Thứ Năm, 16 tháng 6, 2011

Thử nghiệm mô hình dự báo kinh tế ngắn hạn

Thử nghiệm mô hình dự báo kinh tế ngắn hạn
Khánh An
(baodautu.vn) Tốc độ tăng trưởng GDP sẽ khoảng 5,3%, với tỷ lệ lạm phát 16,9% là dự báo cho nền kinh tế Việt Nam năm 2011 theo mô hình kinh tế lượng vĩ mô ngắn hạn mà Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Việt Nam (CIEM) đang thử nghiệm trên số liệu theo quý.
Dự báo này được xây dựng trên các giả thiết rằng, so với năm 2010, VND mất giá 14% so với USD; GDP của các đối tác thương mại chủ yếu tăng 5%; giá nhập khẩu (theo USD) tăng 3%; cung tiền tăng 16%; lãi suất cho vay duy trì ở mức 20 - 22%; chi đầu tư từ ngân sách theo giá so sánh sẽ thực sự cắt giảm trong quý III và quý IV theo yêu cầu của Nghị quyết 11/NQ-CP.
Theo mô hình thử nghiệm, nếu các biện pháp thắt chặt tín dụng, kiểm soát đầu tư công được thực hiện nghiêm khắc, thì khả năng lạm phát sẽ dịu lại hơn vào quý III, quý IV, chứ chưa thể dừng lại vào quý II/2011 như kỳ vọng, do độ trễ chính sách tiền tệ thường khoảng 3, thậm chí là 4 quý. Chính độ trễ chính sách này cho thấy, lạm phát năm 2011 được dự báo vẫn ở mức cao như vậy.
So với kịch bản kinh tế Việt Nam mà Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) - thuộc Trường đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) vừa công bố, thì kết quả về lạm phát theo mô hình thử nghiệm của CIEM ở mức trung bình giữa kịch bản tích cực và kịch bản thấp của nền kinh tế, tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng GDP theo mô hình của CIEM thấp hơn khá nhiều so với kịch bản của VEPR.
Bà Đinh Hiền Minh, Phó trưởng ban Nghiên cứu kinh tế vĩ mô và hội nhập quốc tế (thuộc CIEM), thành viên Nhóm nghiên cứu cho rằng, mặc dù đang trong giai đoạn thử nghiệm, song mô hình này được kỳ vọng sẽ đưa ra những dự báo định kỳ, phân tích chính sách, phục vụ tư vấn chính sách kịp thời theo từng quý cũng như đánh giá tác động của chính sách mới ban hành tới nền kinh tế trong ngắn hạn.
So với mô hình kinh tế lượng vĩ mô dùng số liệu năm, mô hình này có ưu việt là tạo nền tảng cho các dự báo ngắn hạn, bởi mô hình kinh tế lượng vĩ mô dùng số liệu năm không thể dự báo ngắn hạn một cách chính xác do tần suất chuỗi số liệu thấp. “Sử dụng mô hình kinh tế lượng vĩ mô ngắn hạn cho phép phân tích tác động thực tế của chính sách mới ban hành và điều này có thể giúp các cơ quan tư vấn chính sách có cơ sở đánh giá và điều chỉnh chính sách kịp thời nhằm đảm bảo hiệu quả cao nhất của chính sách trong từng thời điểm”, bà Minh phân tích.
Hơn nữa, theo mô hình mà CIEM đang thử nghiệm với sự hỗ trợ về chuyên môn của TS. Rudolf Zwiener và hỗ trợ về tài chính của Tổ chức Hợp tác kỹ thuật Đức (GIZ), các phân tích về chu kỳ kinh doanh và dự báo ngắn hạn sẽ được phản ánh tốt hơn so với mô hình sử dụng số liệu năm.
“Trong thời gian qua, những biến động kinh tế thế giới và trong nước diễn ra liên tục và khó lường, đòi hỏi các chính sách điều hành linh hoạt hơn. Với hệ thống số liệu theo quý ngày càng được hoàn thiện do Tổng cục Thống kê, Bộ Tài chính và một số cơ quan liên quan công bố chính thức, việc thực hiện mô hình dự báo ngắn hạn hoàn toàn có thể thực hiện được”, bà Minh nói.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét