Thứ Năm, 23 tháng 4, 2015

Cần chấm dứt thời kỳ “tăng trưởng nhanh, khủng hoảng lớn”?

Đã đến lúc chấm dứt thời kỳ “tăng trưởng nhanh, khủng hoảng lớn”?
Đến hẹn lại lên, Diễn đàn kinh tế mùa xuân 2015 với chủ đề “Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam” sẽ chính thức diễn ra trong hai ngày 21 và 22/4 tại Thành phố Vinh, Nghệ An. Theo nhận định của TS Lê Việt Đức, đối với nền kinh tế nước ta, đã qua rồi giai đoạn tăng trưởng dễ dàng. Nếu không có những đổi mới mạnh mẽ, kiên quyết thì tốc độ tăng trưởng kinh tế tiềm năng không thể cao bằng giai đoạn trước.

Kinh tế vĩ mô 2014: Ổn định về lượng, trì trệ về chất, chưa rõ tương lai. Trong bản tham luận tại diễn đàn lần này, TS Lê Việt Đức nhận định về bức tranh kinh tế vĩ mô Việt Nam năm 2014: “ổn định về lượng, trì trệ về chất, chưa rõ tương lai”.



Theo TS Lê Việt Đức, nhìn bức tranh tổng thể kinh tế vĩ mô năm 2014, có thể khẳng định nền kinh tế tiếp tục có những tiến bộ nhất định và quan trọng hơn, đang đi đúng hướng mặc dù bước đi còn rất chậm và chưa ổn định. Đối với một nền kinh tế mới thoát khỏi ngưỡng nước nghèo chưa lâu, trong điều kiện cơ cấu kinh tế vĩ mô mất cân đối nghiêm trọng kéo dài, đạt được những thành tựu vĩ mô nêu trên là rất đáng khích lệ.

Điểm sáng lớn nhất là các cân đối vĩ mô sau khi chuyển dịch về các “tọa độ” cân bằng trung hạn trong năm 2013 đã tiếp tục được củng cố trong năm 2014. Do đó, nếu không có bất ngờ xảy ra thì sẽ bền vững và hiệu quả; trên cơ sở này có thể điều chỉnh lớn về thể chế và cơ cấu kinh tế và mở ra một giai đoạn tăng trưởng mới với tốc độ và chất lượng cao hơn.

Theo TS Đức, nếu đưa tất cả vào một mô hình tính toán cân đối, hoàn toàn có thể xác định được đi kèm với một tốc độ tăng trưởng kinh tế tiềm năng cân bằng trung hoặc dài hạn, ví dụ 7-7,5% như ở nước ta trong gần hai thập kỷ trước (1990-2007), 5,5-6% trong giai đoạn hiện nay (bằng tốc độ tăng trưởng trung bình của 7 năm 2008-2014) và khoảng 7-7,5% từ năm 2020 trở đi, thì những chỉ tiêu cơ bản liên quan như đầu tư, lao động, tiêu dùng, xuất nhập khẩu, ngân sách, lạm phát... cần tương ứng là bao nhiêu. Đây chính là bộ các “tọa độ” cân bằng (trung, dài hạn), hay trục, quỹ đạo tăng trưởng bền vững của nền kinh tế.

Đã qua rồi giai đoạn tăng trưởng dễ dàng!

Theo nhận định của TS Lê Việt Đức, đối với nền kinh tế nước ta, đã qua rồi giai đoạn tăng trưởng dễ dàng. Nếu không có những đổi mới mạnh mẽ, kiên quyết thì tốc độ tăng trưởng kinh tế tiềm năng không thể cao bằng giai đoạn trước.

Khái quát lại, trong năm 2014, nền kinh tế nước ta đã đạt được tốc độ tăng trưởng tương đối hợp lý; các cân đối kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, tỷ lệ lạm phát trở về mức an toàn, lần đầu tiên đạt được kể từ năm 2004...

Tăng trưởng kinh tế vẫn phụ thuộc các các nhân tố tăng trưởng của những năm trước là đầu tư, lao động, xuất khẩu và tiêu dùng; tuy nhiên vai trò của chúng đang được điều chỉnh. Trong khi vai trò của vốn đầu tư giảm mạnh, vai trò của hoạt động xuất nhập khẩu ổn định thì vai trò của năng suất lao động, đã tăng lên rất nhanh.

Tuy nhiên, nhiều khó khăn thách thức vẫn tồn tại, có mặt trở lên gay gắt hơn. Nợ xấu, rủi ro vẫn là những nỗi lo, bức xúc thường trực. Thực hiện lộ trình giá thị trường đối với nhiều hàng hóa và dịch vụ thiết yếu chậm. Hoạt động của một số tổ chức tín dụng chưa thực sự an toàn. Hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp; hệ số ICOR cao…

Mặc dù nền kinh tế có dấu hiệu ấm lên song sự phục hồi còn rất mong manh nên Việt Nam cần kiên trì con đường tăng trưởng thận trọng. Nếu tiếp tục nhấn mạnh mục tiêu tăng trưởng, sẽ buộc phải gia tăng đầu tư công, gia tăng nợ công, nới lỏng thêm chính sách tiền tệ, tăng cường phát hành trái phiếu, làm giảm nguồn vốn của doanh nghiệp ngoài quốc doanh...

Bao trùm lên tất cả và là nguy cơ chính gây mất ổn định kinh tế trong thời gian tới là tốc độ cải cách kinh tế, cải cách thể chế, cải cách hành chính đều quá chậm.

Nhìn về tương lai…

Bối cảnh phát triển kinh tế năm 2015 cũng như mọi năm đều sẽ có những mặt thuận và những mặt không thuận, nhưng dự báo mặt thuận là cơ bản. Kinh tế thế giới phục hồi và hội nhập kinh tế với thế giới, với Cộng đồng kinh tế ASEAN chắc chắn sẽ mang lại nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Tuy nhiên, theo dự báo của nhiều tổ chức quốc tế, tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ tăng lên dù không mạnh nhưng vững chắc vì đã có những điều chỉnh thể chế kinh tế tài chính thích hợp, hiệu quả. Tháng 1/2015 Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã điều chỉnh dự báo giảm 0,3% về tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới so với dự báo thực hiện tháng 10/2014.

Dự báo trong 2 năm 2015-2016, tăng trưởng kinh tế của nhóm ASEAN-5 gồm 5 quốc gia Đông Nam Á Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Philippines và Việt Nam chỉ đạt 5,2%, trong đó, Việt Nam dự báo cũng chỉ đạt mức 5,2%. IMF dự báo năm 2016, tăng trưởng kinh tế của nhóm sẽ phục hồi hơn so với năm 2015 nhưng cũng chỉ đạt mức 5,3%.

Trong năm 2015 khu vực các nước ASEAN sẽ có nhiều chuyển biến lớn với sự hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vào cuối năm. Đây sẽ là một thị trường duy nhất và một cơ sở sản xuất duy nhất, trong đó hàng hóa, dịch vụ, vốn đầu tư và nhân công có trình độ sẽ được tự do lưu thông giữa tất cả các nước. Do vậy, nhiều cơ hội mới sẽ được mở ra.

Tự do hoá kinh tế trong nội bộ khối sẽ làm cho nhiều loại chi phí giảm mạnh và các luồng vốn di chuyển giữa các quốc gia ASEAN ngày càng dễ dàng hơn; sự dịch chuyển các luồng vốn giữa các quốc gia trong khu vực sẽ tăng mạnh, đặc biệt là hình thức đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Về bối cảnh, có thể nói 2015 sẽ là năm bản lề cho tương lai của nền kinh tế Việt Nam, bởi đây sẽ là năm hình thành nhiều khối tự do mậu dịch mà Việt Nam sẽ tham gia, trước hết là ba khối: Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên hiệp châu Âu (Việt Nam – EU AFTA) và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Những áp lực của hội nhập, cạnh tranh quốc tế và khu vực chắc chắn sẽ đòi hỏi Chính phủ cũng như từng doanh nghiệp, cá nhân phải hành động quyết liệt hơn. Thuận lợi và khó khăn đan xen nhau; khó khăn cũng có mặt tích cực là tạo sức ép để phải đổi mới, phải hành động.

Thực tiễn cho thấy càng bị đẩy vào hoàn cảnh khó khăn, người Việt và doanh nhân Việt càng trở lên mạnh mẽ. Do vậy, nhìn chung, tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2016-2020 dự báo sẽ cao hơn so với giai đoạn 2011-2015; năng suất, chất lượng, hiệu quả dự báo sẽ có bước cải thiện... nếu như những chính sách phát triển đi đúng hướng.

Nguyệt Quế
Theo Trí thức trẻ

http://kinhte24h.com/kinh-nghiem-phan-tich/da-den-luc-cham-dut-thoi-ky-%E2%80%9Ctang-truong-nhanh-khung-hoang-lon%E2%80%9D-a7405

http://cafef.vn/vi-mo-dau-tu/da-den-luc-cham-dut-thoi-ky-tang-truong-nhanh-khung-hoang-lon-20150420235217633.chn


  1. Tăng trưởng mong manh và chưa rõ tương lai - Tổ quốc

    www.baomoi.com › Kinh tế - Translate this page
    2 days ago - Lê Việt Đức, mặc dù nền kinh tế có dấu hiệu ấm lên song sự phục hồi còn rất mong manh nên Việt Nam cần kiên trì con đường tăng trưởng ...
  2. Điều hành tỷ giá cần linh hoạt hơn để tránh rủi ro | Thời Báo ...

    thoibaotaichinhvietnam.vn/.../dieu-hanh-ty-gia-can-lin...

    Translate this page
    2 days ago - Đề cập đến giải pháp cho nền kinh tế, TS Lê Việt Đức trong tham luận tại Diễn đàn cũng cho rằng, để thoát khỏi tình trạng trì trệ hiện nay, vấn ...
  3. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu liên tục giảm - PTQNEWS.COM

    ptqnews.com/.../toc-do-tang-truong-xuat-khau-lien-tu...

    Translate this page
    2 days ago - Tuy nhiên, theo Ts. Lê Việt Đức, hiện nay đã xuất hiện một số vấn đề đáng lưu ý trong họat động xuất khẩu. Thứ nhất, tốc độ tăng trưởng xuất ...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét