“Phải cảm thấy xấu hổ khi bị Lào, Campuchia vượt mặt”
Dù không quá lo lắng về việc thua Lào, Campuchia thông qua những chỉ số công bố của WB và WEF nhưng chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ cho rằng, đây là điều đáng xấu hổ và Việt Nam nên cẩn trọng, phải cải cách thực sự nền kinh tế hiện nay.
Chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ -
nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển
|
Trước thềm hội nhập, Việt Nam đang gặp phải những vấn đề rất đáng lo ngại như đầu tư đào tạo nhân viên yếu; khả năng ứng dụng công nghệ mới và hấp thu công nghệ yếu; trình độ marketing đều bị xếp sau Lào và Campuchia, chỉ hơn mỗi Myanmar.
Trong khi đó, Lào và Campuchia đang có những bước cải thiện mạnh mẽ trong mấy năm qua và hơn hẳn Việt Nam về sự năng động của doanh nghiệp.
Liên quan đến những đánh giá này của WB và WEF, phóng viên đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển.
WB và WEF vừa đưa ra đánh giá Việt Nam thua kém Lào và Campuchia về năng lực cạnh tranh, trình độ sản xuất. Theo ông, mức độ tin cậy của nhận định này đến đâu ?
Tất nhiên là con số của những tổ chức danh tiếng như thế này rất đáng tin và rất có uy tín. Những con số họ đưa ra được cả thế giới sử dụng và công nhận chứ không riêng gì mình. Họ cũng khảo sát nhiều quốc gia trên thế giới chứ không riêng gì nước mình.
WB và WEF cho rằng, mức độ cạnh tranh của doanh nghiệp, trình độ sản xuất của Việt Nam xếp sau cả Lào và Campuchia. Ông nghĩ thế nào trước những đánh giá này?
Đây là thực tế đáng xấu hổ nhưng chúng ta phải chấp nhận, vì thông tin đưa ra dựa trên kết quả khảo sát rất kỹ lưỡng của họ. Trước nay chúng ta vẫn dùng con số của họ thì bây giờ cũng phải nhìn thẳng vào thực tế đó.
Và điều này cũng dễ hiểu vì Lào là nước nhỏ, làm ăn có nhiều chỗ còn lạc hậu nhưng bộ máy hành chính công của Lào khá đơn giản và nhẹ nhàng chứ không cồng kềnh như chúng ta. Do đó họ giải quyết thủ tục cũng khá nhanh gọn chứ không rườm rà như chúng ta, nên tiến độ trong công việc chung cũng được đẩy nhanh hơn.
Về những vấn đề như thể chế, chính sách… Lào cũng thực hiện nhanh hơn vì người họ ít, bộ máy họ gọn gàng hơn. Còn nếu công bằng mà nói thì Lào cũng chưa phải là hiện đại hay văn minh hơn Việt Nam.
Riêng với Campuchia, có nhiều vấn đề liên quan đến thể chế, môi trường đầu tư kinh doanh họ làm rất tốt và có phần còn khá hơn chúng ta. Hiện nay Campuchia cũng thu hút được rất nhiều doanh nghiệp FDI đầu tư vào nước họ.
Do đó tốc độ tăng trưởng của Campuchia hơn Việt Nam mà tính ổn định trong nền kinh tế cũng có phần vượt qua Việt Nam, họ không lạm phát nhiều như chúng ta.
Theo ông, cụ thể là doanh nghiệp Việt Nam đang yếu kém những mặt gì so với nước bạn?
Doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa nên nguồn vốn ít ỏi, thiếu công nghệ, năng lực cạnh tranh không cao, cách quản trị doanh nghiệp cũng không chất lượng.
Điều đó thể hiện ở việc hạn chế trong khả năng cung cấp sản phẩm, dịch vụ có chất lượng, đáp ứng tốt thị hiếu người tiêu dùng với mức giá hợp lý, cũng như những yếu tố khác, như quảng cáo, tiếp thị, xây dựng thương hiệu, tổ chức, quản lý mạng lưới phân phối ... còn nhiều hạn chế so với các doanh nghiệp nước ngoài
Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt Nam cũng chưa thực sự đoàn kết để cùng nhau phát triển. Song song với đó, chúng ta còn thiếu đội ngũ quản trị có trình độ cao. Tỷ lệ những ông chủ doanh nghiệp có hiểu biết về pháp luật, thị trường,kinh nghiệm, tầm nhìn chiến lược không nhiều.
Ngoài những thua kém mà WEF đã chỉ ra, theo ông Việt Nam còn thua Lào và Campuchia ở những lĩnh vực nào nữa?
Báo chí cũng đã dẫn ra nhiều rồi. Chúng ta đã đi sau Campuchia về công nghiệp ô tô, về tốc độ thu hút FDI, thậm chí những lĩnh vực nông nghiệp có thế mạnh như lúa, gạo cũng không hơn được họ. Hiện nay là mức độ cạnh tranh doanh nghiệp và trình độ sản xuất cũng được WB và WEF dẫn ra.
Vậy đâu là nguyên nhân cơ bản dẫn đến sự tụt hậu của Việt Nam, thưa ông?
Tôi cho rằng nguyên nhân chủ yếu là do bộ máy hành chính của chúng ta quá cồng kềnh và chúng ta rất chậm chạp trong việc cải cách. Doanh nghiệp của Lào hay Campuchia ít hơn của Việt Nam, nhưng doanh nghiệp Việt Nam lại bị doanh nghiệp FDI chèn ép nhiều trong khi doanh nghiệp Nhà nước hiện nay lại đa phần chậm cải cách, sức ì lớn.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng chưa vực dậy được khu vực doanh nghiệp tư nhân đủ mạnh, nên toàn bộ hệ thống kinh tế chúng ta còn nặng nề.
Còn ở Campuchia, doanh nghiệp FDI vào nhiều nhưng doanh nghiệp tư nhân của họ không trì trệ, họ cũng không có nhiều doanh nghiệp Nhà nước nên có thuận tiện.
Với Lào thì ít doanh nghiệp Nhà nước hơn hẳn, doanh nghiệp FDI cũng chưa nhiều, khu vực doanh nghiệp tư nhân có nhiều cơ hội phát triển vì chưa phải cạnh tranh hay bị chèn ép gì lớn.
Bên cạnh đó, việc các nhóm lợi ích, tham nhũng ở những nước này cũng không nhiều như Việt Nam. Cho nên họ phát triển nhanh là đương nhiên.
Chúng ta cải cách chậm, bộ máy hành chính quá nặng nề. Còn việc tham nhũng thì ở Campuchia hay ở Myanmar cũng có. Không có nghĩa cứ tham nhũng thì họ không làm được việc. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận thẳng thắn là tham nhũng ở Việt Nam đang rất đáng ngại.
Tôi cho rằng, việc Lào hay Campuchia vượt qua Việt Nam về một số chỉ số là có lý, đã được cảnh báo từ rất lâu. Còn tốc độ tăng trưởng của Lào hiện nay cũng không kém Việt Nam bao nhiêu. Lâu nay Việt Nam cứ tự hào đứng đầu tăng trưởng trong nhóm 4 nước Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar nhưng bây giờ, chúng ta đã có phần chững lại.
Các con số thống kê đã chỉ ra, trình độ sản xuất và mức độ cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam hiện đã xếp sau Lào và Campuchia, chỉ đứng trên Myanmar. Nếu cứ tiếp tục tình hình này thì còn thua cả Myanmar.
Tất nhiên là so về quy mô nền kinh tế hay GDP thì ta vẫn đang hơn 3 nước kia, tuy nhiên ta đang chậm lại trong tốc độ tăng trưởng và khoảng cách tăng trưởng đối với họ đang được kéo ngắn lại.
Tuy nhiên, nói rằng chúng ta tụt hậu về khoảng cách phát triển so với các nước thì cũng không phải là đến ngay, mà Lào và Campuchia cũng cần phải có một sự phát triển nhất định nữa. Họ có thể phát triển để vượt ta về thu nhập bình quân đầu người chứ rất khó để vượt ta về quy mô nền kinh tế.
Theo ông, chúng ta cần phải làm gì khắc phục tình trạng tụt hậu so với các nước trong khu vực?
Thủ tướng đã chỉ đạo đến năm 2016 Việt Nam phải vươn lên, đứng vào Top trên trong khu vực chứ không phải Top 4 nước yếu nhất như hiện nay. Sự vươn này là vươn lên về môi trường kinh doanh chứ không phải là toàn bộ nền kinh tế. Vì toàn bộ nền kinh tế nhảy lên được Top trên thì còn mệt.
Khi môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, vươn lên Top trên thì sự phát triển của nền kinh tế của chúng ta cũng tốt hơn rất nhiều.
Nhưng cũng nói thêm, đấy là mệnh lệnh của Thủ tướng, nhưng có thực hiện được hay không là do bộ máy cấp dưới thực hiện, nhất là trong bối cảnh bộ máy hành chính của chúng ta hết sức nặng nề như hiện nay.
Các doanh nghiệp cũng phải nhận thức ra điều đó, vì thua ai chứ.
Thứ hai là những điều gì mà Chính phủ đã ban hành về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thì doanh nghiệp cũng phải đồng hành với Chính phủ để thực hiện cho tốt. Chứ không riêng gì một phía từ Chính phủ mà làm được. Doanh nghiệp cứ tìm cách luồn lách, thân hữu, quan hệ để móc ngoặc thì chúng ta rất khó tiến lên.
Về phần doanh nghiệp Nhà nước cần phải cố gắng cổ phần hóa cho nhanh, đổi mới quản trị doanh nghiệp.
Doanh nghiệp nhỏ và vừa phải được Nhà nước quan tâm nhiều hơn, có chính sách rồi nên phải cố thực hiện cho được. Vì hiện nay doanh nghiệp nhỏ và vừa đang gặp rất nhiều khó khăn về vốn liếng, công nghệ, thị trường…
Phải có sự hỗ trợ của các hiệp hội, trong khi các hiệp hội như Hiệp hội các doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện nay… hoạt động không hiệu quả.
Doanh nghiệp FDI thì lấn át chúng ta rất dữ dội, nên bên cạnh việc thu hút đầu tư, chúng ta cũng phải giám sát chặt chẽ họ. Không chỉ chính quyền Trung ương mà chính quyền địa phương cũng sát sao. Từng khu vực doanh nghiệp đều có vấn đề còn tồn tại, cần phải mổ xẻ giải quyết chứ không chung chung được.
Mặt khác, chúng ta đã nói nhiều quá rồi, giờ đến lúc phải hành động thôi.
Xin cảm ơn ông!
Trí Lâm
Theo Một Thế Giới
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét