Thứ Năm, 21 tháng 3, 2019

Thủy kể việc bị CA bắt tại BOT Bắc TL-NB hôm 15/3

Nhân chứng kể việc bị bắt giữ tại BOT Bắc Thăng Long hôm 15/3
Trong nhiều ngày qua, BOT Bắc Thăng Long trở tâm điểm nóng của dư luận xã hội, nhất là vụ bắt giữ 5 người phản đối trả phí khi qua trạm vào thứ Sáu 15/3. Trong khi chính quyền địa phương phủ nhận việc bắt giữ tài xế lái xe và phá xe, một nhân chứng vừa xác nhận với BBC rằng đích thân đã bị lực lượng chức năng cậy xe, lôi kéo người và giam giữ suốt 30 tiếng đồng hồ. Trả lời phóng viên BBC tại Bangkok, chị Trần Thị Thu Thủy, 36 tuổi, cho biết chị có bằng chứng chứng minh việc mình và 4 người khác đã bị bắt giữ trái luật vào ngày 15/3.

Chị Trần Thị Thu Thủy
Bị lôi xềnh xệch, giam giữ
Chị Thủy, một người kinh doanh xuất nhập khẩu, sinh sống tại khu vực Kim Mã cho biết chị thường xuyên phải đi qua BOT Bắc Thăng Long để đăng ký thủ tục hải quan cho hàng hóa ở sân bay Nội Bài.
Chị bắt đầu quan tâm đến vấn đề BOT từ tháng 8/2018 và tham gia nhóm Phản đối BOT Bắc Thăng Long-Nội Bài (BTL-NB).
Hôm 15/3, sau khi thấy hàng loạt hình ảnh, video chia sẻ trên Facebook về việc hàng trăm lực lượng vũ trang, công an, quân đội vây quanh BOT Bắc Thăng Long để chủ đầu tư hạ barie thu phí sau hơn 3 tháng xả trạm, chị quyết định cùng hai người bạn và hai lái xe đến BOT.

"Hai xe mình ra đấy thì họ đòi thu phí. Tôi hỏi thu vé đường nào, thì họ bảo 'tuyến tránh Vĩnh Yên'. Tôi mới bảo bọn tôi không đi đường tránh mà chỉ từ Hà Nội đến Nội Bài rồi về thôi. Họ bảo 'có quyết định của Thủ tướng cho thu phí'. Khi tôi yêu cầu cung cấp quyết định thì họ không đưa," chị Thủy kể lại cho BBC hôm 20/3.

Nhân viên BOT mở barie hai lần cho chị Thúy, nhưng đến lần thứ ba thì lực lượng chức năng xuất hiện.

"Lúc đó tối, tôi quay lên chỗ sân bay ăn uống rồi quay về vẫn phải qua trạm BTL-NB, tôi cũng nói tôi không đi tuyến tránh nên yêu cầu mở barie thì lực lượng an ninh quây kín xe."

"Họ không có hành động mời làm việc mà cứ mở cửa xe, lôi người xềnh xệch, giật điện thoại, tống lên xe thùng chở về công an huyện Sóc Sơn," chị Thủy nói.

Chị Thủy và 4 người chỉ được thả sau 30 tiếng giam giữ, và lúc đó mới nhận được biên bản quyết định bắt giữ vì "hành vi gây rối, cản trở hoạt động của cơ quan tổ chức" và phạt hành chính 2,5 triệu.

Chị Thủy cũng phủ nhận cho rằng xe của chị gây cản trở giao thông vì tình trạng tắc đường kẹt xe đã xảy ra từ sáng khi các lái xe phản đối trả phí từ sáng.

"Theo quy định tắc đường 700m phải xả trạm, nhưng bọn nó vẫn thu nên đường đã tắc từ khi bọn tôi chưa có mặt... Họ là báo cáo tôi không ký. Báo cáo đó là láo toét, vu khống," chị Thủy nói.


Video: Lực lượng an ninh lôi kéo chị Thủy và những người đi cùng ra khỏi xe hôm 15/3 tại BOT Bắc Thăng Long

Bị canh nhà

Sau khi trở về nhà lúc 9 giờ tối 16/3, cuộc sống gia đình chị Thủy tiếp diễn bình thường cho đến sáng 20/3 hôm nay.

"Từ sáng 7 giờ họ đi xe máy ngang qua chụp hình, họ đứng các ngõ ngách nhìn vào nhà tôi. Tôi hỏi 'Mày quay nhà tao làm gì, mày định ăn trộm ăn cắp gì nhà tao hay định giết người?' thì chúng nó cứ ỉm ỉm vậy thôi," chị Thủy nói về nhóm người lạ mặt vẫn bao vây nhà chị khi chị trả lời phóng viên BBC qua điện thoại.

Chị Thủy nghi ngờ rằng mọi hoạt động sinh hoạt của gia đình chị đang bị giám sát vì cũng trong ngày hôm nay, trạm BOT Mỹ Lộc tại Nam Định đã hạ barie, thu phí trở lại.

Chị cho biết, gia đình chị sinh sống ở Mỹ Lộc và Kim Mã, cả hai nơi đều bị ảnh hưởng hai trạm BOT Mỹ Lộc và BOT Bắc Thăng Long.

Ngoài ra, việc thu phí BOT cũng ảnh hưởng đến việc kinh doanh xuất nhập khẩu của chị.

"Ngày trước hàng hóa của tôi từ bất cứ hàng nhập khẩu, xuất khẩu phải làm thủ tục hải quan ở Nội Bài. Hàng nhập phải chuyển về Hà Nội cho khách hàng, hàng xuất phải chuyển từ kho lên Nội Bài để liên hệ với các hãng bay, vận tải… Lúc nào cũng phải qua cái BOT Bắc Thăng Long.

"Cho nên thuế phí sẽ ảnh hưởng đến các loại hàng hóa, không chỉ các lái xe mà đến cả khách hàng, ảnh hưởng đến người dân Việt Nam, cho nên tôi rất là bức xúc."

"Cả đời tôi chưa bao giờ phải đi qua tuyến tránh ở Vĩnh Yên, phải trả phí hoàn vốn cho nó là một điều bất công."

Chống BOT vì lời kêu gọi của TBT

"Ngày xưa tôi không quan tâm đến chính trị, xã hội lắm. Chỉ khi thấy người dân Nam Định, Thái Bình phản đối BOT Tân Đệ, thấy người dân tập trung đồng lòng đồng sức vì một cộng đồng văn minh, không có BOT bẩn, tôi rất ngưỡng mộ," chị Thủy nói.

"Tham nhũng nước nào cũng có, ít hay nhiều, nhưng người dân thể hiện tình yêu với tổ quốc là qua việc chống tham nhũng và phân biệt đúng sai để xây dựng bảo vệ tổ quốc."

"Cái việc năm người bọn tôi bị bắt thể hiện rằng tệ nạn tham nhũng đã đầy rẫy trên Việt Nam rồi, và bản thân chúng tôi phải ý thức hành động của mình, phải chống tham nhũng thì đất nước mới phát triển.

"Tôi nghĩ tôi sẽ không từ bỏ, vì đây là lời kêu gọi của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Tổng bí thư đã nói rằng chống tham nhũng không có vùng cấm. Bọn tôi mới nghe theo lời kêu gọi.

"Người khác có thể không quan tâm, để sống chết mặc bay, nhưng chúng tôi vì tương lai của người dân Việt Nam, con cháu, nên chúng tôi mới muốn chống tham nhũng."

Chị Thủy cho biết chị không ngăn cản việc trả tiền, chỉ yêu cầu Vietracimex phải đặt trạm thu phí trên tuyến tránh, thu bao nhiêu không quan tâm, ai sử dụng thì phải trả.

"Là một người công dân, tôi có thể làm những gì pháp luật không cấm. Một người phải biết đúng biết sai, phải biết phản ứng trước những cái sai đồng thuận trước những cái đúng mới là một người dân yêu nước."

Chính quyền nói gì?

Trả lời báo Tin tức, ông Lê Văn Duyển, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 15, đơn vị phụ trách đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến đường Bắc Thăng Long nói rằng không có việc "lực lượng chức năng bắt lái xe và phá xe có hành vi phản đối thu phí" tại trạm BOT BTL-NB.

Lực lượng chức năng chỉ "vận động, nhắc nhở các lái xe và người dân địa phương không tụ tập gây cản trở giao thông và yêu cầu các phương tiện mua vé theo quy định", cũng theo báo này.

Trước đó BOT BTL-NB đã tạm ngừng thu phí 3 tháng kể từ 18/12, sau khi bị nhiều lái xe và người dân phản đối quyết liệt.

Trạm thu phí Bắc Thăng Long-Nội Bài đã được thành lập theo Quyết định số 327/KHĐT ngày 21/02/1997 của Bộ GTVT, và đã tiến hành thu phí suốt gần 20 năm.

Đến 5/8/2009, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) lại bàn giao nguyên trạng trạm thu phí này cho nhà đầu tư là Công ty cổ phần Vietracimex 8 để thu phí đoàn đường tránh thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc gần quốc lộ 2.

BOT BTL-NB tiến hành thu phí cho đường tránh Vĩnh Yên từ 1/1/2011, với mức phí 10.000 đồng/xe 12 chỗ với thời gian thu phí hoàn vốn là 16 năm 10 tháng 11 ngày.

Cách đây 6 năm, vào 2013, Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng phương án gộp trạm BOT Bắc Thăng Long với trạm thu phí ở quốc lộ 2 đoạn đường Nội Bài - Vĩnh Yên, tuy nhiên đã bị nhà đầu tư Vietracimex 8 phản đối.

Vietracimex 8 cho rằng đề xuất trên sẽ khiến nhà đầu tư phá sản. Khi đó, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã nói rằng: "Thu phí trên tuyến đường đối ngoại để trả tiền đầu tư cho một con đường ở Vĩnh Yên là bất hợp lý".

Theo báo Tin tức, UBND TP Hà Nội đã nhiều lần có văn bản đề nghị Bộ Giao thông Vận tải di chuyển trạm BOT này về đúng vị trí, với lý do đây là tuyến đường đối ngoại huyết mạch nối trung tâm Hà Nội với cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài, tuy nhiên đến nay trạm BOT vẫn tiếp tục thu phí.

(BBC)
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-47622370

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét