Thứ Hai, 27 tháng 6, 2011

LẦN THEO DẤU VẾT MỘT THỜI NGANG DỌC CỦA CHẾ BỒNG NGA (phần 4)

Tài liệu cũ lưu trong máy tính:
LẦN THEO DẤU VẾT MỘT THỜI NGANG DỌC
CỦA CHẾ BỒNG NGA
Hồ Bạch Thảo
Ngày 13 tháng 10 năm Hoằng Trị thứ 2 [5/11/1489]
Quốc vương Chiêm Thành trở về nước, lại sai em là bọn Bốc Cổ Lang thông báo cho quan Đại thần coi giữ Lưỡng Quảng rằng :
An Nam vẫn còn chiếm cứ, không có chỗ để ở. Xin như thời Vĩnh Lạc [1403-1424], mang binh che chở.”
Trấn thủ Thái giám Vi Tái, Tuần phủ Đô ngự sử Tần Huyền hợp tấu thỉnh ý. Sự việc đem xuống bàn, bộ Binh tâu tiếp như sau :
An Nam và Chiêm Thành vị trí nơi bờ biển hoang tịch, đời đời triều cống, tổ tiên có di huấn là những nước không nên chinh phạt. Mới đây Cổ Lai mang gia quyến đến Quảng Đông ; triều đình đã giáng sắc cho An Nam lệnh xem xét xót thương, nhưng đến nay chưa nhận được lời tâu trở lại. Còn việc thời Vĩnh Lạc sai tướng mang quân đi chinh phạt là do Lê Quý Ly thoán đoạt giết vua, không phải là do sự xâm lấn nước láng giềng. Mới đây Lê Hạo lo việc triều cống rất cẩn trọng, nhưng Cổ Lai tố cáo nặng nề ; như vậy cũng có phần quá đáng. Nếu chỉ căn cứ lời một bên, rồi mang binh mạo hiểm vượt biển để đánh kẻ không đáng đánh, thì sai với đạo mềm dẻo với nước xa xôi. Nên lệnh các quan Trấn thủ báo lại cho Cổ Lai rằng :
Trước đây Quốc vương đến tố cáo với triều đình, đã mệnh quan Đại thần giúp đỡ săn sóc đầy đủ. Bây giờ hộ tống người của Vương trở về xong. Sự tình được biết người Giao giết con của Vương là Cổ Tô Ma, Vương mang binh đánh bại chúng, sự rửa thù đã xong ; sau đó không thấy An Nam mang quân đến đánh nước của Vương. Đất của Vương trước kia mất nay đã lấy lại được ; bộ lạc của Vương đã tan nay đã tụ lại được ; đó là nhờ uy của Thiên triều mới được như vậy. Nay lại kêu An Nam muốn chiếm đoạt đất trước kia ; An Nam vốn xưng là nước biết lễ nghĩa ; há lại hôn ám chuốc lấy sự sai trái. Nay viên quan phòng thủ nước ta trình lời của Vương lên triều đình, mà lời hồi tấu của An Nam thì chưa đến, sự kiện chưa rõ ràng minh bạch ; lại e Vương oán xưa chưa bỏ được, nói quá sự thực ; ta không thể chỉ nghe riêng một bên mà quyết định.
Khi lời tâu của An Nam đến, ta sẽ xem xét, rồi báo cho ngươi hay. Vương hãy tự tín, điều hành quản trị, an ủi nhân dân và bảo vệ đất đai. Vương cũng nên tìm cách nối lại bang giao tốt với An Nam, quên hết đi những sự nghi ngờ. Từ xưa đến nay, không có một nguyên tắc nào cho nhà cai trị không tự tin ở mình, lại cầu xin triều đình mang quân đi đến từ miền xa xôi để bảo vệ họ. Sắc dụ của Thiên tử sẽ giao cho Bốc Cổ Lang, y cũng được thưởng quà, rồi mang về nước. (Minh Thực Lục v. 52, tr. 694-696; Hiếu Tông q. 31, tr. 7b-8a)
Cổ Lai lại tiếp tục tố cáo An Nam xâm chiếm đất đai, tịch thu đồ vật do triều đình ban cho nên xin mang quân cứu giúp ; nhưng triều đình nhà Minh cũng không có phản ứng rõ rệt :
 
Ngày 21 tháng 5 năm Hoằng Trị thứ 3 [8/6/1490]
Quốc vương Chiêm Thành Cổ Lai sai người em là Bốc Cổ Lang cống sản vật địa phương, cùng tâu Quốc vương An Nam xâm chiếm đất đai, cho người chặn lấy những đồ vật như lụa nõn trong ngoài do triều đình ban cho, xin đưa quân đến cứu giúp. Mệnh đưa xuống các ty có trách nhiệm hay biết. (Minh Thực Lục v. 53, tr. 812; Hiếu Tông q. 38, tr. 6b)
Từ địa vị một người lưu vong tại Trung Quốc, lại được trở về nước an toàn, không bị An Nam hăm dọa tiêu diệt, như việc trước kia đã đòi hỏi phải trả lại người sống của Ðề Bà Ðài Giả ; nên Cổ Lai cho Sứ thần sang tạ ơn triều đình nhà Minh và cả Hữu Ðô Ngự sử Ðồ Dung :
 
Ngày 26 tháng 7 năm Hoằng Trị thứ 3 [11/8/1490]
Đô sát viện Hữu Đô ngự sử Đồ Dung phụng mệnh đến Quảng Đông sắp xếp sự việc về Chiêm Thành đã trở về. Quốc vương nước này, Cổ Lai, sai Sứ thần bọn Ban Bả Để đến tạ ơn triều đình ; lại còn mang phẩm vật tặng Đồ Dung. Có chỉ dụ bảo Dung nhận, Dung từ chối, nhưng không được chấp thuận. Dung bèn dâng sớ rằng :
Thần trước đây quyền nghi xử trí công việc, tuy hết sức làm, có được chút hiệu quả bởi tuân theo chỉ thị của triều đình, do sự tính toán của Hoàng thượng. Nay Chiêm Thành từ chổ diệt vong mà phục hưng, đều do uy đức của Hoàng thượng, còn Thần thì chẳng có sức lực gì ! Đáng cho Cổ Lai và con cháu đời đời báo đền công đức của triều đình, sao lại phải tạ ơn Thần ! Vả lại Thần ở địa vị đứng đầu hiến quan, phong cách đòi hỏi phải trọng kỷ luật ; nếu cẩu thả nhận đồ tặng, sau này sự việc sẽ đưa ra thiên hạ, truyền xuống hậu thế. Việc này không phải là điều vinh cho Thần, mà lại lụy đến danh tiếng của triều đình, nên đồ lễ vật này Thần không dám nhận. ”
Thiên tử chấp nhận lời tâu, lúc bấy giờ Sứ thần Chiêm Thành trở về chưa xa ; bộ Lễ xin sai người đuổi theo mang đầy đủ lễ vật trả lại cho Chiêm Thành, để vua tôi nước ngoài biết được phong cách tự xử của vị Đại thần. Thiên tử chấp thuận. (Minh Thực lục v. 53, tr. 845. Hiếu Tông q. 40, tr. 9a)
Cổ Lai vẫn tiếp tục đòi hỏi nhà Minh can thiệp. Sự việc trải qua những cuộc bàn cãi sôi nổi, cuối cùng đành phài chấp nhận lời phân tích đầy tính thuyết phục của Ðại học sĩ Từ Phổ Cảnh “ Nay nếu nếu giáng sắc, sai quan đến nước xa xôi này cũng chỉ phí lời, khó mà thi triển uy lực của triều đình, mặt khác hải đảo rộng mênh mang không có cách gì khám xét đất đai ; hơn nữa làm sao An Nam có thể tự động cải hối, bỏ cả mối lợi hàng mấy chục năm của chúng ! Nhỏ thì che giấu lỗi lầm, lớn thì chống cãi lại ; như vậy Sứ thần không thể thi hành lệnh của triều đình, tướng không thể dương oai nơi cõi ngoài, chỉ làm giảm quốc thể, gây sự nguy hại cho địa phương. Đến lúc đó, thì xử sự ra sao đây ? Nếu bỏ qua mà không hỏi đến, thì tổn thương uy danh ; đem sự việc ra hạch hỏi thì phải hưng binh , mối lo lại càng lắm ! ”. Vua Hiếu Tông đành chấp nhận bỏ qua :
 
Ngày 28 tháng 10 năm Hoằng Trị thứ 8 [14/11/1495]
Quốc vương Chiêm Thành Cổ Lai tâu rằng nước này bị An Nam chiếm đất, giết người. Tuy được triều đình giáng sắc dụ phải hòa mục, nhưng An Nam ngoài mặt ra vẻ thuận tòng, còn âm mưu thì ác độc không ngừng. Nên sai cháu là Sa Cổ Tính đến kinh khuyết xin Đại thần đến nơi để giảng hòa, lời tâu rất bi ai. Sự việc đưa xuống để đình thần tập hợp bàn bạc, lời bàn cho rằng từ xưa chưa có lệ sai quan Đại thần ra nước ngoài để hòa giải giửa các Di. Xin giao Lưỡng Quảng gửi văn thư cho An Nam, dụ phải hòa mục với lân bang, hoàn lại đất đã xâm chiếm. Cùng sắc dụ Cổ Lai chăm sóc nhân dân, tu luyện võ bị, để làm kế lâu dài. Khi sự việc đã yên, lệnh hai nước trình bày đầy đủ sự thực rồi tâu lên.
Lời bàn được dâng lên, ý Thiên tử muốn sai quan Đại thần đi xem xét. Đại học sĩ Từ Phổ Cảnh tâu :
Nước Chiêm Thành xin sai Đại thần đến nước họ, bảo An Nam trả lại hết tất cả đất đai đã xâm chiếm ; các nha môn hai lần hội nghị đều cho rằng không nên làm như như vậy. Bộ Lễ được yêu cầu nêu rõ vấn đề rằng Thánh Thiên tử muốn sai quan đến dụ ; nhìn lên thấy được Thánh ý đối xử chung một lòng nhân không phân biệt Di Hạ (15) ; tuy nhiên bọn Thần phân tích bằng sự lý, thấy sách Xuân Thu (9) dạy “ không cai trị Di” (bất trị Di) ; vì rằng sự chế ngự Di Địch và cai trị trong nước không giống nhau. An Nam tuy tuân phụng theo lịch Chính Sóc, làm tròn chức cống, nhưng vốn là ngoại Di ; cậy hiểm và sức mạnh, thường làm chuyện xâm nhiễu ngoài vòng trật tự ; các triều đại trước cũng thường bỏ qua. Còn nước Chiêm Thành kia thì quá nhỏ mà sơ viễn ; bọn Thần kính cẩn xem xét lời dạy của tổ triều Minh rằng Chiêm Thành và một vài nước khác triều cống lại đưa hàng đến bán, có nhiều sự gian trá nên từ năm Hồng Vũ thứ 8 (1375-1376) bị cấm, mãi đến năm Hồng Vũ thứ 12 (1379-1380) mới được triều cống trở lại. Sau đó vào năm Thành Hóa thứ 7 (1471-1472) bị An Nam xâm chiếm, mấy lần đến tố cáo. Hiến Tông Hoàng đế mấy lần sắc Tổng trấn Lưỡng Quảng, Đô ngự sử khu xử. Nhưng An Nam khẳng định rằng họ đã trả lại đất ; thực ra thì chúng không khai thực và không chịu nhận tội.
Nay nếu nếu giáng sắc, sai quan đến nước xa xôi này cũng chỉ phí lời, khó mà thi triển uy lực của triều đình, mặt khác hải đảo rộng mênh mang không có cách gì khám xét đất đai ; hơn nữa làm sao An Nam có thể tự động cải hối, bỏ cả mối lợi hàng mấy chục năm của chúng ! Nhỏ thì che giấu lỗi lầm, lớn thì chống cãi lại ; như vậy Sứ thần không thể thi hành lệnh của triều đình, tướng không thể dương oai nơi cõi ngoài, chỉ làm giảm quốc thể, gây sự nguy hại cho địa phương. Đến lúc đó, thì xử sự ra sao đây ? Nếu bỏ qua mà không hỏi đến, thì tổn thương uy danh ; đem sự việc ra hạch hỏi thì phải hưng binh, mối lo lại càng lắm. Hãy nghiền ngẫm những lời giáo huấn của tổ tiên :
Di Địch bốn phương, cách núi ngăn biển, riêng biệt một góc trời ; có được đất đó không đủ cung cấp cho nhu cầu, có được dân đó không đủ để sai khiến. Nếu chúng đến quấy phá biên giới của ta, tự nó sẽ gặp điều không lành ; nếu nó không làm hại đến Trung Quốc, mà ta khinh suất mang quân đi chinh phạt cũng là làm điều không lành vậy. Ta sợ con cháu sau này, ỷ thế Trung Quốc cường thịnh, tham chiến công nhất thời, mang quân đi đánh gây thương tổn thất chết chóc ; điều đó không được phép làm.”
Lời Thánh Thiên tử đáng làm khuôn phép vạn đời. Cho dù hiện nay kế hoạch quốc gia hư thực như thế nào, binh lực mạnh yếu ra sao; thì việc hao phí tài nguyên không kể hết, để tranh dành mảnh đất cằn cỗi cây cỏ không mọc được, là việc làm vô ích, càng không thể làm ! Như việc Cáp Mật (16) bị Thổ Phiên xâm đọat trong hai ba mươi năm ; mang quân khiển tướng, giành đi giành lại đến nay vẫn chưa yên. Bọn Thổ quan các xứ thù nghịch nhau, không thể lấy Vương pháp mà cấm đoán được ; vì thế việc bọn chúng đánh nhau là sự thường tình.
Nay Chiêm Thành danh hiệu vẫn như xưa, triều cống cũng không khác ; việc bị xâm đọat có hay không, thực hay dối trá, vẫn chưa biết rõ. Tuy tình cảnh đáng thương, nhưng về lý không nên can thiệp đến cùng. Nay quan ty chỉ dùng văn thư hiểu dụ cũng được rồi ; hà tất phải nhân danh Thiên tử sai quan Đại thần đi khám. Huống việc đại sự của triều đình không thể không hỏi quần thần. Nay mọi người đều một lòng tâu là không nên, nhưng chỉ nói chung về sự lý, chưa trình bày hết về lợi hại được mất. Bọn Thần ở địa vị thân cận, là kẻ tâm phúc, nếu không trình bày hết, vạn nhất việc xấu nảy sinh, thì đến chết cũng không chuộc hết tội. Bởi vậy không nề rờm lời khó nghe ; trình bày những vấn đề liên quan đến Hoàng thượng, xã tắc, sinh dân ; chứ không phải muốn về hùa với đám đông. Nếu như thời thế có thể làm được, sự việc không gây tai hại, bọn Thần đáng phải giúp Hoàng thượng ; đâu dám dâng lên những lời trái tai này.”
Thiên tử nghe lời, bèn theo lời bàn của quần thần. (Minh Thực Lục v. 55, tr. 1922-1925; Hiếu Tông q. 105, tr. 6b-8a)
Tiếp đến qua một biểu văn khác, Cổ Lai xin cho con trưởng thay chức và xác nhận chưa lấy được cảng Tân Châu [Thị Nại]. Trong khi đó An Nam khẳng định rằng “ ngoài 4 châu Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa, đều do Thổ tù cát cứ, nước tôi hoàn toàn không can thiệp ” ; như vậy có thể hiểu vùng cảng Tân Châu vẫn do con cháu Ðề Bà Ðài Giả trông coi, An Nam chỉ kiểm soát theo lối ky my (17) :
 
Ngày 21 tháng 6 năm Hoằng Trị thứ 12 [28/7/1499]
Quốc vương Chiêm Thành Cổ Lai tâu rằng :
Vùng cảng Tân Châu của bản quốc đã bị An Nam xâm đoạt từ lâu, chúng cướp giết nhân dân, mối lo chưa hết. Nay Thần già lão, khi chưa chết muốn cho con trưởng là Sa Cố Bốc Lạc được nối ngôi, mong ngày sau có thể giữ được đất tại cảng Tân Châu.”
Thiên tử mệnh bộ Lễ, bộ Binh họp lại để bàn bạc, rồi cả hai bộ đều trình lên rằng :
An Nam gây hại tại Chiêm Thành không phải mới xẩy ra trong một ngày, triều đình thường nhân Chiêm Thành tố cáo bèn gửi tỷ thư chỉ dạy, lại sai Thủ thần lấy đại nghĩa trách vấn, giảng điều họa phúc ; nhưng An Nam trước sau tâu lên đều xưng rằng :
Đã tuân theo mệnh lệnh của triều đình, trả lại hết tất cả đất đai và nhân dân ; ngoài 4 châu Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa, đều do Thổ tù cát cứ, nước tôi hoàn toàn không can thiệp.
Nhưng An Nam vừa mới đưa lời biện bạch thì Chiêm Thành lại tố cáo ; khó biết được đâu là thật tình. Xin lệnh Thủ thần gửi văn thư nghiêm khắc dụ An Nam chớ tham dân và đất đai sẽ gây nên họa hoạn, nếu không tuân sẽ bàn định mang quân đi hỏi tội. Về việc con trưởng của Vương Chiêm Thành, thì khi cha còn sống không có lý được phong thế tập, hãy lập lên làm Thế tử để coi việc quốc sự ; sau này như lệ định sẽ phong thế tập.”
Điều này được chấp thuận. (Minh Thực Lục V. 27, tr. 2674-2675; Hiếu Tông q. 151, tr. 8b-9a)
Năm 1505 con Quốc vương Cổ Lai lại sai sứ sang nhà Minh xin phong, lần này xác nhận địa điểm Sứ giả đến tại Tân Châu [cảng Thị Nại], như vậy nước Chiêm Thành mới đã lấy lại được phần đất của nước Hoa Anh. Tuy nhiên nhà Minh lấy cớ Chiêm Thành chưa sai sứ đến cáo ai (18), nên viện cớ từ chối :
 
Ngày 17 tháng 6 năm Hoằng Trị thứ 18 [17/7/1505]
Con Quốc vương Chiêm Thành Sa Cố Bốc Lạc sai sứ Sa Bất Đăng Cổ Lỗ đến cống sản vật địa phương, xin Đại thần đến nước này, vẫn tại các xứ cảng Tân Châu, phong tước ; nhưng không tâu rõ về việc cha y đã mất, lại nói qua về số đất bị chiếm đọat. Bọn Cấp sự trung Nhiệm Lương Bật tâu rằng :
Việc thỉnh phong cần phải xem xét kỹ. Lời di huấn của Hoàng tổ (Minh Thái Tổ) cho rằng Chiêm Thành triều cống mang thương nhân đi theo, nhiều trí trá, cần ngăn cấm. Đến thời Thái Tông có việc tại An Nam, nước này với Chiêm Thành như môi với răng, nên bắt đầu đi lại phong tước. Tuy nhiên thời gian triều cống so với Triều Tiên, An Nam thì không giống. Mới đây nước này suy nhược ; nên mượn việc cống tiến, sắc phong để báo động lân quốc rõ ; kỳ thực Quốc vương nước này lập hay không, không lệ thuộc vào việc phong tước, hay không phong của triều đình. Trước đây Cổ Lai đã xin phong cho Sa Cố Bốc Lạc nhưng chưa được chấp thuận, nay lại xưng Cổ Lai đã mất, thực hư khó biết. Vạn nhất nếu Sứ giả đến, Cổ Lai vẫn còn sống, lại phong cho người con ư ? Hoặc xét điều nghĩa không thể được, nên từ chối, rồi xẩy ra hiếp bách ; nếu sự việc đến thì thật khó xử ! Như trước đây Cấp sự trung Lâm Tiêu đi sứ, vua Mãn Thứ Gia [Melaka] không chịu hướng về phương bắc quì lạy, bắt Sứ giả giam đói ; nhưng không thể mang quân đi hỏi tội ; mệnh vua, quốc thể, thực lấy làm đáng tiếc !
Xét về đại thể, những nước nơi biển xa nếu vô sự thì phế triều cống, tự lập ; có việc thì mượn việc triều cống xin phong. Nay Chiêm Thành đến không phải vì việc cầu phong cấp thiết, mà thực ra muốn được An Nam trả lại đất, muốn ta trả lại những người đã trốn sang Quảng Đông. Về việc An Nam xâm chiếm đất, trước đây từng ban tỷ thư, lệnh phải trả lại đất, nếu không trả sẽ làm rõ tội. Bọn họ đoán tình thế khó xẩy ra, nên dù lời của Thiên tử đinh ninh, nhưng vẫn xâm chiếm như trước, nếu chỉ dụ tiếp đến thì họ cũng coi thường, mà uy tín của Thiên tử bị tổn thương. Nay nếu không xử trí được vấn đề lãnh thổ, lại đến phong, nếu Sứ giả bị câu lưu để chờ phân xử, không biết triều đình xử trí thế nào ? Số người chạy trốn đến Quảng Đông, bộ Binh đã gửi văn thư cho quan trấn phủ lệnh điều tra, đến nay chưa nhận được báo hồi. Nếu nhân việc này, bọn chúng câu lưu sứ giả của ta để đòi cho được người bỏ trốn, như vậy thì hóa ra Sứ giả Thiên triều bị bắt làm con tin vì những tên Di vô danh vậy. Nên đối xử như lệ trước đây, Cổ Lai đến Quảng Đông tựu phong, sai sứ đưa đến biên giới Quảng Đông, rồi mang sắc trở về nước. Bộ Hộ gửi cho quan trấn phủ Lưỡng Quảng trách vấn An Nam dụ điều họa phúc, lệnh trả hết đất xâm chiếm. Còn bọn dân Phiên bỏ trốn, nên sai quan trấn thủ phủ dụ cho trở về nước, ngõ hầu toàn vẹn chính sách nhu viễn, không tổn thương uy tín Trung Quốc.
Sự việc đưa xuống dưới, bộ lễ họp bàn rồi tâu lên :
Theo lệ Quốc vương mất trước hết phải sai người trong họ đến cáo ai, nay không làm như thế. Vả lại trong tờ tấu xin phong của Sa Cổ Bốc Lạc không nói rõ năm tháng Cổ Lai mất ; vậy nên sai ty Bố chánh Quảng Đông gửi văn thư để nước này trình báo, rồi bàn xét sau.
Thiên tử chấp thuận. (Minh Thực Lục v. 61, tr. 72-74; Vũ Tông q. 2, tr. 18b-19b)
Chiêm Thành lại tiếp tục xin sai sứ đến phong, viên quan được cử đi là Cấp sự trung Lý Quán tìm cách thoái thác, xin phong tại Quảng Ðông để giao cho Sứ giả Chiêm Thành mang về. Nhưng triều đình sợ viên Sứ giả đưa sắc phong cho người khác, nên đòi hỏi Lý Quán phải đi :
 
Ngày 13 tháng 12 năm Chính Đức thứ 7 [19/1/1513]
Trước kia Lễ khoa Cấp sự trung Lý Quán, Hành nhân Lưu Mật nhận sắc để phong cho Quốc vương Chiêm Thành Sa Cổ Bốc Lạc. Đến Quảng Đông Mật bị bệnh mất. Sai Hành nhân Lưu Văn Thụy đi thay. Thụy chưa đến, Quán tâu rằng Chiêm Thành có những năm vào đầu triều đại đã không đến cống, mới đây các quan bàn không nên đi xa để phong ; vậy xin tuyên sắc phong tại quán dịch Hoài Viễn tại Quảng Thành, cùng ban thưởng cho Vương và Phi những đồ vật ; lệnh cho Sứ giả là bọn chú Vương, Sa Hệ Bả Ma, lãnh mang về. Sự việc đưa qua bộ lễ bàn rằng Sa Cổ Bốc Lạc nước Chiêm Thành xin phong đã hơn 2 năm rồi, nay vô cớ dừng lại không phong, là sai với chế độ phục hưng nước bị diệt, nối dòng bị đứt. Nếu trong muôn một Sa Hệ Bả Ma không tuân theo, hoặc phong người khác, rồi đi đến tranh chấp, thì xử sự làm sao đây ? Xin như cũ, sai bọn Quán đến sắc tại nước này, để khỏi thất tín Di bên ngoài, mà thể chế của Trung Quốc cũng không bị tổn thất. Thiên tử chấp thuận. (Minh Thực lục v. 65, tr. 2007-2008; Vũ Tông q. 95, tr. 3a-3b)
Cuối cùng được viên Tuần Án Quảng Ðông tâu thêm cho Lý Quán, viện cớ rằng Thế tử Sa Cổ Bốc Lạc con Quốc vương Cổ Lai hiện sống trong rừng núi không thể đến được, nên triều đình nhà Minh quyết định ban sắc phong tại Quảng Ðông rồi sai sứ giả mang về :
 
Ngày 16 tháng 7 năm Chính Đức thứ 10 [25/8/1515]
Sứ thần Chiêm Thành bọn Lực Na Ba lãnh sắc sách phong trở về nước.
Trước đây Sa Cổ Bốc Lạc sai sứ đến thỉnh phong, sai Cấp sự trung Lý Quán mang sắc đưa đi. Quán đến Quảng Đông, xin theo lệ năm trước đây sách phong cho Cổ Lai, cho Sứ thần lãnh sách phong trở về. Đình thần bàn rằng :
Đã sai sứ đi trên hai năm, nay nếu dừng lại nửa chừng, thì không hợp với đạo phục hưng nước bị diệt, nối dòng bị đứt ! Nếu Sứ thần không chịu lãnh sắc phong, hoặc lãnh sắc rồi lúc trở về không trao đúng người nhận, thì lại một lần nữa gây mối tranh chấp, lấy cách gì để xử đây ? Vậy nên lệnh Quán đi gấp.
Quán lại tâu :
Đi sứ nơi xa cần có hướng đạo biết đường, Thông dịch viên biết ngôn ngữ và chữ viết ; nay tất cả đều không có, xin bàn và phân xử.
Đình thần bàn lại :
Lệnh các quan Tuần Phủ địa phương, bằng mọi cách tìm cho được người hướng đạo và thông dịch. Nếu không có được, chấp nhận theo lệ cũ thi hành.
Rồi Quán lại tâu thêm :
Phụng mệnh đã hơn 5 năm, mấy lần dâng sớ lên nhưng chưa quyết định được cách đi. Ai mà chẳng biết rằng sóng gió nguy hiểm đáng sợ ; nhưng đáng lưu ý là đất Chiêm Thành từ đời Cổ Lai, sau khi bị An Nam thôn tính, thì vị trí không rõ ràng. Y chạy trốn đến Xích Khảm bang, Đô Lang quốc [Phan Rang?] ; không còn ở chỗ cũ, xét không thể đi được. Huống Cổ Lai là Đầu Mục của vua Chiêm Thành Tề Á Ma Vật Yêm, đã giết vua đoạt ngôi, vua có 3 con, hiện còn một người. Theo đạo nghĩa hành động của y không đúng ; xét theo sử Xuân Thu nếu không mang quân đi hỏi tội thì cũng nên chấm dứt con đường triều cống. Thần cho rằng cho họ lãnh sắc phong mà đi, còn giữ được điều lễ nghĩa ; thì cần gì phải tìm kiếm hướng đạo, thông dịch, rồi đình thần họp bàn vô ích ! ”
Gặp dịp Tuần Án Quảng Đông Ngự sử Đinh Giai tấu tương tự như lời của Quán ; bèn đem xuống họp phủ, bộ, khoa đạo ; bàn như sau :
Trung Quốc đối với các Di Địch, đến thì vỗ về, không đến thì cắt đứt. Nay Thế tử (con Cổ Lại) ở nơi rừng núi bưng biền không đến được; vậy nên ra lệnh Tuần Án Quảng Đông triệu Chánh sứ Lực Na Ba đến dụ rằng Sứ thần không thể đi xa được, rồi lấy sách phong cùng lễ vật từ Quán trao cho Sứ thần mang về ; như vậy không mất lòng nước Di xa xôi, mà toàn vẹn thể chế của triều đình.
Chiếu chấp nhận, rồi lệnh Quán trở về. (Minh Thực Lục v. 67, tr. 2546-2547; Vũ Tông q. 127, tr. 6b-7a)
Ðến đời vua Gia Tĩnh triều Minh, Quốc vương Sa Bất Ðăng Cổ Lỗ [không rõ có liên hệ huyết thống với Quốc vương Sa Cổ Bốc Lạc hay không] cho sứ dâng biểu văn viết trên vàng lá triều cống nhà Minh, cùng tố cáo bị An Nam đánh phá không trở về được :
 
Ngày 21 tháng 6 năm Gia Tĩnh thứ 22 [22/7/1543]
Nước Chiêm Thành Công Sa Nhật Ðể Tề sai chú là Sa Bất Ðăng Cổ Lỗ dâng biểu văn khắc trên vàng lá, cống sản vật địa phương. Ban yến, thưởng lụa là, sa, quyên như lệ ; lại ban gấm vóc cho Vương này. (Minh Thực Lục v. 83, tr. 5395; Thế Tông q. 275, tr. 6a)
 
Ngày 11 tháng 7 năm Vĩnh Lạc thứ 22 [11/8/1543]
Sứ-thần nước Chiêm Thành bọn Sa Bất Đẳng Cổ Lỗ viện dẫn lệ cũ, tấu xin cấp cho mũ và dây đai. Lại than rằng nước này mấy lần bị An Nam đánh phá, đường sá trở ngại không về được, xin cho người hộ tống xuất cảnh. Chấp nhận. (Minh Thực Lục v. 83, tr.5407; Thế Tông q. 276, tr.2a)
Kể từ thời điểm nêu trên [1543] cho đến năm nhà Minh mất [1664] Minh Thực Lục không ghi thêm văn bản nào về Chiêm Thành. Có lẽ lúc bấy giờ trong nước Chiêm Thành nội bộ chia rẽ, lại thường bị An Nam đánh phá, hoàn cảnh quá suy yếu nên không còn liên lạc ngoại giao với Trung Quốc.
Riêng sử nước ta chép thêm những sự kiện sau đây (19) :
Năm Tân Hợi [1611] chúa Nguyễn Hoàng vào đánh nước Chiêm Thành lấy đất lập ra phủ Phú Yên, chia ra 2 huyện Ðồng Xuân và Tuyên Hoà.
Năm Quý Tỵ [1653 ]vua nước Chiêm Thành là Bà Thấm sang quấy nhiễu ở đất Phú Yên, chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần sai Cai cơ Hùng Lộc sang đánh; Bà Thấm phải dâng thư xin hàng. Chúa Nguyễn để từ sông Phan Lang [Phan Rang] trở vào cho vua Chiêm, còn từ sông Phan Lang trở ra lập phủ Thái Ninh, sau đổi thành phủ Diên Khánh [tức Nha Trang], đặt dinh Thái Khang để Hùng Lộc làm Thái thú.
Năm Quí Dậu [1693] vua nước Chiêm Thành là Bà Tranh bỏ không tiến cống, chúa Nguyễn là Nguyễn Phúc Chu sai quan Tổng binh Nguyễn Hữu Kính đem binh đi đánh bắt được Bà Tranh và bọn bầy tôi là Tả Trà Viên, Kế Bà Tử, cùng thân thuộc là Bà Ân đem về Phú Xuân. Chúa Nguyễn đổi đất Chiêm Thành thành Thuận phủ, cho Tả Trà Viên, Kế Bà Tử làm chức Khám lý, con của Bà Ân làm Ðề đốc giữ Thuận phủ, lại bắt phải đổi y phục như người Việt Nam. Qua năm sau lại đổi Thuận phủ làm trấn Thuận Thành , cho Kế Bà Tử làm Tả Ðô đốc.
Năm Ðinh Sửu [1697] chúa Nguyễn đặt phủ Bình Thuận lấy đất Phan Lý, Phan Lang làm huyện Yên Phúc và huyện Hòa Ða. Kể từ đó nước Chiêm Thành mất.
 
Hồ Bạch Thảo
 CHÚ THÍCH :
1. Sông Hải Triều : tức khúc sông chảy qua huyện Phù Tiên, Hải Hưng và huyện Hưng Hà, Thái Bình.
2. Toàn Thư, N.X.B. Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1998, tập 2, tr. 202.
3. Thăng, Hoa : đất thuộc các huyện Thăng Bình, Tam Kỳ, Quế Sơn, Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam hiện nay.
4. Tư, Nghĩa : đất thuộc các huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Mộ Ðức, Ðức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi hiện nay.
5. Ðại Nam Nhất Thống Chí, tập 2, tr. 387, tr. 468.
6. Theo Toàn Thư, q. 2, t. 374 vào năm Kỷ Tỵ [1449] vua Lê Nhân Tông nước ta gửi thư trách Chiêm Thành phế Ma Ha Quí Lai lập Ma Ha Quí Do. Sự kiện xảy ra trước sắc phong của nhà Minh 3 năm.
7. Bàn La Duyệt : xin lưu ý Bàn La Duyệt sử nước ta gọi là Bàn La Trà Duyệt ; riêng người thừa kế Trà Toàn sử Trung Quốc gọi là Bàn La Trà Duyệt, thì sử nước ta gọi là Bàn La Trà Toại.
8. Toàn Thư, s.đ.d., tập 2, tr. 440-441.
9. Xuân Thu : tên bộ sử Khổng Tử viết cho thời đại từ Chu Bình Vương thứ 49 [ -723] đến Chu Kính Vương [ -481] gồm 242 năm ; nên thời đại này được gọi là Xuân Thu.
10. Mãn Thứ Gia : tức Melaka, một tiểu bang của nước Mã Lai
11. Theo Toàn Thư Bàn La Trà Toàn bị nhà Lê bắt năm 1471, sau đó bị bệnh chết. Bàn La Trà Toại bị bắt vào tháng 8 năm 1471.
12. Toàn Thư, s.đ.d., tập 2, tr. 450.
13. Lời tâu của sứ gỉả Chiêm Thành sai năm tháng. Theo Toàn Thư sự việc vua Lê Thánh Tông đánh bắt Quốc vương Trà Toàn vào năm Thành Hóa thứ 7 [1471] ; ngoài ra Minh Thực Lục trong văn bản đề ngày 27/6/1472 cũng khẳng định Sứ thần Chiêm Thành đến triều đình nhà Minh, cáo cấp việc An Nam chiếm nước, bắt Quốc vương vào tháng 2 năm Thành Hóa thư 7 [1471]. Riêng việc Sứ thần nhà Minh đến phong, nhưng không thực hiện được phải bỏ đi, xảy ra vào năm Thành Hóa thứ 10 [1475 ], chứ không phải vào năm Thành Hóa thứ Thành Hóa thứ 6 [1470 ]
14. Khâm Ðịnh Việt Sử Thông Giám Cương Mục, Chính biên, quyển 12, tr. 524.
15. Di Hạ : Hạ là tên một triều đại xưa của Trung Hoa, nên họ tự gọi là Hoa Hạ. Di là tiếng dùng có tính cách kỳ thị chủng tộc, gọi các nước ngoại quốc xung quanh.
16. Cáp Mật : một bộ tộc tại vùng Tân Cương ngày nay.
17. Ky my : một cách cai trị uyển chuyển thời xưa, chỉ bắt nạp cống hàng năm, không khống chế chặt chẽ nội bộ.
18. Cáo ai : tâu việc vua trước đã mất.
19. Việt Nam Sử Lược, Trần Trọng Kim, bản trên mạng của Viện Việt Học, trang 136

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét