Thứ Bảy, 1 tháng 6, 2019

Nền kinh tế trước nỗi sợ... doanh nghiệp sân sau

Kinh tế sân sau tuy mang tiếng tư nhân nhưng thực sự là trá hình do mấy sếp lợi dụng quan hệ với chính quyền. Đoạn này hay: Cái đáng sợ nhất trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam không phải là sự lấn át của doanh nghiệp nhà nước đối với doanh nghiệp tư nhân mà chính là sự phát triển của một nền kinh tế tư nhân dựa trên các doanh nghiệp sân sau. Các DNTN lớn hay siêu lớn đang có quan hệ chặt chẽ với các cơ quan chính quyền, đặc biệt là các bộ phận cơ quan hay cá nhân có quyền quyết định về chính sách. Trên thực tế, các doanh nghiệp loại này cũng đang nhận nhiều ưu ái trong tiếp cận các nguồn lực về cả tài chính, tài nguyên và thương quyền, cũng như các dự án kinh tế có khả năng sinh lời cao. Họ cũng nhận ra rằng các DNTN sẽ có tương lai hơn vì phát triển hợp với xu thế chung; trong khi đó, các DNNN thì đã, đang và sẽ phải đối đầu với khả năng bị cổ phần hay tư nhân hóa, tức bị giải thể.
Nền kinh tế trước nỗi sợ... sân sau
Nguyên Lê, 31/5/2019, (TBKTSG) - Tại Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu rằng “Đừng kỳ thị với kinh tế tư nhân, phải công bằng...”. Tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình truyền thông điệp điều hành của Chính phủ là “Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; thúc đẩy hình thành những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn”.
Các doanh nghiệp tư nhân sẽ có tương lai hơn vì 
phát triển hợp với xu thế chung. Ảnh: MINH DUY
TBKTSG trao đổi với LS. Nguyễn Tiến Lập(*) về các vấn đề liên quan đến định hướng phát triển kinh tế tư nhân, doanh nghiệp tư nhân nói chung và tập đoàn kinh tế tư nhân nói riêng, đặt trong bức tranh chung về các thành phần kinh tế, loại hình doanh nghiệp hiện nay và những thách thức mới đang đặt ra xung quanh các từ khóa “sân sau”, “lợi ích nhóm”, “chủ nghĩa tư bản thân hữu”...

TBKTSG: Tại tọa đàm “Xây dựng môi trường phát triển cho ngành hàng không”, ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), nói rằng doanh nghiệp nhà nước (DNNN) như ACV cũng cần có quyền bình đẳng với doanh nghiệp tư nhân (DNTN), trong khi đó, ông Đặng Tất Thắng, Phó chủ tịch Thường trực của Bamboo Airways, lại nói “một sân chơi bình đẳng cũng là điều duy nhất mà hãng hàng không tư nhân chúng tôi mong muốn”. Ông có thấy rằng việc cả doanh nghiệp nhà nước và tư nhân đều đòi hỏi “bình đẳng” là một... nghịch lý?


- LS. Nguyễn Tiến Lập: Khi thảo luận vấn đề này chúng ta nên lưu ý hai khía cạnh hoàn toàn khác nhau.
Khía cạnh thứ nhất, xã hội đang bàn câu chuyện bình đẳng giữa các doanh nghiệp từ góc nhìn chính trị. Có nghĩa rằng Đảng, Nhà nước quan niệm và đối xử thế nào đối với hai khu vực kinh tế quốc doanh và dân doanh hay DNNN và DNTN. Khía cạnh này thực ra đã rõ, với các quy định trong nghị quyết của Đảng, pháp luật và thông điệp gần đây nhất của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước là đừng kỳ thị kinh tế tư nhân.
Còn khía cạnh thứ hai, tôi cho rằng mới quan trọng, có ý nghĩa thực chất, lâu dài và cũng đáng quan ngại hơn. Đó là liệu rằng mọi doanh nghiệp trên thị trường có được bảo đảm quyền tự do cạnh tranh hay không. Tức họ được cạnh tranh với nhau một cách lành mạnh, bằng nội lực của mình và vì lợi ích của người tiêu dùng mà không bị tác động, chi phối, lũng đoạn hay bóp méo của các yếu tố ngoại lai, bao gồm cả sự can thiệp của các cơ quan hay quan chức nhà nước.
Trên nền nhận thức chung và rành mạch như vậy, tôi thấy rằng nếu nghe qua ta thấy có sự nghịch lý nhưng việc lãnh đạo của hai doanh nghiệp lớn trong ngành hàng không kia, một của Nhà nước, một của tư nhân cùng lúc kêu gọi sự bình đẳng là có cái lý của họ.
TBKTSG: Ông có thể nói rõ hơn về điều này?
- Tôi xin giải mã vấn đề theo cả hai khía cạnh.
Một là, có vẻ hiện nay đang có sự mất uy tín, đánh giá thấp, thậm chí là thành kiến của xã hội liên quan đến khu vực DNNN nói chung. Lý do đơn giản là sau một thời gian dài được nhận ưu đãi nhiều, các doanh nghiệp này vẫn làm ăn không hiệu quả và liên quan nhiều đến tiêu cực, tham nhũng. Trong số DNNN, có thể có doanh nghiệp không đến nỗi như vậy nhưng nói chung cũng bị mang tiếng lây. Cụ thể, ngay cả chính các cơ quan nhà nước cũng không còn tin tưởng vào năng lực của DNNN nữa khi phải đối mặt với sức ép phải hoàn thành các dự án kinh tế cụ thể.
Ở một góc nhìn khác, từ góc độ pháp lý và quản lý nhà nước, DNNN đang phải chịu nhiều trói buộc hơn, ít có sự tự do và linh hoạt như DNTN. Do đó, khi phải hành xử trong kinh doanh theo quy luật thị trường, DNNN phải chịu các rủi ro lớn hơn, bao gồm cả rủi ro về pháp lý đối với nhân sự lãnh đạo, trừ trường hợp các doanh nghiệp đang nắm giữ vị thế độc quyền nhất định. Cho nên, việc kêu cứu hay đòi bình đẳng cho DNNN thực chất phản ánh một tâm trạng hay tâm lý tiêu cực của các lãnh đạo doanh nghiệp khi cảm thấy sự khó khăn và bất lực nhất định của mình trong quản trị, điều hành.
Hai là, các lãnh đạo DNNN có thể bắt đầu nhìn thấy một xu hướng mới, đó là các DNTN lớn hay siêu lớn đang có quan hệ chặt chẽ với các cơ quan chính quyền, đặc biệt là các bộ phận cơ quan hay cá nhân có quyền quyết định về chính sách. Trên thực tế, các doanh nghiệp loại này cũng đang nhận nhiều ưu ái trong tiếp cận các nguồn lực về cả tài chính, tài nguyên và thương quyền, cũng như các dự án kinh tế có khả năng sinh lời cao. Họ cũng nhận ra rằng các DNTN sẽ có tương lai hơn vì phát triển hợp với xu thế chung; trong khi đó, các DNNN thì đã, đang và sẽ phải đối đầu với khả năng bị cổ phần hay tư nhân hóa, tức bị giải thể.
Tuy nhiên, cũng phải nói thêm rằng, khi các DNTN lớn mà đòi hỏi bình đẳng thì còn có thể ngầm hiểu cả việc họ đang bị đối xử kém ưu ái hơn so với đối thủ cạnh tranh của họ là các DNTN khác. Điều này có thể không phải luôn luôn như vậy nhưng đúng trong từng tình huống hay khía cạnh cụ thể nào đó.
- Trước hết, nói về vai trò của các doanh nghiệp nhỏ và vừa hay gọi là các SME. Tôi cho rằng mặc dù Việt Nam có luật hỗ trợ các doanh nghiệp này nhưng trên thực tế chưa bao giờ chúng ta coi trọng nó, xét từ cả ba góc độ: Thứ nhất, cơ hội tiếp cận các nguồn lực của quốc gia và thị trường như đất đai, tài nguyên, thương quyền và tín dụng; thứ hai, các hỗ trợ trực tiếp từ Nhà nước như tín dụng, đào tạo và đổi mới công nghệ; và thứ ba, bảo đảm sự cạnh tranh lành mạnh và bình đẳng với các doanh nghiệp khác trên thương trường. Trong khi trên thế giới, đặc biệt ở các nước phát triển, thì có một thực tế ngược lại. Tôi đã được gặp Giáo sư Herman Simon, một chiến lược gia về phát triển doanh nghiệp hàng đầu của Đức và thế giới, để nghe ông nói về chủ thuyết của mình. Theo đó, chính các doanh nghiệp nhỏ và vừa, chứ tuyệt nhiên không phải là các tập đoàn lớn, mới là nền tảng phát triển và được gọi là “Các nhà vô địch ẩn danh” (Hidden Champions) của nền kinh tế Đức nói riêng và các nền kinh tế phát triển ở châu Âu và Mỹ nói chung.
TBKTSG: Nhiều người đặt câu hỏi: đằng sau sự “lên ngôi” của không ít doanh nghiệp tư nhân rất lớn hiện nay là gì? Nếu tất cả các doanh nghiệp tư nhân, mà đa số hiện nay là doanh nghiệp nhỏ và vừa, cũng đều “bình đẳng” với nhau, đều khỏe mạnh thì đó há chẳng phải là điều tốt, là động lực thực sự cho nền kinh tế phát triển hay sao?
Vậy, đằng sau sự “lên ngôi” của các tập đoàn DNTN lớn hay cả sự hiện diện của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đa quốc gia lớn là gì? Đó chính là hình bóng của tư duy và định hướng chính sách. Chúng ta vẫn muốn đạt được và duy trì các chỉ số GDP bề nổi thật cao, trong khi muốn đạt được điều đó thì cách duy nhất có thể sử dụng là tăng đầu tư và tăng xuất khẩu. Nên nhớ cả tỷ trọng đầu tư và tỷ trọng xuất khẩu trong tăng trưởng GDP của Việt Nam đang thuộc hàng cao nhất thế giới. Mà ai có thể đầu tư và xuất khẩu nhanh, nhiều? Chỉ có thể là các DNTN lớn và doanh nghiệp FDI. Cũng bởi thế trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp này đang có nhiều cơ hội nhất cả từ góc độ chính sách và thị trường. Cho nên tôi e rằng, chừng nào định hướng phát triển của Chính phủ chưa thật sự hướng vào việc làm và an sinh cho người dân thì chừng ấy, các doanh nghiệp SME khó có thể mơ tới sự cạnh tranh bình đẳng được.
TBKTSG: Báo chí dẫn một khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đối với doanh nghiệp tư nhân, theo đó 73% trả lời rằng chính quyền có ưu ái doanh nghiệp tư nhân sân sau. Doanh nghiệp sân sau có hình dáng như thế nào, theo hình dung của ông và hệ sinh thái nào đã giúp nó hình thành, phát triển?
- Tôi đã cảm nhận kết quả khảo sát này gây sốc nhưng nó rất thật. Để phân tích ta nhìn thấy hai phần khác biệt: Phần “tảng băng nổi” của các chính sách, đó là ưu tiên đối với DNNN và doanh nghiệp FDI, còn phần “tảng băng chìm” lớn hơn và đang lo ngại hơn chính là sự ưu ái cho các DNTN “sân sau”. Trong một bài viết trên báo gần đây, tôi đã tạm định nghĩa “doanh nghiệp sân sau”. Coi đó là một hình thức để các quan chức trong bộ máy nhà nước kinh doanh kiếm lời thông qua việc nắm giữ cổ phần sở hữu được che giấu, hoặc không nắm giữ sở hữu nhưng có quan hệ chi phối, tác động hay hỗ trợ để được chia lợi nhuận một cách thường xuyên từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hay từ các dự án, thương vụ cụ thể. Đồng thời, tôi cho rằng hệ thống chính trị của chúng ta muốn đối phó với hiện tượng này cũng rất khó khăn. Lý do bởi gắn với các doanh nghiệp sân sau, không chỉ có các quan chức tham gia đơn lẻ, mà trong nhiều trường hợp, có sự tham gia, phối hợp có tính hệ thống và tổ chức của cả nhóm quan chức một ngành hay liên ngành, thậm chí cả một cơ quan nhất định.
Từ góc nhìn pháp lý, giải pháp kiểm soát hay hạn chế hiện trạng này là sửa đổi Luật Phòng chống tham nhũng. Bởi hiện nay, luật này chỉ điều chỉnh các hành vi lạm dụng và trục lợi đơn lẻ trong khu vực công hoặc tư mà không động chạm tới lĩnh vực thứ ba là các mối quan hệ liên kết để tham nhũng có tổ chức, thường xuyên giữa hai khu vực này. Tuy nhiên, điều căn cốt vẫn là thay đổi nhận thức. Theo đó, phải thấy rằng nếu các hành vi tham nhũng thông thường chỉ làm suy thoái đạo đức của một bộ phận quan chức nhà nước thì các “doanh nghiệp sân sau” như là biểu hiện của “chủ nghĩa tư bản thân hữu”, nếu lan rộng, sẽ làm suy thoái hay méo mó sự phát triển của cả một nền kinh tế hay cả quốc gia. Do vậy, tôi đồng tình với một cảnh báo rằng: Cái đáng sợ nhất trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam không phải là sự lấn át của DNNN đối với DNTN mà chính là sự phát triển của một nền kinh tế tư nhân dựa trên các doanh nghiệp sân sau.
TBKTSG: Quay lại với mục tiêu phát triển kinh tế tư nhân, DNTN hiện nay, theo ông, đâu là cách tiếp cận căn bản, bền vững nhất, mà cũng là... bình đẳng nhất theo nghĩa chúng ta đang thảo luận? Chắc hẳn đó không phải cách so bó đũa chọn cột cờ để tập trung ưu đãi nguồn lực hay tiếp tục chạy đua xin - cho với phiên bản đặc biệt mang tên “đại gia”?
- Đây là vấn đề lựa chọn mô hình phát triển. Chúng ta có thể lựa chọn mô hình Hàn Quốc, tức lấy các tập đoàn doanh nghiệp tư nhân lớn hay siêu lớn (chaebol) làm trụ cột cho nền kinh tế để trông đợi các kết quả tương tự. Chẳng hạn, gần đây theo thống kê, chỉ năm tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc đã kiểm soát tới khoảng 60% GDP của nước này. Tuy nhiên, cũng từ kinh nghiệm của Hàn Quốc, đừng bao giờ nghĩ rằng các doanh nghiệp quá lớn thì sẽ không thể sụp đổ (“too big to fail”). Chính tập đoàn Daewoo đứng đầu đã phá sản và các tập đoàn khác phải tái cấu trúc trong cuộc khủng hoảng năm 1999. Đáng lưu ý là nền kinh tế Hàn Quốc đã có những thay đổi tích cực từ các bài học đó dựa trên sự đột phá công nghệ, nền tảng pháp quyền và tư pháp độc lập; nhưng đó lại chính là các yếu tố mà chúng ta chưa có ở Việt Nam. Ngoài ra, nếu nền kinh tế Việt Nam lại đứng trên các trụ cột là DNTN có sở hữu nước ngoài thì e rằng các rủi ro sẽ còn lớn hơn.
Do đó, để học hỏi, tôi vẫn cho rằng các kinh nghiệm và mô hình phát triển ở Đài Loan sẽ thích hợp hơn với Việt Nam, hay ít ra là định hướng này. Đó là một nền kinh tế thị trường tự do, sáng tạo, linh hoạt và bền vững dựa trên các doanh nghiệp SME. Kinh tế Đài Loan ít nổi bật, nó mạnh nhưng khiêm tốn, nhưng suy cho cùng, phải chăng đó cũng chính là phẩm chất và sức mạnh nguồn cội của dân tộc chúng ta?
(*) Thành viên NHQuang & Cộng sự;
Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam.
https://www.thesaigontimes.vn/289420/nen-kinh-te-truoc-noi-so-san-sau-.html


Thứ Sáu,  5/4/2019, 00:00 
Nguyên nhân nào khiến gia tăng tình trạng tham nhũng:
Kẽ hở chính sách
31%
Tình trạng độc quyền
41%
Thủ tục hành chính rườm rà
17%
Ý kiến khác
11%

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét