Thứ Tư, 20 tháng 3, 2019

Gái Việt: Món hàng trên Wechat

Gái Việt: Món hàng trên Wechat
Năm 17 tuổi, Miên lấy chồng. Đám cưới diễn ra hai ngày, tại một nhà hàng ở Bắc Kinh. Khi quan khách chắp tay nói cung hỷ, cô dâu trong bộ váy cưới màu trắng, nước mắt đầm đìa đứng cạnh chú rể. Chồng Miên 28 tuổi. Anh ta làm nghề gì, Miên không biết. Anh ta tên gì, Miên không nhớ. Lễ cưới của Miên không có người thân bên cạnh. Cô không được mặc váy hoa thêu tay. Nhà trai không làm lễ dạm ngõ, ăn hỏi, xin cưới theo phong tục của người Mông ở Bắc Hà quê Miên. 

Người yêu Miên đã bán cô sang Trung Quốc, vào đúng ngày cô gái tròn 17 tuổi.
"Mình đi chợ đêm Mường Khương, xong qua nhà chú ở Na Lốc lấy ít đồ, rồi về nhà anh", Ao nói với Miên sau buổi sinh nhật được tổ chức ở phòng trọ. Hôm ấy là ngày 4 tháng 5 năm 2017.
Khi đặt chân đến đoạn suối Pạc Chì chảy qua thôn Na Lốc, nhìn thấy cánh rừng cao su, cô vội quay đầu. Nhưng dao đã kề ngay bên cổ. Hai đồng phạm của Ao xuất hiện, gằn giọng: "Mày đi theo, hoặc là chết".
Miên ngoái lại cầu cứu người yêu. Nhưng Ao chỉ đứng nhìn bạn kẹp dao vào cổ cô dẫn đi. Phía bên kia, là ba người đàn ông Trung Quốc chờ sẵn.

Con đường dẫn Miên qua biên giới, cũng là đoạn suối mà Lù Thị Chang đã lội qua.

Cảnh sát Trung Quốc cho rằng nguyên nhân dẫn đến ngành buôn cô dâu Việt ở Trung Quốc là "nhu cầu thị trường quá lớn".

Chồng của Miên sinh năm 1989. Người đàn ông này sinh ra đã mang định mệnh của một thanh niên khát vợ. Năm 1989, cả nước Trung Quốc có 8,7 triệu ca triệt sản; 10,6 triệu ca phá thai. Những con số được thống kê chi li: nó theo dõi một chính sách quan trọng. Năm đó, ở Hồ Nam, người ta thậm chí phải tống một cán bộ dân số vào tù, khi người này ép một phụ nữ phải bỏ thai.

Hơn ba mươi năm thực hiện Chính sách một con, cộng với tâm lý cần con trai để nối dõi tông đường, đã tạo ra một xã hội mất cân bằng giới. Mâu thuẫn xã hội được bù đắp bởi quan hệ kinh tế: phụ nữ trở nên đắt giá trên khía cạnh hiện kim. Ngay cả ở các vùng nông thôn Trung Quốc, số tiền để cưới một cô dâu bản địa có thể tiêu tốn hàng trăm nghìn tệ.

Một bộ phận tổ chức nhập khẩu cô dâu. Một số bằng các đường dây môi giới hợp pháp, xem mặt và tổ chức cưới tự nguyện. Một số tìm đến bọn tội phạm buôn người: các cô gái Việt Nam bị bán làm tù nhân và được gọi tên là "cô dâu".

Đoạn biên giới gần 20 cây số, chạy dọc theo sông Nậm Thi, từ tổ 9 phường Duyên Hải, TP Lào Cai đến thôn Na Lốc, xã Bản Lầu được xác định là nơi tội phạm thường đưa người qua biên giới.

Qua dòng Nậm Thi - biên giới tự nhiên giữa hai nước ở khu vực cửa khẩu quốc tế Lào Cai - khoảng 10 cây số, sẽ gặp suối Pạc Chì - cái tên có nghĩa là "suối biên giới". Càng ngược về hướng Mường Khương, con suối càng thu mình lại. Đến địa phận các thôn Na Lốc, xã Bản Lầu, Pạc Chì biến thành một con mương nhỏ trong mùa nước cạn. Trên dòng suối ấy, người ta có thể bắc một chiếc cầu bằng ván, bước ba nhịp là sang bên kia biên giới.

Trên cung đường vắng nhà cửa, chỉ có những quả đồi trồng chuối, trồng dứa nối tiếp nhau. Một chiếc xe lạ lạc vào đây chẳng ai để ý. Bản làng nằm sâu trong thung lũng, xa đường biên chục cây số. Bên kia biên giới là nông trường cao su Mã Hoàng Pao, nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.

"Vị trí địa lý, địa hình đã biến Lào Cai thành địa bàn trực tiếp, vừa là điểm trung chuyển của các đường dây buôn người từ các tỉnh lân cận sang Trung Quốc", thiếu tá Phạm Văn Năm, Phó phòng cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Lào Cai nhận định.

Khu vực nơi các đối tượng buôn bán phụ nữ đưa "hàng" qua biên giới.

Đường đi và phương thức vận hành của những đường dây buôn người xuyên biên giới này được hé lộ thông qua một chuyên án mà công an Trung Quốc thực hiện năm 2017.

Cuối năm 2016, cảnh sát Côn Minh bắt đầu chú ý đến hành trình của một người đàn ông họ Diệp, khi anh ta thường xuyên đi về giữa Chiết Giang và Vân Nam. Sau khi rời ga tàu Côn Minh - thủ phủ của tỉnh Vân Nam, Diệp ngồi ôtô tới Văn Sơn - châu tự trị giáp với tỉnh Lào Cai của Việt Nam. Từ Chiết Giang tới Côn Minh, Diệp đi một mình. Nhưng từ Văn Sơn quay về ga tàu Côn Minh, Diệp thường đi cùng vài cô gái.

Khi cảnh sát thực hiện cuộc kiểm tra, những cô gái này không hiểu tiếng Trung Quốc. Thẻ căn cước dùng mua vé tàu đều là giả. Họ đến từ Việt Nam.

Trịnh Quân Di, Đội trưởng Cảnh sát hình sự thuộc Sở công an đường sắt Côn Minh phân tích trên tờ Tin tức Bắc Kinh: trong đường dây có sự cấu kết chặt của người trong và ngoài nước. Việc lựa chọn đối tượng và lừa sang Trung Quốc do người Việt Nam đảm nhiệm. Người sống ở biên giới hai nước, thông thuộc địa hình, giao tiếp được tiếng Việt, lo liệu đưa nạn nhân nhập cảnh Trung Quốc, đợi người mua liên hệ. Tiếp đó, người Trung Quốc lo phân phối nạn nhân tới các vùng.

"Gần như mỗi tỉnh ở Trung Quốc đều có các đại lý phân phối nạn nhân buôn người như vậy", đại diện công an Côn Minh khẳng định.

Sau khi bị cưỡng ép sang Trung Quốc, các cô gái thường bị giam tại một ngôi nhà sát biên giới. Ảnh, thông tin của các cô sẽ được gửi tới môi giới ở các tỉnh qua WeChat. Môi giới liên hệ khách hàng. Nếu ưng ý, khách tới Vân Nam "kiểm tra hàng". Giao dịch này luôn dùng tiền mặt. Giá một cô dâu Việt thường từ 60.000 tới 70.000 NDT, có trường hợp 80.000 đến 90.000 NDT, tức hơn 300 triệu đồng. Trả tiền xong, khách có thể đưa "hàng" lên tàu hỏa từ Côn Minh về nhà.

Đầu năm 2018, đường dây này bị triệt phá. Cảnh sát bắt giữ 78 nghi phạm, cứu 33 nạn nhân, trao trả cho công an Việt Nam. Các cô gái đều ở tuổi từ 13 tới ngoài 20. 

Con đường đưa phụ nữ từ Lào Cai sang các tỉnh Trung Quốc.


Trong các hồ sơ mua bán người của công an Việt Nam, các "đại lý cấp một" ở biên giới thường xuất hiện với thông tin người đàn ông tên Lình, tên Sử hoặc người phụ nữ lạ mặt. Họ là người Trung Quốc, hoặc người Việt Nam sang làm ăn, sinh sống lâu năm ở biên giới. Những cuộc móc ngoặc với bên này chỉ bằng câu nói "về Việt Nam tìm phụ nữ bán" và cho số điện thoại để liên lạc.

Bên này Việt Nam, các trai bản đóng vai trò như những người giao hàng, chuyên tìm kiếm nguồn hàng là những cô gái mới quen biết, người yêu, bạn học... cho các đại lý bên kia biên giới. Mỗi cô gái bị đưa đi, mắt xích này nhận từ 10.000 đến 15.000 NDT, khoảng 30 đến 40 triệu đồng.

Cư Seo Quang là một người giao vận điển hình trong các đường dây này. Quang vào nghề từ năm 16 tuổi, trong một lần được Sùng Seo Vảng rủ rê. Khi biết người bên Trung Quốc có nhu cầu mua phụ nữ, Quang đã chủ động móc nối để "chào hàng". Nạn nhân của Quang là bạn gái, bạn học, người quen trên mạng xã hội.

Thủ đoạn của tên này là làm quen với các cô gái qua mạng xã hội, hẹn gặp, rủ về nhà ở Lào Cai chơi. Trên đường đi, Quang liên lạc với đồng bọn thông báo, rồi chở nạn nhân đến thẳng suối Pạc Chì để bán.

"Nó học cùng cấp hai với em, nên em chẳng nghi ngờ gì", Lư Thị Đòa, bạn học cùng trường đã bị Cư Seo Quang bán với giá 8.000 NDT, bằng một tin nhắn rủ đi sinh nhật.
https://vnexpress.net/longform/nhung-co-dau-viet-gia-sau-van-te-3896990.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét