Thứ Tư, 20 tháng 11, 2013

Ở Nhật: Giờ ăn trưa đồng nghĩa với giờ học

Ở Nhật: Giờ ăn trưa đồng nghĩa với giờ học
Giờ ăn trưa cho trẻ được coi là phần quan trọng trong chính sách giáo dục sớm của chính phủ Nhật Bản. Nó không đơn thuần chỉ là một bữa ăn mà còn ẩn chứa nhiều giá trị giáo dục. 

Vào tháng 11, khi trời bắt đầu sang đông, các bà tại Nhật càng phải quan tâm hơn tới khẩu phần bữa ăn trưa cho con cái mình. Ở Nhật, một hộp cơm trưa cho trẻ mang đi học thường gọi là “bento” hay “obento”, là một hộp nhựa đựng thức ăn hay cả một cặp lồng 3, 4 ngăn đầy ắp.

Một hộp cơm bento cho trẻ.

Trong khi hầu hết các trường tiểu học, trung học cơ sở đều có nhà bếp nấu ăn cho trẻ thì cấp mẫu giáo mầm non thường không có. Do đó, tất cả các bà mẹ có con từ 2-5 tuổi đều phải tự làm bữa trưa cho con mình. Với những đứa trẻ kém ăn, hộp cơm của các mẹ thường có các “charaben”, nhân vật được trang trí từ thức ăn để “thu hút” chúng. Mỗi hộp cơm thường tốn 20, 30 phút để chuẩn bị.
Hộp cơm đảm bảo chất dinh dưỡng và còn chứa đựng những bài học giáo dục.

Thông thường, các bà mẹ thường kết hợp khéo léo một phần thức ăn từ bữa tối, chuẩn bị trước rau thịt tươi để sáng hôm sau chỉ cần làm thêm các món ăn nhanh như tamagoyaki, một món trứng tráng cuộn hơi ngọt của Nhật. Mỗi hộp bento không chỉ đảm bảo dinh dưỡng cần thiết cho trẻ mà còn chứa đựng nhiều giá trị giáo dục và giờ ăn trưa có thể coi là một giờ học thú vị và hấp dẫn không kém gì giờ học vẽ, thủ công…

Bài học về giữ vệ sinh 

Trường học tại Nhật có các địa điểm rửa tay ở khắp nơi. Ở đây, trẻ em được dạy bảo tự giác vệ sinh bàn tay sạch sẽ bằng cách rửa tay bằng xà phòng.

Bài học về phép lịch sự và biết ơn 

Trước khi ăn, các bé sẽ nói lời cảm ơn tới cha mẹ, tới những bác nông dân… những người đã tạo nên bữa ăn ngon miệng cho bé. Sau đó cả lớp sẽ cùng hát vang bài hát: “obento obento ureshiina (hạnh phúc)”.
 
Những bài học qua giờ ăn trưa.

Bài học về dinh dưỡng

Trong các hộp cơm cho bé, các bà mẹ luôn cân bằng dinh dưỡng. Do đó các bé cũng dần làm quen và định hình ban đầu về các chất dinh dưỡng cần thiết để đảm bảo cho cuộc sống.

Bài học về sự thi đua 

Sau khi ăn, những đứa trẻ đã ăn hết phần của mình thường đến khoe cô giáo một cách đầy tự hào. Việc thi đua trong ăn uống giúp trẻ tập trung và ăn ngon miệng. Các bé ăn kém thường được các cô giáo quan tâm nhiều hơn. Khi tất cả đã kết thúc bữa ăn trưa, những đứa trẻ sẽ hô vang “Goshisosamadeshita” – “cảm ơn vì bữa ăn ngon miệng” rồi cùng chạy đi đánh răng.

Phương pháp giáo dục thân thiện và hiệu quả trên xứng đáng là bài học cho nhà trường và phụ huynh Việt học hỏi. 

Nguồn: Khampha.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét