Thứ Năm, 7 tháng 3, 2019

BBC: Dân sẽ tự đếm xe ở BOT Ninh Lộc bằng camera

Dân sẽ tự đếm xe ở BOT Ninh Lộc bằng camera
Mỹ Hằng BBC, Bangkok 6 tháng 3 2019 - Đại diện nhóm đếm xe cho BBC hay tới đây sẽ dùng camera để có số liệu chính xác gửi Bộ GTVT sau khi bị mất số liệu đếm thủ công. Bắt đầu từ ngày 26/2, một nhóm người dân ở xã Ninh Hòa, Khánh Hòa đã tổ chức chia ca ngồi đếm xe qua BOT Ninh Lộc và ghi chép lại số liệu cả ngày lẫn đêm. Ông Nguyễn Minh Hùng, đại diện nhóm, nói với BBC hôm 5/3 rằng mục đích là để gửi Bộ GTVT, Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán Nhà nước nhằm đối chiếu số liệu do nhà đầu tư BOT Ninh Lộc gửi lên.
Ông Nguyễn Minh Hùng đeo chứng minh 
thư ngồi đếm xe qua trạm BOT Ninh Lộc
"Người dân cảm thấy lòng tin với chính quyền xuống rất thấp," ông Nguyễn Minh Hùng nói. "Chúng tôi ý thức được quyền lợi chính đáng của mình nên mới phải tổ chức đếm xe như thế này. Đây đâu phải việc của dân mà là thẩm quyền của cơ quan chức năng."
'Vấn đề niềm tin'
Ông Hùng nói với BBC rằng việc đếm xe bắt nguồn từ vụ việc trạm BOT Dầu Giây bị cướp 2,2 tỷ tiền thu phí hôm 7/2.

Sau đó, Tổng cục Đường bộ vào cuộc thanh tra hồ sơ thu phí của trạm BOT Dầu Giây và phát hiện trạm có hiện tượng "lỗi không đồng bộ thời gian của các video làn, video cabin", "không sao lưu đầy đủ dữ liệu video theo quy định của Bộ GTVT"... khiến dư luận dư luận đặt câu hỏi về độ trung thực của trạm này và các trạm BOT nói chung trong vấn đề thu phí.

Riêng đối với BOT Ninh Lộc, ông Hùng nói, cũng bộc lộ vô số phi lý và sự thiếu minh bạch.

Thu phí qua BOT

"Chẳng hạn trước đó, trên báo Thanh Niên, lãnh đạo trạm BOT Ninh Lộc nói tiền đầu tư trạm là 1.437 tỷ, dự kiến thu phí 14 năm 5 tháng. Nhưng đến năm 2018, trong thư trả lời đơn kiến nghị của tôi, ông Tổng giám đốc dự án BOT này lại cho hay mức đầu tư lên tới hơn 2.600 tỷ, và dự tính thu phí tới gần 22 năm. Trong khi đó lưu lượng xe năm sau bao giờ cũng cao hơn năm trước. Theo tôi như vậy thì phải tỷ lệ nghịch với thời gian thu phí, nghĩa là thời gian thu phí phải giảm," ông Hùng nói.

Cũng theo lời ông Hùng, nhà ông chỉ cách BOT Ninh Lộc vài trăm mét. Vì tính chất công việc, hàng ngày ông phải đi qua trạm này nhiều lần. Trong đó gần như ông chỉ buộc phải qua trạm BOT này để quay đầu xe.

"Ví dụ khi tôi cần đi vào đường liên thôn, không cần phải qua BOT làm gì nhưng vì BOT chắn nên tôi phải đi qua để quay đầu xe, mà đoạn đó chỉ vài trăm mét, nên phải trả phí hai lần. Tôi không sử dụng toàn bộ hàng chục kilomet đường của họ nên như vậy là quá bất cập."

Ông Hùng cho biết đã nhiều lần gửi đơn thư tới các cấp liên quan để xin giảm phí nhưng nhiều tháng trôi qua không được giải quyết.

Sẽ đếm xe bằng camera

Nhiều lái xe tỏ ý kiên quyết chống BOT 'bẩn'

Ngày 5/3, khi BBC liên lạc với ông Hùng thì được biết sáng cùng ngày cả nhóm đã mất gần hết dữ liệu đếm xe thời gian qua.

"Anh em trong nhóm sáng nay có ca cuối cùng để đếm xe. Đếm xong thì chúng tôi bật livestream rồi định về lán lấy số liệu trước đó để cộng lại công bố cho mọi người biết luôn. Nhưng khi về đến nơi tìm thì không thấy xấp giấy kiểm đếm vẫn để đó đâu cả. Ban đầu tưởng có ai trong nhóm cất đi nhưng hỏi thì không ai cất hết," ông Hùng nói.

"Trong khi ở lán để rất nhiều đồ như điện thoại, xạc pin, mà không bị mất, chỉ mất số ghi chép đó thôi. Đây chỉ là số iệu công bố sơ, kiểm đếm thủ công, mang tính tham khảo thôi chứ không phải khẳng định là trạm [BOT Ninh Lộc] một ngày thu nhiêu đó... Tôi nghi ngờ có người lấy về để kiểm tra xem số liệu chúng tôi ghi có trùng với của họ hay không. Hoặc họ có làm điều gì khuất tất nên sợ. Hoặc làm cho chúng tôi nản chí không làm nữa vì mấy ngày qua đếm xe cũng đã mệt rồi."

Ông Hùng nói đã báo công an xuống lập biên bản sự việc.

Lãnh đạo công an Khánh Hòa cũng xác định với một số báo trong nước về thông tin này.

Ông Hùng cũng nói anh em trong nhóm đếm xe mấy ngày qua đã thấm mệt nên sẽ nghỉ vài ngày, sau đó lại đếm tiếp, lần này sẽ sử dụng camera chứ không đếm thủ công nữa.

"Có một số anh em làm về kỹ thuật sẽ giúp chúng tôi vấn đề phần mềm. Sau đó chúng tôi sẽ đặt camera ở trạm để có số liệu chính xác hơn, mang tính pháp lý hơn để gửi Bộ GTVT, Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán Nhà nước."

"Chúng tôi sẽ chỉ cần kiểm tra số lượng xe đi qua trạm thông qua một đầu đọc điện tử tại nhà. Tuy nhiên vẫn cần có người tại khu vực trạm BOT để trông coi camera đề phòng bị lấy cắp, bị hỏng hoặc bị phá hoại," ông Hùng nói với BBC.

"Qua vụ việc này tôi thấy người dân rất bất bình với các trạm BOT mọc ở quốc lộ. Mặc dù chủ trương xây BOT là đúng, nhằm cải thiện hạ tầng giao thông, thúc đẩy kinh tế phát triển. Nhưng phải là BOT trên những con đường mới, để người dân có quyền lựa chọn sử dụng. Chứ cứ làm BOT ở quốc lộ trong khi phí đường bộ hàng năm dân đã đóng rồi. Người dân bất bình nên khi thấy một vài người đứng lên phản đối thì họ đều rất ủng hộ," ông Hùng nói.

'Dân có quyền đòi hỏi sự minh bạch'

Việc người dân tự tổ chức đếm xe qua BOT đã thu hút sự chú ý không chỉ của cộng đồng mạng mà cả trên truyền thông chính thống của Việt Nam sau hàng loạt các vụ ồn ào thu phí BOT.

Nhiều người dân sống quanh trạm BOT Ninh Lộc ủng hộ việc làm của nhóm ông Hùng nên đã cùng ra hỗ trợ đếm xe. Một số nhà dân còn nấu cơm phục vụ nhóm.

Để thực hiện việc đếm xe, nhóm do ông Hùng đại diện chia ba ca một ngày. Nhóm thậm chí dựng lán ở gần trạm BOT, trải bìa dưới đất để thay nhau nghỉ qua đêm và nghỉ lúc chia ca.

Mỗi lần 'vào ca', mỗi người đều đeo chứng minh thư trước ngực để minh bạch việc mình là người dân địa phương, không phải 'kẻ lạ mặt' đến 'gây rối' như 'cơ quan chức năng' ban đầu nhận định, ông Hùng nói.

Trước đó, một số báo Việt Nam cho hay lãnh đạo Tổng cục Đường bộ nói sẽ mời công an tới xử lý nếu "nhóm người 'tự ý đếm xe" này "có hành vi gây rối, gây khó dễ tới hoạt động thu phí".

Tuy nhiên, cũng có một số báo chính thống lên tiếng bảo vệ việc làm của nhóm đếm xe.

"Trước hết phải khẳng định rằng, việc ngồi đếm xe qua trạm BOT không những không vi phạm pháp luật, mà hơn nữa, còn rất đáng hoan nghênh khi người dân đã tự nguyện bỏ công, bỏ việc ra để làm một việc không mang lại lợi nhuận gì cho bản thân họ.", bài báo trên trang VietTimes viết.

"Từ lâu, khẩu hiệu "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" đã được phổ biến và trở thành phương thức giám sát các cá nhân có chức vụ, quyền hạn, các tổ chức và cơ quan công quyền trong việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước. Trên thực tế, những người đếm xe ở trạm BOT Lộc Ninh chỉ đang thực hiện quyền làm chủ ở nội dung "dân kiểm tra" chứ có gì ghê gớm mà nhiều người phải lo sợ đến thế?"

Trong khi đó, ông Nguyễn Minh Hùng cho BBC hay kể từ khi tham gia đếm xe ông từng nhiều lần bị làm khó dễ, thậm chí có số điện thoại lạ mặt gọi khủng bố suốt một thời gian, đe dọa 'chặt đầu'. Nhưng ông nói vẫn sẽ phản đối bất công đến cùng.

"Tôi muốn minh bạch nên nếu số liệu thu được lớn hơn số của trạm BOT báo cáo lên thì Bộ GTVT sẽ thanh tra để giảm số năm thu phí cho người dân bớt khổ. Như thế dù cực cũng không đáng là bao. Tôi có câu "Còn người còn xe còn phải đối. BOT còn gian dối tôi còn đấu tranh," ông Hùng nói.

Vì sao một số BOT bị dân phản đối?

BOT Ninh Lộc từng là điểm nóng, phải xả trạm nhiều lần trong năm 2018 do lái xe phản đối bất cập trong mức phí và thời gian thu phí.

Doanh thu thu phí BOT, cao tốc nhìn chung đang trong tình trạng "doanh nghiệp khai bao nhiêu cơ quan quản lý biết bấy nhiêu, khi việc kiểm tra chỉ mang tính định kỳ vài năm/lần", theo Thanh Niên.

Tờ báo này cũng cho hay doanh nghiệp có đủ "chiêu" gian lận, che giấu doanh thu để trốn thuế, kéo dài thời gian thu phí, phổ biến là sử dụng phần mềm được thiết kế riêng để ăn gian doanh số.

Một số BOT bị thanh tra đột xuất đã 'lộ tẩy' số tiền phí thu được trên thực tế chênh lệch lớn so với con số họ báo cáo lên cơ quan chức năng. Ví dụ BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ trung bình 'ỉm đi' tới 600 triệu/ngày không khai báo.

Trong khi đó, theo quy định, việc giám sát, kiểm tra thu phí BOT, cao tốc đang do Tổng Cục Đường bộ đảm nhiệm, chỉ thực hiện định kỳ 5 năm một lần.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-47451641

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét