Thứ Ba, 26 tháng 11, 2013

Đàn ông Việt Nam tốt hay xấu?

Đàn ông Việt Nam tốt hay xấu?
"...Hạnh phúc đích thực của mỗi người là làm cho những người khác hạnh phúc, nhất là những người thân bên cạnh mình. Kể ra, để “cạnh tranh” với cánh đàn ông Tây thì cũng hơi vất vả nhưng không phải là đàn ông Việt Nam không thể làm được, bằng chứng là nhiều cô gái Tây cũng chết mê, chết mệt nhiều anh trai Việt Nam..."
Trên nhiều trang mạng điện tử Việt Nam đang dấy lên một cuộc tranh cãi “bất phân thắng bại” về những “phẩm chất và bản lĩnh” của người đàn ông Việt Nam. Ý kiến khen đại để: Chịu khó, lo lắng cho gia đình, hy sinh vì con cái… Trong khi đó thì ý kiến chê thì… hơi bị nhiều. Độc giả Lê Thùy Linh () tạm “thống kê” mười tính xấu của đàn ông Việt nam như sau:

1. Coi thường phụ nữ: Đàn bà thì biết gì!
2. Coi việc nhà là việc của đàn bà.
3. Không có nghĩa vụ gì với bố mẹ vợ.
4. Phó mặc con cái cho vợ.
5. Ghen tị với vợ.
6. Ngoại tình như cơm bữa.
7. Vũ phu.
8. Nhậu nhẹt bê tha, lắm tệ nạn.
9. Ít lãng mạn, kiệm lời khen.
10. Nói dối.

Ngoài ra nhiều người còn bổ sung thêm những tính xấu khác của cánh đàn ông Việt Nam như: Bảo thủ, ngang bướng, yếu đuối, thiếu tinh thần cầu tiến và vươn lên trên cuộc sống… Và còn rất nhiều nữa, nhưng với bấy nhiêu thôi thì cũng làm cho đàn ông chúng ta, hoặc là xấu hổ đỏ mặt, hoặc là nổi cáu lên rồi. Thật lòng mà nói thì cũng hơi khó để tìm ra một người đàn ông nào mà không hề mắc một lỗi nào như nêu ở trên. Ngược lại những người mắc gần hết những lỗi trên lại… hơi nhiều.

Quả thật là làm người đã khó, thế nhưng làm một người đàn ông tốt, nhất lại là làm một người đàn ông Việt Nam tốt, lại càng khó hơn. Một người đàn ông lý tưởng là người đàn ông ban ngày phải “cày cuốc” cật lực như một con trâu, nhưng đêm về thì phải biết nói những lời “có cánh”, nhẹ nhàng và dịu dàng như con chim hoàng anh đang hót. Đàn ông, vừa phải là một người thành đạt ngoài xã hội nhưng đồng thời phải biết quan tâm, chăm sóc vợ con. Phải biết lịch sự, vui vẻ, hài hước và nhất là phải biết nấu ăn ngon. Không bao giờ được quên nghĩa vụ đối với họ hàng bên nhà vợ, và luôn luôn xem vợ mình là nhất, là đúng, nếu có cãi nhau thì đàn ông luôn phải làm lành trước…

Thế nhưng, nếu đàn ông mà làm được chừng ấy việc thì nghe chừng… hơi khó. Đàn ông Việt Nam lại càng khó hơn vì từ khi sinh ra, họ đã là trung tâm của vũ trụ. Vì vậy họ luôn luôn đúng dù họ không làm gì… đúng. Đây là một gánh nặng, một di sản lịch sử đè nặng lên đôi vai người phụ nữ Việt Nam. Quan niệm Khổng Giáo và truyền thống Á Đông là “trọng nam khinh nữ”, và “một nam xem như có, mười nữ xem như không”. Vai trò của người phụ nữ Việt Nam rất bị xem nhẹ dưới chế độ phong kiến và cho đến tận bây giờ tình hình đó vẫn chưa được cải thiện là bao nhiêu. Người phụ nữ Việt Nam từ lúc sinh ra đã phải chịu muôn vàn sự thiệt thòi và hy sinh bản thân cho đến lúc tuổi xế chiều… Có lẽ vì thế mà nhà thơ Hồ Dzếnh đã viết về người phụ nữ Việt Nam rằng:

Cô gái Việt Nam ơi !
Từ thuở sơ sinh lận đận rồi,
Tôi biết tình cô u uất lắm,
Xa nhau đành chỉ nhớ nhau thôi .

Cô chẳng bao giờ biết bướm hoa,
Má hồng mỗi tiết, mỗi phôi pha,
Khi cô vui thú, là khi đã
Bồng bế con thơ, đón tuổi già !...

Cô gái Việt Nam ơi !
Nếu chữ Hy Sinh có ở đời,
Tôi muốn nạm vàng muôn khổ cực
Cho lòng cô gái Việt Nam tươi .

(Cảm xúc)

Bây giờ đã là thập niên thứ hai của thế kỷ 21 nhưng thân phận của người phụ nữ Việt Nam vẫn còn nhiều cay đắng vì quan niệm của người đàn ông Việt Nam về mình và về thế giới quan, nhân sinh quan vẫn như xưa. Do nhãn quan chính trị bị đầu độc bởi ý thức hệ cộng sản (một kiểu phong kiến trá hình) và bị “cầm tù” trong sự giáo dục nhồi sọ nên nhiều người đàn ông Việt Nam vẫn chưa nhận biết được rằng thế giới đã thay đổi rất nhiều, nam nữ đã thật sự bình đẳng. Tình yêu chỉ bền vững khi được xây dựng trên sự hy sinh của cả hai người chứ không riêng gì người phụ nữ. Cũng vì thiếu tự do và luôn bị đe nẹt khi mạo hiểm khám phá thế giới mới bên ngoài nên đàn ông Việt Nam trở nên yếu đuối và thiếu tự tin một cách đáng lo ngại. Thanh niên Việt Nam đi ra bên ngoài luôn như “con nai vàng ngơ ngác, đạp trên lá vàng khô”. Thay vì đi du lịch, khám phá những chân trời mới, lý tưởng mới hay đơn giản là một vùng đất mới ngay trong lãnh thổ Việt Nam thì nhiều thanh niên chỉ biết tìm niềm vui trong rượi chè, cờ bạc, trai gái, thậm chí hút chích…

Lỗi này phần lớn là do nền giáo dục “xã hội chủ nghĩa”. Một nền giáo dục lệch lạc từ gia đình (với tư tưởng phong kiến của các ông bố bà mẹ), đến nhà trường (với lối giáo dục một chiều, nhồi sọ và xa rời thực tế) đến sự băng hoại đạo đức của xã hội. Một xã hội bát nháo và đảo lộn mọi giá trị. Cái xấu và vớ vẩn thì được khuyến khích (như ăn nhậu, chơi bời) trong khi cái tốt đẹp, đáng làm (như việc làm từ thiện hay tự do theo đuổi những ước mơ) thì luôn bị ngăn cản, cấm đoán.

Để trở thành một người đàn ông tốt thì cần rất nhiều điều kiện: Sự ủng hộ của gia đình, sự nâng đỡ và khuyến khích của xã hội và một môi trường sống tự do, bình đẳng trong cơ hội tiến thân và cuối cùng là sự cố gắng, nỗ lực hết mình của bản thân mỗi người. Nhìn vào thực tế của xã hội Việt Nam bây giờ thì ai cũng thấy rõ một điều là: Bế tắc toàn tập. Bế tắc trong mọi địa hạt, từ kinh tế, chính trị, văn hóa. Sinh viên Việt Nam tốt nghiệp ra trường vẫn thất nghiệp dài dài trong khi đó bạn bè của họ có điều kiện ra nước ngoài học tập đều có công ăn việc làm và thu nhập gấp hàng chục, hàng trăm lần họ. Chính vì sự bế tắc trong cuộc sống đã khiến nhiều đàn ông Việt Nam chán nản, mất niềm tin vào bản thân và tương lai nên chỉ biết tìm vui trong những thú tiêu khiển tầm thường và có hại như cờ bạc, rượi chè, trai gái...

Ngay cả với những người đàn ông Việt Nam may mắn thành công thì họ cũng chỉ biết thể hiện sự đẳng cấp của mình bằng những trò giải trí như ăn chơi sành điệu, hàng hiệu, rượu Tây và chinh phục phụ nữ… Họ sống thờ ơ và lạc lõng với mọi người xung quanh. Họ thu mình trong ốc đảo của mình với những người bạn ít ỏi thay vì tham gia vào những việc làm có ích như làm từ thiện, góp phần vào việc nâng cao dân trí, nâng đỡ những người xung quanh, xây dựng các hội đoàn cho giới đồng nghiệp. Họ sống ích kỷ và xa lánh thế sự. Đến khi bản thân gặp hoạn nạn cũng không biết chia sẻ cùng ai.

Đã đến lúc đàn ông Việt Nam cần thay đổi suy nghĩa và cách hành xử của mình để sống xứng đáng với một kiếp người. Cuộc đời thật là ngắn ngủi, thời gian trôi rất nhanh, hãy làm cái gì đó có ích cho bản thân, cho gia đình mình và nếu được thì cho cả mọi người xung quanh, cho xã hội. Việc đầu tiên mà ai cũng thể làm được là khoan hãy vội “bực mình” với những lời chỉ trích. Nếu mình không như vậy thì có gì mà phải “lăn tăn” còn nếu còn có một vài khuyết điểm xấu thì hãy mạnh dạn sửa đổi. Hãy bình tâm xem xét và “ăn năn” cái đã. Những ai không xấu như thế thì thật là may cho gia đình và vợ con họ. Còn ai lỡ dính nhiều tính xấu như vậy thì cũng bớt bớt đi một vài thứ cho vợ con nhờ.

Hạnh phúc đích thực của mỗi người là làm cho những người khác hạnh phúc, nhất là những người thân bên cạnh mình. Kể ra, để “cạnh tranh” với cánh đàn ông Tây thì cũng hơi vất vả nhưng không phải là đàn ông Việt Nam không thể làm được, bằng chứng là nhiều cô gái Tây cũng chết mê, chết mệt nhiều anh trai Việt Nam.

Hãy dành thời gian nhiều hơn cho việc đọc sách nhằm nâng cao hiểu biết của mình về thế giới xung quanh. Kiến thức rộng rãi sẽ khiến chúng ta tự tin hơn và chính sự hiểu biết đó sẽ mách bảo chúng ta biết phải làm gì để làm cho cuộc đời mỗi người trong chúng ta phong phú hơn, có ý nghĩa hơn.

Hãy quan niệm tích cực rằng “chúng ta là những con người tự do” để có thể mạnh dạn làm những gì mà chúng ta thấy thích, thấy đúng, thấy cần làm.

Hãy sống đúng với con người thật của mình một cách lương thiện.

Phụ nữ Việt Nam là tuyệt vời nhất trên trái đất, vì vậy, hỡi cánh đàn ông Việt Nam! Hãy sống xứng đáng với tình yêu tuyệt vời mà họ đã dành cho chúng ta.

Việt Hoàng

1 nhận xét: