Thứ Hai, 27 tháng 6, 2011

Obama hiểu sai Keynes?

Tài liệu cũ:

Obama hiểu sai Keynes?

Chính quyền Obama thường khẳng định lấy lý thuyết của John Maynard Keynes làm nền tảng cho chính sách tài khóa của họ. Điều đáng lưu ý nhất là những gì họ rút ra từ tư tưởng tăng chi tiêu công để ngăn chặn suy thoái của nhà kinh tế học huyền thoại người Anh.

Thế nhưng có một nhà kinh tế cho rằng Nhà trắng chỉ thực hiện đúng một nửa lý thuyết của Keynes. Đó là Allan Meltzer thuộc đại học Carnegie Mellon - một trong những nhà tiền tệ học có ảnh hưởng lớn nhất trong 50 năm trở lại đây.
Ông từng phục vụ trong bộ máy chính quyền Mỹ dưới 2 đời tổng thống Kennedy và Reagan, đồng thời là tác giả của cuốn “Lý thuyết tiền tệ của Keynes: Một cách diễn giải khác”.

Trong khi chính quyền Obama đang tiêu tốn một khoản tiền khổng lồ, Meltzer cho rằng họ đã quên mất một phần quan trọng trong lý thuyết Keynes: bạn không thể vay thêm một khoản nợ nếu không tìm ra cách để trả.
Dưới đây là tóm tắt nội dung cuộc phỏng vấn giữa Meltzer và phóng viên Shawn Tully của Fortune.
Nếu Keynes còn sống thì ông ấy sẽ nghĩ gì về chính sách tài khóa của tổng thống Obama?
Ông ta sẽ tức lăn lộn trong quan tài nếu biết những chính sách đó được thực hiện dưới danh nghĩa của mình. Keynes phản đối kiểu thâm hụt ngân sách khổng lồ như thế.
Ông sẽ nghĩ rằng họ đang cố dìm nền kinh tế thay vì kích thích nó. Sự thực là chúng ta đang sa lầy với khoản thâm hụt lớn, và điều cần làm bây giờ là giảm con số đó xuống chứ không phải thêm vào những khoản chi mới làm mọi thứ tồi tệ hơn.
Hiện nay, thâm hụt đang ngày càng gia tăng nhưng không hề có kế hoạch đáng kể nào để bù đắp. Chính phủ không hiểu rằng trong một quốc gia dân chủ, khoản nợ của ngày hôm này sẽ phải được trả trong tương lai.
Dường như Keynes cũng tán thành thâm hụt ngân sách tạm thời trong giai đoạn suy thoái?
Keynes muốn thâm hụt này mang tính chu kỳ và chỉ là tạm thời. Ông không tán thành việc tăng thuế trong thời kỳ suy thoái để ngăn chặn thâm hụt và coi đó như là một hành động tự sát.
Ông phản đối tư tưởng rằng chính phủ nên cân bằng ngân sách khi cuộc khủng hoảng diễn ra, và ủng hộ thâm hụt trong ngắn hạn để thúc đẩy nền kinh tế.
Phương hướng kích thích mà ông đề ra rất riêng biệt. Keynes cho rằng nên hướng vào gia tăng đầu tư tư nhân; bởi trái ngược với những khoản chi tiêu công khổng lồ, đầu tư tư nhân là nguồn gốc tạo ra việc làm lâu bền.
Ông cũng nói rằng thâm hụt có khả năng tự bù đắp, vì thế những hoạt động kinh tế gia tăng nhờ gói kích thích chắc chắn phải làm cho doanh thu thuế tăng lên và trợ cấp thất nghiệp giảm xuống.
Mục tiêu chủ yếu của chính quyền Obama, mà họ cho rằng theo lý thuyết Keynes, là kích thích tiêu dùng. Nó có vẻ rất khác với việc tập trung vào đầu tư mà Keynes ủng hộ theo như ông vừa nói.
Theo như tôi biết thì Keynes chưa bao giờ ủng hộ việc chi tiêu để kích thích tiêu dùng. Trên thực tế, ông tin rằng vấn đề này sẽ được thị trường giải quyết.
Keynes muốn gia tăng việc làm nhờ cân bằng lượng vốn đầu tư trong các giai đoạn hưng thịnh và suy giảm của chu kỳ kinh doanh.
Ông hiểu rằng suy thoái làm giảm đầu tư, và đầu tư giảm lại khiến thất nghiệp tăng. Vì thế, Keynes muốn chính phủ giữ ổn định đầu tư trong cuộc suy thoái.
Và Keynes đã có chính sách riêng nào để cân bằng đầu tư?
Ông ấy rất mập mờ về vấn đề này. Keynes tin rằng chính phủ nên lập kế hoạch và điều hành việc đầu tư, nhưng không nên quốc hữu hóa nó.
Ông đề cập đến những dịch vụ công cộng được vận hành tốt thế nào dưới sự quản lý của nhà nước ở Anh, và muốn mô hình đó được áp dụng nhiều hơn trong nền kinh tế.
Ông cho rằng để chính phủ kế hoạch hóa đầu tư là cách tốt nhất nhằm giảm rủi ro cho những công ty tư nhân và hạ thấp lãi suất, kích thích đầu tư.
Vậy là Keynes ủng hộ giảm thuế và tăng chi tiêu chính phủ trong thời suy thoái?
Xin được nhắc lại rằng, quan điểm của Keynes về vấn đề này rất mập mờ. Về phương diện chi tiêu, ông cho rằng thâm hụt nên là tạm thời và có khả năng tự bù đắp.
Nhưng rõ ràng là ông không tán thành thâm hụt ngân sách trong thời gian dài và cũng không khuyến nghị giảm thuế cho cá nhân hay doanh nghiệp. Tuy vậy, việc cắt giảm thuế hiển nhiên cũng là một cách để đạt được mục tiêu kích thích đầu tư của Keynes.
Và thực tế nó cũng đã được áp dụng thành công bởi những học trò của ông. Ví dụ như việc giảm thuế của chính quyền Kennedy được các nhà kinh tế theo trường phái Keynes ủng hộ đã thu được thành công lớn trong gia tăng đầu tư.
Franco Modigliani, một trong những nhà kinh tế học hàng đầu theo trường phái Keynes, đã phát triển một lý thuyết cho thấy số tiền có được từ giảm thuế tạm thời chủ yếu được người dân tiết kiệm hoặc trả nợ.
Trong một nghiên cứu độc lập khác, Milton Friedman cũng đi đến kết luận tương tự. Chính sách giảm thuế tạm thời dưới thời của các tổng thống Carter, George W. Bush và Obama đều gặp thất bại, bởi người dân chỉ tiêu dùng nhiều hơn khi họ chắc chắn rằng thu nhập tăng thêm là ổn định lâu dài.
Đây chính là lý thuyết chuẩn mực mà chính phủ đã bỏ qua.
Keynes sẽ nghĩ gì về kế hoạch kích thích của Obama?
Tôi không biết sẽ thế nào khi một người có tư tưởng chủ đạo là cân bằng đầu tư lại bị biến thành kẻ đề xuất ý kiến phân phối lại thu nhập của người dân và doanh nghiệp – chủ thể của hoạt động đầu tư.
Lời khuyên của tôi là hãy dừng kế hoạch kích thích lại. Hãy nhìn xem. Đầu tiên là một số tiền lớn được bỏ ra để giảm thâm hụt của các tiểu bang và chính quyền địa phương bằng cách tăng thâm hụt ngân sách liên bang.
Đó đơn giản là chuyển tiền qua lại, và hiệu ứng số nhân ở đây bằng không. Thứ hai, số tiền giảm thuế lại được dùng chủ yếu để đi trả nợ chứ không phải chi tiêu kích thích tăng trưởng kinh tế.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét