Thứ Năm, 28 tháng 6, 2012

Lãi suất giảm: Ngân hàng kiếm lợi nhuận ở đâu?


- Giá của lãi suất chính là giá của rủi ro. Rủi ro chưa hết, nên giá của lãi suất cho vay ra chưa thể giảm sâu dù lãi suất điều hành đã giảm. "Lợi nhuận ở đâu?" là câu hỏi đang làm đau đầu các doanh nghiệp và cả ngân hàng.



Vay gói tín dụng "ưu đãi": Không dễ
Trong phương án tái cơ cấu của một ngân hàng (sở hữu nhà nước chiếm đa số) có việc "đề xuất Chính phủ cho xóa nợ bằng nguồn ngân sách nhà nước đối với các khoản nợ xấu phát sinh không có tài sản bảo đảm, không có khả năng thu hồi do thực hiện cho vay theo chỉ đạo hoặc chủ trương, chính sách của Chính phủ".
Bên cạnh đó, ngân hàng dự kiến xử lý nợ xấu bằng nguồn dự phòng rủi ro; xem xét bán lại các khoản nợ xấu cho Công ty mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC); bán các khoản nợ xấu cho các doanh nghiệp không phải tổ chức tín dụng, công ty mua bán nợ tư nhân và công ty mua bán nợ của các ngân hàng thương mại; xem xét việc chuyển nợ thành vốn góp, cổ phần của doanh nghiệp vay.
Lãnh đạo ngân hàng cũng đưa ra đề xuất rà soát các dự án bất động sản vay ngân hàng sắp hoàn thành hoặc đã hoàn thành nhưng chưa bán được để kiến nghị Chính phủ xem xét việc mua lại phục vụ cho an sinh xã hội và hoạt động của cơ quan nhà nước, đồng thời chuyển nguồn vốn đó cho ngân hàng để ngân hàng thu hồi nợ đã cho vay.



DN kêu không có vốn sản xuất và khó vay vốn lãi suất thấp...

Ngoài ra, trong nợ xấu của nhà băng này, một khoản nợ của Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) khoảng 4.000 tỷ đồng hiện vẫn chờ Chính phủ xem xét việc "xử lý riêng" trong vòng 3-5 năm. Một phần nợ khác cũng của Vinashin được khoanh và cơ cấu, một phần sẽ được đánh giá lại và có kế hoạch thu hồi, trích lập và xử lý rủi ro trong vòng 3-5 năm tính từ 2011.
Phó giám đốc một công ty tư nhân chuyên chế biến thép, inox cao cấp xuất khẩu đang có quan hệ tín dụng với ba ngân hàng, trong đó có ngân hàng trên, cho biết: "Tuy ngân hàng vừa công bố gói tín dụng lớn hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng đến giờ này, các gói lãi suất ưu đãi được các ngân hàng quảng cáo vẫn chỉ mang tính chất PR. Chúng tôi muốn đáo hạn hợp đồng vay vốn để có lãi suất thấp hơn ngân hàng bảo chưa được vì ngân hàng chưa huy động được vốn rẻ, tuần này mới giảm lãi suất huy động thì 1-2 tháng nữa mới có giá vốn điều chỉnh chứ bây giờ mà cho vay luôn giá thấp thì họ lỗ".
Thậm chí, ông nói rằng, doanh nghiệp mình đang có hạn mức tín dụng 150.000 USD tại ngân hàng trên, các hợp đồng xuất khẩu tuy có giảm nhưng nhà máy vẫn duy trì 2/3 công suất, quan hệ tín dụng theo vòng vay - trả vẫn diễn ra bình thường nhưng giá trị vay mỗi lần đáo hạn lại bị "cấu" đi một ít.
"Trước đây tôi trả vào ngân hàng 100.000 USD được vay ra tương đương thì nay vay ra chỉ được 80.000 USD. Ngân hàng nói bây giờ các điều kiện cho vay của nhà nước khó khăn hơn", vị này cho biết.
Giá của lãi suất chính là giá của rủi ro. Nếu như kinh tế học lý giải rằng khả năng thu nhập trong tương lai quyết định thái độ tiêu dùng hiện tại ví dụ trên minh chứng cho sự lo lắng của các ngân hàng. Ngân hàng đang không dám vung tay cho vay vì họ biết họ còn "khối u" nợ xấu.
Theo khảo sát, trần lãi suất trần huy động xuống đến 9% nhưng trên thị trường sự phân hóa giữa các nhóm doanh nghiệp được hưởng những nhóm lãi suất khác nhau vẫn rất xa. Các gói kích thích lãi suất thấp được các ngân hàng tung ra với lãi suất thấp 11% đến 13%/năm (Agribank, BIDV, MB, Vietcombank... ) nhưng được giải ngân rất chậm, chủ yếu mới đến một số doanh nghiệp đã có quan hệ tín dụng lâu năm với ngân hàng và được ngân hàng tiếp tục vay hay đáo hạn các hợp đồng cũ (vốn có lãi suất cao hơn). Các hợp đồng cho vay mới, với các doanh nghiệp mới gần như chưa có.


... còn nhà băng cũng kêu không có lãi. Vậy lợi nhuận đi đâu?

Với đa số doanh nghiệp còn lại, lãi suất cho vay trên thị trường được các ngân hàng chào đối với các khoản vay thông thường dưới một năm vẫn trên 17%/năm. Thu nhập lãi cận biên (NIM) giữa 17% và 9% vẫn cao tới 8 điểm phần trăm, trong khi NIM ở một nền kinh tế bình thường chỉ là 4-5 điểm.

Khoảng cách phi lý đó nói lên sự trục trặc của thị trường. Tất nhiên với sự giảm của lãi suất, chi phí vốn của doanh nghiệp thời gian tới được dự báo sẽ giảm, đặc biệt ở một số doanh nghiệp nhưng quá trình hấp thụ vốn sẽ cần thêm thời gian, tối thiểu 1-2 tháng, và vẫn sẽ không thể bình đẳng cho tất cả các doanh nghiệp.
Ngân hàng: "Khối u" chưa được cắt
Quay trở lại ngân hàng trên, với xuất phát điểm là ngân hàng quốc doanh đặc thù, dư nợ cho vay 20 khách hàng lớn nhất so với tổng dư nợ của ngân hàng đang là 17%, trong đó ngành xây dựng có tỷ lệ dư nợ lớn nhất, thường xuyên duy trì ở mức trên 14%. Tỷ lệ nợ nhóm 2 của ngân hàng này từ lâu vẫn duy trì trên 10% trong khi khuyến nghị của tổ chức định giá tín nhiệm với ngân hàng trong nhiều năm liền là cần giảm tỷ lệ nợ nhóm này xuống dưới 10%.
Vị lãnh đạo ngân hàng cho biết, ở ngân hàng của mình, kiểm soát chất lượng tín dụng đang là khâu được chú trọng hàng đầu rồi mới đến tăng trưởng tín dụng.
"Định kỳ mỗi tháng, hội sở chính có báo cáo gửi các chi nhánh danh sách các doanh nghiệp, ngành có tiềm ẩn rủi ro, chất lượng tín dụng ngành giảm sút để các chi nhánh dựa trên đó hạn chế không cho vay mới, kiểm soát chặt chẽ và đốc thúc thu nợ, lãi các khách hàng còn dư nợ", ông nói và thêm rằng "lãnh đạo ngân hàng cũng đã thu hẹp thẩm quyền phán quyết với các chi nhánh có nợ xấu và nợ nhóm 2 cao. Trong một số trường hợp chi nhánh không được tăng trưởng tín dụng mà chỉ tập trung thu nợ".
Mặc dù Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng phát biểu trên truyền thông rằng sẽ duy trì mức lãi suất trần huy động 9% từ nay tới cuối năm, song vị lãnh đạo ngân hàng này cho rằng nếu doanh nghiệp và ngân hàng không có chuyển biến tích cực sớm, cơ quan quản lý khó có thể không giảm tiếp mặt bằng lãi suất. Và bên cạnh việc dùng các biện pháp hành chính để đưa mặt bằng lãi suất xuống thấp thì trọng tâm của Chính phủ trong các tháng cuối năm là xử lý khối nợ xấu trong các ngân hàng.
Ông cũng cho hay, bóng tối của chất lượng tín dụng suy yếu vẫn đang dìm lợi nhuận các ngân hàng xuống. Ví dụ, năm 2011 do phải trích lập dự phòng rủi ro ở mức rất lớn, trên 4.000 tỷ nên cho dù chênh lệch thu chi của ngân hàng tăng trưởng ở mức rất cao, trên 45% nhưng lợi nhuận trước thuế của ngân hàng vẫn giảm khoảng 10%. Nhìn lại tình hình kinh doanh hơn 5 tháng qua, ông lắc đầu: "Câu hỏi lớn nhất bây giờ không chỉ của doanh nghiệp mà còn của các ngân hàng là tìm lợi nhuận ở đâu?"
Hồng Phúc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét