Thứ Ba, 31 tháng 3, 2015

Gia nhập TPP: Liệu Việt Nam có thua trên sân nhà?

Gia nhập TPP: Liệu Việt Nam có thua trên sân nhà?
(Thị trường) - Bên lề những cơ hội lớn về quan hệ thương mại là những khó khăn, thách thức mà Việt Nam cần phải đối mặt trong chặng đường phía trước. Mở màn cho buổi hội thảo, luật sư Trương Trọng Nghĩa (Đại biểu Quốc hội khóa XII, thành viên Ủy ban Tư pháp Quốc Hội và là Phó Chủ tích Liên đoàn luật sư Việt Nam) đi thằng vào vấn đề với câu hỏi: “Việt Nam thực hiện toàn cầu hóa - hội nhập thông qua việc gia nhập WTO, FTA và giờ là TPP, thực sự là cơ hội hay hiểm họa?”

Friedman: “Toàn cầu hoá không phải 
là sự lựa chọn. Đó là một thực tế”.
Năm 2015, nền kinh tế Việt Nam dần có những bước chuyển mình trước những cơ hội lớn từ việc chính thức gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) và hoàn tất công đoạn cuối trong tiến trình đám phán ký kết TPP - Hiệp định thỏa thuận thương mại tự do khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Bên lề những cơ hội lớn về quan hệ thương mại là những khó khăn, thách thức mà Việt Nam cần phải đối mặt trong chặng đường phía trước.

Tại Hội thảo "CEO Việt trước sức ép FTAs & TPP" do CEO Club và tạp chí Người Ðô Thị tổ chức tại TP.HCM vào sáng 24.3 vừa qua đã có sự góp mặt của nhiều chủ doanh nghiệp trên cả nước để cùng nhau thảo luận về những lợi ích và khó khăn trước sân chơi TPP.

Mở màn cho buổi hội thảo, luật sư Trương Trọng Nghĩa (Đại biểu Quốc hội khóa XII, thành viên Ủy ban Tư pháp Quốc Hội và là Phó Chủ tích Liên đoàn luật sư Việt Nam) đi thằng vào vấn đề với câu hỏi: “Việt Nam thực hiện toàn cầu hóa - hội nhập thông qua việc gia nhập WTO, FTA và giờ là TPP, thực sự là cơ hội hay hiểm họa?”

Theo luật sư Nghĩa thì việc Toàn cầu hóa - Hội nhập vừa tạo ra bình đẳng vừa củng cố bất bình đẳng vì việc cam kết xóa bỏ các rào cản đầu tư vẫn chưa triệt để và thiếu công bằng. Chưa khắc phục được tình trạng bất bình đẳng giữa các nước và các khối, ví dụ như OECD trợ cấp 300 tỉ USD cho nông nghiệp và chỉ có 25 cents/1 USD vào túi nông dân, trong khi đó, một con bò của EU được trợ cấp cao hơn ngưỡng nghèo của Liên Hiệp Quốc với 1 USD/ngày.

Ngoài ra, quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) là một vấn đề đầy thách thức khi Việt Nam gia nhập TPP. Nếu không có chiến lược phù hợp thì tình trạng vi phạm bản quyền có thể bị làm cho trầm trọng hơn, khả năng bị kiện cũng lớn hơn, làm phát sinh các chi phí về tòa án và trọng tài.

Ông Nghĩa cũng chỉ ra những điểm yếu trong ngành xuất khẩu của Việt Nam hiện nay. Đó là sự tăng trưởng nhanh nhưng phát triển chậm, cơ cấu hàng xuất có công nghệ thấp trong khi tham dụng lao động chiếm nhiều. Ngoài ra, việc xuất chủ yếu nguyên liệu thô, qua sơ chế hoặc gia công với hiệu quả thấp đã khiến việc cạnh tranh về giá cả, chất lượng, giá trị tăng thêm của hàng hóa,… trở nên yếu đi rất nhiều. Đồng thời, quy mô doanh nghiệp còn nhỏ, không thâm nhập được vào hệ thống phân phối chính cùng với việc chuyển sự phụ thuộc từ ASEAN, Đông Á sang Trung Quốc đã khiến các doanh nghiệp xuất khẩu trở nên không bền vững, không chi phối được thị trường.

Liệu Việt Nam có thua trên sân nhà?

Cánh cửa tự do thương mại gần như đã mở rộng ngay trên sân nhà với việc cắt giảm hàng chục ngàn dòng thuế đúng theo cam kết và đúng lộ trình, thế nhưng trước những thách thức tại sân chơi TPP thì doanh nghiệp Việt Nam cần phải chuẩn bị những gì?

PGS-TS Phạm Duy Nghĩa (Giảng viên Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, trọng tài viên trung tâm trọng tài quốc tế VIAC) thẳng thắn chia sẻ: “Hiện tại, chính sách của các Chính phủ quốc gia thành viên phải khuyến khích cạnh tranh, trung lập, không thiên vị ưu đãi cho doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Việt Nam nhân dịp gia nhập vào TPP, đang ép DNNN đi vào kỷ luật thị trường, cạnh tranh công bằng. Đây là con dao hai lưỡi, nếu làm không khéo sẽ khiến các doanh nghiệp trong nước chết nghỉm.”

PGS-TS Phạm Duy Nghĩa (Giảng viên Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, trọng tài viên trung tâm trọng tài quốc tế VIAC).

Bên cạnh đó, PGS-TS Phạm Duy Nghĩa cho biết thêm, các rào cản kỹ thuật, rào cản tiêu chuẩn vệ sinh, an toàn sản phẩm (phi thuế quan) cần được điều tiết và thực thi một cách nhất quán. Đồng thời, cần có sự cam kết minh bạch từ chính phủ, đối xử bình đẳng, kiểm soát đầu tư công, khuyến khích và bảo đảm cạnh tranh.

“Trong tương lai, những chính sách của nhà nước cần phải phù hợp với mục tiêu phấn đấu của doanh nghiệp. Có như vậy thì nhà nước mới hòa hợp được với doanh nghiệp và cùng nhau phát triển. Về hiện tai, pháp luật chưa nâng đỡ doanh nghiệp tư nhân.” – PGS-TS Phạm Duy Nghĩa nhấn mạnh.

Đồng ý với quan điểm của PGS-TS Phạm Duy Nghĩa, Luật sư Trương Trọng Nghĩa cũng cho rằng nhà nước cần xây dựng chính sách và luật pháp nhằm phát huy tối đa nội lực, bảo hộ và hỗ trợ hợp lý, hợp pháp doanh nghiệp trong nước, đào tạo nhân lực và trọng dụng nhân tài. Song song đó, doanh nghiệp cần phải tiến hành điều tra, nghiên cứu để chuẩn bị cạnh tranh trong tình hình mới, đào tạo nhân lực từ giám đốc trở xuống; sử dụng chuyên gia, tư vấn, luật sư; thích nghi với điều kiện làm việc tòan cầu; khắc phục nhược điểm cố hữu của doanh nhân Việt Nam là thiếu hợp tác, liên kết, dựa vào hội đoàn.

Bà Trương Thị Lệ Khanh - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn cũng đã dành thời gian chia sẻ về những kinh nghiệm “xương máu” của Vĩnh Hoàn để vượt qua rào cản kỹ thuật và vụ kiện chống bán phá giá cá tra nhập khẩu sang thị trường Mỹ.

“Các doanh nghiệp và nhận thức của người tiêu dùng tại các nước nhập khẩu ngày càng cao. Họ đòi chất lượng phải là tốt nhất nhưng giá thì phải cạnh tranh.” - Bà Trương Thị Lệ Khanh - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn nói.

Theo bà, những quy định nghiêm ngặt và đôi khi quá mức cần thiết về dư lượng kháng sinh, các tiêu chuẩn vi sinh trên sản phẩm, thậm chí là độ phức tạp về ghi nhãn của mỗi nước và quy định mới về thủ tục khi nhập hàng đã khiến doanh nghiệp hoạt động trong ngành thủy sản nhiều phen lao đao.

“Nữ hoàng” ngành thủy sản cũng chia sẻ thêm, để có thể vượt qua những rào cản kỹ thuật này, doanh nghiệp Việt cần chú trọng đầu tư về nhân sự, đào tạo và chi phí dịch vụ tư vấn bên ngoài để có sự hiểu biết về “luật chơi” của từng thị trường. Ngoài ra, cần phải cập nhật và cải thiện về mọi mặt liên quan đến sản xuất, nhận thức rõ mối nguy để có giải pháp lâu dài, tuyệt đối không được có tâm lý chủ quan và đối phó. Đặc biệt, doanh nghiệp cần kiên trì, hiểu biết để đấu tranh đối với những rào cản bất công và bất lợi.

“Có một thực tế là không phải cơ quan kiểm tra nào của Mỹ cũng đúng. Vậy nên, các doanh nghiệp Việt cần phải có một sự hiểu biết và tính kiên trì để đấu tranh giành lại quyền lợi, đồng thời đưa ra những phương án chiến lược cùng chính sách hiệu quả.”

Bà Minh Phương - Chủ tịch HĐQT Công ty TMDV Minh Phương với hơn 20 năm hoạt động trong ngành logistics lo ngại: “Việt Nam gia nhập WTO đã là một trở ngại với các doanh nghiệp thời bấy giờ. Bây giờ thêm FTA rồi TPP, tôi thấy vừa có lợi lại vừa có hại. Các doanh nghiệp sẽ bị đặt trong môi trường cạnh tranh khốc liệt với các doanh nghiệp nước ngoài.”

“Cái gì cũng có cái giá của nó. Nếu ta tuân thủ đúng “luật chơi”, hiểu sâu và đúng vấn đề thì sẽ vượt qua được những rào cản ấy, nâng tầm chúng ta lên một bước và giành được chiến thắng.” - Nữ doanh nhân quyền lực của Vĩnh Hoàn nhắn nhủ.

http://baodatviet.vn/kinh-te/thi-truong/gia-nhap-tpp-lieu-viet-nam-co-thua-tren-san-nha-3240396/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét