Chủ Nhật, 20 tháng 10, 2013

Chết rồi để của cho ai?

Chết rồi để của cho ai?
Dư luận từng phát sốt muốn biết ai là người bị “lộc rơi trúng đầu” thừa kế khoản tài sản kếch sù của bà T.K.P, một chủ lò bún ở quận Tân Phú (TP.HCM), chết bất đắc kỳ tử không để lại di chúc. Khối di sản khổng lồ cả ngàn tỉ đồng bà P. để lại gồm 100 cây vàng, tiền mặt, 1 triệu USD, nhiều trang sức kim cương, 17 cuốn sổ tiết kiệm (trong đó có nhiều sổ ghi số tiền hàng chục tỉ đồng), rất nhiều nhà xưởng, đất đai…
Thông tin lộ ra khi phát sinh việc tranh chấp về két sắt giữ một số động sản, giấy tờ trong khối di sản trên đang ký gửi tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) giữa em trai của bà P. là ông T.V.P (ông P. cho rằng trong khối di sản của chị mình có sự đóng góp rất lớn của nhiều anh chị em khác) và con gái nuôi hợp pháp của bà là cô T.H.H.L.

Sau nhiều tranh luận ngoài đời lẫn trên báo chí, cuối cùng phần thắng thuộc về cô L: cô đến Phòng Công chứng số 1 (TP.HCM) khai nhận di sản của mẹ và được giải quyết vì là người duy nhất ở hàng đầu tiên được thừa kế theo pháp luật toàn bộ khối tài sản của mẹ nuôi. Cô L. trở thành một trong những tỉ phú trẻ tuổi nhất của Việt Nam.

Có người cho rằng một mình cô L. hưởng cả ngàn tỉ đồng của bà P. thì cũng không công bằng với các anh chị em của bà P., vì cô L. là con nuôi, hoàn toàn không có quan hệ máu mủ với bà P. như các anh chị em của bà. Nhưng lại có người nói: “Tôi thấy giống như kiếp trước bà P. mắc nợ cô L. nên kiếp này phải trả lại cho cô L. vậy”. Hiện bà P. đã chết, khi còn sống bà lại không lập di chúc để tài sản thừa kế cho ai nên không ai có thể biết được ý định thực sự của bà P. như thế nào.

Trường hợp cô L. khá may mắn vì là người thừa kế duy nhất ở hàng thứ nhất (theo pháp luật) của bà P. Chứ nếu có bà P. có thêm con ruột hoặc con nuôi khác, hoặc cha mẹ của bà P. còn sống thì sự việc sẽ không suôn sẻ nếu các bên không thỏa thuận được với nhau về số tài sản chia cho mỗi người. Lúc đó, các bên phải đưa nhau ra tòa để phân xử. Mà phân xử chia tài sản thừa kế, đặt biệt có cả bất động sản, thường là những vụ án dân sự kéo dài trường kỳ rất mất công, mất sức, mất cả tiền đóng án phí, định giá tài sản lẫn tiền thuê luật sư.

Gửi giữ di chúc, cách lựa chọn khôn ngoan

Sợ cảnh người thân nồi da xáo thịt khi mình nằm xuống, nhiều người đã khôn ngoan lo lập di chúc và gửi gắm nó vào nơi an toàn nhất để tránh mất mát, hư hỏng. Hiện nay, tại bất kỳ phòng công chứng hoặc văn phòng công chứng nào trên cả nước đều có dịch vụ “nhận lưu giữ di chúc”. Người dân có quyền lập di chúc có công chứng hoặc chứng thực của UBND cấp xã, kể cả di chúc tự viết tay không có người làm chứng (nhưng phải bảo đảm đủ nội dung, tuân thủ hình thức do Bộ luật Dân sự quy định) và gửi lưu giữ tại cơ quan công chứng. Mức phí lưu giữ cho mỗi di chúc chỉ có 100.000 đồng. Di chúc được các tổ chức công chứng lưu giữ cho đến khi khách hàng qua đời.

Được biết Phòng Công chứng số 1 (TP.HCM) đang lưu giữ khoản 100 di chúc của người dân. Sau này, khi chủ nhân của các di chúc đó mất và được thông báo từ gia đình hoặc UBND xã, phường nơi người đó cư trú, công chứng viên sẽ thực hiện việc công bố di chúc người chết để lại di tài sản cho ai và sao gửi di chúc tới tất cả những người có liên quan đến di chúc để họ đi làm thủ tục khai nhận di sản.

Nếu không để lại di chúc, những người thừa kế theo pháp luật theo thứ tự sau sẽ được hưởng tài sản lẫn các khoản nợ, nghĩa vụ… của người chết :

- Hàng thừa kế thứ nhất: gồm vợ, chồng, cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết.

- Hàng thừa kế thứ hai: gồm ông bà nội, ông bà ngoại, anh chị em ruột, cháu nội, cháu ngoại ruột của người chết.

- Hàng thừa kế thứ ba: gồm cụ (ông bà cố) nội, cụ ngoại, bác, chú, cô, cậu, dì ruột của người chết, cháu gọi người chết là bác, chú, cô, cậu, dì ruột, chắt (cháu cố) ruột của người chết.

Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau. Những người ở hàng sau chỉ được hưởng thừa kế nếu không còn ai ở hàng thừa kế thứ nhất do đã chết, bị truất quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản… Riêng cha mẹ đã chết thì con vẫn được thừa kế thế vị phần của cha mẹ khi ông bà nội hoặc ông bà ngoại chết. (Trích Điều 676 Bộ luật Dân sự)

Tiểu Ngọc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét