Chủ Nhật, 27 tháng 10, 2013

Chồng trộm tiền vợ: Chồng trắng án, vợ mở tiệc ăn mừng

Chồng trộm tiền vợ: Chồng trắng án, vợ mở tiệc ăn mừng
Dân Việt - Bà cười tươi khi chồng trắng án. Bà gạt ngang: “Thôi. Đòi làm gì. Anh ấy về sống với tôi là được rồi”, khi có người khuyên nên làm đơn yêu cầu đòi tiền bồi thường vì chồng phải ngồi tù hơn năm ròng. Đối với đôi vợ chồng này, họ đã tìm được hạnh phúc trong những tháng ngày đen tối của vụ "kỳ cục án" này.
Hai vợ chồng anh Cần đang trò chuyện với phóng viên.
Khi người chồng lầm lỡ
Đầu giờ chiều một ngày tháng 10.2013, vợ chồng ông Nguyễn Thanh Cần (SN 1966, tỉnh Tây Ninh) và vợ là bà Võ Thị Mén đờ đẫn ngồi trước hành lang Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM.

Không khí mát dịu nhưng bản án trộm cắp tài sản của ông Cần vẫn đang treo lơ lửng trên đầu khiến mồ hôi cả ông lẫn bà túa ướt áo. Bà Mén mếu máo: “Tòa sơ thẩm lần hai đã tuyên không có tội rồi, sao Viện KSND còn kháng nghị làm gì không biết. Lỡ anh ấy vào tù thêm lần nữa tôi chẳng biết phải sống sao”.

Đối với vợ chồng ông Cần, tình tiết vụ án giờ đã quá quen, gần như học thuộc lòng bản án sơ thẩm. Hai người kết hôn với nhau từ năm 1998; lúc đó, tay trắng tay, chỉ vài năm sau, hai đứa con trai lần lượt ra đời. Sức mạnh của tình yêu khiến họ lao động không ngừng với quyết tâm thoát nghèo. Tích cóp được một ít tiền, hai người tính toán mua thêm cái này kinh doanh, cái kia bán kiếm lời. Khi đã có số vốn kha khá, họ mua một chiếc xe tải để chạy. Ăn nên làm ra, họ lại bỏ tiền mua được vườn mãng cầu. Cứ thế, kinh tế hai vợ chồng phất lên nhanh chóng.

Nhiều người khi bước lên từ những tháng ngày gian khó thường rơi vào cảnh khinh thường người khác. Tuy nhiên, vợ chồng ông Cần thì khác, họ vui vẻ với tất cả mọi người, bởi: “Có bà con láng giềng mới sống nổi”. Mỗi lần ra đường, họ luôn chào hỏi người trước. Bà Mén vốn lo xa nên khi tiết kiệm được chút đỉnh, bà lại đem mua vàng cất giữ.

Ông Cần thì lại khác, quá gian khổ với vườn tược, cây cối, khi có tiền, ông lại muốn được tụ tập bạn bè nhậu nhẹt. Lắm khi, quá hăng với bạn bè, đêm khuya vẫn chưa về, vợ gọi, ông lại ậm ừ tí nữa. Một lần, hai lần rồi nhiều lần như thế, bà Mén giận. Hai người lời qua tiếng lại dẫn đến mâu thuẫn. Bà quyết định sống ly thân.

Hai người vẫn ở dưới một mái nhà nhưng ngủ hai phòng khác nhau. Vợ chồng quen mùi, đêm đêm, giường đơn gối chiếc, họ lại nhớ nhau. Tuy nhiên, vì sĩ diện, ai cũng cố tỏ vẻ mặt lạnh lùng. Tình cảm đâu dễ che giấu, không bao lâu, chẳng ai đả động gì, họ lại dọn về ngủ cùng nhau. Thời gian trôi qua, hai vợ chồng ông Cần cứ sống ly thân rồi tái hợp khá nhiều lần.

Biết tính ham vui của chồng, bà Mén một mình quản lý vườn mãng cầu, kinh doanh xe tải tích lũy tài sản riêng. Mỗi ngày, bà lại đưa tiền cho chồng xài. Đến năm 2010, diện tích 2ha cao su của gia đình đến kỳ thu hoạch. Bà Mén giao rẫy cao su cho chồng khai thác và tiêu xài, còn bà khai thác vườn mãng cầu và kinh doanh xe tải, tiếp tục tích lũy được số tiền lớn. Đến tháng 1.2012, giữa vợ chồng bà lại xảy ra mâu thuẫn. Thêm một lần nữa, cảnh sống ly thân lại tái diễn.

Do nhu cầu của công việc làm ăn, giữa tháng 5.2012, bà Mén rút hụi được 97 triệu đồng và mượn thêm 100 triệu đồng của một người làm ăn cùng. Tất cả số tài sản, bà cất trong két sắt để trong phòng ngủ của mình. Ban đầu, ông Cần không biết, nhưng về sau cũng phát hiện ra. Trong khoảng thời gian này, ông bị đau mắt, đi khám, bác sĩ bảo phải mổ. Về nhà, ông bảo vợ đưa tiền cho mình đi chữa trị nhưng bà Mén không đưa. Giận, ông nghĩ đến chuyện lấy số tài sản trên để dọa vợ.

Khoảng 17 giờ chiều 20.5, sau khi đi rẫy về, ông Cần biết được bà Mén cùng con trai chở mãng cầu đi TP.HCM bán. Lập tức, ông lấy một cây kìm, một cây tuốc-nơ-vít đi sang phòng vợ dùng tay cạy cửa phòng bung ra. Ông vào phòng, dùng kìm, vít đục két sắt lấy tiền, vàng, số tài sản gồm 26 lượng vàng 9999; 15,97 chỉ vàng 24K; 16,39 chỉ vàng 18K và 197 triệu đồng. Lấy tài sản xong, ông Cần dùng cưa sắt cưa cửa sổ phòng, tạo hiện trường giả nhằm che giấu hành vi của mình, rồi đóng cửa đi ra ngoài.

Lấy chừng ấy tài sản nhưng ông Cần chỉ rút ra 200 ngàn đồng để tiêu xài; số tiền còn lại, ông đem đến nhà người bà con gửi. Riêng vàng, ông đem vào vườn cao su của gia đình chôn giấu. Sau đó, ông về nhà xem tivi và coi như không có chuyện gì xảy ra. Đến 0 giờ cùng ngày, bà Mén và con trai về nhà, phát hiện bị mất trộm tài sản, có hỏi nhưng ông Cần trả lời không biết. Bà Mén liền báo công an. Cơ quan điều tra Công an tỉnh Tây Ninh tiến hành các hoạt động điều tra thì Cần thừa nhận hành vi phạm tội và đã hướng dẫn cho công an thu hồi tài sản.

Kết thúc có hậu, hạnh phúc quay về

Khi xử sơ thẩm lần thứ nhất, ông Cần bị TAND tỉnh Tây Ninh tuyên án 7 năm tù. Ông kháng cáo kêu oan vì cho rằng tài sản lấy trong két của bà Mén là của chung hai vợ chồng nên không phạm tội trộm cắp. Khi xét kháng cáo của ông tại phiên tòa tháng 11.2012, Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM đã tuyên hủy bản án để xử lại.Tại phiên tòa sơ thẩm mới đây, ông Cần được TAND tỉnh Tây Ninh tuyên không phạm tội trộm cắp nhưng Viện KSND tỉnh Tây Ninh đã lập tức có kháng nghị đề nghị cấp phúc thẩm phải xử lại theo hướng ông Cần có tội.

Nụ cười hạnh phúc của chị Mén.

Ở phiên phúc thẩm hôm ấy, cả hai vợ chồng không thôi lo lắng. Tuy nhiên, sau khi tiến hành thẩm định các chứng cứ, đối chất lời khai giữa các bên, trong phiên tòa phúc thẩm này, đại diện Viện KSND xét xử phúc thẩm đã không chấp nhận kháng nghị của Viện KSND tỉnh Tây Ninh vì cho rằng bản án sơ thẩm tuyên ông Cần không phạm tội là có cơ sở.

Hội đồng xét xử tuyên bố đình chỉ xét xử, bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Tây Ninh đã tuyên ông Cần không phạm tội trước đó có hiệu lực thi hành. Khuôn mặt rạng ngời bước ra khỏi phòng xử, bà Mén cười tươi, luôn miệng lẩm nhẩm: “Được trắng án rồi. Tự do. Tự do rồi!”. Nụ cười nở trên môi, bà Mén chia sẻ: “Tôi có biết anh ấy lấy tiền đâu. Nếu biết, tôi đã không báo công an rồi”.

Bà bảo, chồng cũng siêng ăn, siêng làm, nhưng tính thích nhậu nhẹt, mà người phụ nữ nào chẳng ghét chồng la cà. Thế mới giận và dẫn đến sống ly thân. Mặc dù ly thân nhiều lần nhưng chưa lúc nào trong đầu bà nghĩ đến chuyện ly hôn. Dường như, đối với ông bà, ly thân là điều quá đỗi bình thường, là gia vị cho tình yêu. Thế rồi, đầu năm 2012, ông bị đau mắt, yêu cầu đưa tiền cho mình đi chữa trị.

Lần đó, bà đang giận nên làm lơ. Ai ngờ, ông giận thật rồi nghĩ đến chuyện lấy tiền của vợ. Sau khi bị công an bắt, tuần nào, bà và hai con cũng dắt díu chở nhau lên trại giam thăm chồng. Bà sợ, ông ở trong đó buồn, thiếu thốn lại nghĩ quẩn. Trên đường, lúc nào bà cũng tự hứa, lúc gặp chồng phải mạnh mẽ, không được khóc để ông an tâm. Tuy nhiên, lúc chạm mặt, thấy chồng gầy gò, xuống sắc, nước mắt bà lại tuôn trào không kìm nén nổi.

Sau khi phán quyết có hậu được tuyên, ông Cần đeo chiếc mắc kính đen lớn, cười gượng, nói: “Tôi đang bị đau mắt đỏ, đeo kính vào cũng thấy ngầu”. Ông kể, lúc trước, hai vợ chồng thường cãi vã khiến con cái buồn. Lắm lúc tự nhủ, thôi thì nhịn cho êm ấm cửa nhà. Thế nhưng, chẳng hiểu sao, những trận cuồng phong lại nổi, hai người cứ ly thân suốt. Ông kể: “Tôi buồn, bực mình vì đau mắt, bác sĩ bảo mổ mà cô ấy không chịu đưa tiền. Giận quá nên mới nghĩ đến chuyện lấy tiền dọa vợ thôi. Chẳng biết năm xui tháng hạn thế nào lại phải ngồi tù hơn năm trời”.

Lúc ngồi trong trại giam, suốt ngày nhìn quanh bốn bức tường lạnh, tinh thần ông xuống nhiều. Rảnh rỗi, ông lại nghĩ suy về tổ ấm. Ông hối hận về quãng thời gian sống trong hạnh phúc mà không biết giữ. Mỗi lần ngẫm về vợ, về con, nước mắt ông lại rơi. Ông tự hứa với lòng, sau lần này, nếu được về thì sẽ không bao giờ làm vợ con đau lòng. Từ khi được tại ngoại đến nay, ông luôn quây quần, xây đắp hạnh phúc cho mái ấm nhỏ. “Trong những tháng ngày khó khăn, đen tối nhất của cuộc đời, mình mới hối tiếc hạnh phúc bỏ lỡ”, ông triết lý.

Bà Mén tâm sự, đã làm tiệc thật lớn để cúng ông bà và ăn mừng chồng trở về bình an. Bà Mén còn khoe và hứa với chúng tôi rằng: “Đầu năm sau, cưới con trai đầu, tôi sẽ gọi điện mời các phóng viên xuống ăn mừng”.
An Bình (Dòng Đời)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét