Chúng ta là những người lớn… “mồ côi”
Phan Thắng thực hiện, Theo VHNA Kim Dung đang dẫn chương trình trực tuyến về GD |
LTS: Báo chí và nhà báo có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội vì bằng các hoạt động thực tiễn của mình nó đã góp phần làm minh bạch thông tin, sự thật và định hướng dư luận hướng tới cái tốt, cái đẹp, cái thiện. Lao động báo chí cũng là lao động phức tạp, khó khăn đòi hỏi không chỉ khả năng tác nghiệp mà cả tâm huyết, tình người. Ở họ cần một nhãn quan và bản lĩnh nhân văn. Khách mời của VHNA kỳ này là nhà báo Kim Dung, ( bút danh Kỳ Duyên), nguyên phóng viên cao cấp Báo Nhân Dân, hiện là biên tập viên của Tuần Việt Nam- VietNamNet. Câu chuyện hôm nay là góc nhìn của nhà báo về cuộc sống hôm nay, và một tâm sự về nghề báo.
------
“Dân tộc- nếu ấu trĩ, giáo điều, phải trả giá bằng sự tụt hậu hàng chục thế kỷ”
Phóng viên: Chúng tôi được biết chị là một nhà báo chuyên nghiệp, có thâm niên. Như vậy là chị đã đi qua thời kì bao cấp, thời kì khủng hoảng kinh tế sâu sắc và nặng nề nhất của đất nước. Tôi thấy, hồi xưa khó khăn lắm nhưng trong các tác phẩm của chị tình hình giáo dục vẫn sáng sủa?
Nhà báo Kim Dung: Cảm ơn anh. Đây là một câu hỏi thú vị nhưng khó vì sự so sánh có tầm khái quát rất rộng. Nếu nói chính thức bước chân làm nghề, đi cơ sở và viết, phải tính từ năm 1977, khi đó, tôi làm ở Báo Nhân Dân, chuyên viết mảng giáo dục. Nghề báo luôn gắn với tình hình kinh tế xã hội, với thời cuộc, phản ánh diện mạo thời cuộc đó.
Khi đánh giá bất cứ một sự kiện gì, cho tới những bài báo của một giai đoạn, cần gắn với đặc điểm của xã hội, của thời cuộc, và của chính lĩnh vực.
Với tư duy đó, thì thời cuộc tôi đã trải qua, và viết về GD có 03 đặc điểm, mang tính đặc thù khá rõ:
+ Trước hết, Báo Nhân Dân là cơ quan ngôn luận của TƯ Đảng. Người làm báo ND khi đó được coi như cán bộ tuyên truyền (tuyên huấn) đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước.
Nếu tinh ý, cho đến bây giờ, vẫn thường có một câu mở đầu “nằm lòng” là, báo chí phải tuyên truyền…. Câu đó đúng, nhưng thiếu mất một vế quan trọng khác, đó là báo chí còn có chức năng thông tin, phản biện chính sách xã hội và cả dự báo.
Chính những chức năng này thật sự góp phần vào sự điều chính các chính sách xã hội, để có tính khả thi, phù hợp quy luật thực tiễn, hợp lòng dân, giúp xã hội vận động và phát triển lành mạnh.
+ Thời cuộc khi đó, Internet chưa có. Sự xuất hiện của Internet, của công nghệ thông tin toàn cầu hôm nay thực sự là bước tiến vĩ đại của lịch sử, của thời đại, giúp con người nói chung, nhà báo nói riêng có được những thông tin xác thực hơn về xã hội, các lĩnh vực, đem lại sinh hoạt dân chủ trong đời sống. Đương nhiên, nó cho con người ta tiếp nhận cả hai mặt, phải- trái, tốt xấu, tích cực- tiêu cực của đời sống đương đại.
+ Giáo dục, so với các lĩnh vực khác như kinh tế, văn hóa, y tế… vẫn có phần lành mạnh hơn, do tính chất đặc thù của nó- lĩnh vực đào tạo con người cho xã hội tương lai.
Tôi đã làm báo trong những năm tháng gian khổ đó. Sự khó khăn về vật chất đã đành, trong bối cảnh chưa có Internet, những thông tin đa chiều còn rất hạn chế, lại là nhà báo của Báo ND. Những nguyên tắc làm báo, viết báo ở đây phải nói cực kỳ nghiêm cẩn, khắt khe về tư tưởng, mang tính định hướng “tuyên truyền” rất rõ.
Giáo dục khi đó, cũng chưa bị “suy thoái, khủng hoảng” nhưng đặc biệt chưa bị “thương mại hóa” nặng nề, làm tổn thương xã hội như bây giờ. Và tôi đã gắn bó với ngành GD với tất cả sự tâm huyết, hồn nhiên và trách nhiệm của mình. Tôi từng phát biểu (nói vo) một bài tham luận về nghiệp vụ báo chí tại Báo ND (giai đoạn sau này- khi đất nước đã đổi mới), khiến tất cả mọi người cười ồ: Cầm bút với con tim hồn nhiên.
Sự hồn nhiên đó, vừa là sự hồn nhiên trong sáng của bản tính trời cho, vừa là sự hồn nhiên của con người ngay thẳng, có một nói một, có hai nói hai, có xấu nói xấu, có tốt nói tốt, không đánh đổi trắng thành đen, đen thành trắng. Nói thẳng, đó là sự trung thực, và cũng là nguyên tắc tối thiểu của người cầm bút.
Dù vậy khi đó, có những bài viết, nếu ‘gai góc, đụng chạm” một chút tới ngành GD, lập tức bị gạch chéo (X) với lời phê bên cạnh: Lùi lại. Lùi lại, đến bao giờ mới được đăng? Không biết! Mà thực chất những bài báo đó không bao giờ được đăng. Coi như phá sản, dù nó chứa đựng bao tâm huyết của mình.
Ở một góc độ khác nữa, với tính chất là cơ quan ngôn luận tuyên truyền, cả một thời tuổi trẻ làm báo của chúng tôi, người ta không thể chấp nhận có phong cách, có cá tính riêng trong bài viết. Nếu bài báo có chất văn mềm mại, hấp dẫn, có phong cách, cá tính riêng, lập tức bị biên tập, xóa bỏ không thương tiếc. Vì thế, có rất nhiều những bài báo chỉ như một bản tin thông tấn dài, đầy sự kiện. Chấm hết!
Có lúc tôi đã dày vò tự hỏi, không biết có bao vị quan chức báo chí “làm hỏng” bài của phóng viên nhỉ?
Nhưng tôi là kẻ ương ngạnh, và cũng hồn nhiên, tôi không chịu thân phận kiểu đó. Tôi vẫn cứ viết theo cách tôi cảm nhận, theo tư duy tự do khoáng đạt của mình. Và anh biết không, có rất nhiều những bản thảo, bị biên tập đỏ lòe, đến nỗi tôi không nhận ra bài viết của mình nữa. Và nước mắt tôi cũng chảy không biết bao lần…
Anh có biết đó là nỗi đau của người làm báo đầy nhiệt huyết như tôi không? Tôi có những thành công nhất định trong nghề cầm bút ở đó, nhưng nói thật, nước mắt tôi rơi trong cô đơn cũng nhiều lắm. Tôi từng đọc cuốn Một nửa đàn bà là đàn ông. Tôi cũng vậy, từng thấy mình hệt như một nửa đàn bà là đàn ông. Tất cả nỗi đau câm lặng chỉ xoay quanh nghề cầm bút. Không có cả tuổi trẻ hưởng thụ như tuổi trẻ bây giờ… Và nếu nói một cách công bằng, hành trình làm nghề báo của tôi khi đó là hành trình cực kỳ cô đơn!
Phóng viên: Còn bây giờ, qua tác phẩm, tôi thấy chị lo lắng và bồn chồn, và nhiều lúc như là bức xúc về cuộc sống, với cuộc sống. Có điều đó không, thưa chị?
Nhà báo Kim Dung: Có chứ. Rất nhiều là khác. Bởi bây giờ, chúng ta đang sống trong một thời cuộc gay gắt, quá nhiều thử thách về sự phát triển của xã hội. Phải đối mặt với nhiều vấn nạn, tệ nạn, và sự suy thoái về văn hóa, phẩm cách làm người.
Nhưng khác với giai đoạn tuổi trẻ làm báo thời bao cấp, giờ đây, tôi làm báo với tâm trạng khác. Nỗi đau trước đây là nỗi đau của kẻ cầm bút làm nghề chưa thật đúng là nghề. Cái áp lực của công việc khi đó sao nặng nề, khó tả. Và tuổi xuân cũng như “lão hóa”, dù tôi là kẻ lãng mạn lắm, nghệ sĩ và cũng lắm khát vọng
Còn nỗi đau bây giờ của tôi là nỗi đau của người cầm bút trước thực trạng xã hội.
Đời người, sống sao cho đừng vô cảm, vô vị, vô ích. Và nếu ta đã sống không vô cảm, thì nỗi đau đó nhiều lắm. Anh đừng cười, bằng này tuổi đầu, trước thông tin voi Beckhăm bị giết hại, tôi đã ôm mặt khóc rưng rức khi phải viết bài. Không phải một lần. Tôi đau vì niềm tin của một con vật khôn ngoan, nhưng ngây thơ với con người, đã đặt không đúng chỗ.
Niềm tin đặt không đúng chỗ, có khi còn hủy diệt cả chính hạnh phúc của mình. Tôi bỗng nhớ tới bài viết “Mới hay vật đổi sao dời”, đăng trên mục Thư Hà Nội, ngày 13/10/2007, mà tôi phụ trách, khi về làm việc với VietNamNet. Bài viết về chính số phận chị gái tôi, với câu kết: Một dân tộc nếu ấu trĩ, giáo điều, có khi phải trả giá bằng sự tụt hậu hàng chục thế kỷ so với nhân loại. Còn đời người ngắn lắm, nên thường phải trả giá bằng cả cuộc đời của chính mình.
Thú thực, tôi đã khóc nhiều lắm khi viết bài này.
Người thân trong gia đình từng nói với tôi: Làm báo cần có cái đầu lạnh, con tim nóng. Nhưng con tim tôi luôn đau đớn, anh à!
Khi các thang bậc giá trị trong xã hội đảo lộn
Phóng viên: Tác phẩm là của riêng chị, còn nỗi đau và lo lắng, là của riêng vì chị quá đa sầu, đa cảm, quá lo toan hay đó là nỗi niềm chung của nhiều người?
Nhà báo Kim Dung: Tôi không biết. Có thể tôi là người đàn bà cầm bút bản tính quá nhạy cảm và đa cảm. Nhưng tôi tin, nỗi lo lắng, chí ít cũng là nỗi quan tâm, và bức xúc trước thực trạng xã hội đang ẩn chứa nhiều bất an, bất ổn, không phải chỉ riêng tôi, mà của nhiều người.
Vì đời người đâu chỉ có cơm ăn, áo mặc. Anh cứ nghĩ mà xem. Chỉ nói riêng về GD là lĩnh vực tôi từng gắn bó trước đây. Mỗi mùa học đến, các gia đình nháo nhào chạy trường chạy lớp, nháo nhào lo đóng đủ các khoản tiền cho con em, dù về hình thức, như tiểu học chẳng hạn, được miễn học phí. Và đổi lại là gì? Ngành GD có thể trả lời một cách tự tin về chất lượng GD, mà mình tạo ra trước các bậc cha mẹ, trước vận mệnh tương lai của dân tộc không?
Tôi không biết ở ta có Viện giống như Viện GALLUP (Mỹ) không, một viện chuyên làm các cuộc thăm dò mang tính khoa học và khách quan trên mọi lãnh vực như chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, tôn giáo, sắc tộc… để Nhà nước có thể thu nạp được những phản ứng, tâm lý của người dân trước các vấn đề liên quan đến sống còn, sinh tử vận mệnh quốc gia trên hành trình hội nhập với hiện đại? Để từ đó, có các chính sách, hoặc những điều chỉnh mang tính vĩ mô về cơ cấu, cơ chế, thể chế chính trị- kinh tế- xã hội
Phóng viên: Tại sao chị và các đồng nghiệp, và cả những người không làm nghề báo, lại có tâm trạng đó?
Nhà báo Kim Dung: Bởi thực trạng xã hội hiện nay, quốc nạn tham nhũng, nhóm lợi ích, “sự suy thoái về đạo đức một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên… có nguy cơ ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ. Đây là nhận định của vị cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng, mà ai cũng đã biết. Nó cho thấy hết thực trạng xã hội, đặc biệt là phẩm cách đội ngũ cán bộ, đảng viên ở một bộ phận không nhỏ bị “tha hóa”, đâu phải chỉ những người cầm bút, làm báo như chúng tôi.
Khác chăng, những người cầm bút chuyên nghiệp, họ thường có sự nhạy cảm hơn, trong năng lực quan sát, cảm nhận “nhiệt độ” xã hội. Cộng với vốn tri thức phong phú gắn với thực tiễn mà đời sống nghề nghiệp mang lại. Và nghề nghiệp khiến họ thành… “hàn thử biểu”.
Phóng viên: Có người nói, chiếm một tỷ lệ khá lớn trong cộng đồng xã hội hiện nay đang bị bệnh trơ lỳ xúc cảm và đó là nguyên nhân của căn bệnh makeno [mặc kệ nó]. Về tâm lý học và xã hội học thì nên hiểu, nên cắt nghĩa hiện tượng “bệnh lý học” này như thế nào?
Nhà báo Kim Dung:Thực ra, căn bệnh “mackeno” không phải bây giờ mới xuất hiện. Tôi nhớ thời bao cấp, người ta đã nhắc đến khái niệm này, để ám chỉ một lối sống vô cảm tệ hại. Không biết tôi nhìn nhận thế có khách quan không? Nhưng thời tuổi trẻ, tôi đã nhìn thấy căn bệnh đó ở ngay chính nơi môi trường sống và làm việc của mình.
Căn bệnh “công chức”, thờ ơ, sáng cắp ô đi, tối cắp ô về, thờ ơ với mọi việc chung quanh, làm việc như một cái máy vô hồn, để đợi đến hẹn lại lên…lương. Một bộ phận khác thì lo tìm ê kip, để chạy ghế lãnh đạo. Căn bệnh đó, có từ rất lâu rồi, không phải bây giờ.
Có điều trong xã hội bây giờ nó mang tính phổ biến hơn, và được báo chí đề cập nhiều hơn khi bàn về công chức, bàn về thái độ ứng xử vô nhân tính của con người trước những rủi ro tai họa của đồng loại một cách công khai, mà không hề day dứt. Dù trong cộng đồng, lúc nào và ở đâu cũng không thiếu những tấm lòng nhân hậu, thương người, sẵn sàng chia sẻ và giúp đỡ người không may.
Về phương diện tâm lý và xã hội học, có câu nói của người xưa: Nhân chi sơ, tính bản thiện (tất cả con người sinh ra đều hiền từ, có tính thiện). Lại có câu thơ của cố Chủ tịch Hồ Chí Minh: Hiền dữ phải đâu là tính sẵn/ Phần nhiều do giáo dục mà nên, để thấy phẩm cách của một con người đều là kết quả của quá trình họ được GD (từ gia đình, nhà trường đến XH).
Mặt khác, cần thấy tính xã hội của GD là ở chỗ, GD là một thành tố của cơ chế chính trị- kinh tế- xã hội. Nó góp phần tích cực hoặc ngược lại, với xã hội, mặt khác, nó cũng phản chiếu sâu sắc sự hưng vong, suy thịnh của một quốc gia. Mối quan hệ hữu cơ giữa con người- GD và XH là ở chỗ đó. Xã hội nào, GD đó, và ngược lại GD nào, xã hội đó. Xã hội lành mạnh và văn minh, liệu con người có thể quá vô cảm, trơ lỳ cảm xúc trước cái ác, cái xấu, cái tệ hại không?
Phóng viên: Tiếp xúc nhiều với cuộc sống và các nguồn thông tin, theo chị, nguyên nhân nào đã làm cho người ta trơ lý xúc cảm?
Nhà báo Kim Dung: Cái gốc của hiện tượng này là một khi, các thang bậc giá trị trong xã hội bị đảo lộn. Sự bất công lên ngôi. Cái tốt- xấu, phải- trái, trắng- đen bị đánh tráo. Trong khi pháp luật không được thượng tôn. Còn một bộ phận con người lại có quyền giẫm đạp lên pháp luật.
Trong bản thể mỗi con người, bao giờ cũng có tâm lý phản kháng bản năng, và cả tâm lý cam chịu. Một khi con người mất niềm tin vào cái tốt đẹp, cái tích cực, thậm chí phải chứng kiến mãi sự bất công, chứng kiến mãi cái xấu, mà họ không thể trông chờ vào sự công bằng, sự thượng tôn pháp luật, thì sẽ xuất hiện sự trơ lỳ cảm xúc.
Đó vừa là một tâm lý phản kháng mang cảm xúc “âm”, vừa là thái độ tất yếu, yếm thế mang tính chất của kẻ mất niềm tin vào điều tử tế, điều tốt đẹp của con người với con người.
Phóng viên: Một không gian ồn ào và phức tạp bởi nhiều “phản giá trị” sẽ không tạo ra cảm hứng nhân đạo, hướng được con người đến cái cao cả, cái đẹp, cái thiện. Cái ác, cái xấu tranh giành và lấn át cái tốt đẹp sẽ buộc người ta sống trong sợ hãi và trở thành từ vô cảm, vô trách nhiệm đến vô tâm. Sự sợ hãi làm cho con người ta ngày càng bé đi trong cuộc sống cộng đồng xã hội. Họ sợ cả những nỗi sợ không có thật, như các cụ hồi xưa nhát ma trẻ em. Và theo đó, cái xấu sẽ chiếm lĩnh tâm hồn, sai khiến hành vi của con người. Chị nghĩ sao về điều này, hay là về ý kiến này?
Nhà báo Kim Dung:Tôi hoàn toàn đồng ý với một câu hỏi, mà tự thân cũng đã là một câu trả lời.
Không hiểu sao, tôi rất hay bị ám ảnh bởi những đôi mắt trẻ thơ mồ côi, không nơi nương tựa. Nó toát lên cái nhìn sợ hãi, bất định, cái nhìn của sự không được che chở, hoài nghi với tất cả xung quanh. Chúng ta là những người lớn, đã trưởng thành, đã trải nghiệm, nhưng ở góc độ nào đó, người lớn chúng ta cũng đang giống như… những đứa trẻ mồ côi đó.
Chúng ta là những “đứa trẻ lớn”, “mồ côi” với cái nhìn hoang mang, lo lắng về đời sống xã hội đương đại hôm nay. Trong bối cảnh đó, chỉ còn biết phải tự cân bằng tâm lý, có cái nhìn triết luận, hiểu quy luật phát triển xã hội để có thể thích ứng, và có nghị lực, bản lĩnh. Anh có nghĩ thế không?
Đó chính là sự tha hóa
Phóng viên:Tôi đồng cảm với cái nhìn và đồng ý với nhận xét của chị. Với cái cách tiếp cận vấn đề của một nhà báo, chị có thể đồng cảm và cho bạn đọc một vài ví dụ về tình hình này không?
Nhà báo Kim Dung: Tôi kể anh nghe một câu chuyện, mà tôi thấy rất ám ảnh. Cháu gái của tôi đi học tiểu học. Mới đây, ba cháu họp phụ huynh. Tại cuộc họp, cô giáo chủ nhiệm lớp của cháu, một cô giáo rất tận tâm với trò, đã phải phổ biến cho các ông bố bà mẹ, căn dặn các cháu gái, khi đến trường muốn đi tiểu, phải đợi giờ ra chơi, đi cùng với các bạn khác, không được đi tiểu lúc vắng người, vì sợ nguy hiểm, sợ những hiểm họa có thể rình rập con trẻ ngay khu vệ sinh.
Anh thấy có đắng không, khi mà nhà trường tiểu học ở ngay Thủ đô cũng không còn là nơi an toàn cho trẻ em?
Trong muôn ngàn cái xấu, điều ám ảnh khiến tôi đau và phẫn nộ nhất là chuyện trẻ em gái bị cưỡng bức, bị xâm hại. Là chuyện những ông thầy biến chất, lợi dụng trò gái để thỏa mãn thú tính. Quốc gia nào cũng có những cái xấu ghê tởm đó. Nhưng một khi trẻ em gái, mới 5-6 tuổi đã thành nạn nhân của những kẻ đê tiện, có khi là cha, có khi là bác, là chú, là hàng xóm, thậm chí đáng tuổi ông nội, ông ngoại, thì văn hóa, đạo đức xã hội đang đứng ở đâu?
Phóng viên: Lâu nay tôi đọc khá nhiều bài của chị. Tôi biết chị đã phẫn nộ và phân tích khá sâu sắc, có căn cứ lý thuyết và chứng cứ thực tiễn về sự bất ổn trên nhiều phương diện của đời sống xã hội. Vụ việc nào gần đây làm cho chị shok nhất? Quan điểm của chị về vấn đề này như thế nào?
Nhà báo Kim Dung: Đó là vụ Đặng Ngọc Viết, dùng súng bắn 05 cán bộ của Trung tâm phát triển quỹ đất ở Thái Bình, rồi tự sát. Có thể nói, đó là vụ việc gây chấn động mạnh cho toàn xã hội, và cho cá nhân tôi. Dĩ nhiên, giết người là hành động tội ác. Báo chí gọi Đặng Ngọc Viết là “hung thủ”. Thế nhưng, con đường dẫn Đặng Ngọc Viết từ một người bình thường, trở thành kẻ phạm tội, cay đắng thay, nó khiến cho tất cả những người có lương tâm chúng ta day dứt.
Trước đó, vụ việc Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng (Hải Phòng) dùng súng hoa cải bắn vào những người cưỡng chế, đã khiến cả xã hội chấn động. Còn giờ đây, Đặng Ngọc Viết không dùng súng hoa cải, mà dùng súng bắn chết người.
Xoay quanh hành vi phạm tội của Đoàn Văn Vươn và Đặng Ngọc Viết chỉ có hai chữ – đất đai. Nếu như không phải là chuyện đất đai bị thu hồi, giải tỏa với giá thấp hơn giá thị trường, khiến Đặng Ngọc Viết đi vào đường cùng, và đã hành động cạn nghĩ, thì tại sao, anh ta lại đi tìm TT phát triển quỹ đất Thái Bình, và nổ súng thẳng vào 05 cán bộ của TT này?
Vụ việc đau lòng cho thấy chính sách đất đai, nhất là việc giải tỏa, đền bù cho người dân với giá thấp so với giá thị trường khiến họ chịu thua thiệt, không còn con đường sống với gánh nặng cơm áo, vợ con, mà ở đây, ai sẽ là người hưởng lợi từ giá đất thấp đó? Câu chuyện này chưa thể kết thúc. Đặng Ngọc Viết đã chết bởi viên đạn tuyệt vọng của anh ta. Nhưng những tiếng súng nổ đó, liệu có thể là tiếng kêu đau đớn của kẻ phạm tội, trước … ngõ cụt của đời sống không?
Phóng viên: Suy cho cùng, sự suy thoái về văn hóa và đạo đức của một không gian xã hội, một bộ phận xã hội hiện nay không hề nhỏ. Chỗ nào có nhiều quyền lực, nhiều tiền của thì chỗ đó có nhiều nguy cơ bị vô cảm và tha hóa. Một bộ phận không nhỏ đang biến nghĩa vụ, chức trách thực thi pháp luật thành quyền lực và quyền lợi. Chị có nghĩ như vậy không?
Nhà báo Kim Dung: Hoàn toàn đúng. Sử gia Lord Acton (người Anh) có một câu trở thành danh ngôn, một tổng kết mang tính quy luật từ thực tiễn rất sâu sắc: Quyền lực dẫn tới tha hóa, và quyền lực tuyệt đối thì tha hóa tuyệt đối!
Phóng viên: Theo chị, xã hội cần làm gì để giám sát và hạn chế quá trình lạm dụng chức trách, lạm dụng pháp luật để biến thành quyền lực riêng của một nhóm người?
Nhà báo Kim Dung: Đây là một câu hỏi rất khó, vì nó liên quan đến cơ chế quản lý kinh tế- xã hội, đến thể chế, thiết chế chính trị kinh tế- xã hội. Kiểm soát quyền lực, hạn chế quá trình lạm dụng chức trách, lạm dụng pháp luật biến thành quyền lợi riêng của một nhóm người đã được xã hội bàn thảo quá nhiều. Nhưng xem ra, câu trả lời cho bài toán thách đố này chưa có. Hoặc có thể có nhưng chỉ là ở những quốc gia văn minh, phát triển, chưa có ở xã hội VN.
Phóng viên: Người ta vẫn thường nói theo kiểu của các chính trị gia và xã hội học phương Tây rằng báo chí là quyền lực thứ tư trong xã hội. Tôi không tin điều đó vì cách tổ chức và quản trị xã hội của nước ta có đặc thù riêng, không giống họ. Còn chị, chị nghĩ sao? Báo chí ở vị trí nào trong đời sống và cơ cấu quyền xã hội?
Nhà báo Kim Dung: Cá nhân tôi cũng không tin lý thuyết đó có tính khả thi trong xã hội hiện nay. Tuy nhiên phải công tâm mà nói rằng, báo chí VN so với trước đây, đã “khá” hơn, dám nói hơn, dám phản biện hơn. Và phải công tâm hơn nữa, bên cạnh báo chí, nhờ có Internet phát triển, mà các trang mạng xã hội đóng góp tích cực vào việc thông tin, phản biện, góp phần đáng kể để chính quyền, Nhà nước có thái độ xử lý trước những vụ việc gây bức xúc xã hội.
Phóng viên: Gần đây có một số nhà báo lạm dụng vai trò của báo chí dẫn đến phạm pháp và đã bị tố cáo, bị bắt giam. Theo chị, đó là sự khẳng định quyền lực hay là sự tha hóa văn hóa báo chí, đạo đức nhà báo?
Nhà báo Kim Dung: Không thể có cái gọi là khẳng định quyền lực báo chí trong các vụ việc các nhà báo lạm dụng nghề nghiệp dẫn đến phạm pháp và bị tố cáo, bị bắt giam. Mà đó chính là sự tha hóa đạo đức nhà báo. Nó cũng phản chiếu sự suy thoái về văn hóa, đạo đức xã hội hiện nay, trong lĩnh vực báo chí. Còn nếu nói cái gọi là quyền lực báo chí, thì ở đây, những nhà báo đó nhân danh “quyền lực” làm báo để trục lợi cá nhân, thì đúng hơn.
Phóng viên: Cảm ơn chị về cuộc trao đổi hôm nay. Hy vọng chị lại nhận lời làm khách và cộng tác với VHNA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét