Thứ Tư, 13 tháng 12, 2023

Hoan hô nước Nga càng ngày càng kiên cường và mạnh mẽ

Hoan hô nước Nga càng ngày càng kiên cường và mạnh mẽ
1. Nga sẽ không chấp nhận thỏa thuận 'Minsk 3.0' về Ukraine
13/12/2023 - Chiến lược gia người Nga cho rằng: Nga không sợ Ukraine như chính Ukraine, Nga sợ Ukraine trở thành bức tường thành của phương Tây ở biên giới Nga. Vì vậy, họ phải đảm bảo phương Tây sẽ không thể sử dụng Ukraine như một công cụ, như một bức tường thành chống lại Nga.
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu (giữa) phát biểu trong cuộc đàm phán hòa bình ở Istanbul giữa các phái đoàn Nga và Ukraine ngày 29/3/2022. Ảnh: Anadolu/Getty Images

Những tuần gần đây đã chứng kiến một loạt các báo cáo truyền thông và nhận xét của các quan chức về các cuộc đàm phán hòa bình có thể nhằm chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine. Tuy nhiên, chiến lược gia chính sách đối ngoại người Nga Dmitry Suslov cho biết, sự thâm hụt lòng tin giữa Moskva và Washington dường như quá lớn để có thể đi đến một nỗ lực như vậy.

Lời thừa nhận của Tổng tư lệnh Lực lượng Vũ trang Ukraine Valery Zaluzhny với truyền thông Anh vào đầu tháng 11 rằng cuộc phản công của Ukraine đã chùn bước và sẽ không có “đột phá sâu” đã được nối tiếp bằng một loạt báo cáo trên các phương tiện truyền thông Mỹ và châu Âu về việc giới chức phương Tây đề cập đến đàm phán hòa bình, và thậm chí còn “gây áp lực” lên Tổng thống Zelensky để thực hiện một thỏa thuận.

Về mặt công khai, các quan chức Mỹ tỏ ra cứng rắn, đảm bảo rằng bất kỳ cuộc đàm phán hòa bình nào cũng sẽ “theo các điều kiện được Ukraine chấp nhận”, nhằm cố gắng thuyết phục rằng chiến dịch Ukraine không phải là một thất bại và việc cung cấp hàng chục tỷ USD vũ khí, khí tài quân sự của NATO không phải là vô ích.

Nga hoặc sẽ phải “đến bàn đàm phán với những điều khoản có thể được Ukraine chấp nhận, hoặc họ sẽ phải đối mặt với một Ukraine mạnh hơn, được hỗ trợ bởi một cơ sở công nghiệp quốc phòng mạnh hơn ở Mỹ, châu Âu và ở Ukraine có nhiều năng lực hơn để tiếp tục tấn công”, Phó cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Finer cảnh báo trong cuộc nói chuyện tại một tổ chức tư vấn trong tuần trước.

Đáp lại, Điện Kremlin bác bỏ bình luận của ông Finer là “hoàn toàn phi thực tế”. “Tôi không nghĩ rằng có những điều kiện tiên quyết cần thiết cho các cuộc đàm phán hòa bình”, chiến lược gia chính sách đối ngoại người Nga Dmitry Suslov nói với Sputnik.

“Những lý do khách quan khiến phương Tây quan tâm đến các cuộc đàm phán hòa bình là có vì mối tương quan giữa các lực lượng trong cuộc xung đột ở Ukraine đang chuyển sang có lợi cho Nga. Và tôi nghĩ ưu thế vượt trội của Nga về mọi mặt trên mặt trận sẽ tiếp tục gia tăng - về số lượng người, về vũ khí và đạn dược, về khả năng vận chuyển và cung cấp những vũ khí và đạn dược đó cho mặt trận, bao gồm cả những phương tiện mới nhất của chiến tranh đương đại như máy bay không người lái và hệ thống chống vô tuyến... Vì vậy, Nga sẽ tiếp tục gia tăng lợi thế của mình và theo thời gian, lợi thế này chắc chắn sẽ chuyển thành những bước đột phá trên mặt trận”, ông Suslov giải thích.

Nhà quan sát này tin rằng, các chuyên gia địa chính trị tân tự do và tân bảo thủ hàng đầu của Mỹ nhận ra điều này, do đó đã bất ngờ kêu gọi đình chiến, hay một số hình thức dàn xếp ngoại giao hoặc ít nhất là đóng băng xung đột.

“Nhưng từ quan điểm của Nga, chúng tôi không thấy chính quyền Biden sẵn sàng cho các cuộc thảo luận nghiêm túc. Rất có thể họ muốn, như người Mỹ thường nói, ‘ném cái lon xuống đường’ cho đến cuộc bầu cử [Tổng thống Mỹ 2024] và sau đó nghĩ xem điều gì sẽ xảy ra tiếp theo sau cuộc bầu cử”, chiến lược gia Suslov nói.

Quân nhân Nga bắn tên lửa đa năng BM-21 Grad về phía các vị trí của Ukraine, tại một địa điểm không xác định ở Donetsk. Ảnh: Sputnik

Mối quan ngại thực sự của Nga

Một báo cáo gần đây của một nhà báo Mỹ có uy tín cho rằng các tiếng nói đằng sau hậu trường ở Washington đã đưa ra những thăm dò về một thỏa thuận hòa bình với Nga liên quan đến việc đóng băng xung đột dọc theo đường ranh giới hiện tại của nước này, để đổi lấy việc đưa Ukraine vào NATO.

Ông Suslov nhấn mạnh, chủ đề như vậy đánh dấu sự hiểu lầm cơ bản về mối quan ngại an ninh thực tế của Nga.

“Tất cả họ đều nói về việc công nhận trên thực tế quyền kiểm soát lãnh thổ của Nga và biến phần còn lại của Ukraine trở thành một quốc gia chống Nga, về việc đưa Ukraine vào quỹ đạo phương Tây dưới hình thức này hay hình thức khác, quân sự hóa mạnh mẽ Ukraine. Họ nói về mô hình của Israel hoặc mô hình của Hàn Quốc, cả hai đều ám chỉ Ukraine trở thành một pháo đài quân sự hóa chống Nga với mối liên hệ rất chặt chẽ với phương Tây. Điều này là hoàn toàn không thể chấp nhận được đối với Nga. Đây là một tầm nhìn sai lầm vì Nga sẽ không bao giờ hài lòng chỉ về lãnh thổ. Lý do cơ bản nhất khiến Nga tham gia cuộc xung đột này là an ninh – những câu hỏi cơ bản hơn về an ninh châu Âu”, nhà quan sát địa chính trị Suslov cho biết.

Ông Suslov nói rằng, Moskva không tập trung vào lãnh thổ, mà tập trung vào “quan hệ Ukraine-NATO, tương lai sự hiện diện của NATO trên lãnh thổ Ukraine, tương lai của việc quân sự hóa Ukraine và phi quân sự hóa” (như đã nêu trong dự thảo hiệp ước hồi tháng 12/2021 của Bộ Ngoại giao Nga về đảm bảo an ninh).

Theo đó, “nếu phương Tây không sẵn sàng giải quyết những vấn đề đó”, chính phủ Nga sẽ rất khó có khả năng chấp nhận các cuộc đàm phán hòa bình hoặc thậm chí là đình chiến, nhà phân tích này tin tưởng.
Các thành viên Lữ đoàn 56 Ukraine nã hỏa lực gần Bakhmut vào ngày 10/11/2023. Ảnh: Getty Images

Cạn kiệt niềm tin

Về cơ bản, theo ông Suslov, tâm điểm của cuộc khủng hoảng Nga - phương Tây nằm ở việc Moskva hoàn toàn thiếu niềm tin vào Mỹ và các đồng minh của nước này.

“Toàn bộ thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh là sự lừa dối liên tục không ngừng của phương Tây, bắt đầu từ việc mở rộng NATO và kết thúc bằng Thỏa thuận Minsk”, nhà quan sát Suslov nói, đề cập đến thỏa thuận hòa bình được ký kết ở thủ đô Belarus vào tháng 2/2015 nhằm mục đích giải quyết cuộc khủng hoảng ở Donbas. Theo Moskva, các chính phủ liên tiếp của Ukraine đã từ chối thực hiện Thỏa thuận Minsk trong suốt 7 năm sau đó.

Ông Suslov nói thêm: “Nga thực sự quan tâm đến việc thực hiện các hiệp định này, nhưng bây giờ chúng tôi biết rằng phía phương Tây không có ý định thực hiện chúng và phương Tây cần những thỏa thuận đó để câu giờ và quân sự hóa Ukraine cho cuộc chiến chống lại Nga trong tương lai”. Ông Suslov ám chỉ những bình luận gần đây về vấn đề này của cựu Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko, cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel và cựu Tổng thống Pháp Francois Hollande.

Theo nhà phân tích Suslov, việc các cường quốc phương Tây phá hoại cuộc đàm phán hòa bình Nga-Ukraine vào mùa xuân năm 2022 - được tổ chức vào những tuần đầu tiên sau khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt, là ví dụ mới nhất về việc Moskva hoàn toàn không thể tin tưởng phương Tây. Khi đó, Moskva đã sẵn sàng quay trở lại ranh giới trước xung đột để đổi lấy những đảm bảo an ninh về quy chế trung lập của Ukraine.

“Bạn biết đấy, đây là cơ hội để Ukraine khôi phục gần 99% toàn vẹn lãnh thổ, đạt được an ninh, chấm dứt chiến tranh, cứu sống hàng nghìn người, cứu nền kinh tế... Phương Tây đã làm gì? Phương Tây đã phá vỡ thỏa thuận hòa bình này. Tại sao? Vì phương Tây quyết định lợi dụng cuộc xung đột này để làm suy yếu nước Nga, gây ra thất bại quân sự, thất bại kinh tế và cô lập chính trị quốc tế đối với Nga”, chiến lược gia chính sách đối ngoại kỳ cựu nói.

Ông Suslov cũng nhấn mạnh: “Mục tiêu là loại bỏ Nga với tư cách một cường quốc, giải quyết ‘vấn đề Nga’ trong quan hệ quốc tế và thay đổi đáng kể cán cân quyền lực toàn cầu theo hướng có lợi cho phương Tây”.

Ông Suslov tự tin đánh giá rằng Nga sẽ không đồng ý với bất kỳ thỏa thuận hòa bình kiểu Minsk 3.0 nào để làm hài lòng giới tinh hoa NATO, và Moskva cũng sẽ không chấp nhận tư cách thành viên của Ukraine trong khối quân sự phương Tây này.

“Phải có những đảm bảo chắc chắn và một thực tế là Ukraine không còn có thể tạo ra mối đe dọa quân sự cho Nga với sự giúp đỡ của phương Tây. Nga không sợ Ukraine như chính Ukraine, Nga sợ Ukraine trở thành bức tường thành của phương Tây ở biên giới Nga. Vì vậy, phải có một thực trạng mà trong đó Mỹ và phương Tây sẽ không thể sử dụng Ukraine như một công cụ, như một bức tường thành chống lại Nga. Và tôi nghĩ rằng chiến dịch quân sự đặc biệt sẽ tiếp tục cho đến thời điểm đó”, nhà quan sát này đánh giá.

2. Đánh giá kinh tế Nga sau gần 2 năm xung đột với Ukraine

13/12/2023 Theo hãng tin AFP, gần hai năm sau khi nổ ra xung đột ở Ukraine, nền kinh tế Nga đã chứng tỏ khả năng phục hồi đáng kinh ngạc trước các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Khi chuẩn bị tái tranh cử vào năm 2024, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố thời kỳ tồi tệ nhất đối với nền kinh tế Nga đã qua.

Tuy nhiên, các nhà kinh tế cho rằng nền kinh tế thời chiến của Nga có thể đang có dấu hiệu quá nóng, trong khi các nhà lãnh đạo phương Tây đang hy vọng các lệnh trừng phạt cuối cùng sẽ có tác dụng.

Một nguồn tin ngoại giao của Pháp cho rằng các lệnh trừng phạt kinh tế sẽ bắt đầu được cảm nhận vào cuối năm 2024 hoặc đầu năm 2025.

Một nguồn tin ngoại giao châu Âu khác nói với AFP: “Các biện pháp trừng phạt giống như một vết thủng nhỏ trên lốp xe. Nó không ‘xì hơi’ ngay lập tức nhưng sẽ có tác động”.

Agedit Demarais, nhà phân tích tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu, nêu quan điểm: Đó là một cuộc đua đường dài chứ không phải một cuộc chạy nước rút.

Bà cho biết mục tiêu của các biện pháp trừng phạt không phải là làm cho kinh tế Nga sụp đổ vì có thể tác động tới toàn cầu. Bà giải thích mục đích của các biện pháp trừng phạt là hạn chế nguồn lực của Nga để đầu tư cho cuộc chiến với Ukraine.

Đến nay EU đã áp đặt 11 gói trừng phạt Nga kể từ khi xung đột với Nga nổ ra vào tháng 2/2022, bao gồm cả việc đánh vào ngành xuất khẩu dầu khí quan trọng của Moskva. Gói trừng phạt thứ 12, bao gồm lệnh cấm nhập khẩu kim cương của Nga, đang được xem xét.

Theo số liệu chính thức, 49% hàng xuất khẩu của châu Âu sang Nga và 58% hàng nhập khẩu của Nga đang bị trừng phạt.

Ngay cả khi Nga trở thành quốc gia bị phương Tây trừng phạt nhiều nhất trên thế giới, nền kinh tế của nước này chỉ bị ảnh hưởng nhưng không bị tàn phá.

Các nhà quan sát cho rằng các cuộc khủng hoảng kinh tế trong quá khứ và loạt lệnh trừng phạt đầu tiên của phương Tây liên quan đến việc sáp nhập Crimea vào năm 2014 đã giúp Nga rút ra những bài học để quản lý rủi ro tốt hơn.

Trong khi đó, Điện Kremlin hiện có kế hoạch tăng chi tiêu quốc phòng lên gần 70% vào năm 2024, một dấu hiệu cho thấy Moskva có thể đang chuẩn bị cho một cuộc chiến kéo dài ở Ukraine.

“Chúng tôi đã khắc phục mọi vấn đề nảy sinh sau khi các lệnh trừng phạt được áp đặt lên Nga và chúng tôi đã bắt đầu giai đoạn phát triển tiếp theo”, Tổng thống Putin tuyên bố vào tháng 10.

Theo thống kê chính thức của Nga, tổng sản phẩm quốc nội của nước này đã tăng 5,5% trong quý 3 năm nay và tăng trưởng kinh tế được dự đoán ở mức 2% trong năm tới.

Alexandra Prokopenko, học giả tại Trung tâm Á-Âu Carnegie Russia, cho biết nền kinh tế Nga hoạt động tốt nhưng các chỉ số hoạt động có thể đang gây hiểu nhầm. Bà Prokopenko, người từng làm việc tại ngân hàng trung ương Nga từ năm 2019 đến đầu năm 2022, nêu rõ: “Tất cả đều là triệu chứng của tình trạng quá nóng khi 1/3 tăng trưởng là nhờ chi tiêu quân sự”.

Bà Prokopenko nói với AFP: “Sự phụ thuộc vào dầu mỏ cũng tăng lên và giờ đây điều đó mạnh hơn so với trước xung đột”.

Để giúp vượt qua các lệnh trừng phạt liên quan đến việc bán dầu, Nga đã thiết lập một đội tàu “hỗn hợp” số lượng lớn và cơ sở hạ tầng tài chính song song. Theo chuyên gia Prokopenko, thu nhập xuất khẩu chính của Nga vẫn đến từ việc bán nhiên liệu hóa thạch.

Theo Global Witness, một cơ quan giám sát môi trường, xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Nga vào EU đã tăng 40% trong 7 tháng đầu năm nay, lên tới gần 5,3 tỷ euro. Bà Prokopenko cho biết ngay cả các công ty châu Âu cũng sẵn sàng tiếp tục giao dịch với Nga, bao gồm cả hàng hóa có công dụng kép, nếu những giao dịch này có thể được chuyển qua nước thứ ba.

Về phần mình, chuyên gia Demarais thừa nhận rằng có "sự không nhất quán" trong việc hoạch định chính sách của châu Âu đối với Nga nhưng nói thêm rằng rất khó để ước tính khả năng phục hồi lâu dài của Moskva.

Viết cho Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, ông Denis Volkov và Andrei Kolesnikov cho rằng người Nga đã thích nghi với các điều kiện kinh tế mới chỉ trong vòng một năm. Họ lưu ý: “Hầu hết người Nga hiểu rằng cuộc chiến ở Ukraine sẽ không kết thúc sớm và họ cố gắng không tập trung quá nhiều vào các chủ đề quân sự hoặc diễn biến ở mặt trận. Có vẻ xã hội Nga đã học được cách không quá lo lắng về xung đột".

https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/ly-do-nga-se-khong-chap-nhan-thoa-thuan-minsk-30-ve-ukraine-20231213162355007.htm
https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/danh-gia-kinh-te-nga-sau-gan-2nam-xung-dot-voi-ukraine-20231213155010969.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét