Nhận định sai về mộ Lý Thường Kiệt
(VTC News) - Nhà ngoại cảm Bích Hằng đã gọi cụ Lý Thường Kiệt “lên” trò chuyện, rồi khẳng định, người nằm dưới ngôi mộ này chính là Lý Thường Kiệt.Những sai lầm đáng tiếc
Như kỳ đầu loạt bài, đã phản ánh về việc nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng tìm sai mộ tướng Phùng Chí Kiên. Tuy nhiên, dù sai sót trong vụ tìm mộ đó, hay có thống kê thêm 100 vụ sai sót của Phan Thị Bích Hằng, cũng không thể phủi sạch trơn mọi công lao cống hiến của nhà ngoại cảm này trong suốt 20 năm trèo đèo lội suối, ra tận biển khơi để tìm mộ, bốc cốt liệt sỹ.
Ông Vũ Thế Khanh (Liên hiệp UIA), người có nhiều năm nghiên cứu về Phan Thị Bích Hằng, rất quý trọng Bích Hằng, song cũng chỉ tin chị Hằng tìm mộ đúng khoảng 60-70%.
Điều đó có nghĩa, 30-40% số hài cốt mà nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng tìm được là sai. Với từng ấy phần trăm sai sót, thì dẫn chứng sai còn nhiều lắm.
Tiếc rằng, hầu hết các hài cốt được nhà ngoại cảm tìm về đều chỉ dựa trên sự tin tưởng, mà không có xét nghiệm DNA, nên các con số đưa ra vẫn chỉ là đoán mò.
Riêng chuyên gia thôi miên Nguyễn Mạnh Quân, thì đưa ra tuyên bố gây sốc: Chỉ có tối đa 3% số vụ tìm mộ là đúng!
Con số mà ông Quân đưa ra bị phản ứng mạnh mẽ, tuy nhiên, thời gian trôi qua, người ta càng nhận thấy con số đó đang đúng dần. Riêng tôi, là người theo sát các nhà ngoại cảm nhiều năm nay, thì thấy rằng, nếu nhà ngoại cảm nào tìm mộ bằng chính khả năng ngoại cảm, đúng được 3%, thì cũng đáng ngưỡng mộ.
Bản thân nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng chưa có con số cụ thể bằng khoa học, nhưng chắc chắn đã có rất nhiều vụ tìm mộ chính xác. Có nhiều vụ đã được xét nghiệm DNA, nhiều vụ không cần DNA, nhưng không ai không tin, bởi nó thực sự là kỳ tích.
Những bộ hài cốt được moi lên từ lòng hồ thủy điện, rõ mồn một là xương người, thì không thể phủ nhận đó là xương trâu, xương bò. Chỉ có điều, trong những ngôi mộ tập thể ấy, xương nào của liệt sỹ nào, thì còn là vấn đề bàn cãi. Chắc chắn, trong đống xương hỗn độn ấy, Bích Hằng có tài thánh cũng không thể phân biệt được xương từng người.
Khả năng và trình độ của các nhà ngoại cảm đến đâu, và sự thật chuyện tìm mộ chính xác thế nào xin được trình bày sau. Để độc giả hiểu bản chất câu chuyện và hiểu đặc thù các cuộc tìm mộ, tác giả xin kể tiếp sai lầm của Phan Thị Bích Hằng, mà hầu hết các nhà ngoại cảm đều mắc phải.
Ngôi mộ được ngoại cảm cho là của danh tướng Lý Thường Kiệt
Cuộc tìm mộ vĩ nhân lịch sử, danh tướng Lý Thường Kiệt, là một ví dụ điển hình cho sai sót đáng tiếc của nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng.
Cuộc tìm mộ danh tướng Lý Thường Kiệt xuất phát từ ý tưởng của dòng họ Ngô, mà đại diện là ông Ngô Vui, trưởng ban liên lạc họ Ngô Việt Nam.
Lý Thường Kiệt tên thật là Ngô Tuấn, là con của Sùng Tiết tướng quân Ngô An Ngữ, cháu của Ngô Ích Vệ, chắt của Sứ quân Ngô Xương Xí và cháu 5 đời của Thiên Sách Vương Ngô Xương Ngập (Ngô Xương Ngập là hoàng tử trưởng của Ngô Quyền).
Ông là người phường Thái Hòa, thành Thăng Long. Có tài liệu lại nói quê ông ở làng An Xá, huyện Quảng Đức (Cơ Xá, Gia Lâm). Ông có công lao rất lớn trong việc đánh tan quân Tống xâm lược, đẩy lui quân Chiêm Thành lấn chiếm bờ cõi, được vua ban quốc tính, mang họ vua, do đó, có họ tên là Lý Thường Kiệt.
Tháng 6 năm 1105, Thái úy Lý Thường Kiệt mất, thọ 87 tuổi. Mộ phần của ông ở đâu không ai biết.
Năm 1979, một số người dân đã phá ngôi mộ ở cánh đồng thôn Ngọc Quỳnh (thị trấn Như Quỳnh, Văn Lâm, Hưng Yên) vì nghi là kho báu Tàu.
Sử dụng con lắc để xác định mộ cụ Lý Thường Kiệt
Theo mô tả của những người đào phá, thì đó là mộ hợp chất trong quan ngoài quách. Trong mộ có nhiều lớp than, gạo rang, chất ướp xác, cùng xác ướp còn nguyên vẹn.Ông quan đó vẫn như đang… nằm ngủ. Tướng mạo đẹp, râu dài ngang ngực, vẫn mặc áo thêu rồng phượng, bụng đeo đai, mũ tai chuồn... Trên ngực ông có tấm vải vuông, thêu hình con nghê đi trên mây, quay đầu về phía mặt trời
Những người đào mộ đã moi xác ông quan lên mặt ruộng, tìm kiếm tài sản, rồi lại đẩy xác xuống hố, lấp lại qua loa bằng đất.
Phá mộ xong, chẳng hiểu từ đâu, tự dưng dân làng đồn ầm lên đó là mộ của Lý Thường Kiệt.
Bà Ỷ Lan sinh ra, chết đi, lại có đền thờ ở thôn Ngọc Quỳnh, mà Lý Thường Kiệt từng phục vụ bà Ỷ Lan, thì chắc chắn ngôi mộ ngoài cánh đồng Ngọc Quỳnh là của Lý Thường Kiệt (?!).
Cứ đồn đoán, cứ suy diễn như thế, rồi dần dần, cái ngôi mộ với xác ướp đó, đã biến thành ông Lý Thường Kiệt thực sự. Thậm chí, trong một số giá đồng trong đền thờ bà Ỷ Lan, người ta còn đồn ông Lý Thường Kiệt… hiện về quở trách những người phá mộ!
Thiếu tướng Ngô Tiến Quý, Viện trưởng Viện Khoa học Hình sự,
Bộ Công an, có mặt trong chuyến tìm mộ cụ Lý Thường Kiệt
Chính vì niềm tin vị quan trong mộ kia là Lý Thường Kiệt, nên dân làng rất kính trọng. Cứ đến ngày hội, ngày lễ, thậm chí ngày rằm, hoặc gia đình có việc đại sự, người dân lại ra mộ thắp hương, khấn vái cầu phúc, cầu lộc.
Niềm tin đó lớn đến nỗi, khiến những người trong tổ đào phá mộ năm xưa rất ăn năn. Thế rồi, năm 1998, dân làng quyết định cải táng cho cụ.
Một tổ gồm hơn chục người được phân công đào mộ, còn ông Phan Văn Sợi và ông Cảnh – người trông nom đền thờ Ỷ Lan nhận nhiệm vụ “tắm rửa” xương cốt cho cụ để “đưa” cụ vào tiểu sành. Mộ phần được xây cất lại, hình thù mũ cánh chuồn, thể hiện là mộ ông quan.
Nắm được thông tin đó, những người trong dòng họ Ngô rất phấn khởi và có niềm tin về ngôi mộ này. Năm 2010, ban liên lạc họ Ngô, có cả Thiếu tướng Ngô Tiến Quý, Viện trưởng Viện Khoa học Hình sự, Bộ Công an đã về khảo sát ngôi mộ này.
Một số nhà ngoại cảm, nhà tâm linh đã được họ Ngô mời đến xem xét ngôi mộ. Nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng cũng đã được dòng họ này nhờ vả. Nhà ngoại cảm Bích Hằng đã gọi cụ Lý Thường Kiệt “lên” trò chuyện, rồi khẳng định, người nằm dưới ngôi mộ này chính là Lý Thường Kiệt.
Trong lần ban liên lạc họ Ngô, cùng tướng công an Ngô Tiến Quý về cánh đồng thôn Ngọc Quỳnh khảo sát, tôi cũng có mặt tại ngôi mộ. Với tư cách nhà báo, có chút hiểu biết về khảo cổ, tôi đã khẳng định trước ban liên lạc họ Ngô, rằng đây không phải mộ cụ Lý Thường Kiệt.
Trong cuộc trao đổi với Ban liên lạc họ Ngô cùng những người đào mộ ở làng Ngọc Quỳnh, PV VTC News (bên trái) đã nhận định ngôi mộ ở cánh đồng Ngọc Quỳnh là mộ xác ướp, do đó không phải là mộ cụ Lý Thường Kiệt
Qua trao đổi trực tiếp với những người phá mộ, thì có thể khẳng định ngôi mộ ở cánh đồng Ngọc Quỳnh là mộ hợp chất. Mộ hợp chất được phát hiện ở nước ta có niên đại sớm nhất thời Hậu Lê, cách nay mới 500 năm. Trong khi đó, danh tướng họ Lý đã mất cách đây hơn 900 năm.
Thời Lý – Trần, hình thức mai táng chủ yếu của nước ta là hỏa táng, nên ít tìm thấy mồ mả. Loại mộ chủ yếu tìm thấy thời Trần là mộ tháp, kiểu như tháp cốt trong vườn chùa, là nơi đặt tro cốt của các nhà sư.
Ngoài ra, thời Lý - Trần còn có mộ gạch, mộ quách gỗ, nhưng vô cùng hiếm. Những loại mộ này không ướp xác, không yếm khí, nên không bao giờ còn xương cốt.
Vụ việc tìm mộ Lý Thường Kiệt của nhà ngoại cảm Bích Hằng cũng sai lầm tương tự như việc tìm kiếm mộ bà Nguyễn Thị Đức, mẹ của ông Vũ Hồn, được cho là tổ của họ Vũ - Võ Việt Nam. Ngôi mộ ở xã Văn An (Chí Linh, Hải Dương) là mộ xác ướp, bị anh nông dân phá, có niên đại thời Nguyễn, không thể là mộ của bà Đức, đã mất cách nay 1.200 năm.
Nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng, cùng một số nhà ngoại cảm khác đã nhầm lẫn cơ bản vì sự đánh lừa của vô thức, vì sự thiếu hiểu biết về khoa học khảo cổ.
Sự việc rõ ràng, song một số người trong dòng họ Vũ-Võ vẫn không chấp nhận cơ sở khoa học, mà mê muội tin vào phán đoán của nhà ngoại cảm. Riêng họ Ngô thì bình tĩnh nghiên cứu, nên chưa tin ngay vào ngoại cảm, để rồi dẫn đến sai sót đáng tiếc.
Còn tiếp…Sông Diêm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét