Vì đâu Kinh tế tư nhân bị cản trở ?
Năng lực điều hành hạn chế của doanh nghiệp và bất bình đẳng, sợ chệch hướng XHCN của hệ thống quản lý khiến KTTN kìm hãm. Theo NGƯT.GS.TS. Nguyễn Kế Tuấn (Trường Đại học Kinh tế quốc dân), kinh tế tư nhân (KTTN) bị kìm hãm bởi hạn chế về năng lực quản lý điều hành và sự bất cập của quản lý nhà nước trong tạo điều kiện cho phát triển.
Diễn đàn khoa học về KTTN tại LHH VN. Ảnh: Tri thức & Phát triển
Doanh nghiệp tư nhân là lực lượng chủ yếu tạo việc làm cho người lao động và góp phần giải quyết các vấn đề xã hội trong quá trình phát triển; đóng góp phần quan trọng vào thu ngân sách nhà nước và tác động đến việc điều chỉnh phân bổ các nguồn lực theo yêu cầu bảo đảm hiệu quả kinh tế - xã hội.
KTTN tạo áp lực thúc đẩy đổi mới quản lý nhà nước về kinh tế và thúc đẩy cải cách hệ thống doanh nghiệp nhà nước.
Trong thực tiễn lịch sử, quá trình phát triển nhận thức về vai trò động lực của KTTN trước khi thực hiện công cuộc Đổi mới (trước 1986) là gắn với sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất được coi là bộ phận kinh tế “phi xã hội chủ nghĩa” và là đối tượng của “cải tạo xã hội chủ nghĩa”.
Tới Đại hội Đảng lần thứ VI (1986) thừa nhận KTTN là một thành phần trong cơ cấu kinh tế nhiều thành phần và yêu cầu “cần có chính sách sử dụng và cải tạo đúng đắn với các bộ phận của thành phần kinh tế này”.
Tại Đại hội Đảng lần thứ X (2006) xác định “KTTN có vai trò quan trọng, là một trong những động lực của nền kinh tế”.
Đại hội Đảng lần thứ XII (2016) xác định “…KTTN là một động lực quan trọng của nền kinh tế…”.
Theo đó, trong cả một quá trình dài gần 30 năm kể từ khi thực hiện công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa (1958), KTTN bị coi là đối nghịch với kinh tế xã hội chủ nghĩa. Đến khi thực hiện công cuộc đổi mới (1986), KTTN mới được thừa nhận là một bộ phận hợp thành nền kinh tế trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, nhưng vẫn với tư duy “vừa sử dụng, vừa cải tạo”.
Sau 20 năm tiến hành công cuộc đổi mới, đến năm 2006, kinh tế tư nhân mới được xác định là một động lực phát triển. Đến 10 năm sau (2016), vai trò của KTTN được nâng lên là “động lực quan trọng của nền kinh tế”. Điều đó được coi là một bước tiến trong nhận thức. Nhưng bước tiến này mất khoảng thời gian khá dài với hệ lụy là nguồn lực to lớn trong nước không được huy động phục vụ công cuộc phát triển kinh tế - xã hội.
GS.TS. Nguyễn Kế Tuấn cho rằng, từ khi được thừa nhận là một thành phần trong cơ cấu kinh tế nhiều thành phần, sự phát triển mạnh mẽ và liên tục của KTTN đã huy động được nguồn lực tài chính to lớn trong nước vào đầu tư phát triển, tạo thêm nhiều việc làm mới, đóng góp ngày càng lớn vào sự tăng trưởng kinh tế của đất nước…
Hai yếu tố kìm hãm KTTN
Tuy nhiên, vai trò của KTTN chưa được phát huy đầy đủ do 2 yếu tố cơ bản cản trở từ chính bản thân kinh tế tư nhân và từ bất cập trong quản lý nhà nước với KTTN.
Thứ nhất, cản trở từ bản thân KTTN
Nội lực là yếu tố cơ bản bảo đảm sự phát triển mạnh, có hiệu quả và bền vững của bản thân các doanh nghiệp thuộc thành phần KTTN và phát huy vai trò động lực thúc đẩy phát triển nền kinh tế đất nước. Tuy nhiên, nội lực của KTTN nước ta còn thấp kém đang là một trong những cản trở lớn với việc phát huy vai trò của thành phần kinh tế này.
Các loại hình doanh nghiệp thuộc KTTN ở nước ta hiện nay chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ, đặc biệt là các doanh nghiệp “siêu nhỏ” với sự hạn chế về nguồn lực tài chính, trang bị công nghệ và khả năng đổi mới, sáng tạo.
Doanh nghiệp "Siêu nhỏ" cực nhiều.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2014, trong tổng số 402.326 doanh nghiệp có 388.232 doanh nghiệp ngoài nhà nước (trong nước), chiếm tới 96,5%. Trong số này, 210.882 doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 5 tỉ đồng, chiếm tới 52,42% tổng số doanh nghiệp, chỉ có 5.161 doanh nghiệp có quy mô vốn trên 200 tỉ đồng, chiếm 1,28%. Xét theo quy mô lao động, số lượng doanh nghiệp ngoài nhà nước (trong nước) sử dụng dưới 9 lao động là 298.903 đơn vị, chiếm 66,84%, số doanh nghiệp sử dụng từ 200 lao động trở lên là 4.614 đơn vị, chiếm 1,15%.
(Đất Việt)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét