Thứ Ba, 21 tháng 6, 2011

Động vật hoang dã: món khoái khẩu của người Việt

Động vật hoang dã:
món khoái khẩu của người Việt
 
Võ Chung: Hai mươi năm trước, dân Việt ăn thịt động vật hoang dã (ĐVHD) để giải quyết cái đói, cái thiếu… Còn bây giờ, người ta sử dụng thịt ĐVHD để thể hiện đẳng cấp, đãi khách quý, thưởng thức món lạ miệng và cả ngâm rượu làm thuốc hay chỉ để làm cảnh cho sang…

 

Món quý để đãi khách quý


Không chỉ có ở bìa rừng, thịt ĐVHD còn được bày bán gần như công khai ở các nhà hàng sang trọng tại trung tâm nhiều đô thị, trong các quán nhậu bình dân, trong chợ hay ngay ven đường.


Ngày 28/5 vừa rồi, tôi cùng bảy người bạn từ Thành phố Hồ Chí Minh (Tp. HCM) có dịp đến thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước. Anh Vũ Cao, người bạn tại đây, tuyên bố: “Hôm nay tôi đãi khách quý bằng thịt nai rừng chính hiệu mua từ Vườn Quốc gia Bù Gia Mập”. Để có món thịt rừng này, anh Cao cho biết: Từ đầu tuần anh phải dặn người quen ở gần Vườn Quốc gia mua giúp và họ mới gởi ra cho anh hôm qua.

Việc đãi khách bằng thịt rừng của anh Cao không đến nỗi quá bất ngờ, vì chúng tôi đã được anh Minh, lái xe, trò chuyện trong suốt chặng đường. Đất Bình Phước chẳng có chỗ nào để chơi, nhưng cao su, điều, hồ tiêu và thịt rừng thì rất nổi tiếng. “Rất nhiều lần khách thuê tôi chở từ Sài Gòn lên đây chỉ để thưởng thức thịt rừng rồi về. Dân có tiền thích thưởng thức ở đây hơn, vì thịt rừng đúng nghĩa chứ không phải thú nuôi. Kế đến, thịt ở đây tươi ngon hơn dưới Sài Gòn”, lái xe Minh kể.

Đầu tháng 6 này, tôi lại được mời tham gia một bữa tiệc ĐVHD khác tại một nhà hàng ở quận Thủ Đức. Bữa tiệc do anh Thái Đoàn, Giám đốc một doanh nghiệp xuất nhập khẩu, mời đi nhân đãi bạn từ Hà Nội vào. Vừa ngồi vào chỗ, cô tiếp viên đã đon đả: “Hôm nay mấy anh dùng món gì?” “Ông thích ăn con gì?” anh Thái Đoàn hỏi bạn. Hà, người bạn đến từ Hà Nội, trả lời: “Con nào đưa lưng lên trời tôi ăn hết”. Họ cùng chọn món rắn và thịt cheo, được chủ nhà hàng giới thiệu là đưa từ Lâm Đồng xuống. Tiết rắn được hòa với rượu để uống, lòng rắn xào mướp, xương chiên giòn, còn thịt đem làm gỏi. Thịt cheo chỉ làm món nướng. Tàn cuộc, hóa đơn tính tiền hơn 3 triệu đồng cho 5 người.


Số động vật hoang dã này bị bắt khi đang trên đường vận chuyển đến nơi tiêu thụ


Không chỉ dân thành phố, doanh nhân mới khoái thịt rừng, mà ngay cả ở xứ biển, với quan chức nhà nước, món rừng mới là món sang. Giữa tháng 5 vừa qua, sau khi kết thúc một hội thảo khoa học công nghệ vùng Đông Nam Bộ, tổ chức tại thành phố Phan Thiết, UBND tỉnh Bình Thuận mở tiệc chiêu đãi các đại biểu tham dự. Sau súp cua lót dạ, đến món thịt nai xào lăn. Một công chức của tỉnh Đồng Nai thắc mắc: “Xứ biển sao đãi thịt rừng?” Quan chức đoàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu ngồi cùng bàn giải thích: “Thịt rừng mới là món quý anh à! Tỉnh đãi thì mình ăn, quan tâm làm gì”.

Người ngoài lo giúp…


Cuối tháng 8/2010, tôi có dịp chứng kiến Hiệp hội Bảo vệ Động vật Hoang dã Thế giới (WCS) phối hợp với lực lượng kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng kiểm tra đột xuất 10 nhà hàng, quán nhậu kinh doanh thịt ĐVHD tại Đà Lạt. Ông Scott Roberton, Giám đốc Chương trình Việt Nam của WCS lúc đó, kể: Trước khi kế hoạch được triển khai, WSC đã tư vấn cho ông Trần Thanh Bình, Trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng yêu cầu nhân viên dưới quyền tắt hết điện thoại và không mang theo khi hành động. Chính yêu tố bất ngờ này khiến các quán nhậu, nhà hàng trở tay không kịp.

Ông Bình thừa nhận, đây là lần thu được lượng thịt ĐVHD lớn nhất trên địa bàn tỉnh. Người dân Đà Lạt ngạc nhiên không phải giữa thành phố yên bình của họ có bán thịt rừng, mà vì lần này các quán nhậu, nhà hàng không tẩu tán kịp.

Đến từ nước Anh và hiện đang có một công ty tài chính tại Tp. HCM, nhưng doanh nhân Dominic Scriven không chỉ biết đến lợi nhuận mà còn quan tâm đến môi trường thiên nhiên. Mỗi năm, ông Dominic bỏ ra hơn 10 tỷ đồng để tài trợ cho Tổ chức Bảo vệ Động vật Hoang dã (WAR) do mình sáng lập và hoạt động tại Việt Nam từ năm 2004 đến nay.


“Nếu không làm ngay từ bây giờ, các thế hệ mai sau sẽ không còn cơ hội nhìn thấy nhiều loại ĐVHD. Trước đây rừng còn nhiều, người dân có bắt vài con thú ăn xem ra không ảnh hưởng mấy. Còn bây giờ rừng ít, thịt thú rừng được xem như món hàng hóa hạng sang, thì vấn đề lại rất nghiêm trọng”, ông Dominic trăn trở về bền vững tự nhiên cho người Việt trong tương lai.

Cũng theo ông Dominic, do sức ép của cuộc sống mưu sinh, con cái, học hành nên người Việt Nam không quan tâm nhiều đến đa dạng sinh học. WAR hoạt động nhằm nâng cao ý thức bảo vệ thiên nhiên cho người Việt Nam, đặt biệt là những người trẻ vì “đây là những người cởi mở, có học vấn và dễ tiếp nhận cái mới”. Hoạt động của WAR tập trung vào xây dựng các trạm cứu hộ ĐVHD, thực hiện gắn chip điện tử trên một số loài thú nuôi nhốt để quản lý, tuyên truyền và phối hợp với các cơ quan truyền thông để nâng cao ý thức của người dân, khảo sát đa dạng sinh học để lên kế hoạch phối hợp bảo vệ…

…‘người trong’ vẫn tiêu thụ và đe dọa ĐVHD


Một khảo sát với 4.000 người dân thuộc nhiều tầng lớp tại Tp. HCM do WAR phối hợp với Khoa Sinh, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên Tp. HCM, tiến hành và công bố vào cuối tháng 5 vừa rồi cho thấy: Người có chức vụ, học vấn cao sử dụng sản phẩm ĐVHD nhiều hơn các đối tượng khác. Kết quả này không làm mọi người ngạc nhiên, bởi lẽ công nhân, nông dân, sinh viên làm sao dám bỏ khoản tiền bằng cả tháng lương của mình để thưởng thức một vài món thịt rừng.

Lý giải cho việc người Việt thích ăn thịt ĐVHD, ông Dominic nói: “Họ ăn để nhớ lại thời khó khăn trước đây, ăn vì thấy ngon hơn và cả để thể hiện mình. Cái khó là cơ quan thực thi pháp luật lại không thể xử lý đối tượng trực tiếp sử dụng thịt ĐVHD”.

Thực tế, Việt Nam không thiếu luật, nhưng lại thiếu hiệu quả. Mức xử phạt quá nhỏ so với khoản lời thu được và thực tế, rất hiếm trường hợp bị xử lý, nên nhiều người sẵn sàng vi phạm. Ông Nguyễn Vũ Khôi, Giám đốc WAR, cho rằng, hiện tại việc thực thi các quy định liên quan đến ĐVHD chưa cao và chưa đồng đều nên chỉ mang tính ‘chấn chỉnh’.

Hiện vẫn có nhiều người dân ở vùng gần rừng săn bắt ĐVHD như kế sinh nhai. Nhưng nhu cầu đang gia tăng của tầng lớp có chức, có quyền, có tiền ở thành thị mới là đe doạ lớn nhất đối với sự tồn tại của ĐVHD.

Theo Bay Vút

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét