Thứ Hai, 27 tháng 6, 2011

Sự lỗi thời của mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu

Tài liệu lưu cũ:
Sự lỗi thời của mô hình tăng trưởng
dựa vào xuất khẩu

Giải thích nguyên nhân sâu xa dẫn tới tình trạng sa sút kinh tế hiện nay ở châu Á là vì mô hình tăng trưởng kinh tế dựa vào xuất khẩu, tạp chí Ngoại giao (Foreign Affairs) trên số báo ra tháng 7-8/2009 đã đưa ra một số giải pháp định hướng cho châu lục này thoát khỏi suy thoái.

Cốt lõi các vấn đề của châu Á là ở cấu trúc

Trong số những điều chưa từng thấy, xảy ra trong cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay, có lẽ điều ngạc nhiên và đáng lo ngại nhất đã đến vào đầu năm 2009: kim ngạch giao thương qua đường biển giữa miền Nam Trung Quốc với châu Âu đã tạm thời rớt xuống con số 0 USD.
Trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng ở phương Tây giảm và xuất khẩu thu hẹp, các lái buôn hiện nay bỏ cả cước phí vận tải và chỉ đòi một mức chi phí rất nhỏ cho việc vận chuyển hàng hóa. Vào tháng Tư, hàng trăm con tàu trống rỗng, tương đương hơn 10% khả năng chuyên chở của ngành hàng hải thế giới, đã phải nhả neo một cách lười biếng trên các vùng biển châu Á. Sau khi giao thương tại cảng Pusan của Hàn Quốc, một trong những cảng biển hoạt động đông đúc nhất thế giới, sụt giảm 40% vào tháng Ba, cảng này đã hết chỗ để neo đậu 32.000 công-ten-nơ không sử dụng đang chồng chất.
Sự sụt giảm trong ngành hàng hải không chỉ là một bằng chứng cho thấy những khó khăn mà nền kinh tế thế giới đang phải đương đầu; nó cũng cho thấy rõ mức độ hậu quả mà châu Á phải gánh chịu do suy thoái toàn cầu.
Nhật Bản đã kết thúc năm 2008 với việc lần đầu tiên trong gần 30 năm qua bị thâm hụt thương mại hàng năm. Mùa xuân vừa qua, sản xuất công nghiệp của đất nước Mặt trời mọc đã giảm xuống con số của những năm 1980. Cựu Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu đã cảnh báo rằng nền kinh tế độc lập của nước này có thể giảm tới 10% trong năm 2009, mức giảm mạnh nhất kể từ khi nước này độc lập vào năm 1965.
Phải thừa nhận rằng giao thương đang bắt đầu được cải thiện, và các chương trình kích thích kinh tế của chính phủ đã tạo ra một “ánh sáng cuối đường hầm”. Song các vấn đề cơ bản vẫn chưa được giải quyết. Ngay cả Trung Quốc dù đang trên đường đạt mục tiêu tăng trưởng GDP từ 6-8% trong năm nay nhưng con số này vẫn cho thấy một sự sụt giảm mạnh so với mức 13% mà họ đã đạt được năm 2007. Trên toàn khu vực, các nền kinh tế mà mới chỉ một năm trước còn kỷ niệm việc liên tục đạt được các thành quả lớn thì nay đã phải lảng tránh hoặc thay đổi hoàn toàn.



Điều này lẽ ra đã không xảy đến. Châu Á đã từng chống lại được những cơn điên loạn của thị trường tài chính trong những năm gần đây. Các thể chế tài chính trong khu vực đã tránh được hầu hết các tài sản xấu, vốn gây ra trục trặc trong ngành ngân hàng ở Mỹ và châu Âu, các chính phủ đã bảo vệ sự toàn vẹn của ngành tài chính, các tập đoàn đảm bảo được những cuốn sổ quyết toán cân đối, và các cá nhân thì tiết kiệm chứ không chi tiêu bừa bãi.
Nhưng kinh nghiệm trên đã chống lại khu vực này. Cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997-1998 thực chất là một cuộc khủng hoảng nợ, và sự bay hơi của các nguồn vốn nước ngoài đã làm hại cho một số nền kinh tế.

Phải nhớ rằng, khi thương mại phát triển, hầu hết các nước châu Á đã lót nệm êm cho mình bằng việc xuất khẩu nhiều hơn nhập khẩu và tích lũy thặng dư cán cân thanh toán rất lớn. Họ thúc đẩy mở cửa ngoại thương (dù nhiều nước vẫn tương đối khép kín so với phương Tây). Tóm lại, các quốc gia châu Á đã làm tất cả những gì họ cho là đúng – kể cả việc lắng nghe các bài phát biểu của các quan chức phương Tây đến thăm khu vực – song, họ vẫn bị tác động nặng nề hơn các nước phương Tây.
Trớ trêu thay, nguyên nhân dẫn tới nỗi thất vọng hiện nay của châu Á chính là mô hình phát triển, từng là lực đẩy cho thành công của họ từ trước tới nay: sự phụ thuộc quá lớn vào xuất khẩu. Bằng quyết định gắn các toa tàu kinh tế của mình vào lĩnh vực xuất khẩu hàng hóa, các lãnh đạo châu Á đã tự làm cho mình dễ bị tổn thương hơn trước sự tụt dốc của tiêu dùng ở phương Tây.

Tăng trưởng còn dựa trên các nền tảng xã hội và chính trị yếu, từ việc thiếu đầu tư cho giáo dục công, y tế, và các dịch vụ xã hội, đến khả năng điều hành kém và một hệ thống luật pháp không đủ mạnh. Các vấn đề này đã không được các lãnh đạo chính trị và doanh nghiệp để tâm tới, họ chỉ lo kiếm lời nhiều nhất từ sự tăng trưởng kinh tế nhanh, trong khi dân chúng hầu như không phản ứng gì bởi thu nhập của họ tăng đều năm này qua năm khác.
Cho đến cuối năm ngoái, người ta còn dễ tin vào một “kỷ nguyên châu Á”, với các tỷ lệ tăng trưởng trên toàn khu vực đều vượt qua 8% và các quốc gia châu Á tắm mình trong uy tín chính trị quốc tế mới tìm thấy. Vì thương mại nội khu vực tăng trưởng, người ta tin rằng các nền kinh tế châu Á hiện đã tách ra khỏi phương Tây để trở thành một động cơ mới của tăng trưởng toàn cầu.

Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay đã xé tan điều kỳ diệu của kinh tế châu Á. Thay vì nổi lên như một gã khổng lồ Goliah trên trường quốc tế, khu vực này đang trải qua thời kỳ khó khăn. Thời hoàng kim của tiêu dùng phương Tây chắc sẽ không sớm trở lại, vượt quá sức chịu đựng của ngành công nghiệp, gây khó khăn kinh tế cho các doanh nghiệp, và làm tăng thất nghiệp trên toàn châu Á.
Cốt lõi các vấn đề của châu Á là ở cấu trúc, chứ không phải là mang tính chu kỳ. Các chương trình kích thích kinh tế của chính phủ, dù rất cần thiết, song cũng chủ yếu tập trung vào các mục tiêu ngắn hạn, trong một môi trường mà chất lượng tiêu dùng quan trọng hơn số lượng. Mô hình kinh doanh của châu Á đang dần thui chột, và chưa biết cái gì sẽ thay thế vào đó.
Nếu các lãnh đạo châu Á không thể tiến hành các cải cách kinh tế cần thiết – giảm sự bất cân bằng trong cán cân thương mại, thúc đẩy tiêu dùng nội địa, và phát triển các mạng lưới an sinh xã hội – thì cuộc khủng hoảng hiện nay sẽ còn gây ra nhiều vấn đề lớn: một thế hệ vừa mới thoát nghèo sẽ có thể lại trượt chân vào cảnh nghèo đói, và một sự suy thoái sâu có thể làm gây ra hỗn loạn về chính trị và xã hội.

Kỷ nguyên của tăng trưởng dựa vào xuất khẩu đã lỗi thời
Để hiểu tại sao các nền kinh tế châu Á coi xuất khẩu là động lực chính của tăng trưởng kinh tế, cần trở lại Nhật Bản thời hậu chiến tranh thế giới thứ hai. Nước này đã bị tàn phá, và nền công nghiệp của họ rơi vào cảnh hỗn loạn.

Vì có ít tài nguyên thiên nhiên, Nhật Bản cần nhập nguyên liệu đầu vào, nhưng lại thiếu ngoại tệ để thực hiện việc này. Xuất khẩu hàng hóa, đầu tiên là hàng công nghiệp, như dệt may, và sau này là các nguyên liệu cho công nghiệp nặng, như thép và hóa chất, được đặt lên hàng đầu. Cả chu trình này tự củng cố cho nó: nguồn ngoại tệ từ xuất khẩu cho phép Nhật nhập về các công nghệ mới và trở nên cạnh tranh hơn, mở rộng sang các sản phẩm đầu cuối chất lượng cao. Sau thép và thủy tinh, xe hơi và đài phát thanh.
Kinh tế trong nước của Nhật rất hạn chế, và xuất khẩu hứa hẹn tăng trưởng. Tăng tiêu dùng trong nước cần có thời gian và khá tốn kém; trong khi tập trung vào các ngành công nghiệp phục vụ xuất khẩu cho phép một nước nghèo nhanh chóng tăng trưởng và kiếm tiền dựa trên lực lượng lao động rẻ. Trong thời gian chiếm đóng Nhật sau chiến tranh, Mỹ đã phát triển mô hình này bằng cách mua các sản phẩm của Nhật dưới dạng trợ giúp ngầm. Vai trò của các nhà hoạch định chính sách nhà nước, vốn rất cần để tổ chức sản lượng sau chiến tranh, được cất giữ như của quý và trở thành một đặc trưng chủ đạo của hệ thống.
Mô hình trên đã đạt được thành công lớn. Nền kinh tế Nhật Bản đã bất ngờ tăng mạnh vì xuất khẩu tăng gấp 4 lần trong 10 năm từ 1955-1965, và gấp 7 lần trong thập kỷ sau đó. Nhật đã sản xuất khoảng 50.000 chiếc xe hơi trong năm 1953 và không xuất khẩu một chiếc nào.

Đến cuối thập kỷ 1950, họ đã sản xuất 500.000 chiếc, gần 10% trong số này được xuất ra nước ngoài. Các quốc gia khác trong khu vực đã ghi nhận. Chương trình phát triển của Nhật Bản trở thành hình mẫu cho “các con hổ” châu Á: Hồng Công, Singpapore, Hàn Quốc và Đài Loan trong những năm 1960 và 1970.

Dưới thời Tổng thống Phát Chính Hy (1917-1979), Bộ Thương mại Hàn Quốc thường cắt điện của các công ty không đạt các chỉ tiêu xuất khẩu. Cụm từ “ngỗng bay” được các chuyên gia kinh tế dùng để mô tả các nước đã bỏ rơi các hoạt động có giá trị thấp để hướng tới các hoạt động công phu hơn. Bầy ngỗng sau này bao gồm Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Việt Nam, và cả Trung Quốc.

Đương nhiên, mô hình ở từng nước cũng khác nhau, từ thiết quân luật ở Đài Loan và Hàn Quốc, đến sự kiểm soát nghiêm ngặt ở Singapore, hay thị trường tự do ở Hồng Công. Nhưng xuất khẩu vẫn là quả trứng vàng của những con ngỗng này.
Mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu nói trên đã được phương Tây tích cực khuyến khích. Năm 1975, Robert McNamara, khi đó là Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB), đã kêu gọi các lãnh đạo châu Á “kéo các doanh nghiệp chế biến của nước mình khỏi các thị trường nhỏ, có thể thay thế bằng nhập khẩu, để hướng tới các cơ hội lớn hơn bằng việc thúc đẩy xuất khẩu”. Hơn ba thập kỷ trôi qua, tác động của chính sách này rất đáng kể.

Suy thoái kinh tế không phải là nguyên nhân dẫn tới điều này; nó chỉ đơn thuần làm vấn đề đã tồn tại trở nên trầm trọng hơn vì sự yếu kém của các nền tảng kinh tế, chính trị và xã hội mà mô hình này được xây dựng trên đó.
Biến đổi kinh tế của châu Á được coi là một trong những sự phát triển mang tính hiện tượng nhất trong thế kỷ 20. Năm 1960, GDP của Hàn Quốc chỉ bằng của Sudan, và của Đài Loan chỉ tương đương với ở Congo khi chưa tách ra độc lập khỏi Bỉ. Đến những năm 1990, cả hai nền kinh tế này của châu Á đã tăng mức sống của người dân lên ngang ngửa với ở phương Tây. Hơn 400 triệu người đã thoát nghèo ở Trung Quốc chỉ trong thời gian kể từ khi nước này bắt đầu tự do hóa kinh tế vào năm 1980.
Nhưng những lời kêu gọi tăng tiêu dùng nội địa đã không được ai để ý tới. Cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997-1998 đã làm yếu đi giá trị đồng tiền của một số nước, khiến hàng hóa châu Á trở nên rẻ nhất thế giới. Trong thập kỷ vừa qua, xuất khẩu của khu vực này tăng từ 37% lên 47% GDP. Người ta nói rằng các giải pháp cho một cuộc khủng hoảng tài chính sẽ gieo hạt cho thời kỳ sau đó. Tại châu Á, sự bùng nổ xuất khẩu vốn làm tăng thặng dư cán cân thanh toán của nhiều nước cũng góp phần làm giảm lãi suất, gây ra lạm phát, và tạo bong bóng giá bất động sản, cuối cùng làm nền kinh tế toàn cầu sụp đổ.
Bằng việc thúc đẩy xuất khẩu, các nước châu Á đã đơn giản thay thế sự nhờ cậy vào vốn nước ngoài bằng một sự phụ thuộc vào cầu nước ngoài. Tại Hồng Công, Malaysia và Singapore – vì tỷ trọng tái xuất khẩu cao – giá trị xuất khẩu đã tương đương hoặc vượt quá Tổng thu nhập quốc dân (GNR) trước khi cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay xảy ra vào năm 2007.

Tại Đài Loan, Thái Lan và Việt Nam, xuất khẩu chiếm tới 60% Tổng sản phẩm quốc dân (GNP), còn ở Trung Quốc và Hàn Quốc là 40%. Nếu tính xuất khẩu ròng (sau khi trừ đi nhập khẩu), thì sự đóng góp của xuất khẩu cho GNR khiêm tốn hơn, song xuất khẩu vẫn mang tính quyết định cho thành công của kinh tế châu Á.
Trong những năm gần đây trước khi xảy ra khủng hoảng, gần một nửa các giao dịch thương mại ở châu Á vẫn diễn ra giữa các nước trong khu vực với nhau, khiến người ta càng tin rằng các nền kinh tế châu Á đã trở nên rất độc lập với phương Tây. Tuy nhiên, khoảng 60% xuất khẩu trong khu vực là các sản phẩm trung gian, để cung cấp cho các dây truyền sản xuất thường bắt đầu từ Trung Quốc và kết thúc ở phương Tây. Như vậy, khi người tiêu dùng Mỹ “loạng choạng” thì các nhà sản xuất châu Á “quỵ ngã”.
Kỷ nguyên của tăng trưởng dựa vào xuất khẩu đã lỗi thời. Tiêu dùng của Mỹ đã tăng hơn 70% GNP của nước này từ năm 2005-2008, và tiết kiệm hộ gia đình ở Mỹ đã giảm dưới mức không – những con số bất thường mang tính lịch sử. Cuộc khủng hoảng kinh tế đã đốt cháy 2/5 giá trị chứng khoán Mỹ và làm giảm căn bản giá nhà đất ở đây. Vì người Mỹ bước vào một thời kỳ tiết kiệm để lập lại sự cân bằng thu chi hộ gia đình, họ sẽ mua ít hơn mức châu Á sản xuất ra. Điều từng khiến cho châu Á tiến xa trong thế kỷ 20 có thể không giúp đưa khu vực này tiến xa hơn trong thế kỷ 21.
Thật khó để bắt đầu cái được tiên đoán là “kỷ nguyên châu Á”. Sự công nghiệp hóa thời hậu chiến của châu lục này đã phản bác lại một đặc tính của chủ nghĩa quốc hữu hóa và tự cung tự cấp. Nhưng mô hình dựa vào xuất khẩu mà các quốc gia châu Á áp dụng thật trớ trêu đã khiến họ trở nên phụ thuộc hơn bao giờ hết vào ý thích tức thời của phương Tây.

Giờ đây, mô hình tăng trưởng như vậy đang bị triệt tiêu. Suy thoái kinh tế không phải là nguyên nhân dẫn tới điều này; nó chỉ đơn thuần làm vấn đề đã tồn tại trở nên trầm trọng hơn vì sự yếu kém của các nền tảng kinh tế, chính trị và xã hội mà mô hình này được xây dựng trên đó.

Tiêu dùng ngầm
Dựa quá nhiều vào xuất khẩu khiến một quốc gia trở nên dễ tổn thương hơn trước sự suy sụp kinh tế ở một nước khác. Hơn nữa, một cán cân thanh toán cân bằng là cần thiết để sự mất giá của tài sản này được bù lại bằng sự tăng giá của một tài sản khác. Cường điệu hóa quá mức một lĩnh vực cũng làm thay đổi động cơ của các doanh nhân, chính trị gia và dân chúng theo hướng tiêu cực.
Kinh nghiệm của Campuchia làm rõ điều này. Trước cuộc khủng hoảng hiện nay, nền kinh tế Campuchia tăng trưởng mạnh nhờ xuất khẩu quần áo giá rẻ, chiếm 80% tổng kim ngạch xuất khẩu của nước này, đa số xuất sang Mỹ. Nhưng khi nền kinh tế toàn cầu gặp khó khăn, các lệnh mua “bốc hơi”. Từ tháng 9/2008 đến đầu năm 2009, khoảng 50.000 công nhân may quần áo, tức là 17% tổng lao động, đã mất việc làm. Nếu năm 2007 tăng trưởng kinh tế nước này đạt 10%, thì năm nay, WB ước đoán sẽ chỉ đạt 1% - điều sẽ dẫn tới tình trạng nghèo đói gia tăng trong năm 2009.
Tập trung thái quá vào xuất khẩu cũng bóp méo nền kinh tế. Đầu tư của tập thể, chi tiêu của chính phủ, và đầu tư trực tiếp nước ngoài đều đổ vào lĩnh vực xuất khẩu, trả giá bằng nền kinh tế nội địa mênh mông. Hàng hóa xã hội, như giáo dục công, y tế, bảo hiểm thất nghiệp và an sinh xã hội, thường không được quan tâm đúng mức.
Điều này giải thích tại sao các nền kinh tế châu Á tiết kiệm nhiều như vậy: họ cần “tự đảm bảo cho mình” và tự đặt lên vai mình những gánh nặng kinh tế này. Trên toàn khu vực, một hộ gia đình điển hình tiết kiệm từ 10-30% thu nhập hàng năm của họ. Tiết kiệm quốc gia (bao gồm cả tiết kiệm của chính phủ và tập thể) tương đương một nửa GDP của Trung Quốc, Malaysia và Singapore. Dù cần kiệm là một thói quen thường ngày, nhưng trong trường hợp này nó lại là một thói quen xấu, bởi nó rút tiền tệ khỏi tiêu dùng, nơi mà những tờ giấy bạc này có thể được sử dụng để cải thiện mức sống của người dân và toàn bộ nền kinh tế quốc gia.
Cầu trong nước ở châu Á còn bị kìm lại bởi một số nhân tố khác, bao gồm tình trạng luôn thiếu nguồn tài nguyên. Đầu tư không đúng dẫn tới phát triển tài sản thực tế một cách mù quáng bất chấp nhu cầu thực tế (không kể đầu cơ) rất yếu. Việc xây dựng nhà mới vẫn tiếp tục ở Bắc Kinh và Thượng Hải bất chấp tình trạng nhà bỏ không rất nhiều. Các ngân hàng nhìn chung ủng hộ các dự án rộng lớn và những dự án của chính phủ, vốn được đánh giá là nguy cơ vỡ nợ thấp và có thể cung cấp các khoản phụ thêm “ngon” hơn. Đây là một vấn đề đặc biệt, khi biết rằng các công ty nhỏ thường dùng vốn hiệu quả hơn, sáng tạo hơn và phân tán tài sản rộng rãi hơn.
Tương tự, việc cho vay cũng hướng một cách bất cân đối tới các lợi ích chính trị và kinh tế mạnh, dù đó là các công ty nhà nước ở Trung Quốc hay các công ty gia đình và tập đoàn lớn ở Hồng Công, Ấn Độ, Nhật Bản, Malaysia và Hàn Quốc. Tại Trung Quốc, các công ty vừa và nhỏ chiếm 70% GDP nhưng chỉ góp 20% vào nguồn lực tài chính quốc gia - xu hướng không thể giải thích đơn giản là vì nguồn vốn dồi dào của các công ty lớn.
Sự ưu tiên cho các dự án lớn và công ty lớn đã đặt quyền lực vào tay giới chóp bu. Ngay trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính châu Á cuối những năm 1990, 15 gia đình giàu có nhất Hồng Công kiểm soát 84% GDP của hòn đảo này; tại Malaysia, con số này là 76%; tại Singapore và Philippines là gần 50%. Dù nhiều thay đổi đã xảy ra từ đó tới nay, song các triều đại gia đình từ Hồng Công đến New Delhi vẫn có tầm ảnh hưởng lớn đến các nền kinh tế nước họ. Samsung, do gia đình nhà Lee kiểm soát, hiện chiếm gần 1/5 tổng kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc.
Sự tập trung tài sản và quyền lực này đã góp phần làm suy yếu sự lãnh đạo của tập thể trên toàn khu vực. Tại Nhật Bản, nhiều ông chủ đã tự cao tự đại mà không nếm xỉa cả các cổ đông trong và ngoài nước. Tại Hàn Quốc, nhiều ủy viên ban quản trị bị buộc tội biển thủ, hối lộ hoặc trốn thuế nhưng vẫn đường hoàng trở lại công ty vì tầm quan trọng của cá nhân họ đối với nền kinh tế. Sự đóng cửa trong năm nay của công ty Satyam Computer Services, một công ty công nghệ thông tin của Ấn Độ đã gian lận sổ sách nhiều năm liền, đã khiến cộng đồng doanh nhân Ấn Độ phải bắt đầu xem xét một cách nghiêm túc việc quản lý công ty. Dù các hành động phi pháp không chỉ xảy ra ở châu Á – Mỹ đã phải chứng kiến sự tan rã của một số tập đoàn khổng lồ - song trách nhiệm giải trình vẫn thiếu.
Vì vốn quá tập trung nên tăng trưởng của tầng lớp trung lưu châu Á bị kìm hãm. Dù khó tin được vào mắt mình khi đến thăm các thành phố lớn trong khu vực – mới được phủ bằng những con phố xa hoa, những quán ba đắt tiền, và những chiếc xe hơi đời mới – nhưng trên thực tế tiêu dùng tư nhân và tiền lương công nhân tỷ lệ thuận với sự sụt giảm của GDP toàn khu vực hai thập kỷ qua, dù nó đã từng tăng tuyệt đối. Tại nhiều quốc gia, người lao động không thể mua chính cái mà họ sản xuất ra, tiêu dùng nội địa hoàn toàn không thể đuổi kịp xuất khẩu trong thời kỳ ế ẩm sau khi đã suy giảm.
Tại Trung Quốc, dù xuất khẩu và thu nhập tập thể tăng trong những năm 1997-2007, tiền lương công nhân trên thực tế vẫn giảm, từ 53% xuống còn 43% GDP. Dù người dân các nước châu Á hiện nay sống tốt hơn trước đây rất nhiều nhưng sự thịnh vượng của họ vẫn không đồng nhịp với mức tăng trưởng xung quanh họ. Các tác động của điều này có thể nhìn thấy được trong hành vi tiêu dùng. Trong thập kỷ vừa qua, khi các nền kinh tế châu Á tăng trưởng, tiêu dùng nội địa gần như vẫn tương đương hoặc trên thực tế còn tương đối thấp hơn GDP. Tại Trung Quốc, tiêu dùng giảm từ 45% xuống còn 35%. Ngay cả khi chi tiêu có tăng, thì tầng lớp đông đảo người tiêu dùng giàu có mà lẽ ra tăng trưởng kinh tế phải tạo ra vẫn không hoàn toàn tồn tại.
Cái giá phải trả
Thu nhập bình quân hàng năm tại hầu hết các nền kinh tế châu Á mới nổi thấp hơn 3.000 USD tính theo giá thị trường hối đoái, hoặc thấp hơn 10.000 USD nếu tính theo cân bằng sức mua. Hơn thế, số người giàu có sống tại các khu đô thị hóa bị thu hẹp, nói một cách tương đối. Một báo cáo mới đây của công ty tư vấn McKinsey & Company ước tính khoảng 1,6 triệu hộ gia đình ở Trung Quốc kiếm hơn 36.500 USD/năm. Dù đây thuộc vào mức thu nhập khá giả, nhưng cũng không đủ để hỗ trợ cho tăng trưởng nội địa trên diện rộng. Có thể sẽ có 2 tỷ người tiêu dùng mới ở riêng Trung Quốc và Ấn Độ, nhưng hầu hết họ đều rất nghèo.
Một yếu tố khác của sự thần kỳ kinh tế châu Á – kế hoạch hóa tập trung – dẫn tới những khó khăn hiện nay. Sự giám sát của nhà nước từng tạo ra sự ổn định trong các giai đoan đầu tăng trưởng giờ đang kìm nén giới chủ và kiềm chế mạnh tăng trưởng nội địa. Sau ba thập kỷ cải cách, chính phủ Trung Quốc vẫn sở hữu 76% tài sản quốc gia, kiểm soát lĩnh vực ngân hàng, và giám sát các doanh nghiệp nhà nước vốn chiếm 1/5 nền kinh tế. Tương tự, tại Ấn Độ, chính phủ đã hủy bỏ các quy định rối rắm vốn được biết đến với cái tên “giấy phép thời cai trị của Anh”, nhưng tấm thảm đỏ vẫn bóp nghẹt các doanh nghiệp. Tại Nhật Bản, còn có một cụm từ, kansei fukyo, dành để nói về sự suy thoái nảy sinh do các sai lầm của giới hoạch định chính sách.
Rút cục, tăng trưởng dựa vào xuất khẩu khiến ta phải trả những cái giá vô hình. Nó làm phân tâm các nhà hoạch định chính sách và lãnh đạo doanh nghiệp khỏi công việc nặng nhọc là xây dựng và củng cố các thể chế cần thiết cho nền kinh tế trong nước phát triển bền vững. Nhiều trong số tài sản mới được sử dụng một cách không hiệu quả hoặc bị tích trữ, tách khỏi nền kinh tế. Trong khi đó, những quốc gia làm ra vẻ giữ đồng nội tệ của mình thấp hơn giá trị thực của nó đã bao cấp cho các nhà xuất khẩu bằng tiền của các nhà sản xuất và tiêu dùng nội địa.
Sự suy yếu rõ ràng trong một số quốc gia cũng bị lờ đi – từ tham nhũng, đến một hệ thống luật pháp không còn phù hợp, và môi trường xuống cấp. Thực vậy, khi mô hình xuất khẩu đem lại thành công, việc cải cách cơ cấu trở nên khó khăn hơn, vì các lợi ích được phong cho nó càng lớn hơn. Toàn khu vực giờ đây trở nên yếu đi, chuẩn bị cho một thời kỳ tăng trưởng chậm kéo dài. Châu Á đã bị bỏ lại với một số quyết định rất khó đưa ra trong một môi trường kinh tế rõ ràng khó khăn hơn.
Không có gì bù đắp khiếm khuyết
Ở phương Tây, cuộc khủng hoảng kinh tế dẫn tới một thời kỳ suy thoái nghiêm trọng. Các thể chế tài chính vì muốn kiếm lời bằng việc chấp nhận số lượng lớn các khoản nợ nên đã điều chỉnh quảng cáo của chúng, gây ra sự sụt giảm khủng khiếp của giá bất động sản. Sẽ là đau đớn nhưng cần phải thay đổi. Cũng vậy, một quá trình tương tự cần được diễn ra tại các nền kinh tế châu Á – cân đối lại toàn bộ - từ đó giảm việc dựa vào xuất khẩu để tạo điều kiện thúc đẩy tiêu dùng nội địa.
Phản ứng ban đầu của các chính phủ đang lẫn lộn. Xứng đáng với uy tín của mình, các quốc gia châu Á đã nhanh chóng đối phó với suy thoái. Những nước từng trải trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997-1998 đều biết tầm quan trọng của hành động quyết đoán.

Trên toàn khu vực, gần 1 tỷ USD đã được dùng cho các biện pháp kích thích kinh tế. Trung Quốc tuyên bố gần 600 triệu USD cho gói kích cầu trong 2 năm (bất chấp những lo ngại về việc bao nhiêu trong số đó là tiền mới). Các kế hoạch kích thích của Nhật Bản có tổng trị giá 250 triệu USD, chiếm khoảng 5% GDP nước này. Malaysia và Singapore cũng chi khoảng 8-9% GDP của mình để kích cầu.
Tuy nhiên, dù các kế hoạch trên dành một phần đầu tư trong các chương trình xã hội, nhưng phần lớn vẫn chi cho cơ sở hạ tầng (việc này là hữu ích bởi cho phép tuyển dụng các nhân công tay nghề thấp). Chưa đến 4% chi tiêu của Trung Quốc dành cho giáo dục và y tế. Nước này thậm chí còn tăng tiền hoàn thuế xuất khẩu cho các sản phẩm đòi hỏi nhiều nhân công, điều này tạm thời tạo niềm tin cho các nhà xuất khẩu song sẽ chỉ củng cố thêm tầm quan trọng của giao thương.
Thay vì thế, có nhiều chính sách quan trọng hơn mà các quốc gia châu Á có thể theo đuổi, trong thời kỳ đẩy mạnh nguồn nhân lực, cải thiện thu nhập và giảm tiết kiệm. Một cố gắng dài hạn chắc chắn tích cực sẽ là thúc đẩy giáo dục.

Đơn giản hơn việc xây thêm trường mới, điều mang tính sống còn là tăng các khoản cho sinh viên vay hiện đang rất nhỏ, và mở rộng các chương trình tài trợ hiện có. Điều này không chỉ giảm gánh nặng tài chính trên vai người nghèo mà còn giúp thế hệ trẻ kéo dài thời gian trả nợ chi phí giáo dục trong suốt quá trình lập nghiệp. Bằng cách này, các bậc phụ huynh có thể dành dụm thêm tiền để tăng chi tiêu trong nước. Đây là một ví dụ điển hình cho thấy các dịch vụ tài chính ít ỏi ở châu Á, chứ không hoàn toàn là sự thiếu thốn về cơ sở vật chất, đã kìm nén nền kinh tế trong nước như thế nào.
Các quốc gia châu Á cũng sẽ phải cải thiện cơ cấu thị trường lao động của mình và tăng lương tối thiểu. Dù suy thoái dường như không phải là lúc thích hợp để tăng chi phí kinh doanh, chưa bao giờ đây là thời điểm lý tưởng, nhưng những cơ hội tốt thì không có sức ép. Lương không tăng là một lý do khiến thu nhập hộ gia đình tính trên GDP trên thực tế giảm ở toàn châu Á trong những năm vừa qua.

Tương tự, tỷ lệ tiết kiệm cao trong khu vực một phần xuất phát từ sự bấp bênh trong thu nhập. Hầu hết các hợp đồng lao động ở châu Á đều là không chính thức. Phần lương chính thức và phần trả lương thường xuyên chỉ chiếm khoảng 40% tổng ngân sách lương ở Indonesia, Philippines và Thái Lan, trong khi ở Trung Quốc chưa đạt 15%. (Ngược lại, con số này là 90% ở các quốc gia nhóm G7). Điều này tạo sự mềm dẻo cho các công ty nhưng đồng nghĩa với sự bấp bênh của người làm công ăn lương.
Thay đổi cấu trúc thị trường lao động và nhân công được trả lương có thể thúc đẩy toàn bộ nền kinh tế và làm gia tăng tiêu dùng nội địa. Đây là kinh nghiệm của Mỹ đầu những năm 1990, khi Henry Ford (người sáng lập hãng xe hơi Ford) tuyên bố ông muốn trả cho nhân công đủ tiền để mua mỗi người một chiếc xe hơi của hãng ông.

Đầu năm 1914, Ford đã tăng lương tối thiểu từ mức 2USD lên 5 USD/ngày và cho nhân công nghỉ hai ngày cuối tuần – hành động khiến ông bị các nhà công nghiệp khác chỉ trích. Mục tiêu của Ford là giảm tốc độ thay thế nhân công, tăng sản lượng, và tạo ra thị trường mới đồ sộ cho xe hơi của ông. Ý tưởng “chủ nghĩa tư bản thực dụng” của Ford đã được nhiều người khác noi theo, giúp tạo ra một tầng lớp người tiêu dùng đông đảo ở Mỹ. Một cuộc cách mạng người tiêu dùng gần như thế cần được áp dụng ở châu Á, và tăng lương là bước đi đầu tiên.
Điều quan trọng nhất, các quốc gia châu Á cần xây dựng mạng lưới an sinh xã hội bền vững. Thiếu sự bảo đảm kinh tế cơ bản là nguyên nhân lớn nhất khiến châu Á tiết kiệm nhiều đến vậy, và giảm sự tiết kiệm này có thể “mở khóa” cho tiêu dùng. Tuy nhiên, cần nhiều thời gian để làm được điều này, các hệ thống phúc lợi xã hội thực sự sẽ đòi hỏi nguồn tài chính ban đầu thích đáng và người dân phải được hưởng thụ rồi mới thay đổi thói quen tiết kiệm của mình.
"Quỹ tài sản xã hội"

Một cách để làm được điều trên là tạo ra một “quỹ tài sản xã hội”. Giống như một “quỹ tài sản của nhà nước” đầu tư dự trữ ngoại tệ của mình ở nước ngoài vì lợi ích chung, quỹ này sẽ nhận một phần tiền đặt cọc của chính phủ tại các doanh nghiệp nhà nước và chia cho từng hành động xã hội như giáo dục và y tế. Các nhà nước châu Á đang sở hữu tài sản trị giá hàng chục đến hàng trăm tỷ USD trong các doanh nghiệp nhà nước, từ các công ty dầu khí, viễn thông đến các công ty thuốc lá. Chia một phần lớn các tài sản này cho một quỹ đặc biệt sẽ chứng tỏ cam kết của chính phủ trong cải cách xã hội.
Tại một số nơi, tạo ra một mạng lưới an sinh xã hội bền vững sẽ là đặc biệt khó khăn. Tại Trung Quốc chẳng hạn, ý tưởng về một hệ thống lương hưu rộng lớn dựa vào nhà nước – nhờ đó nhân công được trợ cấp hưu trí – sẽ vấp phải vấn đề nhân khẩu học: tỷ lệ sinh ở Trung Quốc đã giảm song tuổi thọ lại tăng cao khủng khiếp.

Nhờ chính sách sinh một con, trong ba thập kỷ qua số người sống phụ thuộc (gồm trẻ em và người già) tính trên đầu nhân công đã giảm một nửa – một nhân tố góp phần tạo ra tăng trưởng kinh tế của nước này. Nhưng trong ba thập kỷ tới, con số này sẽ tăng thêm 50%. Không có gì chắc chắn rằng lực lượng lao động trong tương lai, đang thu hẹp dần, sẽ muốn hoặc có thể chịu được gánh nặng dân số già đang ngày một đông hơn.
Cuối cùng, việc thẩm tra mô hình xã hội của châu Á trong nửa thế kỷ tới sẽ là một nhiệm vụ lớn như cải cách các nền kinh tế châu lục này trong nửa thế kỷ qua. Đó sẽ là một quá trình lâu dài và khó khăn nhưng phải bắt đầu từ bây giờ.
Ổn định xuất khẩu


Mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu của châu Á chưa bao giờ là câu trả lời duy nhất cho câu hỏi các nền kinh tế khu vực này sẽ phát triển như thế nào.
Trong bản đánh giá thường niên của Ủy ban đặc biệt về Tình báo của Thượng viện Mỹ, công bố hồi tháng 2/2009, Giám đốc cơ quan tình báo quốc gia Mỹ Dennis Blair xác định cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu “là mối lo ngại an ninh của Mỹ trong tương lai gần”.

Lo ngại lớn nhất của ông là “sự bất ổn đe dọa chế độ”, nhưng thương mại cũng nằm trong danh sách này. “Không như cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997-1998, bản chất đồng bộ trên toàn cầu của sự suy thoái này có nghĩa là các quốc gia sẽ không thể xuất khẩu cách họ thoát khỏi suy thoái”, ông giải thích. Các vấn đề này “khiến Mỹ khó đạt được các mục tiêu dài hạn hơn, như mở các thị trường vốn nhà nước và tăng cầu nội địa ở châu Á”.
Nếu suy thoái kéo dài và các quốc gia trong khu vực không thể cải cách, hậu quả đối với châu Á sẽ rất sâu rộng. Chủ nghĩa bảo hộ thương mại sẽ dễ dàng làm xói mòn toàn cầu hóa, như trong thời Đại Suy thoái, khi các mức thuế nặng đã làm giảm tới 2/3 thương mại toàn cầu.

Từ tháng 10/2008, khoảng 66 biện pháp hạn chế thương mại đã được đề xuất trên thế giới và 47 biện pháp đã được áp dụng. Các biện pháp này có ở khắp các nước, từ đạo luật “Buy American” đến việc Ấn Độ cấm đồ chơi của Trung Quốc. Các đạo luật như vậy sẽ làm chậm lại sự phục hồi kinh tế của bất cứ nước nào, và châu Á sẽ phải hứng chịu tác động nặng nề nhất.
Hơn nữa, sự nghèo đói đang gia tăng ở châu Á. Hơn 600 triệu người trên toàn khu vực này sống trong điều kiện cực nghèo. Năm nay, khoảng 60 triệu người vừa mới thoát nghèo sẽ trở lại cảnh túng quẫn. Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), con số này có thể tăng thêm 100 triệu người vào năm 2010 nếu kinh tế thế giới không phục hồi. Tiền kiều hối của lao động từ nước ngoài gửi về, vốn góp một phần đáng kể vào thu nhập trên toàn châu Á, giờ đã sụt giảm thảm hại. Cuộc khủng hoảng kinh tế xuất phát từ các nước giàu đang có nguy cơ trở thành khủng hoảng nhân đạo ở bất cứ đâu trên hành tinh.
Cải cách thất bại cũng sẽ có thể khiến lo lắng lớn nhất của Giám đốc cơ quan tình báo quốc gia Mỹ trở thành hiện thực. Thái Lan vẫn ở trong một tình huống nhạy cảm: người biểu tình áo đỏ ủng hộ cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, vốn được sự ủng hộ rộng rãi ở khu vực nông thôn nhờ chính sách dân túy của ông, đang đe dọa chính phủ của Thủ tướng Abhisit Vejjajiva, người chủ yếu nhận được sự ủng hộ của giới giàu có ở đô thị. Ấn Độ đã phải chứng kiến các chủ doanh nghiệp bị bắt làm con tin và một trường hợp đã bị đám đông sát hại. Điện thoại di động và internet đã tạo điều kiện dễ dàng hơn để tổ chức biểu tình.
Trung Quốc là một trường hợp đặc biệt. Hiện nay, các cuộc lộn xộn giới hạn ở những nhà máy, những vấn đề và khu vực đặc biệt. Các quan chức Trung Quốc ít lo ngại về khoảng 20 triệu người lao động nhập cư vừa mất việc (đối tượng lao động này thường xuyên không có việc làm ổn định) hơn là về khoảng 6 triệu sinh viên đại học tốt nghiệp mỗi năm và phải đi tìm việc làm. Càng nhận thức việc này muộn bao nhiêu thì bức tranh kinh tế càng lớn bấy nhiêu, và sinh viên có truyền thống dẫn đầu sự thay đổi xã hội ở Trung Quốc.
Mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu của châu Á chưa bao giờ là câu trả lời duy nhất cho câu hỏi các nền kinh tế khu vực này sẽ phát triển như thế nào. Nhưng ngay khi nó xảy ra, rất khó để chuyển hướng sang một sự cân bằng hơn. Mô hình này đã vận hành rộng rãi, và một phần tư thế kỷ qua đã chứng kiến tăng trưởng thương mại gấp đôi GDP toàn cầu. Như giờ đây, mô hình này đã hết thời.
Không ai có lợi khi nhìn thấy châu Á bị xáo trộn. Một châu Á thịnh vượng có thể thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu, tạo ra sự ổn định khu vực, và giúp giải quyết các điểm nóng như Triều Tiên. Việc châu lục này sẽ đương đầu với cuộc khủng hoảng hiện nay như thế nào – và phương Tây có thể giúp gì được cho họ - sẽ xác định mức độ và thời gian của các khó khăn kinh tế châu Á. Châu lục này sẽ vẫn tự hào về các nền kinh tế mạnh trong thế kỷ này, nhưng một mô hình kinh tế bền vững hơn, theo hướng nâng cao nhu cầu tiêu dùng nội địa, phải được tìm ra. Nếu không đạt được mục đích cao cả này thì các vấn đề của châu Á sẽ trở thành vấn đề của toàn thế giới./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét