Cười và chán – phẩm chất định nghĩa nhân loại
Khi tôi cười trong chuyện đùa của thầy tôi cảm thấy nó chỉ là phản xạ, rằng tiếng cười của tôi đang xảy ra trên bề mặt và không thấm vào trong bản thể tôi. Tôi cười ngày một ít đi. Bây giờ ngay cả cái điên khùng về chiếc khăn của thầy cũng không làm tôi xúc động. Đây có là vấn đề không? Nó là vấn đề và là vấn đề rất nghiêm chỉnh, bởi vì với tôi tiếng cười là một trong những phẩm chất tâm linh lớn nhất.Tiếng cười là biểu tượng rằng bạn thực sự là con người. Nếu bạn không thể cười, bạn còn dưới con người. Nếu bạn có thể cười, bạn đã trở thành con người. Tiếng cười là chỉ dẫn chắc chắn về nhân loại.
Aristotle nói con người là con vật có lí trí. Tôi không tin điều đó, bởi vì tôi đã quan sát con người và tôi không thấy lí trí nào trong con người cả. Định nghĩa của tôi là: con người là con vật biết cười.
Tiếng cười nghĩa là bạn có thể trở nên nhận biết về cái lố bịch của mọi vật.
Và cũng vậy: con người là con vật duy nhất có thể chán. Chán chường và khôi hài là hai phía của cùng một đồng tiền, là hai mặt của cùng một đồng tiền. Chỉ con người mới có thể chán và chỉ con người mới có thể cười. Đây là hai phẩm chất đặc biệt tồn tại trong con người. Chúng là định nghĩa về nhân loại. Con vật không bao giờ chán. Chúng cứ làm cùng những thường lệ hàng ngày, năm nọ, năm kia, từ lúc sinh tới lúc chết – chúng chẳng bao giờ chán. Bạn không thể thấy sự chán chường trên khuôn mặt chúng, bởi vì để chán thì cũng cần cả thông minh nữa.
Một người càng thông minh, thì người đó càng chán trong thế giới này. Phật đã trở nên chán với toàn bộ cái vô nghĩa được gọi là cuộc sống. Ông ấy trở nên chán với sinh, ông ấy trở nên chán với yêu, ông ấy trở nên chán với tử. Tại phương Đông, tôn giáo không là gì ngoài việc tìm kiếm để thoát ra khỏi sự tồn tại chán chường này, làm sao thoát ra khỏi avagaman – cái thường tới và đi này, cái liên tục sinh và tử này. Nó thật chán! Nó chẳng có gì mới trong đó cả. Và ý tưởng về nhiều kiếp làm cho nó thậm chí còn chán hơn.
Người Ki tô giáo ít chán hơn, người Mô ha mét giáo ít chán hơn, người Do Thái ít chán hơn, bởi vì họ chỉ có một kiếp sống. Bạn không thể nào nhiều chán trong một kiếp sống được. Một khi bạn được sinh ra, và thế rồi bạn chết đi sau bẩy mươi năm. Trong bẩy mươi năm, ba mươi năm bạn ngủ, mười lăm, hai mươi năm bạn làm việc – bạn làm việc liên tục – ba năm bạn phí hoài cho việc ăn. Trước hết bạn ăn và thế rồi bạn ỉa; cho nên con người chỉ như cái ống: một đầu bạn cứ đổ thức ăn vào, đầu kia bạn cứ tống ra.
Nếu bạn đếm tất cả các hoạt động của con người, rồi cạo râu, đứng trước gương… Tôi mới đọc một bài báo: một người đứng trước gương – và đấy là về đàn ông, đấy chưa về đàn bà đâu – bẩy mươi ngày liên tục, nếu ta tính nó liên tục, trong toàn bộ cuộc đời anh ta. Bẩy mươi ngày anh ta chỉ đứng trước gương. Bây giờ bạn hãy nhìn vào cái ngớ ngẩn của nó. Và đây là về đàn ông – tôi nghĩ họ đã cho một dữ liệu về đàn ông chứ không về đàn bà bởi vì điều ấy thì không thể đếm được. Đàn bà cứ đứng trước gương, chỉ để ngắm mình. Một lần bạn nhìn, thế là xong! Bây giờ bạn tìm cái gì? Cái gì bị mất sao? Hay bạn không thể tin được rằng đấy là bạn?
Nếu bạn thấy toàn bộ các hoạt động của cuộc sống thì nó thật chán. Nhưng nếu kiếp sống chỉ có một, thì nó cũng không đến nỗi chán thế. Đó là lí do tại sao người Ki tô giáo, người Mô ha mét giáo và người Do Thái không thể rất mang tính tôn giáo. Hindu giáo, Jaina giáo, Phật giáo, đã đem phẩm chất khác cho tôn giáo. Họ nói cuộc sống đã như vậy hàng triệu lần rồi: sinh đi sinh lại, hoá thân đi hoá thân lại. Cuộc sống không chỉ một kiếp sống; một kiếp chỉ là một bước chuyển của bánh xe. Bánh xe đã chuyển từ lúc bắt đầu vô thuỷ. Và bạn đã làm cùng một điều hàng triệu lần, vậy mà bạn vẫn không chán sao? Thế thì bạn phải hoàn toàn ngu ngốc. Người thông minh nhất định trở nên chán.
Chán là tính người. Và bởi vì con người có thể chán nên con người có thể cười nữa. Tiếng cười là cực kia của cùng năng lượng. Toàn bộ phổ là ở giữa chán và cười.
Đó là lí do tại sao tôi hay dùng nhiều chuyện cười thế – bởi vì tôi biết chân lí tôn giáo là rất chán. Cho nên trước hết tôi đưa bạn tới cái chán, tôi đi vào vấn đề tinh tế – hừ? – tôi đưa bạn vào cái chán. Khi tôi thấy bây giờ thế là quá nhiều và bạn sẽ không thể nào chịu đựng thêm được nữa, thì tôi kể cho bạn chuyện cười. Con lắc văng trở lại. Bạn lại vui sướng. Lần nữa tôi có thể làm cho bạn chán. Bạn tươi tắn, bạn sẵn sàng. Bạn có thể vẫn chịu đựng thêm được mười, mười lăm phút nữa. Khi tôi thấy rằng bây giờ bạn đang đi tới giới hạn của mình, rằng bạn sẽ phát điên vì tôi – tôi không muốn bị giết – lần nữa, ngay lập tức tôi kể cái gì đó để cho bạn có thể cười, và bạn có thể tha thứ cho tôi.
Chán và cười là hai phẩm chất quan trọng nhất của tâm thức con người, nhưng mọi người thường lại không nhận biết về cả hai. Khi bạn chán, trước khi bạn trở nên nhận biết, bạn đơn giản bị bận tâm vào hoạt động nào đó khác đem lại niềm xúc động, cảm giác mới. Bạn đi xem phim, bạn ngồi trước ti vi ; bạn tới bạn bè, bạn bắt đầu nói với ai đó, với hàng xóm. Bạn không có gì để nói, người ấy không có gì để nói – các bạn nói về những điều đó hàng triệu lần! Lại về khí hậu, lại về thời tiết, lại về con cái mình thế nào và vợ mình thế nào – và bạn chẳng quan tâm lấy một chút. Nhưng bạn chán. Bạn phải làm cái gì đó để quên nó đi. Bạn phải nói.
Một người, trong cuộc sống thường ngày, dùng năm nghìn từ. Bạn có thể nghĩ tôi nói nhiều quá – bạn nhầm. Một khi tôi nói xong rồi, tôi im lặng – nhưng tôi chưa hề vượt ra ngoài giới hạn năm nghìn từ. Bạn trải việc nói ra cả ngày. Tôi kết thúc trong buổi sáng. Nhưng tôi chưa hề vượt ra ngoài giới hạn này. Tôi luôn luôn nhìn đồng hồ.
Mọi người cứ nói chỉ để tránh sự hiện hữu của mình, để tránh cái chán của mình. Chồng chán vợ, vợ chán chồng, mẹ chán con, con chán bố mẹ – mọi người đều đơn giản chán! Nhưng chúng ta giữ điều đó ở dưới ý thức, bằng không bạn sẽ bắt đầu tự tử. Bạn sẽ làm gì?
Marcel đã viết rằng tự tử là câu hỏi quan trọng nhất, câu hỏi siêu hình duy nhất. Nó hiện hữu – bởi vì nếu toàn bộ cái chán trở thành rõ ràng cho bạn, thì bạn sẽ định làm gì? Nếu cuộc sống chỉ là lối mòn, thì phỏng có ích gì làm tất cả những cái đó? Bạn cứ lẩn tránh nó.
Trong cộng đồng tôn giáo điều đó được lôi vào sự chú ý của bạn; người ta không cho phép bạn né tránh nó. Trong đạo tràng họ có một thường lệ rất chán – cố định, cố định mãi, hàng thế kỉ. Không bao giờ xúc động, không bao giờ cảm giác. Buổi sáng họ dậy, họ tập ngồi thiền, họ uống trà, họ làm thiền đi, họ đi ăn sáng. Và mọi thứ đều hệt nhau: bữa sáng hệt nhau, trà hệt nhau; họ lại ngồi thiền, họ lại vào vườn làm việc. Và bạn đã nhìn vào khu vườn thiền chưa?
Quanh phòng thiền của mình, họ không cho phép có cây. Họ làm vườn đá – để làm bạn chán hoàn toàn. Bởi vì cây thay đổi: lúc thì là mùa xuân và có hoa và có mầu xanh tươi, và lúc thì mùa lá rụng và lá rơi xuống. Cây thay đổi! Cây không phải là sư. Cây cứ thay đổi quanh năm. Trong đạo tràng họ làm vườn đá, để cho không có gì thay đổi cả. Bạn cứ làm cùng điều mọi ngày, và bạn nhìn ra và chỉ toàn có đá và cát, và cùng mẫu hình đó. Tại sao?
Cái chán đã được dùng như một kĩ thuật, nó là một phương cách. Trong thiền, cái chán được dùng như một phương cách: bạn chán đến chết, và bạn không được phép trốn thoát. Bạn không được ra ngoài, bạn không định tự giải trí cho mình, bạn không được làm, bạn không được nói, bạn không được đọc tiểu thuyết và truyện trinh thám. Không xúc động. Không có khả năng nào để thoát đi bất kì đâu.
Và tất cả các sư đều trông giống nhau: đầu cạo trọc lốc. Bạn có để ý điều đó không? Nếu bạn cạo nhẵn đầu, râu mép, râu cằm, thì bạn trở thành gần như vô thực thể. Khuôn mặt của bạn mất đi tính cá nhân. Các sư trông đều giống nhau, bạn không thể phân biệt được bất kì sự khác biệt nào. Bạn thấy những cái đầu nhẵn thín và bạn phát chán. Tóc còn cho một chút ít kiểu cách, một chút ít khác biệt – tất cả cái đầu bị cạo trọc trông đều giống nhau, với tóc thì bạn còn có thể có kiểu cách. Ai đó có tóc dài, ai đó có tóc kiểu ngắn; ai đó có tóc vuông vắn và ai đó là hippie. Và có cả nghìn cách làm cái gì đó với tóc. Bạn có thể làm được gì với cái đầu? Nó hệt như nhau – ăn mặc hệt nhau, đầu hệt nhau, thức ăn hệt nhau, vườn đá hệt nhau, và thiền cũng hệt nhau. Hết năm nọ tới năm kia trong hai mươi năm.
Công việc là đem cái chán tới điểm không còn lối thoát nào là có thể và bạn phải đi qua đột phá. Khi nó là không thể chịu đựng được, khi nó tới cực đỉnh và bạn không thể chịu được nó nữa, thì nó bùng nổ. Từ cực điểm đó, bạn nhẩy. Bỗng nhiên tất cả các cái chán biến mất, bởi vì bản thân tâm trí biến mất.
Chán là một chỉ dẫn của tâm trí. Đó là lí do tại sao con vật lại không bị chán. Nếu bạn đi tới chính cực đoan, nếu bạn cứ đặt sức ép, ngày một nhiều sức ép, thì sẽ tới một cực đỉnh mà bạn đơn giản không thể chịu đựng được thêm nữa, và cái chán biến mất – và cùng với cái chán là tâm trí. Đó là điều trong thiền họ gọi là ‘satori’.
Tiếng cười cũng có thể được dùng theo cùng cách đó. Bồ đề đạt ma đã dùng nó. Đã có những bậc thầy Sufi dùng nó. Có vài giáo phái thiền cũng dùng tiếng cười. Nếu bạn có thể cứ cười mãi vào sự lố bịch của mọi vật, thì ngày này hay ngày khác bạn sẽ đi tới một cực đoan mà bỗng nhiên bạn sẽ thấy rằng tiếng cười không tới nữa. Đó mới là vấn đề. Bạn cứ cười, bạn vẫn cố gắng cười – tiếng cười không đến. Mọi thứ dường như bị mắc kẹt, nhưng bạn cứ cố gắng. Nhiều nỗ lực bây giờ cần tới; bạn hãy buộc nó đến chính cực đỉnh, và một ngày tiếng cười biến mất, và cùng với tiếng cười tâm trí con người cũng biến mất.
Chán hay cười, cả hai đều có thể được dùng. Tôi dùng cả hai cùng nhau. Đầu tiên tôi làm bạn chán, thế rồi tôi giúp bạn cười. Và tôi cứ ném bạn từ cực đoan nọ sang cực đoan kia, cũng giống như người đi trên dây: khi người đó nghiêng sang phải quá nhiều và bây giờ cảm thấy mình sắp ngã, thì người đó nghiêng sang trái. Và dần dần sự cân bằng nảy sinh. Bây giờ đây là điểm thứ ba của sự siêu việt.
Hoặc bạn đi sang trái, xa bên trái, nhiều nhất bạn có thể đi được; hoặc bạn đi sang phải, xa bên phải – hay, bạn chỉ ở giữa, xa ở giữa, chính giữa. Và có sự siêu việt. Ba điểm này là những điểm siêu việt. Toàn bộ nỗ lực của tôi là không dùng cực đoan nào, nhưng cho bạn sự cân bằng.
Cho nên tôi cứ chuyển từ trái qua phải, nhưng toàn bộ ý tưởng là giữ cho bạn được cân bằng trên dây. Một ngày nào đó, sự cân bằng sẽ đem bạn tới điểm mà tại đó bỗng nhiên bạn được cân bằng tới mức tâm trí không thể tồn tại. Tâm trí có thể tồn tại chỉ hoặc bởi nghiêng sang phải hay nghiêng sang trái. Tâm trí chỉ có thể tồn tại với các cực đoan. Tâm trí không bao giờ có thể tồn tại với chỗ giữa, với sự cân bằng.
Phật đã gọi con đường của ông ấy là majjhim nikai – trung đạo. Con đường của tôi cũng là trung đạo. Theo nhiều, nhiều cách tôi đang cố gắng giúp bạn đi tới chỗ giữa tuyệt đối nơi mọi thứ biến mất.
Bây giờ, bạn nói: “Khi tôi cười trong chuyện đùa của thầy tôi cảm thấy nó chỉ là sự phản xạ, rằng tiếng cười của tôi đang xảy ra trên bề mặt và không thấm vào trong bản thể tôi.”
Bạn cứ cố gắng đi. Đừng lo nghĩ. Cứ để cho nó là sự phản xạ. Cứ cố gắng. Đôi khi bạn thậm chí sẽ cảm thấy rằng tiếng cười chỉ là trong thân thể hay trong tâm trí và bạn là nhân chứng – đấy là những khoảnh khắc đẹp. Bạn đã trở nên chút ít siêu việt lên trên tiếng cười của mình – và đó là điều tốt.
“Tôi cười ngày một ít đi” – điều đó sẽ xảy ra, nhưng bạn phải cố gắng vất vả đấy. Đấy là một trong những điều gian nan nhất, cố gắng vất vả cho tiếng cười, bởi vì người ta phải cố gắng thế nào đây? Tiếng cười dường như hoặc tới hoặc không tới – làm sao bạn có thể cố gắng nó được? Bạn càng cố gắng thì bạn sẽ càng thấy khó đem nó lại; nhưng hãy cố gắng, cứ để nó là khó.
Bạn hãy nghe chuyện cười của tôi bây giờ có ý thức nhiều hơn, có chủ ý hơn. Khi tôi đang kể chuyện cười, bạn hãy quên đi cả thế giới. Hãy thiền sâu sắc về nó để cho bạn có thể có được toàn bộ hương vị của nó và nó thấm vào chính trái tim bạn. Và khi tiếng cười tới, cho dù nó chỉ hơi thoáng qua, chỉ là một cảm giác thoảng qua, một gợn sóng, bạn hãy hợp tác với nó, hãy cho phép nó trở thành con sóng lớn. Hãy đung đưa với nó, đi với nó – hãy trong buông bỏ. Nó sẽ chiếm lĩnh bạn.
Đôi khi điều đó là có thể, nghe tôi nhiều quá, cười với tôi nhiều quá, dần dần thậm chí việc cười có thể có vẻ giống như chán chường. Mọi ngày cứ cười và cười mãi – điều đó nữa cũng tạo ra chán. Mọi ngày nghe chuyện cười lặp đi lặp lại, và bạn có một phẩm chất rất nhỏ của tiếng cười, một phẩm chất rất nhỏ của tiếng cười trong bạn – điều đó cảm thấy bị cạn kiệt. Nhưng bây giờ bạn phải học thêm vài điều nữa.
Bạn hãy nghe chuyện cười một cách tỉnh táo hơn, và khi gợn sóng nảy sinh trong bạn thì hãy hợp tác với nó, thậm chí phóng đại nó lên, đi cùng với nó. Câu hỏi này là từ Bodhi, và tôi sẽ gợi ý cho anh ấy một cách thiền đặc biệt: mọi sáng anh ấy phải cười trong ba phút chẳng vì lí do gì hết cả. Khi bạn thức dậy, điều đầu tiên – đừng mở mắt ra trước hết. Khi bạn cảm thấy giấc ngủ đã qua, hãy bắt đầu cười trên giường mình. Trong hai, ba ngày đầu điều đó sẽ khó khăn, thế rồi nó tới – và thế thì nó tới như sự bùng nổ.
Đầu tiên nó là khó bởi vì bạn cảm thấy ngu xuẩn: sao mình lại cười? chẳng có lí do gì cả. Nhưng dần dần bạn sẽ cảm thấy ngu xuẩn và bạn bắt đầu cười vào cái ngu xuẩn của mình – và thế rồi nó chiếm lĩnh bạn. Thế thì nó không thể nào cưỡng lại được. Thế thì bạn cười vào toàn bộ cái ngớ ngẩn. Và thế thì ai đó khác – vợ bạn, bạn gái của bạn, hàng xóm – có thể bắt đầu cười khi thấy rằng bạn là thằng ngốc, và thế thì điều đó sẽ giúp cho bạn.
Osho - Nguồn: TCTNPT
http://www.nguoiviettreonline.com/2015/03/cuoi-va-chan-pham-chat-inh-nghia-nhan.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét