Thứ Hai, 18 tháng 5, 2015

Bi kịch chính trị của nước nhỏ

Bi kịch chính trị của nước nhỏ
Với việc Trung Quốc đang tăng cường kiểm soát phần lớn Biển Đông, ASEAN đang vật lộn để đưa ra một phản ứng thích hợp và thống nhất. Cho dù ASEAN đã cùng nhau bày tỏ “những quan ngại sâu sắc” liên quan đến các cuộc tranh chấp tại Biển Đông, nhưng vẫn không đưa ra được bất kỳ một phản ứng hữu hình nào. Điều trớ trêu là năm nay được xem là năm “hợp tác biển Trung Quốc-ASEAN”.
Trung Quốc không chấp nhận bất kỳ sự thể hiện quan ngại nào của ASEAN. Trung Quốc buộc tội một “quốc gia riêng lẻ” (Philippines) đã thao túng chương trình nghị của ASEAN và “khu vực hóa” các cuộc tranh chấp. Thất vọng bởi sự chậm chạp của ASEAN, Philippines và Việt Nam đã hành động hướng tới một mối quan hệ đối tác chiến lược dựa trên mối đe dọa Trung Quốc chung tại Biển Đông.

Có ít nhất hai vấn đề liên quan đến chiến lược của ASEAN tại Biển Đông
. Trước hết, thể chế khu vực này tiếp tục dựa trên nguyên tắc ra quyết định đồng thuận thiếu hiệu quả. Vấn đề thứ hai liên quan đến cách tiếp cận dễ dàng của ASEAN với những củ cà rốt kinh tế của Trung Quốc.

ASEAN đã không bảo đảm sự can dự lớn hơn với Trung Quốc phải dựa trên sự tiếp cận cân bằng cả về thương mại và an ninh, hay nói cách khác ASEAN sẵn sàng phụ thuộc Trung Quốc lớn hơn về kinh tế mà không đỏi hỏi bất kỳ nhượng bộ đáng kể nào về các vấn liên quan đến an ninh, đặc biệt việc tuân thủ các nguyên tắc DOC năm 2002.

Một vấn đề cơ bản với ASEAN là việc thiếu nhận thức chung về mối đe dọa với Trung Quốc. Bộ trưởng luật pháp Singapore K. Shanmugan đã khái quát tư duy nổi trội của phần lớn các nước ASEAN khi cho rằng, “nếu bạn nhìn quan hệ ASEAN-Trung Quốc qua lăng kính Biển Đông, bạn sẽ hoàn toàn sai lầm... Thực tế đây là mối quan hệ kinh tế, an ninh, chính trị hết sức thực chất giữa Trung Quốc và mỗi nước ASEAN cũng như toàn bộ ASEAN”.

Ngược lại, Philippines và Việt Nam xem tranh chấp Biển Đông như vấn đề xác định quan hệ ASEAN-Trung Quốc. Trong bối cảnh giới hạn của ASEAN, Hà Nội và Manila đã tăng cường các mối quan hệ an ninh và đang hướng đến một thỏa thuận quan hệ đối tác chiến lược mà nó sẽ dọn đường cho các cuộc tập trận chung thường xuyên giữa lực lượng hải quân, cảnh sát biển hay nghiên cứu khoa học biển giữa hai nước tại Biển Đông...

Thông qua việc đưa ra quan điểm chung dựa trên Công ước Liên Hợp Quốc về luật biển, Việt Nam và Philippines đang tìm cách vô hiệu hóa đường 9 đoạn của Trung Quốc và khuyến khích các nước Đông Nam Á tuyên bố chủ quyền khác như Malaysia cùng tham gia. Điều thú vị là quan hệ Việt Nam-Philippines trở nên sâu sắc hơn cùng với quan hệ ấm lên giữa Hà Nội và Washington. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã gặp Tổng Thống Obama vào tháng 7/2013 và cùng ký “Quan hệ đối tác toàn diện” giữa hai nước. Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng theo kế hoạch cũng sẽ gặp Tổng Thống Obama trong những tháng tới. Vì vậy, có khả năng cao là Manila đã quyết định tăng cường quan hệ sâu sắc hơn với Việt Nam sau khi đồng minh hàng đầu của nước này là Mỹ đã coi Việt Nam là bước tường thành tiềm năng nhằm chống lại sự bành trướng của Trung Quốc tại Đông Nam Á.

Tuy nhiên, ý nghĩa rộng lớn hơn của mối quan hệ đối tác Philippines-Việt Nam là làm sao để đưa nó vào mạng lưới các đồng minh không chính thức nằm ở ngoại vi Trung Quốc. Ngoài Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ cũng đã tăng cường các mối quan hệ chiến lược với Việt Nam. Nhìn tổng thể, trục Philippines-Việt Nam mới nổi một mình sẽ không có khả năng thay đổi đáng kể chiến lược hiện nay của Trung Quốc tại Biển Đông, nhưng nó cũng ngày càng rõ hơn rằng cách hành xử hung hăng của Trung Quốc sẽ góp phần tạo ra một liên minh mở rộng của các quốc gia có cùng suy nghĩ trên khắp Châu Á và xa hơn nữa.

Richard Javad Heydarian
Tác giả là Richard Javad Heydarian, Trợ lý Giáo sư ngành Khoa học chính trị tại Đại học De La Salle University - Manila, Philippines và Trương Minh Huy Vũ, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế, Đại học KHXH&NV, TP HCM. Bài viết đăng trên trang “National Interest

Anh Thư (gt)
(Nghiên Cứu Biển Đông)
http://nghiencuubiendong.vn/tin-ncbd/4868-bi-kch-ca-chinh-tr-nc-nh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét