Thứ Hai, 5 tháng 5, 2014

Một Góc Tokyo ở Sài Gòn

Một Góc Tokyo ở Sài Gòn
Khu phố Nhật ở Sài Gòn
Khu Nhật Bản ở Sài Gòn bắt đầu từ đường Cường Để, khu Ba Son Hải quân cũ, xuống đầu Lê Thánh Tôn, qua Thái văn Lung, Thi Sách tới Hai Bà Trưng, mấy góc phố gần bệnh viện Grall cũ (nay là Bệnh viện Nhi Đồng II), với hàng chục, có thể gần trăm, nhà hàng Nhật, khách sạn apartments, massages, chợ búa tạp hoá…
Nếu tò mò đi vào bên trong ngõ ngách, nhất là con đường nhỏ Ngô văn Nam (khu cư xá Hải quân cũ), mới giật mình : khu geisha bên Nhật chăng, góc cố đô Kyoto là đây?! Những căn nhà nhỏ, người Nhật, thế hệ trẻ thuê đầy dẫy, quán mì, quán sushi, tấp nập sau giờ làm việc, từ 5-6 giờ chiều đến đêm tối.

Con số người Nhật ở Hà Nội khoảng 5000 người, thì con số người Nhật và Hàn chắc phải lên tới vài chục ngàn ở Sài Gòn, cứ xem các quán ăn Nhật, quốc tế, mở ra như Tokyo Deli (Lê Thánh Tôn, Ngô Đức Kế), MOF (ngay Lê Lợi), Sushi World (đầu Lê Thánh Tôn và khu Zen plaza Nguyễn Trãi…) tới Ebisu, Ichiban, Hokkhaido… thì đoán được số người cư trú… người Hàn, sát cánh với Nhật, nhiều khi chia mặt hàng với Nhật, lại thường nghiêng về dịch vụ ăn chơi giải trí như massage, casino…như lời giải thích của một thương gia dân Pháp : Nhật, Hàn vào Việt Nam làm việc trong các công nghệ, thường là lớp trẻ, sau giờ làm việc họ cần giải trí, cho nên casino nhỏ trong khách sạn 5 sao, hàng đêm thu nhập tới 5000 đô nhờ khách Hàn, Nhật!

Cách đây mươi lăm năm, khu Bình Dương có cả cơ xưởng làm áo Kimono, xe Honda, Toyota…chỗ nào cũng khang trang, khu nhà ở công nhân lấy tên các loài hoa đặt tên đường không lấy tên anh hùng nào cả ! Một người bạn học phê bình : làm việc với Nhật khó lắm, họ đòi hỏi nhiều; tôi bàn : nhưng Nhật có nhiều mặt để mình học hỏi, theo Tầu, Hàn… thì chỉ có tham nhũng, chợ đen, ăn chơi là giỏi… Ngày nay, ở Sài gòn, vào khu Tầu quận Năm Chợ Lớn xưa vẫn chỉ thấy phơi bày sự xô bồ, lộn xộn, ngược lại, người Nhật ở đâu thì có thứ tự khang trang, tươm tất. Ngay ở San Francisco, khu Japan Town và khu China Town cũng khác nhau nhiều về mặt vệ sinh, gọn gàng, sạch sẽ.

*
Nhật Bản là một quần đảo, như Anh quốc, nên tránh được ngoại xâm và tránh được ảnh hưởng thủ cựu của đại lục : cũng Nho giáo nhưng Nho ở Nhật không phải là Tống nho mà là Tri Hành hợp nhất của Vương Dương Minh (do Chu Di Du mang sang), cũng Phật giáo nhưng là những Thiền môn có thực hành đến nơi đến chốn, không lý luận xa vời, Suzuki đã phổ biến Thiền sang Âu Mỹ từ đầu thế kỷ 20 chẳng phải chờ tới Nhất Hạnh hay Đạt Lai Lạt Ma.

Việt Nam bị Tầu xâm lăng nhiều lần, nằm sát cạnh một chú lái buôn, đầu thấp lè tè, hiểu tôn giáo như tiệm chạp phô, hạ Phật Lão xuống mê tín dị đoan miếu đền đồng bóng, biến Nho thành khoa bảng từ chương tri hồ giả dã... thậm chí đến thế kỷ 19, bị Âu Tây áp chế, vẫn cố mò sang Huế phong vương !


Nếu tiếp tục 400 năm thời Lý Trần, không bị họ Hồ đổi Đại Việt sang Đại Ngu, thì Lý Thường Kiệt, Tôn Đản... đến Trần Hưng Đạo, Trần Quốc Toản, Phạm Ngũ Lão, Yết Kiêu, Dã Tượng... có thua gì các Shoguns và Samurais Nhật Bản. Các hiệp sĩ Việt cũng được đào tạo rất giống võ sĩ Nhật : họ được học với các nhà sư, không khoa bảng lý thuyết, Văn Ôn Vũ Luyện (Trần Hưng Đạo học ở chùa từ năm lên 6). Vua quan đều là những người có đạo đức tu học, xã hội theo lệ làng đồng quy,đồng tôn, đồng tiến, dân chủ như hội nghị Diên Hồng, trên dưới một lòng, phá Tống bình Chiêm, kháng Mông 3 lần... chỉ với 3 triệu dân tự cường tự lực, trong khi Nhật Bản nhờ bão thần kamikaze mới phá nổi quân Nguyên.

Thế kỷ XV tới thế kỷ XVIII, xã hội Nhật cũng đầy can qua, tranh chấp sứ quân, dân chúng lâm vào cuộc chiến lãnh chúa lãnh địa... chẳng khác thời vua Mạc, vua Lê chúa Trịnh và Trịnh Nguyễn phân tranh.

Nhật có Thần Đạo, ta cũng có Đạo nội Tứ Bất Tử ( Phù Đổng, Chử Đồng Tử, Tản Viên, Liễu Hạnh), Nhật có Zen, ta cũng có Trúc Lâm Thiền phái...

Nhật cũng chẳng phải là một dân tộc đơn thuần không pha trộn : phía Bắc có giống Ainu gần với da trắng Âu châu, nhiều bộ tộc, có pha Trung hoa (từ Tiền Hán), Hàn... vùng Osaka có nét văn hoá riêng...Việt Nam có hợp chủng với Chiêm, Miên, Tầu... cũng không có gì là lạ, miễn là tiếng nói Việt, hồn nước Việt vẫn nổi bật nhất.

Nhật có Judo, kiếm pháp... ta cũng có võ thuật cao từ đời Lý Trần Lê mới sang đánh Tầu, đánh châu Khâm châu Liêm, bắt sống Ô Mã Nhi, chém Liễu Thăng, chẳng mảy may thua kém.

Nhật bế quan toả cảng tới giữa thế kỷ 19, từng giết hại giáo dân còn hơn đời Nguyễn (năm 1637 giết 37000 tín đồ ở thành Shimbara, 1867 lưu đầy 4 vạn tín hữu Ky Tô, 1/3 bị chết, số tín hữu chạy sang Hội An Việt Nam cũng vào thời bị bức bách này), mãi tới khi tiếng đại bác hải quân Mỹ 1853 làm họ tỉnh ngộ để chuyển mình... VN ta thua kém từ đấy, bị Pháp xâm lăng đô hộ trong khi Nhật ra sức canh tân, đổi mới mà vẫn giữ nguyên vẹn truyền thống dân tộc.

Nhật Bản không bị Thực dân, không bị Mácxít, nhờ có một nền văn hoá vững chãi dựa trên Thần Đạo và Thiền, Khổng, họ không chịu ảnh hưởng Tầu nặng như Việt Nam, nhờ 2000 năm keo sơn bền chặt, lấy Thiên hoàng và Thái dương thần nữ làm niềm tự hào dân tộc, tinh thần đoàn kết và danh dự gắn bó đúc kết dân lại như một thỏi sắt. Nhật học hỏi từ Tầu, võ thuật, y học, y phục (kimono là áo cung nữ đời Đường), đạo giáo... nhưng tu chỉnh thêm, đạt cốt tuỷ và thải bỏ cặn bã giáo điều, đọc thơ Haiku, sẽ thấy ngay mức đạt Thiền rất cao, phóng thoát, phá chấp, giản dị, không dùng một từ ngữ cao siêu nào cả, không vướng mắc ngôn từ như Bụt dậy trong kinh Kim Cương. Phim Nhật, từ Rashomon thời 1950 đến giờ, kịch bản kỹ lưỡng, chi tiết dàn dựng đúng, gọn, không vì thương mại mà kéo dài lê thê thừa thãi như phim chiếu TV Tầu, Hàn…

Tinh thần Đại Đông Á thời đệ Nhị thế chiến vẫn còn, còn theo chiều hướng phát triển kinh tế toàn vùng. Nhật học hỏi tinh thần Commonwealth, liên lập lưỡng lợi, đầu tư mạnh vào các nước Đông Á, giúp Nam Hàn chỗi dậy, vào Tầu, vào Việt, Thái… làm cầu, làm đường, tạo công nghiệp, Nhật, Hàn cùng nhau nhập Việt từ thập niên 1980, họ lôi anh nhà quê bướng bỉnh, si dại, ếch ngồi đáy giếng, vào cuộc chơi kinh tế vùng, nối kết với Âu Mỹ, xe Honda lượn quanh Hà Nội, Sài gòn, mặc kệ cờ quạt, tiếng máy xe đè tiếng loa láo, rồi đồng hồ, điện thoại… đánh bại hàng bích chương biểu ngữ lố lăng nhạt nhẽo. Dân thấy được cái lợi lớn, ăn bánh thật chứ không phải ăn bánh vẽ từ bùa ý thức hệ, đến nỗi mấy anh Nga, Đông Âu sang Việt thời 1990 cũng mê mệt mua sắm…Về mặt văn hoá Nhật lập các trung tâm Việt Nhật, cho sinh viên đi du học huấn luyện, chú trọng tới cả khảo cổ, sử địa, làng cổ Đường Lâm, Sơn Tây, quê hương Bố Cái Đại Vương và Ngô Quyền, là một thí điểm cho các luận án nghiên cứu của Nhật. Làng này, đá ong, cổng làng, mái chùa… rất giống khung cảnh một làng Nhật trong phim Bảy Người Hiệp sĩ hay các phim Samurais khác.

*
Rời khu náo nhiệt quanh chợ Bến Thành, khu ba lô Phạm Ngũ Lão, du khách chịu khó đi bộ qua hai đường Siêu, Quát, sau nhà Hát Thành phố, qua Hai Bà Trưng, là tới khu êm ả, sạch sẽ, của con em các hiệp sĩ mù, gió từ bờ sông thổi về, như gió kiếm, nắng loang loáng như gươm bay, tôi ước gì mình khoác áo hiệp khách :
Lớn tiếng lên lầu gọi rượu đâu
Khí hùng muốn toát cả năm châu…

(Thơ Nhật -vô danh- trích từ Đông Kinh Nghĩa Thục-Nguyễn Hiến Lê)


Vào cao lâu Nhật có cái thú : máy lạnh thật lạnh, đồ ăn có phẩm chất, ăn rau sống không cần lo dơ bẩn, ngay gạo cũng là loại gạo dẻo… các em người Việt cũng được huấn luyện kỹ làm Sushi, chào đón khách, tiễn khách, bằng tiếng Nhật rộn rã… Trước kia ta vẫn có thành kiến cơm Nhật không ngon, nhưng phải ăn nhiều lần mới thấy ưu điểm : miếng sushi, gọn, nhẹ, bổ dưỡng, uống với saké, bia, khoái khẩu, dọn khay cơm gồm cơm, canh, rau, thịt cá, dưa chua… đầy đủ calories, canh cà chua đậu phụ hợp khẩu vị Việt Nam ta, mà không đắt, 4-6 usd cho bữa trưa. Hàng ăn khu Nhật, chỉ cần vào ăn hai, ba lần, là họ đã nhớ mặt, ra về quản lý cúi đầu chào, cám ơn cẩn thận. Bây giờ, các cô sinh viên Nhật sang Việt Nam nghiên cứu rất đông, họ lễ phép và rõ ràng có giáo dục, ngay trong tiệm kem, hai cô ra về đi qua bàn cúi đầu chào, tôi ngạc nhiên, thì ra thấy mình mặc áo sơ mi Hawai, mầu xanh hoa trắng như áo Nhật, họ ngỡ là một niên trưởng Phù Tang!

Tôi tự hỏi Việt Nam có gì để người Nhật sang ? ăn chơi thì chẳng bằng Bangkok, Macao, di tích thì chẳng sánh nổi Angkor, Vạn Lý Trường Thành…nhưng sau suy xét, Việt chưa bao giờ thù oán Nhật như Tầu, Hàn, họ thấy người Việt là bạn tốt, Sài Gòn lại thêm nét tứ chiếng, nét văn hoá Pháp cũ làm người Nhật thích thú, hàng ăn Pháp trong khu Nhật như Le Bouchon, Crêpes, Jardins (sân sau Trung Tâm Văn Hoá Pháp)… khách Nhật đông hơn khách Pháp, mãi lực cao, các tiệm cà phê sang trọng như The Coffee Bean-Tea Leaf, Starbucks, Fresco… đều đông đảo khách Nhật. Họ hay đi thành đoàn, dăm bảy người, vào ăn sau giờ làm việc, bia nốc như nước lã, không ồn ào, 

Một điều tôi hơi thất vọng : nam nhân không có dáng mãnh liệt, to khoẻ của hiệp sĩ Samurais trong phim ảnh, trái lại, trông thư sinh, ẻo lả hơn là thô kệch, to chắc như dân Hàn quốc, phụ nữ dáng thanh nhã, trắng, yểu điệu hơn phụ nữ Hàn. Thương gia Hàn khôn ngoan, họ chịu học hỏi, biết thế giới chuộng món Pháp, họ làm hẳn một tổ hợp bánh mì bánh ngọt cà phê kiểu Pháp (Tous Les Jours) khắp nơi, Sài Gòn có vài chục lò Tous Les Jours, mới đầu ai cũng tưởng là từ Paris sang!

Lang thang trong khu Nhật, tôi ước ao một ngày Tầu cũng theo gót Nhật: phát triển đồng tôn văn hoá, kinh tế toàn vùng, xá gì vài cái đảo nhỏ, vài hang động dơi chuột như Pắc Bó… Đây là thời của thịnh vượng chung-Commonwealth- mà Anh quốc đã nhìn ra từ 1950, Nhật nhìn ra từ 1960, nếu làm theo chiều hướng hoà bình tất yếu này, Tầu sẽ được mến chuộng, như một đại cường biết liên hoành hợp tung, đồng tôn đồng tiến, hơn là bành trướng doạ nạt như thời phong kiến. Bốn nước văn minh cầm đũa Hàn, Nhật, Tầu, Việt… tứ trụ đồng văn trong một khối Đông Á Thịnh Vượng Chung-United Far East Asian Commonwealth… thì thiên hạ sẽ thái bình chẳng cần chờ tới Thánh nhân xuất!

Hạ Long Bụt sĩ LVV- 4-2014
(Diễn đàn Thế kỷ)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét