San Suu Kyi và kiểu lãnh đạo "trên cả tổng thống"
01/04/2016 Chỉ một ngày sau khi chính phủ dân sự đầu tiên ở Myanmar nhậm chức, với vị trí cao nhất theo luật định – Tổng thống – không thuộc về bà Aung San Suu Kyi, người ta đã dần hiểu ra bà sẽ "lãnh đạo trên cả tổng thống" như thế nào. Một cựu nghị sĩ USDP, ông U Hla Swe nói: “Dường như bà ta muốn nắm giữ nhiều vị trí nhất có thể”. Ông Swe thậm chí cho rằng bà San Suu Kyi “đang phát điên vì quyền lực”. Thái độ và cách hành xử của bà đang thực sự gây lo ngại, ngay trong nội bộ NLD. Một số nhà bình luận nước ngoài thậm chí gắn mác cho San Suu Kyi là “nhà độc tài dân chủ” đang hiện hình và dự báo những cuộc khủng hoảng mà chính bà đang cố tránh.Ngày 30/3, Tổng thống Htin Kyaw – tài xế, cũng là bạn thân từ thời trẻ trâu của Chủ tịch đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) Aung San Suu Kyi – đã tuyên thệ nhậm chức trước Quốc hội, trở thành vị Tổng thống dân sự đầu tiên sau hơn 50 năm ở Myanmar. Cùng ngày, Nội các gồm 18 Bộ trưởng cũng đã tuyên thệ nhậm chức. Đáng chú ý là riêng bà San Suu Kyi nắm giữ 4 bộ quan trọng, gồm Bộ Ngoại giao, Bộ Giáo dục, Bộ Năng lượng và Bộ Văn phòng Tổng thống.
Nhưng dường như việc dành cho “bà chủ” của mình vai trò “siêu Bộ trưởng” như vậy vẫn là chưa đủ, chỉ một ngày sau khi nhậm chức, chính phủ của ông Htin Kyaw đã trình một dự thảo luật lên Quốc hội nhằm thành lập một chức danh mới là “cố vấn nhà nước” và đề xuất đích danh nữ Chủ tịch NLD vào vị trí này. Dự thảo luận trên gần như chắc chắn sẽ được hai viện Quốc hội Myanmar thông qua dễ dàng bởi NLD đang nắm đa số tại cơ quan lập pháp lưỡng viện mới được bầu.
Các chuyên gia chính trị so sánh chiếc ghế mới này ngang với chức Thủ tướng ở các nước khác. Nếu dự luật trên được thông qua, bà San Suu Kyi có trách nhiệm cố vấn cho Quốc hội, theo đó, bà có quyền tiếp cận Quốc hội, yêu cầu Quốc hội nhóm họp khi cần thiết. Hiến pháp hiện thời của Myanmar quy định người nào tham gia Chính phủ sẽ phải từ bỏ ghế trong Quốc hội, nhưng vị trí mới này sẽ cho phép bà San Suu Kyi giữ mối liên hệ mật thiết với cơ quan lập pháp.
Theo tinh thần của dự luật trên, chức vụ “cố vấn nhà nước” là vị trí đứng giữa Tổng thống và Quốc hội. Như vậy, bà San Suu Kyi có thể tham gia mọi vấn đề chủ chốt của chính phủ và gặp bất kỳ ai bà thấy cần thiết. Bên cạnh đó, chức vụ này cũng giúp bà có trách nhiệm lớn hơn với tiến trình dân chủ và trong các cuộc thương lượng về hòa bình quốc gia. Chức vụ này có nhiệm kỳ năm năm, bằng nhiệm kỳ Tổng thống.
Tổng thống Htin Kyaw đã tuyên thệ nhậm chức trước Quốc hội, trở thành vị Tổng thống dân sự đầu tiên sau hơn 50 năm ở Myanmar. Cùng ngày, Nội các gồm 18 Bộ trưởng cũng đã tuyên thệ nhậm chức. Đáng chú ý là riêng bà San Suu Kyi nắm giữ 4 bộ quan trọng, gồm Bộ Ngoại giao, Bộ Giáo dục, Bộ Năng lượng và Bộ Văn phòng Tổng thống.
Rõ ràng vị trí mới sẽ củng cố sự ảnh hưởng của bà San Suu Kyi đối với cả cơ quan hành pháp là lập pháp, vốn đều do các đồng minh của bà kiểm soát, và sẽ chính thức đưa bà trở thành nhân vật quyền lực nhất trong chính quyền dân sự ở Myanmar.
Sau khi đảng NLD của bà giành đa số áp đảo trong cuộc tổng tuyển cử tháng 11/2015, bà San Suu Kyi từng nói bà sẽ lãnh đạo ở vị trí “trên cả tổng thống”. Giờ đây, người ta đã biết điều đó diễn ra như thế nào.
Nhận định về động thái trên, chuyên gia phân tích Richard Horsey, một cựu quan chức LHQ ở Yangon, cho rằng điểm chính của vị trí “cố vấn nhà nước” không phải là để trao thêm quyền lực cho “nữ thần dân chủ” San Suu Kyi, mà là cho phép bà sử dụng quyền lực của mình một cách hiệu quả hơn. Theo ông Horsey, điều quan trọng nhất là vị trí mới sẽ cho phép bà gặp bất cứ ai và được phát biểu trước Quốc hội, tức là bà có thể khuyến cáo các Chủ tịch Thượng viện và Hạ viện mà không bị cáo buộc là vi phạm quy định phân quyền ghi trong Hiến pháp.
Các thành viên của đảng Liên minh Đoàn kết và Phát triển (USDP- thân quân đội) cho rằng đề xuất trên của NLD chẳng khác gì sự “tiếm quyền”. Một cựu nghị sĩ USDP, ông U Hla Swe nói: “Dường như bà ta muốn nắm giữ nhiều vị trí nhất có thể”. Ông Swe thậm chí cho rằng bà San Suu Kyi “đang phát điên vì quyền lực”. Theo ông, vị trí Bộ trưởng Văn phòng Tổng thống đã cho bà thứ quyền lực mà bà cần để can dự vào mọi vấn đề trọng đại của đất nước.
Trong vài năm qua, người ta đã chứng kiến một sự thay đổi đáng kể trong dư luận đối với bà San Suu Kyi. Trong khi nhiều người vẫn ca ngợi bà là “nhà vô địch dân chủ”, San Suu Kyi cũng ngày càng bị chỉ trích là ngạo mạn, độc đoán, cứng nhắc và chuyên quyền. Kể từ khi NLD giành chiến thắng áp đảo năm 2015, một số nhà quan sát thậm chí đã phỏng đoán rằng bà sẽ thay thế một chế độ độc tài này bằng một chế độ độc tài khác.
Tuy nhiên, chuyên gia Andrew Selth, tại Đại học Griffith và Đại học Quốc gia Australia, nhận định phong cách lãnh đạo mạnh mẽ của bà San Suu Kyi có thể đơn giản là sự phản ánh tính cách của bà, như mọi người chỉ trích vẫn lập luận. Nhưng xét trong một khía cạnh nào đó, đây có thể là một chiến lược có tính toán, giúp đối phó với những thực tế quyền lực khắc nghiệt ở Myanmar và những thách thức khổng lồ mà chính phủ mới phải đối mặt. Bà San Suu Kyi có thể thấy cách tiếp cận đó là con đường tốt nhất để duy trì sự ủng hộ của Tatmadaw (tức quân đội Myanmar), hàn gắn đảng NLD đang có phần rạn nứt của bà và giải quyết một loạt vấn đề gai góc khác để đạt các mục tiêu trông đợi.
Dù yếu tố nào ảnh hưởng đến tính cách cá nhân hay hành động của bà, San Suu Kyi vẫn quyết tâm đóng một vai trò hàng đầu. Bà được nhân dân giao cho trọng trách ấy. Đối với đa số cử tri Myanmar tham gia bỏ phiếu năm 2015, bà chính là hiện thân của NLD và sự cần thiết của những cuộc cải cách rất khó khăn. Sự quyết đoán của bà trong đàm phán với các tướng lĩnh quân đội, thảo luận về các quyết định chính sách quan trọng, quyết định các vị trí bổ nhiệm trong đảng, đưa người thân cận trung thành của mình lên làm Tổng thống và giao cho bản thân mình quản lý 4 Bộ quan trọng trong nội các… chính là cả một kế hoạch để thực hiện trọng trách ấy.
Đặt trong bối cảnh một quá khứ bất an và một tương lai rất không chắc chắn của Myanmar, rõ ràng một “bàn tay sắt” là điều mà đất nước này đang cần. Tuy nhiên, cũng có không ít những nguy cơ thực sự khi áp dụng cách tiếp cận như vậy.
Trong khi bà San Suu Kyi vẫn rất được người dân yêu mến, thái độ và cách hành xử của bà đang thực sự gây lo ngại, ngay trong nội bộ NLD. Nhiều thành viên mới trong Quốc hội muốn đóng một vai trò lớn hơn đối với Chính phủ, thay vì đơn giản chỉ ngồi đó và ủng hộ vị lãnh tụ của mình. Một số nhà bình luận nước ngoài thậm chí gắn mác cho San Suu Kyi là “nhà độc tài dân chủ” đang hiện hình và dự báo những cuộc khủng hoảng mà chính bà đang cố tránh.
Hậu quả sẽ nghiêm trọng nếu bà San Suu Kyi không thể giữ cho đảng NLD, các lực lượng vũ trang và nhân dân Myanmar trên cùng một con thuyền khi bà đưa họ đi thám hiểm những vùng biển mới./.
Đức Đan
http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/suyngam/297213/san-suu-kyi-va-kieu-lanh-dao-tren-ca-tong-thong.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét