Thứ Bảy, 6 tháng 8, 2016

Có "dê tế thần", lòng dân có thuận?

Có "dê tế thần", lòng dân có thuận?
Ông Trần Bang, người vừa tham gia cuộc biểu tình mới nhất ở Sài Gòn cùng với biểu ngữ “Formosa cút khỏi Việt Nam” cho biết: "Cứ nghĩ rằng những người dân tại vùng đó không dám ăn cá biển thì mới khủng khiếp thế nào...", “Chúng tôi không những mong muốn là phải mang những kẻ duyệt, đưa dự án này về Hà Tĩnh và quá trình kiểm tra cấp phép, kiểm soát xả thải chất độc ra Hà Tĩnh ra trước vành móng ngựa, Formosa phải đền bù cho những nạn nhân bị ảnh hưởng. Điều nữa là chúng tôi mong muốn phải đóng cửa Formosa.”
Có "dê tế thần", lòng dân có thuận? - Công nhân Việt Nam làm việc tại nhà máy thép Đài Loan Formosa, tỉnh Hà Tĩnh hôm 4/12/2015. Trong cuộc gặp cử tri TP.HCM, chủ tịch nước Trần Đại Quang lên tiếng nói rằng sẽ xử lý nghiêm bất kỳ ai liên quan đến Formosa. Điều này có phải là điều mà người dân trong nước và những người đấu tranh cho môi trường mong muốn hay không?

Không giải quyết được vấn đề

Chủ tịch nước Trần Đại Quang lần đầu tiên lên tiếng về thảm hoạ môi trường gây cá chết hàng loạt ở ven biển bốn tỉnh miền Trung trong buổi tiếp xúc cử tri TP. HCM. Tuy không đề cập trực tiếp đến riêng cá nhân hay tổ chức nào, nhưng qua lời phát biểu mà báo giới trong nước tường thuật lại, có thể hiểu rằng bất cứ giới chức, bộ ngành nào có liên quan đến Formosa sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Điều này hẳn nhiên được hiểu là một dấu hiệu cho thấy sẽ có những biện pháp xử lý nghiêm minh và đúng luật.

Tuy nhiên, những người đấu tranh vì môi trường và sự minh bạch thì vẫn chờ một kết quả rõ ràng hơn. Ông Nguyễn Chí Tuyến, một trong những người đấu tranh, biểu tình vì biển sạch, từ Hà Nội cho biết.

“Việc họ nói thì người dân chỉ biết được vậy, chứ thật sự có thực hiện được như lời ông chủ tịch nước nói hay không, tức là không kiêng nể hoặc không ngoại trừ bất cứ cá nhân hay tổ chức nào. Sau buổi tiếp xúc cử tri của ông Trần Đại Quang với cử tri trong TP. HCM, chúng tôi phải xem sau lời nói của họ thì hành động của họ là như thế nào. Đó mới là kiểm chứng.”

Theo lời ông Tuyến, cho đến thời điểm này, tất cả những gì mà ông và người dân trong nước biết được là phía công an Hà Tĩnh khởi tố hình sự đối với ông Lê Quang Hoà, giám đốc công ty môi trường Kỳ Anh liên quan đến hợp đồng vận chuyển xử lý chất thải giữa Formosa và công ty cổ phần xây dựng quản lý môi trường đô thị Kỳ Anh.

  Sau buổi tiếp xúc cử tri của ông Trần Đại Quang với cử tri trong TP. HCM, chúng tôi phải xem sau lời nói của họ thì hành động của họ là như thế nào. Đó mới là kiểm chứng.

- Ông Nguyễn Chí Tuyến
“Cho đến lúc này tôi nghĩ là ông Võ Kim Cự chưa bị cái gì mang tính chất là khởi tố, cáo buộc những sai lầm hay tội của ông ấy cả. tôi nghĩ là lời phát biểu của ông chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng chỉ là lời phát biểu thôi. Chứ còn tôi cũng như những người dân khác thì chúng tôi sẽ theo dõi từ lời nói của ông cho đến hành động của ông ấy cũng như phía nhà nước, chính phui sẽ thực hiện thế nào.”

Một nhà đấu tranh khác, ông Trần Bang, từ Sài Gòn cho biết quan điểm của ông sau khi chứng kiến nhiều sự việc khác xảy ra có liên quan đến các bộ máy cấp cao của nhà nước.

“Đây là cách nói của một Đảng viên Cộng sản cao cấp Trần Đại Quang. Chức mà ông phụ trách bên nhà nước là chủ tịch nước. Tôi nghĩ vì ông ấy là đãng viên cao cấp của Đảng cộng sản Việt nam, Đảng duy nhất lãnh đạo ở Việt Nam hiện nay, người ta gọi là độc tài toàn trị cộng sản. Tôi nghĩ lời nói và việc làm từ trước đến nay không liên quan với nhau.”

Chia sẻ của ông Trần Bang gợi nhớ lại kỳ tiếp xúc cử tri Hà Nội trước cuộc họp Quốc hội tháng 10 năm 2014, khi đó, ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã công khai bày tỏ ý kiến liên quan đến chống tham nhũng, tiêu cực, ông nói rằng ‘Đánh chuột đừng để vỡ bình. Làm sao diệt được chuột mà bảo vệ được bình hoa.”

Và cũng chính từ điều này mà ông Trần Bang có nhận xét về lời phát biểu của chủ tịch nước Trần Đại Quang

“Đưa ông Võ Kim Cự ra làm chốt thí hay không thì đến thời điểm này thì chưa thấy. Nhưng cũng có thể, vì từ trước đến nay cũng có vài vụ đụng đến uỷ viên trung ương rồi. Thế nhưng giả sử việc này được sự đồng thuận với cấp cao hơn thì sao?Điều đó chúng tôi mới quan tâm. Chứ còn đưa ông Võ Kim Cự ra làm chốt thí thì cũng là bình thường. Không giải quyết được vấn đề.”

“Formosa cút khỏi Việt Nam”

Hai bảo vệ người Trung Quốc bên trong khu công nghiệp Formosa Hà Tĩnh hôm 3/12/2015.
Chỉ trong một tháng, đã có sự lên tiếng chính thức từ nhân tố được cho là liên quan trực tiếp đến Formosa là nguyên bí thư tỉnh uỷ Hà Tĩnh , ông Võ Kim Cự, lời phát biểu của chủ tịch nước Trần Đại Quang, người dân Việt Nam vẫn tiếp tục thực hiện những cuộc biểu tình nhỏ để phản đối, đồng loạt đưa cao biểu ngữ “Formosa cút khỏi Việt Nam.”

Và cũng chính chủ tịch nước Trần Đại Quang trước đây có lên tiếng với báo giới rằng “Nếu Formosa còn tái phạm thì sẽ đóng cửa.”

Ông Nguyễn Chí Tuyến bày tỏ sự quan tâm đến sự tồn tại của Formosa ở Việt Nam trong tương lai:

“Một doanh nghiệp với một nền công nghệ, tiền án như thế mà họ tồn tại trong vòng 70 năm nữa thì nó sẽ gây tác hại cho môi trường, cho những sinh vật sống nói chung, con người nói riêng đến như thế nào nữa thì không thể tưởng tượng được.”

Ông Trần Bang, người vừa tham gia cuộc biểu tình mới nhất ở Sài Gòn cùng với biểu ngữ “Formosa cút khỏi Việt Nam” cho biết:

  Cứ nghĩ rằng những người dân tại vùng đó không dám ăn cá biển thì mới khủng khiếp thế nào...Rõ ràng người dân mong muốn là đóng cửa Formosa.

- Ông Trần Bang
“Chúng tôi không những mong muốn là phải mang những kẻ duyệt, đưa dự án này về Hà Tĩnh và quá trình kiểm tra cấp phép, kiểm soát xả thải chất độc ra Hà Tĩnh ra trước vành móng ngựa, Formosa phải đền bù cho những nạn nhân bị ảnh hưởng. Điều nữa là chúng tôi mong muốn phải đóng cửa Formosa.”

Chi tiết hơn về những mong muốn của mình cũng như của toàn thể người dân và những người chịu thiệt hại trực tiếp từ thảm hoạ môi trường do Formosa gây ra, ông nói:

“Cứ nghĩ rằng những người dân tại vùng đó không dám ăn cá biển thì mới khủng khiếp thế nào. Có một số người đã vào Sài Gòn để xin việc vì họ có thuyền, có đồ dùng mà không đánh cá được. đánh cá về thì không ai mua. Rõ ràng người dân mong muốn là đóng cửa Formosa.”

Ngay sau phát biểu của người vừa được ứng cử vào vị trí cao nhất trong bộ máy lãnh đạo nhà nước, thì Uỷ viên Bộ chính trị, Thường trực Ban bí thư, ông Đinh Thế Huynh có tiếp xúc với cử tri thành phố Đà Nẵng, và cho biết sẽ “rà soát toàn bộ quá trình cấp phép, phê duyệt dự án với Formosa”. Và như những gì người dân trong nước vừa bày tỏ, có thể thấy điều mà họ chờ đợi là những điều nhiều mang ý nghĩa thực tế, minh bạch và tác động lâu dài.

Cát Linh
Theo RFA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét