Thứ Năm, 26 tháng 3, 2015

Ảnh vui về cây "ma"

Ảnh vui về cây "ma"
Hà Nội thay thế cây xanh: Bất ngờ cây có 'ma'
(Tin tức thời sự) - Theo một số chuyên gia về cây xanh đô thị, 4 cây mới được trồng thay thế lần hai trên đường Nguyễn Chí Thanh vẫn không phải cây vàng tâm. Hà Nội chặt cây: Hoảng với tiền tỷ sơn phết / Hà Nội chặt cây: Cây biến hình qua một đêm


Cây có "ma"

Ngày 24/3, theo tìm hiểu một số người dân sống gần khu vực này cho biết, vào tối 22/3, có một số người đem 4 cây có đủ cành lá sum xuê đến để trồng thay thế những cây vừa trồng.

Ông Đỗ Ngọc Hoàng, Tổng giám đốc Công ty Công viên cây xanh Hà Nội cho biết, 4 cây thay thế lần hai này là cây vàng tâm trưởng thành có tán rộng, lá xanh tốt, có nụ hoa, được nhà tài trợ trồng làm mẫu. Cây trồng thay thế đều do các nhà tài trợ lựa chọn mua về.

Trong khi đó, cùng ngày, ông Trần Tuấn Việt, Giám đốc Truyền thông và tiếp thị Ngân hàng Việt Nam Thịnh vượng (VPBank) - là đơn vị tài trợ kinh phí trồng cây ở phía số chẵn trên đường Nguyễn Chí Thanh, ông Việt khẳng định không hay biết gì về việc thay 4 cây lần hai này.

“Chúng tôi chỉ ủng hộ chủ trương của TP.Hà Nội về thay thế cây xanh, đến khi hoàn thành sẽ thanh toán tiền. VPBank không có kiến thức, chức năng về thay thế cây xanh, việc thay 4 cây lần hai này chúng tôi không biết”, ông Việt nói.

Không những không bên nào nhận trồng 4 cây này mà liên hệ với ông Lê Văn Dục, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cũng không nhận được câu trả lời.


Một số chuyên gia khẳng định đây không phải cây vàng tâm

Một số chuyên gia về cây xanh đều khẳng định, 4 cây này không phải cây vàng tâm mà là cây mỡ, cùng chủng loại với những cây đã trồng trước đó. Chỉ khác nhau là 4 cây thay thế lần hai còn nguyên lá, hoa.

Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hiệp, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn thực vật (CPC) cho biết, ông đã đến tận nơi để khảo sát 4 cây mới trồng lại ở trước cửa khách sạn Bảo Sơn trên đường Nguyễn Chí Thanh và khẳng định đấy là cây mỡ chứ không phải cây vàng tâm như nhiều người đồn đoán.

Về đặc điểm vỏ 4 cây mới trồng màu xám, lốm đốm mốc, khác với những cây trồng trước đó (vỏ màu sáng không đốm mốc), ông Hiệp khẳng định chỉ do quá trình sinh trưởng tạo ra. Còn nhiều đặc điểm khác như lá, hoa, cấu trúc gỗ... phải soi, phân tích trên kính hiển vi mới rõ.

“Rất may là tôi đã kịp lấy mẫu những cây này trước khi họ thay mang về phân tích. Hiện đã có đủ cả vật chứng để khẳng định những cây thay lần một và lần hai vẫn cùng là cây mỡ.

Cây mỡ có tên khoa học là Magnolia chevalieri (Dandy) V.S.Kumar thuộc họ Ngọc lan (Magnoliaceae), ở nhiều vùng hay nhầm mỡ với vàng tâm nhưng thực ra, theo khoa học chỉ có 1 loại cây vàng tâm duy nhất có tên khoa học là Magnolia dandyi”, ông Hiệp khẳng định.

Chuyên gia này cho biết thêm, cây mỡ được trồng nhiều ở vùng Yên Bái, Lào Cai. Gỗ rất mềm, xốp được dùng để làm giấy, bút chì. Còn cây vàng tâm, gỗ rất quý, trong tự nhiên bị khai thác cạn kiệt, phải đưa vào sách đỏ để bảo tồn.

Cây gỗ mỡ được trồng tại Hà Nội sau 10 năm sẽ thế nào?

Theo anh Phan Nhật Quang, kỹ sư lâm nghiệp tại Lào Cai cho biết, cây mỡ rất nhiều sâu và giá trị kinh tế không cao.
Anh Quang cho biết, gia đình anh đang có hơn 10 ha trồng loại cây này từ năm 2003 nhưng hiện chưa thể thu hoạch vì nó quá nhiều sâu. Loài sâu này nếu chạm vào sẽ rất ngứa ngáy và cực kỳ khó chịu.

Anh Quang cho biết thêm, cây này nếu trồng tập trung thì rất khó tránh được sự xuất hiện của loài sâu kinh khủng đó. Hiện 1m3 gỗ mỡ có giá khoảng 1 triệu đồng.

Còn theo GS. Nguyễn Lân Dũng - Chủ tịch Hội các ngành sinh học Việt Nam: "Tôi cho rằng 10 năm nữa nó cũng chắc chắn không có bóng mát đâu, bởi cành nó bằng ngón tay thôi.

Chúng ta không nên quan tâm hàng cây trồng trên đường Nguyễn Chí Thanh là cây vàng tâm hay mỡ, bởi cả 2 loại cây này đều không phù hợp để làm cây xanh ở Hà Nội. Ở đây không phải đất chua, không có chất mùn và nhiệt độ cao thì làm sao có thể trồng được 2 loại cây đó chứ”.

 Thu được 186,9m3 gỗ xà cừ trong tổng số cây bị chặt
Theo báo cáo của Công ty cây xanh HN, từ tháng 12/2014 đến nay, đơn vị này được giao chặt hạ cây tại 3 tuyến phố Nguyễn Trãi, Phố Huế - Hàng Bài và Nguyễn Chí Thanh với tổng số cây bị chặt là 520 cây, thu được 186,9m3 gỗ xà cừ, gần 31,7m3 gỗ khác và hơn 23,4m3 củi.
Bên cạnh đó, theo ông Đỗ Ngọc Hoàng, Tổng giám đốc Công ty cây xanh HN, số gỗ trong 2 kho của Công ty hiện nay đều thu hồi từ việc chặt hạ cây xanh ở các tuyến phố Nguyễn Trãi, Phố Huế - Hàng Bài, Nguyễn Chí Thanh và chỉnh trang tại một số tuyến phố khác. Toàn bộ số gỗ này đang chờ các thủ tục để bán đấu giá.
Theo quy định, củi là thân, cành cây đường kính dưới 20 cm, đường kính trên 20 cm thì lưu giữ làm gỗ. Từ giai đoạn chặt cây, thu hồi củi, gỗ, đã có một tổ gồm nhiều thành phần tham gia giám sát, lập biên bản ghi rõ loại củi, gỗ, khối lượng, tình trạng…
Củi, gỗ thu hồi, công ty không được tổ chức đấu thầu mà báo cáo Sở Tài chính. Sở này giới thiệu một công ty đấu thầu, công ty này đứng ra tổ chức thông báo đến các tổ chức, cá nhân muốn mua củi gỗ đến đấu thầu. Giá trị một mét khối gỗ tùy theo từng thời điểm trung tâm thẩm định giá của Sở Tài chính đưa ra. Tiền đấu thầu thu được sau đó nộp vào ngân sách…
Liên quan đến việc báo chí ghi lại hình ảnh một xe tải chở gỗ xà cừ vào làng Chuông (xã Phương Chung, Thanh Oai, Hà Nội) nghi là gỗ tuồn từ việc chặt hạ cây trên đường phố, ông Hoàng khẳng định:
“Số gỗ, xe chở gỗ trên không phải của Công ty chúng tôi”. Ông Hoàng cũng kiến nghị cơ quan Công an điều tra, xác minh rõ thông tin trên vì ảnh chụp xe gỗ này khá rõ, có cả biển số xe.
Hà Giang (Tổng hợp)
http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/ha-noi-thay-the-cay-xanh-bat-ngo-cay-co-ma-3239409/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét