Thứ Năm, 23 tháng 4, 2015

Việt Nam sẽ ra sao, nếu FDI rời đi!

Việt Nam sẽ ra sao, nếu FDI rời đi!
(Tài chính) Theo  Ts.Lê Việt Đức, nếu như trong năm 2013, nhiều quốc gia công nghiệp phát triển đã tăng cường đầu tư trở lại vào nước ta, thì năm 2014, hầu hết chỉ là những nước trong khu vực hoặc các nước có công nghệ khá. Trong 57 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư cấp mới tại Việt Nam năm 2014, tốp dẫn đầu đều từ nội bộ khu vực châu Á: Hàn Quốc với 6,1 tỷ USD, chiếm 39,2% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Đặc khu Hành chính Hồng Kông với 2,8 tỷ USD, chiếm 17,9%; Singapore 2,3 tỷ USD, chiếm 14,8%;…
Trong khi tăng trưởng kinh tế phục hồi nhưng vẫn trong vùng đáy của 25 năm qua, tham nhũng và chi phí không chính thức đang ăn mòn hiệu quả của nền kinh tế thì lo ngại về việc rời đi của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lại đang dần hiện hữu?


Những ngày qua, câu chuyện Toyota Việt Nam đang cân nhắc có nên ngừng sản xuất ô tô để thay vào việc nhập khẩu ô tô nguyên chiếc về bán tại Việt Nam (theo lộ trình giảm thuế của ASEAN, thuế suất nhập khẩu xe nguyên chiếc sẽ bằng 0%) chưa kịp lắng xuống thì tại Diễn đàn Kinh tế Mùa Xuân với chủ đề "Cải thiện môi trường kinh doanh, biến lời nói thành hành động" do Ủy ban Kinh tế Quốc hội tổ chức ngày 21/4, vấn đề này tiếp tục một lần nữa được hâm nóng.

Khi hết "chu kỳ Samsung"
Là người mở đầu hội nghị, PGs.Ts. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, đã đặt ra hàng loạt câu hỏi "nóng": "Tại sao doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam không hội nhập quốc tế ngay được ở đất nước mình, không thể mượn sức để lớn lên; Điều gì sẽ xảy ra nếu chu kỳ tận dụng lợi thế Việt Nam, của các doanh nghiệp FDI chấm dứt?

Cụ thể, theo ông Thiên, "khi doanh nghiệp FDI vào nhiều, với các công ty hàng đầu như Samsung, Microsoft, Toyota, chủ thể phát triển của Việt Nam đã thay đổi sâu sắc. Nhưng xu hướng đó có làm thay đổi đẳng cấp công nghiệp, đẳng cấp phát triển của Việt Nam như ta mong đợi. Hay chúng ta kéo thế giới vào đây rồi nhưng không hội nhập được. Samsung họp cả nghìn DN nhưng cũng chỉ tuyển được 4-5 DN vào làm hỗ trợ", ông Thiên nhấn mạnh.

Điều này sẽ dẫn tới hai tình huống, một là FDI lấn át các DN nội, hai là nguy cơ khi FDI rời bỏ Việt Nam. "Như Samsung rút khỏi Thái Nguyên, Bắc Ninh khi chu kỳ tận thu lợi thế của Việt Nam chấm dứt thì điều gì sẽ xảy ra?", Viện trưởng Thiên đặt giả thiết.

Đặc biệt, dường như địa phương nào có nhiều DN FDI lớn là tăng trưởng vọt lên. Chẳng hạn như ở Bắc Ninh, khi có Samsung đầu tư mạnh thì GDP cao, nhưng năm qua, Samsung chuyển sang đầu tư ở Thái Nguyên, FDI ở tỉnh này giảm sút, công nghiệp tăng trưởng âm 4,5% và GDP cả năm 2014 chỉ hơn 0,2%. Thái Nguyên ngược lại, nhờ Tập đoàn này mà có tăng trưởng tới 18,6% và công nghiệp tăng tới 33,4%.
Song thời gian qua, không phải mình Toyota mà Samsung cũng đã từng nói, nếu Việt Nam không cải thiện gì thì 5-7 năm nữa, Samsung cũng phải rời đi, trong khi họ đã chiếm 22% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đây cũng không phải là lần đầu Viện trưởng Trần Đình Thiên đặt ra vấn đề này. Cách đây đúng 6 tháng, vào kỳ Mùa Thu của Diễn đàn Kinh tế năm 2014, ông Thiên đã nêu lên vấn đề này khi đặt câu hỏi, các doanh nghiệp nội địa yếu thế thì tăng trưởng ai làm.

Bằng chứng là số DN nội địa đóng cửa tăng dần từ năm 2010 đến nay, từ 40.000 trong năm 2010 đến 67.832 năm 2014. Trong quý I/2015, con số này là hơn 16.200, tăng 14,2% so với cùng kỳ.

Trong khi các DN FDI lỗ lớn và chuyển giá, có tới hơn 60% kê khai lỗ kéo dài, nhưng lại là khu vực có tốc độ tăng vốn nhanh nhất, đặc biệt là DN lớn như Pepsi, Metro. Đồng thời, tuy lỗ nhưng FDI tăng trưởng doanh thu và xuất nhập khẩu ngoạn mục nhất, liên tục xuất siêu lớn, chiếm 65-67% kim ngạch.
Chủ trương nội lực là quyết định, ngoại lực là quan trọng, mà Việt Nam đưa ra đã không được thể hiện trong phát triển kinh tế. Vì vậy, điều cần thay đổi là phải lấy kinh tế tư nhân làm động lực chủ yếu, phải có chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, mà chủ yếu là doanh nghiệp tư nhân.

Ông Trương Đình Tuyển, Nguyên Bộ trưởng Thương mại
FDI ích gì cho Việt Nam?
Mối lo ngại trên, không riêng gì Viện trưởng Trần Đình Thiên mà tại Diễn đàn Kinh tế Mùa Xuân này, trong bài tham luận của chuyên gia thống kê Bùi Trinh và Nguyễn Huy Minh với chủ đề "Thực trạng về cấu trúc vốn đầu tư và đóng góp của các loại hình doanh nghiệp" cũng đề cập tới vấn đề này.

Báo cáo này chỉ ra, Việt Nam đang trở thành quốc gia có nền công nghiệp gia công toàn diện. Nếu giai đoạn 2000-2005, tỷ lệ chi phí trung gian trên giá trị sản xuất là 53%, giai đoạn 2006-2010, tỷ lệ này là 63%, thì giai đoạn 2011-2015, con số này đã lên tới 72%.

Đồng thời, tuy GDP có tăng trưởng (dù thực chất nền kinh tế là rất khó khăn) nhưng tỷ lệ tổng thu nhập quốc gia (GNI) trên GDP ngày càng doãng ra và lượng tiền từ chi trả sở hữu thuần chảy ra nước ngoài ngày càng tăng. Tỷ lệ này tăng khoảng 26 lần vào năm 2012 so với năm 2000, lượng tiền từ chi trả sở hữu thuần chảy ra nước ngoài chủ yếu do các doanh nghiệp FDI chuyển về quốc gia của công ty mẹ.

Thêm vào đó, tuy tỷ trọng đầu tư của khu vực DNNN trên 40% tổng số vốn đầu tư nhưng tỷ trọng của khu vực này trong GDP chỉ 32%; trong khi khu vực kinh tế ngoài nhà nước tuy tỷ trọng vốn đầu tư chỉ khoảng 38% GDP nhưng tỷ trọng giá trị gia tăng trong GDP của khu vực này chiếm đến 49% GDP; trong đó, tỷ trọng đóng góp GDP của khu vực kinh tế cá thể chiếm đến 33%.

Điều này một lần nữa khẳng định nền kinh tế Việt Nam không chỉ là nền kinh tế gia công mà còn rất manh mún; không một nước nào có thể phát triển nếu nền kinh tế dựa vào sản xuất gia công và cá thể nhỏ lẻ.

"Thật đáng tiếc là từ năm 2005 đến nay, tỷ trọng này không những không giảm mà còn có xu hướng tăng lên, từ 32,1% năm 2005 lên 33,2% năm 2012", chuyên gia Bùi Trinh nhận định.


Đặc biệt, khu vực kinh tế Nhà nước tuy có tỷ trọng đầu tư rất cao (56,6% và 44,7% trong hai giai đoạn 2001-2005 và 2006-2010) nhưng tạo việc làm mới thậm chí âm. Song nhìn vào tốc độ tăng trưởng của giá trị sản xuất và tốc độ tăng trưởng của giá trị gia tăng, có thể thấy hàm lượng giá trị gia tăng của khu vực FDI và khu vực kinh tế Nhà nước thấp hơn khu vực kinh tế ngoài Nhà nước khá nhiều, mặc dù hai khu vực này được đủ mọi loại ưu đãi của chính sách.

Đáng chú ý, chuyên gia Bùi Trinh cho biết, theo tính toán hiệu quả đầu tư từ hệ số ICOR, khu vực kinh tế ngoài Nhà nước là khu vực có hiệu quả đầu tư cao nhất nhưng khu vực này lại là khu vực kinh tế khó tiếp cận nguồn vốn nhất.

Trong khi đó, xu hướng chung cho thấy hiệu quả đầu tư của tất cả các thành phần sở hữu đều giảm sút. Giảm sút mạnh nhất về hiệu quả đầu tư là khu vực kinh tế đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), việc giảm sút này có nguyên nhân chính do báo cáo lỗ giả nhưng lãi thật (chuyển giá) và phần giá trị gia tăng của khu vực này cơ bản là gia công nên hàm lượng giá trị gia tăng rất thấp.

Tiếp đó là thông qua chỉ tiêu năng suất nhân tố tổng hợp (TFP), các tác giả cũng chỉ ra rằng khu vực kinh tế Nhà nước là khu vực có chuyển giao công nghệ nhiều nhất trong ba khu vực sở hữu. Giai đoạn 2000-2006, đóng góp của TFP vào tăng trưởng chung của cả nước là 22,6% thì trong đó đóng góp của khu vực kinh tế Nhà nước cao hơn mức bình quân chung (23,7%), trong khi khu vực ngoài Nhà nước khoảng 18% và khu vực FDI đóng góp vào tăng trưởng thậm chí âm.

Giai đoạn 2007-2012, đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp vào tăng trưởng cả nền kinh tế tuy giảm sút nhanh chóng xuống còn 6,4%, nhưng TFP của khu vực Nhà nước đóng góp vào tăng trưởng của khối này vẫn cao nhất (17,4%), khu vực ngoài Nhà nước và khu vực FDI thậm chí âm.

"Như vậy, có thể thấy về thực chất, cho đến nay, khu vực ngoài Nhà nước làm ăn manh mún, chậm thay đổi và khu vực FDI về bản chất không đưa công nghệ mới hoặc chỉ đưa công nghệ cũ vào sản xuất. Về cơ bản khu vực FDI đang lợi dụng các ưu đãi của Việt Nam về chính sách thuế, đất đai và lợi dụng nhân công giá rẻ và gian lận về thuế (khai lợi nhuận nhỏ đi do chuyển giá...làm tăng chi phí đầu vào)", nhóm tác giả đánh giá.

Theo  Ts.Lê Việt Đức, nếu như trong năm 2013, nhiều quốc gia công nghiệp phát triển đã tăng cường đầu tư trở lại vào nước ta, thì năm 2014, hầu hết chỉ là những nước trong khu vực hoặc các nước có công nghệ khá.

Trong 57 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư cấp mới tại Việt Nam năm 2014, tốp dẫn đầu đều từ nội bộ khu vực châu Á: Hàn Quốc với 6,1 tỷ USD, chiếm 39,2% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Đặc khu Hành chính Hồng Kông với 2,8 tỷ USD, chiếm 17,9%; Singapore 2,3 tỷ USD, chiếm 14,8%;…
Lê Thúy - thoibaokinhdoanh.vn
http://www.tapchitaichinh.vn/Trao-doi-Binh-luan/Viet-Nam-se-ra-sao-neu-FDI-roi-di/62482.tctc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét