/6/2012
TTXVN (Angiê 14/6)

Có nên kết nạp Thổ Nhĩ Kỳ?
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, Abdullah Gui, có lần nói trên tờ “Sunday Telegraph” của Anh rằng nước ông muốn trở thành một “động lực tăng trưởng” của châu Âu. Với thế mạnh về dân số và tăng trưởng, Thổ Nhĩ Kỳ tung ra con bài năng động kinh tế của mình để thu hút sự chú ý của các nước châu Âu trong bối cảnh khu vực đồng euro đang trong cơn khủng hoảng. Theo nhà kinh tế học Ahmet Insel, giảng dạy tại Pháp và trường Đại học Galatasaray, xã hội Thổ Nhĩ Kỳ còn trẻ và lạc quan, nên có thể đóng một vai trò ở châu Âu, đặc biệt để cứu tăng trưởng của châu lục này. Ông Ahmet Insel, đồng thời là nhà chính trị học Thổ Nhĩ Kỳ, lý giải có nên để Thổ Nhĩ Kỳ trở thành thành viên Liên minh châu Âu không, khi trả lời phỏng vấn tạp chí “Đại Tây Dương” dưới đây.
Hỏi: Trong một lần trả lời phỏng vấn, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, Abdullah Gul, cho rằng Ancara có thể trở thành “động lực tăng trưởng” của Liên minh châu Âu. Đưa Thổ Nhĩ Kỳ vào Liên minh châu Âu liệu có thể cứu được tăng trưởng của châu lục không?

Ahmet Irrsel: Khó có thể đưa ra một dự báo như vậy vì tăng trưởng của Thổ Nhĩ Kỳ gắn rất chặt với tăng trưởng của châu Âu. Một phần lớn xuất khẩu của nước này trên thực tế được đưa sang châu Âu, và cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay chắc chắn sẽ làm tăng trưởng của Thổ Nhĩ Kỳ chậm lại. Mức tăng trưởng của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ giảm từ 8% vào năm 2011 xuống còn 5% trong năm nay. Như vậy, không nên đánh giá thấp tác động của cuộc khủng hoảng châu Âu đối với nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ.
Xuất khẩu giảm sẽ có nguy cơ khiến tăng trưởng giảm sút theo. Thế nhưng, chính lĩnh vực này lại tạo ra các nguồn thu nhập chính và cho phép có được tăng trưởng cao. Hơn nữa, do thiếu nguồn tiền tiết kiệm ở trong nước nên Thổ Nhĩ Kỳ cần được bổ sung thường xuyên bằng vốn của nước ngoài. Trong thời kỳ rối loạn tài chính quốc tế, trong đó các nhà đầu tư sẽ tìm cách lựa chọn những nơi nào chắc chắn và ổn định hơn để rót tiền cho dù lời có thấp hơn, Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ phải gánh chịu hậu quả nặng nề.
Trái lại, tuyên bố của Tổng thống Abdullah Gul có thể được phân tích dưới một góc độ khác. Châu Âu tỏ ra rất nhạy cảm với tiêu thụ, tương lai… Nhưng Thổ Nhĩ Kỳ không như vậy. Hơn nữa, khi so sánh dư luận ở châu Âu vói ở Thổ Nhĩ Kỳ, điều có vẻ hiển nhiên là dân chúng Thổ Nhĩ Kỳ tỏ ra lạc quan vô bờ về tương lai của họ, trái ngược với những gì diễn ra ở châu Âu. Và chính tinh thần lạc quan về tương lai đó sẽ gây ra hậu quả đối với hành vi kinh tế, nói theo thuật ngữ đầu tư và tiêu thụ.
Xã hội Thổ Nhĩ Kỳ đúng ra là trẻ, lạc quan, thiên về tiêu thụ, sản xuất và hướng về đầu tư. Như vậy, Thổ Nhĩ Kỳ có thể có vai trò ở châu Âu. Đó không phải là vai trò của một nước sẵn sàng hỗ trợ tăng trưởng của châu Âu, mà là của một nước có khả năng tái khởi động tiêu thụ và đầu tư ở châu lục này. Với dân số 85 triệu người, từ nay đến năm 2025, Thổ Nhĩ Kỳ có thể tác động được vào nền kinh tế châu Âu và có thể là một bình khí oxy thực sự. Nghịch lý ở đây là dân số đông cũng chính là điều chủ yếu mà người ta muốn phê phán Thổ Nhĩ Kỳ: một sức nặng về dân số sẽ dẫn đến việc phân chia lại quân bài bầu cử theo phương thức bỏ phiếu cân bằng trong 27 nước thành viên Liên minh châu Âu.
Hỏi: Có thể nói cán cân lực lượng đã đáo ngược giữa châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ từ năm 2001, không?
Ahmet Insel: Có sự thay đổi hoàn toàn về cán cân lực lượng và hình ảnh của Thổ Nhĩ Kỳ so với châu Âu. Vào đầu những năm 2000, Thổ Nhĩ Kỳ được mô tả như một nước có khả năng sẽ được cứu vớt nếu gia nhập Liên minh châu Âu. Bây giờ, vai trò trên thực tế đã đảo ngược. Đúng là không nên phóng đại, nhưng phải nói rằng tình hình kinh tế và sự ổn định của Thổ Nhĩ Kỳ đã được cải thiện đáng kể. Tuy vẫn còn một số vấn đề kinh tế, song Thổ Nhĩ Kỳ của năm 2011 không còn là Thổ Nhĩ Kỳ của năm 2001 nữa, còn châu Âu ngày nay yếu hơn so với trước đây. Tư nay sẽ xuất hiện sự quy tụ hướng về Thổ Nhĩ Kỳ mà không có lợi cho Liên minh châu Âu.
Hỏi: Nếu trở thành thành viên Liên minh châu Âu, liệu Thổ Nhĩ Kỳ có hội nhập kinh tế sâu rộng hơn hiện nay không?
Ahmet Insel: Tôi không tin là như vậy. Hiện nay, Thổ Nhĩ Kỳ gắn bó với châu Âu thông qua hiệp định với Liên minh thuế quan. Rất ít người Thổ Nhĩ Kỳ muốn nước họ gia nhập khu vực đồng euro mặc dù họ muốn nước họ trở thành thành viên Liên minh châu Âu. Hơn nữa, nếu Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập Liên minh châu Âu cũng sẽ không dẫn đến những thay đổi chính trị cơ bản so với tình hình hiện nay.
Vì tất cả những lý do trên, đề xuất của cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, theo hướng hợp tác ưu đãi giữa Liên minh châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ không có ý nghĩa gì.
Hỏi: Trong điều kiện đó, quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và châu Âu sẽ ra sao?
Ahmed Insel: Tương lai của Thổ Nhĩ Kỳ trong Liên minh châu Âu hiện nay bị phong tỏa bởi một số chương trong quy định về hội nhập châu Âu.
Trước hết, khoảng 10 chương bị phong tỏa do Thổ Nhĩ Kỳ vẫn không muốn tuyên bố công nhận Cộng hòa Síp. Do đó, sẽ không thể có được tiến triển nào… Thế nhưng, vì có thể xem liệu Thổ Nhĩ Kỳ có đáp ứng được tất cả các tiêu chuẩn để gia nhập Liên minh châu Âu hay không nên cần phải có các chương mở. Chừng nào xung đột còn diễn ra giữa hai vùng của Síp thuộc Hy Lạp và thuộc Thổ Nhĩ Kỳ, vấn đề Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập Liên minh châu Âu sẽ không bao giờ được đặt ra.
Tiếp đó, Pháp đơn phương phong tỏa 5 chương khác hoàn toàn độc lập với vấn đề Síp, nhưng có liên quan đến vấn đề hội nhập, cụ thể về vấn đề Liên minh Tiền tệ. Chừng nào Nicolas Sarkozy còn cầm quyền, Pháp còn phong tỏa 5 chuơng đó. Nếu Nicolas Sarkozy không còn nắm quyền nữa, Pháp sẽ tự do giữ hay xóa bỏ lập trường đó.
Cuối cùng, nếu châu Âu quyết định không tiếp tục theo đuổi tiến trình Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập Liên minh châu Âu, tôi nghĩ rằng Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ không tiếp tục thỏa thuận với Liên minh thuế quan. Trên thực tế, khó có thể tiếp tục hợp tác với Liên minh thuế quan nếu không có viễn cảnh gia nhập tổ chúc này, vì sẽ là tế nhị đối với Thổ Nhĩ Kỳ khi phải gánh chịu hậu quả của các quyết định mà nước này không tham gia. Như vậy, Thổ Nhĩ Ky có thể sẽ thường xuyên phản đối Liên minh thuế quan, còn châu Âu sẽ có thể phải nhắm mắt để duy trì nguyên trạng.
Gắn kết và dân chủ
Chính sách gắn kết của châu Âu từ 25 năm nay có vai trò như thế nào? Trong tương lai sẽ ra sao? Theo ông Raphael Goulet, người từng đảm nhận nhiều vị trí lãnh đạo trong Ủy ban châu Âu, chính sách này đã cho ra đời hàng nghìn dụ án sản xuất và đầu tư cụ thể ở khắp nơi trên lãnh thổ châu Âu nhưng vẫn không được biết đến nhiều, chẳng hạn như ở Pháp, trong khi chính sách này hiện ngốn tới 1/3 tổng ngân sách của châu Âu.
Phân tích trên tạp chí “Địa chính trị”, ông Raphael Goulet, hiện phụ trách truyền thông và quan hệ quốc tế Tổng vụ chính sách khu vực thuộc Ủy ban châu Âu, cho rằng phải nắm được mục tiêu chính trị cũng như những nguyên tắc tạo nên chính sách gắn kết của châu Âu mới hiểu được chính sách này.
Trong những năm gần đây, chính sách đoàn kết của Liên minh châu Âu đã tiến triển để trở thành chính sách đầu tư tối cần thiết cho các mục tiêu và hoạt động của tổ chức vùng này. Nhưng chỉ có thể hiểu được chính sách đó nếu đặt sự tiến triển của nó trong viễn cảnh tiến trình hội nhập kinh tế châu Âu. Điều này là đặc biệt hữu ích trong lúc các cuộc thương lượng đã được khởi động liên quan đến chính sách đoàn kết tương lai cho thời kỳ 2014-2020 trong bối cảnh cuộc khủng hoảng khu vực đồng euro.
Dưới thời Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jacques Delors, thế chế này khẳng định đoàn kết và gắn kết thông qua ngân sách nhiều năm về phương diện tài chính, việc này thể hiện trước hết trong vai trò hỗ trợ thị trường chung để mỗi vùng có thể tận dụng việc mở cửa biên giới, tiếp đó là hỗ trợ liên minh kinh tế và tiền tệ, và cuối cùng là hỗ trợ tiến trình mở rộng sang các nước Đông và Trung Âu. Chính sách đoàn kết đóng vai trò quan trọng đối với sự thành bại của tiến trình mở rộng, từ đó làm tăng đáng kể những khác biệt về kinh tế – xã hội ngay trong Liên minh châu Âu.
Chính sách đoàn kết của châu Âu tiến triển trong các thời kỳ kế hoạch hóa khác nhau (1989-1993, 1994-1999, 2000-2006, 2007-2013) thông qua đóng góp đáng kể nhất vào việc thực hiện các mục tiêu của châu lục. Đó là hệ thống chỉ dẫn đầu tư hỗ trợ chiến lược Lisbon trong thời kỳ hiện nay hay tạo điều kiện để quản lý các dự án xuyên quốc gia bằng công cụ mới được gọi là Nhóm họp tác lãnh thổ châu Âu.
Điều lạ lùng là người ta không muốn thấy châu Âu như hiện tại, giai đoạn đầu trước khi đưa ra các phương thuốc mà châu lục cần. Một số người vẫn còn lo sợ trước mối đe dọa của chế độ liên bang theo kiểu cũ, một công thức không còn phù hợp với thực trạng tiến trình xây dựng châu Âu hiện nay. Họ chủ trương áp dụng phương pháp liên chính phủ vốn là nguyên nhân gây ra vô vàn những zích zắc mà không có thể thức phân định. Đây cũng là một phương thuốc không còn hữu hiệu nữa. Một số khác than phiền về chiếc vực ngày càng sâu giữa người dân với giới tinh hoa chính trị ở nước họ. Đó thực sự là một chiếc vực do giới tinh hoa chính trị, ở cấp độ quốc gia cũng như ở quy mô châu Âu, mù quáng hay nói dối dân chúng về việc họ bất lực khi xử lý tình hình hiện nay. Sự bất lực đó là tương đối ở quy mô châu Âu, nhưng là hoàn toàn ở cấp độ quốc gia.
Dân chúng ở tất cả các nước nhìn thấy điều đó hàng ngày, chứ không riêng ở Hy Lạp, Ai-len và Bồ Đào Nha. Liên quan đến việc chế ngự toàn cầu hóa trong tương lai, khi đã không kiểm soát được tiến trình toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng từ những năm 1960 đến nay, ai có thể nghĩ rằng các chính phủ quốc gia hiện nay và Liên minh châu Âu có năng lực để làm điều đó?
Dĩ nhiên, châu Âu cần nghĩ đến việc thay đổi cách làm, điều chỉnh tham vọng, sửa đổi chiến lược bởi lẽ Liên minh châu Âu hiện nay khiến dân chúng không được bảo vệ cũng không có tương lai khi phải đối mặt với toàn cầu hóa đang tiến triển nhanh chóng. Một số người vì lo sợ nên mơ đến “phi toàn cầu hóa”. Theo ông Raphael Goulet, tốt nhất là nhìn thẳng vào sự thật, xem xét lại các phương thuốc mà thực tiễn cho phép và quyết tâm áp dụng chúng.
Hiện nay, châu Âu nằm dưới sự lãnh đạo của một hội đồng gồm các nhà lãnh đạo chính trị quốc gia, được bầu lên để bảo vệ lợi ích của nước họ chứ không để đảm nhận lợi ích của liên minh, cũng như trước đây Liên minh châu Âu được điều hành bởi một giới kỹ trị cộng đồng. Đó là hai phương pháp đã lỗi thời và sẽ không bao giờ có tác dụng nữa. Người dân châu Âu từ nay muôn có các nhà lãnh đạo có trách nhiệm và tự mình lựa chọn, nếu không chiếc vực ngăn cách sẽ ngày càng sâu hon. Hơn nữa, người ta không điều hành một liên minh chính trị như một liên minh tiền tệ, mà cần có sự hỗ trợ của nhân dân các nước.
Nói một cách tổng quát, Liên minh châu Âu phải được cải tổ, với một nghị viện chọn ra một chính phủ chịu trách nhiệm trước liên minh này. Một bản Hiến pháp với 20 điều khoản – trong đó các nguyên tắc là dễ hiểu đối với mọi công dân, trái ngược với dự án đã bị bác bỏ – là đủ để cho phép thiết lập một cơ cấu chính trị mới.
Liên minh châu Âu cần phải có năng lực và sức mạnh đối với tất cả những gì là chung của mọi người dân châu lục. Đó là chính sách kinh tế và tài chính, chính sách đối ngoại và quốc phòng, sinh thái, qua lại giữa các nước thành viên, nghiên cứu, phát triển và truyền bá di sản văn hóa. Liên minh châu Âu không được có chức năng can thiệp vào đời sống của các quốc gia và vùng.
Cải cách hoạt động thể chể như vậy cần xác định lại mối quan hệ giữa Liên minh châu Âu, khu vực đồng euro, các Nhà nước và vùng, vì đó là một châu Âu phi tập trung hóa rất mạnh và có khả năng kiểm soát nhiều hơn đối với tất cả những gì liên quan đến mọi công dân châu Âu. Chính “đại khu vực”, tương đương với 4-5 vùng hiện nay của Pháp, là cấp độ có thể giải quyết tốt nhất việc quy hoạch lãnh thổ, giải quyết các vấn đề sinh thái, sản xuất năng lượng, giáo dục và phát triển văn hóa, với sự hỗ trợ của một Nhà nước làm nhiệm vụ điều phối và một châu Âu làm nhiệm vụ tập hợp. Có thể tạo ra các nền kinh tế hành chính lớn bằng con đường này. Điều đó tốt hơn là chính sách thắt lưng buộc bụng.
Liên minh châu Âu phải dùng nguồn lực của mình để phát triển nội tại: giảm chi phí quốc phòng bằng cách sử dụng chung phương tiện – cho phép rút ra được hàng chục tỷ USD – và không can thiệp vào các cuộc chiến tranh không liên quan đến mình. Tài trợ cho phát triển kinh tế và mở mang văn hóa của mình – cái mà người Mỹ biết cách làm – bằng ngân sách châu Âu tự chủ và vốn vay đứng tên Liên minh châu Âu, tổ chức hiện chưa mắc một khoản nợ nào, với trái phiếu châu Âu dùng cho đầu tư và tăng trưởng, chứ không chỉ chuyển đổi món nợ của các nước, cũng là một cách làm. Thêm vào đó, châu Âu cần xem lại phương pháp viện trợ cho thế giới – Liên minh châu Âu là tổ chức cung cấp viện trợ hàng đầu với 55% tổng viện trợ của thế giới lên tới 50 tỷ euro – đã trở thành lãng phí không có hiệu quả. Châu Âu cũng cần khuyến khích nghiên cứu y học và chia sẻ kết quả ở mức cao nhất. Dù phương pháp điều hòa nhập cư là như thế nào, đào tạo có hiệu quả hơn con cái người nhập cư sẽ có ích hơn cho châu Âu và thế giới đang gặp nguy khốn.
Châu Âu lúc đó có thể lại trở thành tâm điểm của lịch sử khi đóng vai trò người đi đầu trong các nhóm nước hòa bình và, từ đó, trở thành một yếu tố kích thích các nhóm nước khác. Sứ mệnh của châu Âu từ nay có thể là bình định thế giới – chiến tranh là yếu tố chính gây ra nạn nghèo khổ trong Thế giới thứ ba – và tìm kiếm hợp tác có hiệu quả nhất.
Đó là một chức năng mà châu Âu có thể đảm nhận nhờ phương tiện của nền kinh tế, sự phong phú của nền văn hóa, kinh nghiệm về cơ chế chính trị, và cũng vì châu Âu không có một động cơ đế quốc nào. Chỉ có châu Âu mới có quyền lực cần thiết để thương lượng với Mỹ, có thể đối đầu với Mỹ, mà không cần phải đưa ra chính sách chống Mỹ có hệ thống. Chỉ có châu Âu mới có ý định thương lượng với các nước mới trỗi dậy khác, nếu không phải là với các nền văn minh khác.
Trong các dự thảo luật cho thời kỳ 2014-2020, Ủy ban châu Âu lồng ghép nhiều thành quả của cuộc tranh luận diễn ra từ năm 2009, cụ thể về phát triển lãnh thổ và mối liên hệ giữa gắn kết và đóng góp cho chiến lược Châu Âu 2020 chủ trương tăng trưởng thông minh và bền vững cho tất cả các nước. Các đề xuất đó cũng bao gồm các bài học rút ra từ quá khứ để tạo khuôn khổ chung gắn kết và năng động hơn, chẳng hạn áp dụng đại trà các chỉ số để đánh giá hoạt động của doanh nghiệp hay sử dụng rộng rãi hơn công cụ tài chính khác ngoài biện pháp trợ giá.
Tương lai của chính sách vùng, dường như được định đoạt tại mỗi cuộc thương lượng về tài chính hàng năm của Liên minh châu Âu. Đó quả thực là một chính sách cần được minh chứng 7 năm/lần trong khi không có nhiều chính sách công được đánh giá như vậy. Chính sách gắn kết của châu Âu cần phải được thực hiện để làm sao thích ứng và thường xuyên tìm kiếm thỏa hiệp chính trị cho phép nó tồn tại và góp phần nâng cao chất lượng sống của mọi người dân châu Âu.
Muốn vậy, ông Raphael Goulet nhấn mạnh đến sự cần thiết phải gắn kết đối với châu Âu và muốn gắn kết, châu Âu phải dân chủ hơn. Từ hơn hai chục năm nay, giá trị gia tăng của chính sách đoàn kết trong Liên minh châu Âu dựa nhiều vào các nguyên tắc chủ đạo của chính sách đó. Cách tiếp cận mang tính chiến lược gắn với kế hoạch hóa hàng năm giúp ổn định việc soạn thảo và thực hiện chính sách đầu tư nhằm tạo ra hệ quả cơ cấu về trung hạn. Hợp tác giữa các thể chế chính phủ ở mọi cấp độ cũng như giữa các thể chế chính trị và đối tác kinh tế và xã hội, tạo điều kiện đế hỗ trợ mạnh mẽ hơn các chiến lược được thực hiện thông qua quy định đồng tài trợ đầu tư. Cuối cùng, tập trung nguồn lực, cả về phương diện địa lý lẫn chủ đề, cho phép xác định chính xác các vùng kém phát triển nhất và các lĩnh vực cần được can thiệp, và có khả năng tạo tăng trưởng và việc làm cao nhất.
Cần thì phải làm và tất cả các chính đảng phải nhận ra điều cần phải làm: đó là muốn có một châu Âu đoàn kết và dân chủ. Chỉ có một Liên minh châu Âu đổi mới mới có thể đương đầu được với thách thức của thế kỷ 21, và chỉ có châu Âu mới có thể bảo vệ được lợi ích, an ninh và nhân cách của công dân châu lục và khiến thế giới hiểu được thông điệp mà châu Âu muốn gửi cho họ.
Châu Âu, và chỉ có châu Âu, mới có khả năng kinh tế, tài chính và văn hóa để lấy lại vai trò của mình trong tiến trình toàn cầu hóa đa cực đang diễn ra, khi sự thống trị của Mỹ suy giảm. Nhưng châu Âu sẽ chỉ thực hiện được vai trò đó nếu đoàn kết với nhau, và châu Âu chỉ có thế đoàn kết được nếu trở nên dân chủ hơn trong các thể chế của mình./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét