Chủ Nhật, 20 tháng 10, 2013

Ngôi biệt thự số 34 Hoàng Diệu và Kỷ lục đặc biệt có một không hai.

Mình lưu bài này lấy từ Blog của bác Trần Hùng chỉ vì thích một câu bình luận của bạn đọc: "Thế thì ngại gì mà không hỏi phát nữa cho máu lửa: nhà 30 Hoàng Diệu là của ai ? Đã đến thời hạn trả lại chưa???".

Ngôi biệt thự số 34 Hoàng Diệu và Kỷ lục đặc biệt có một không hai.
Biệt thự số 34 Hoàng Diệu, cạnh nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp (nhà Đại tướng số 30; không có nhà số 32). Đường mang tên Tổng đốc Hoàng Diệu - người đã quyết tử bảo vệ thành Hà Nội khi Pháp tấn công năm 1882, ông đã tự vẫn. Ngôi nhà của ông bà Trịnh Văn Bô cho cách mạng mượn nhà từ năm 1954.
Những người có liên quan bao gồm mượn ở, xác nhận, giải quyết việc trả nhà: 1) Hoàng Văn Thái, 2) Trường Chinh, 3) Phạm Văn Đồng, 4) Lê Đức Thọ, 5) Lê Đức Anh, 6) Đỗ Mười, 7) Lê Quang Đạo, 8) Võ Văn Kiệt, 9) Phan Văn Khải.

(Nếu mạng tải hơi khó, nhấp vào biểu tượng bánh răng ở góc dưới cùng bên phải trình phát video và chọn cài đặt chất lượng thấp hơn, chẳng hạn như 240p hoặc 360p, có thể xem được)

Theo nhà báo Xuân Ba:

"Ngày 24/10/1994, có hẳn một cuộc họp giữa Bộ Quốc phòng, UBND thành phố Hà Nội và Sở Nhà đất thành phố Hà Nội quyết định trả nhà cho bà Bô. 
Thế mà gia đình bà Trịnh Văn Bô vẫn không nhận được nhà!?

Thời điểm ấy, nhiều phóng viên khi nhận được đơn thư của bà quả phụ Trịnh Văn Bô đã bức xúc trước điều kỳ quặc đến khó hiểu, rằng từng ấy cá nhân và cơ quan có trách nhiệm đã quyết định việc trả nhà 34 Hoàng Diệu cho gia đình bà Bô với ngần ấy chữ ký đầy quyền lực mà bà vẫn chưa có giấy tờ hợp pháp được đến ở nhà 34 Hoàng Diệu!

Tôi và đồng nghiệp chỉ còn cái cách muôn thuở, cái công việc đằng sau mặt báo tẻ ngắt, vô thưởng vô phạt và cũng vô trách nhiệm nữa là kính chuyển những lá đơn của gia đình bà Bô đến các cơ quan có trách nhiệm!

Mãi cho đến 9 năm sau, phải 9 năm, bằng độ dài thời gian của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp..."

(Hết trích)

Như vậy 49 năm mượn mới trả, 9 năm có quyết định mới vô được nhà, liên quan đến 9 lãnh đạo tầm cỡ nhất Việt Nam (không kể đầu tàu là Chủ tịch Hồ Chí Minh... và Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở nhà bên).

Sau ông Hoàng Văn Thái mất, gia đình mới dám phát đơn "xin" lại nhà và được trả sau khi ông chủ đã qua đời 15 năm. Một kỷ lục đặc biệt có một không hai của "Nguyên tắc tập trung dân chủ" còn gọi là "Làm chủ tập thể" theo lời anh Ba Duẫn. Cái gì đã "kiên trì, quyết liệt" cản trở dân chủ? - bí mật của nó ở chỗ quá rộng 3000 m2, có giá 30 triệu Obama. he he.

Xem 2 Clip ngôi biệt thự nói trên, nếu mạng tải hơi khó, nhấp vào biểu tượng bánh răng ở góc dưới cùng bên phải trình phát video và chọn cài đặt chất lượng thấp hơn, chẳng hạn như 240p hoặc 360p, có thể xem được.

http://tranhung09.blogspot.ch/2013/10/ngoi-biet-thu-so-34-hoang-dieu-va-ky.html#more


Chuyện về một nhân chứng lịch sử
Bài đã được xuất bản.: 30/08/2009 20:08 GMT+7
(TuanVietNam)- Sáu mươi tư mùa thu kể từ những ngày Tháng Tám, nhà báo Xuân Ba đã tìm đến nhà cụ quả phụ Trịnh Văn Bô - một nhân chứng lịch sử.

Sáu mươi tư mùa thu kể từ những ngày Tháng Tám sục sôi trong từng huyết quản của mỗi lương dân đất Việt. Tôi tìm đến nhà cụ quả phụ Trịnh Văn Bô. Một nhân chứng lịch sử.


Ông bà Trịnh Văn Bô. Ảnh: Xuân Ba

Tôi được hầu chuyện cụ lần mới đây nhất là mùa hạ năm ngoái nhân có cuộc hội thảo của Hội Khoa học lịch sử Việt Nam và Hội đồng tộc Trịnh Việt Nam dịp 480 năm ngày mất của Thành Tổ Triết Vương Trịnh Tùng (cụ Trịnh Văn Bô là viễn tổ, đời thứ 17 của Hy Tổ Nhân vương Trịnh Cương).
Cụ quả phụ Trịnh Văn Bô tức bà Hoàng Thị Minh Hồ, năm nay tròn 96 tuổi. Con số, nhiều khi chả nói lên được mấy điều gì nhưng cũng phải nhắc lại rằng: 5147, năm ngàn một trăm bốn mươi bảy lượng vàng mà gia đình ông bà Trịnh Văn Bô đã hiến cho Chính phủ cách mạng lâm thời trong những ngày đầu cam go.
Đó là chưa kể những ngôi nhà mà ông bà hiến cho cách mạng trong đó có ngôi nhà 48 phố Hàng Ngang là nơi Bác Hồ và các đồng chí như: Nguyễn Lương Bằng, Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp... từ chiến khu về Hà Nội đã ở. Chính trong ngôi nhà này, Bác Hồ đã viết Tuyên ngôn Độc lập.
Ngôi nhà 48 Hàng Ngang hiện được xếp hạng Di tích Lịch sử. Năm 1946, ông Trịnh Văn Bô được tháp tùng Bác Hồ sang thăm Pháp theo lời mời của chính phủ Pháp.
Hồi ức của nhà văn Sơn Tùng
Trong giới viết lách Việt, nhà văn Sơn Tựng có nhiều hồi ức, ghi chép về gia đình cụ Trịnh Văn Bô.
Trong câu chuyện giữa nhà văn và bà quả phụ Trịnh Văn Bô, tức bà Hoàng Thị Minh Hồ đã lưu đậm một sự kiện lịch sử...
... Ngày 26 tháng 8 là ngày chủ nhật, ngày của Tuần lễ đầu tiên Hà Nội giành chính quyền về tay nhân dân.
Mới sáng tỏ mặt người, ông Nguyễn Lương Bằng, ông Vũ Đình Huỳnh gặp tôi "Ông Cụ tiếp khách nước ngoài trưa hôm nay. Một vị khách rất quan trọng có quan hệ công việc với Ông Cụ. Nhờ chị giúp cho một tiệc mặn một tiệc trà sau bữa ăn. Chỉ có 6 người thôi. Theo ý ông Cụ, không nhiều món cốt là ngon cái phong vị Việt Nam. Nhưng rượu là trọng vị của bữa ăn đối với vị khách này"".
Tôi hỏi cho rõ hơn vị khách này kén rượu ắt là kén cà phê thuộc loại hảo hạng? Cả hai ông cùng cười đắc ý...
Tôi bèn đến Hàng Buồm hiệu Đông Hưng Viên nổi tiếng đặt món ăn và một chai Wissky loại Johnnie Walk Old Frotech Wissky. Nhưng về sau ông Huỳnh lại bảo, ông Cụ hiểu rõ sở thích của khách ưng uống loại Vermouth.
Ông Huỳnh cho biết đúng 12 giờ thì khách đến. Ông Cụ tiếp cơm khách tại gác 2 phòng chính lầu bên trong của toà nhà 48 Hàng Ngang. Tôi cho bày biện trang hoàng xong từ 10 giờ... Nhưng không rõ lý do gì vị khách đến chậm. Ông Trường Chinh, ông Võ Nguyên Giáp mấy lần ra cửa ngóng... Ông Nguyễn Lương Bằng, ông Vũ Đình Huỳnh xuống tận gác một dưới nhà đợi.
Đến 12 giờ 30 vẫn chưa thấy xe đón khách về. Ông Cụ lại ra cửa... Giữa ban trưa, tôi nhìn qua khe màn gió thấy rõ được ông Cụ. Từ hôm Cụ về được cụ hỏi han, biết Cụ là một nhân vật quan trọng ai cũng nể vì, tôi vô cùng kính phục và tin tưởng.
Giữa trưa này, ông Cụ trong bộ áo cũ nâu sồng gầy đanh như một đạo cốt, mắt sáng mà dịu dàng nhìn suốt đến tận cùng... Lòng tôi tràn đầy một niềm thương kính... Cụ như một người mẹ, như một Đức Tin...
Cụ quả phụ Trịnh Văn Bô tức bà
Hoàng Thị Minh Hồ, năm nay tròn 96 tuổi.
Ảnh Xuân Ba.
Gần 1 giờ chiều xe đón khách ông Cụ mới về. Mọi người đều lui vào phía trong. Ông Cụ và ông Võ Nguyên Giáp đón khách ngay tại cửa. Chào hỏi nhau bằng tiếng Pháp. Ông Cụ và vị khách dùng tiếng Anh.
Từ phút này tôi không được biết gì thêm nữa... Một lúc sau đưa các món ăn lên bàn tiệc tại phòng khách. Trong mâm sáu người chỉ có một suất dùng đồ Tây. Nhưng vị khách ngoại quốc này cầm được đũa, gia nhân tôi đem đũa bát vào...
Sau bữa cơm, ông Cụ tiếp vị khách ở phòng trà trông ra ban công có cây cảnh và hoa. Cuộc đàm đạo diễn ra tận chiều tắt mới kết. Bấy giờ qua ông Nguyễn Lương Bằng, tôi được biết vị khách ngoại quốc ấy là thiếu tá Patti một người Mỹ trong phe đồng minh chống phát xít!
Hôm sau vợ chồng tôi tiếp khách có Bác và mấy người Mỹ. Tôi nhớ rất rõ hai người là thiếu tá Thomas và Patti. Chính hôm đó Bác trao đổi với Patti về bản Tuyên ngôn Độc lập.
Đọc ngay trang đầu, Patti quay sang nói với Bác rằng hình như tôi đã đọc những dòng này ở đâu đó? Bác cười, đó là những điều mà bản Tuyên ngôn nhân quyền bất hủ của đất nước các bạn...
Viết đến đây chợt nhớ đến một sử gia đó từng nhận xét đại ý, những lãnh tụ lập quốc thường có những đường thông nối ý thức của họ với tiềm thức Dân tộc và nhân dân, thậm chí với nhân loại nữa!
Truân chuyên, nhiêu khê về ngôi nhà 34 Hoàng Diệu
Đã mươi lăm năm có lẻ...
Trong số đơn từ của bạn đọc gửi về cho Toà báo, tôi có nhận được một lá đơn của chính bà Hoàng Thị Minh Hồ gửi đến nhiều cơ quan ngôn luận khác, can thiệp với các cơ quan có trách nhiệm để gia đình bà xin lại ngôi nhà 34 phố Hoàng Diệu mà bà cho mượn từ năm 1954. Tóm tắt lá đơn cũng như diễn tiến của nội vụ như thế này:
... Tháng 10 năm 1987, đồng chí cố vấn Trường Chinh có mời ông Trịnh Văn Bô (ông Trịnh Văn Bô đã mất năm 1988. Cả hai ông bà đều được tặng phần thưởng cao quý, Huân chương Độc Lập Hạng Nhất) và bà Hoàng Thị Minh Hồ lên gặp thăm hỏi và trao đổi công việc.
Hai ông bà nhân cuộc gặp thân mật này đã ngỏ ý kiến với đồng chí Cố vấn, xin Đảng và Nhà nước cho phép gia đình được trở về sống tại 34 Hoàng Diệu, Quận Ba Đình vì gia đình ông bà hiện đông các con cùng các cháu, chắt. Cả bốn thế hệ lại ở trong một ngôi nhà tại phố Nguyễn Gia Thiều.
Nhà 34 Hoàng Diệu, ông bà Trịnh Văn Bô cho Thiếu tướng Hoàng Văn Thái mượn từ những ngày Tiếp quản Thủ Đô năm 1954 với thời hạn 2 năm (1954-1956) đến ngày Tổng tuyển cử đất nước thì trả. Sự việc này đã được các đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ xác nhận. Nhưng rồi cuộc chiến tranh vệ quốc đó trở nên dằng dặc, gian nan...
Năm 1986, đồng chí Hoàng Văn Thái mất, Bộ Quốc Phòng xây nhà cho các tướng lĩnh cao cấp tại Liễu Giai rộng rãi khang trang. Đây là khu biệt thự đặc biệt giành cho các tướng lĩnh hàng đầu của quân đội.
Ngày 24 tháng 6 năm 1988, đồng chí Lê Đức Thọ đã gửi thư cho Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng Lê Đức Anh thông báo ý kiến của các đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ về việc cả ba đồng chí cùng nhất trí cho gia đình ông bà Trịnh Văn Bô cùng các con cái cháu chắt được về sống tại 34 Hoàng Diệu.
Ngày 10 tháng 12 năm 1988, đồng chí Lê Đức Thọ gửi thư cho bà Trịnh Văn Bô thông báo việc cả ba đồng chí Cố vấn và đồng chí Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng Lê Đức Anh cùng nhất trí cho gia đình bà Trịnh Văn Bô được trở về sống ở 34 Hoàng Diệu.
Đồng chí Lê Đức Thọ đã chỉ thị cho đồng chí Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng Lê Đức Anh bố trí cho gia đình đồng chí Hoàng Văn Thái nhà ở cho thật tốt, đầy đủ tiện nghi sao cho xứng đáng với công lao của Đại tướng đối với cách mạng, đối với quân đội. Sau đó, bà quả phụ đại tướng Hoàng Văn Thái và gia đình đã trả nhà 34 Hoàng Diệu chuyển xuống khu biệt thự Liễu Giai.
Ngày 1 tháng 6 năm 1989, chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười đã phê chuẩn việc trả lại nhà 34 Hoàng Diệu cho bà Bô. Ngày 10 tháng 7 năm 1990, Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo cũng có ý kiến nhất trí việc trả nhà cho bà Bô.
Năm tháng cứ lần lữa trôi... Bà Bô vẫn chưa nhận được nhà...
Ảnh: Xuân Ba
Ngày 10 tháng 12 năm 1993, đồng chí Võ Văn Kiệt, lúc này là Thủ tướng Chính phủ sau khi tiếp nhận đơn của bà Bô đã đồng ý việc trả nhà 34 Hoàng Diệu cho gia đình bà Bô. Thủ tướng Võ Văn Kiệt giao cho Phó Thủ tướng thời đó là đồng chí Phan Văn Khải ký quyết định trả nhà này.
Ngày 8 tháng 10 năm 1994, Phó Thủ tướng Phan Văn Khải đã có công văn nhắc Bộ Quốc phòng sớm thực hiện việc trả nhà.
Ngày 24 tháng 10 năm 1994, Bộ Quốc phòng, Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội và Sở nhà đất thành phố Hà Nội đã họp và quyết định trả nhà cho bà Bô.
vv... và vv...
Nhưng qua năm đó và năm sau nữa, bà Hoàng Thị Minh Hồ tức bà quả phụ Trịnh Văn Bô vẫn không nhận được nhà 34 Hoàng Diệu!
Thời điểm ấy, nhiều phóng viên khi nhận được đơn thư của bà quả phụ Trịnh Văn Bô đã bức xúc trước điều kỳ quặc đến khó hiểu, rằng từng ấy cá nhân và cơ quan có trách nhiệm đã quyết định việc trả nhà 34 Hoàng Diệu cho gia đình bà Bô tức bà Hoàng Thị Minh Hồ, với ngần ấy những chữ ký đầy quyền lực mà bà Hoàng Thị Minh Hồ vẫn chưa có giấy tờ hợp pháp được đến ở nhà 34 Hoàng Diệu!
Rồi tất thảy cũng ngơ ngác khi biết rằng, không biết từ đâu phát ra cái lệnh đây là vấn đề nhạy cảm (?!) hạn chế việc đưa tin!
Chỉ còn cách, cái cách muôn thủa, cái công việc việc đằng sau mặt báo tẻ ngắt, vô thưởng vô phạt và cũng vô trách nhiệm nữa là các toà báo từng nhận được đơn kêu cứu khẩn cấp của gia đình bà Trịnh Văn Bô cũng chỉ biết kính chuyển những lá đơn đó đến các cơ quan có trách nhiệm!
Mãi cho đến 9 năm sau, phải 9 năm, bằng độ dài thời gian của cuộc kháng chiến chống Pháp, gia đình bà quả phụ Trịnh Văn Bô mới được trở về ngôi nhà cũ của mình ở 34 Hoàng Diệu, với những giấy tờ về bằng khoán điền thổ của ngôi nhà mà gia đình bà đó mua từ trước cách mạng.
Có vô số những chuyện về quãng thời gian đợi và đòi nhà ấy! Nhưng mà thôi, có lẽ chả ích chi khi kể ra những việc buồn lẽ ra không đáng có đó?
 Ghi chép của Xuân Ba
 * Mời quý vị theo dõi phần tiếp theo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét