Tranh chấp Biển Đông: ASEAN có thể làm gì?
(DĐDN) - Trong tương lai, có thể dự đoán ASEAN sẽ tiếp tục có những thay đổi nhất định về thái độ và lập trường trong vấn đề Biển Đông, thể hiện trong quan điểm của từng nước thành viên và của cả khối ASEAN.Mở rộng lợi ích
ASEAN sẽ cần phải tìm ra một giải pháp để ưu tiên những lợi ích then chốt chung giữa các quốc gia thành viên để giảm bớt các ảnh hưởng có hại đến sự khác biệt của từng quốc gia riêng lẻ: nhấn mạnh giá trị chiến lược của tự do hàng hải, tôn trọng pháp luật quốc tế và sự ổn định khu vực có thể giúp tổ chức này tạo ra một sự đồng thuận bên trong, điều này sẽ củng cố khả năng thương lượng của tổ chức.
Đây là một thời điểm trong đó việc kết hợp của các quốc gia có chủ quyền thông qua sự hội nhập của các nền kinh tế quốc gia khác nhau nhằm tạo ra một tổ chức hợp tác kinh tế toàn diện, không chỉ có thể là sự tập hợp của các nhà nước khác nhau mà còn là một thực thể hoàn toàn mới. Tương tự như Châu Âu sau thế chiến thứ II, cũng đã phải tìm cách để tạo ra một cấu trúc có thể đảm bảo sự ổn định của khu vực này. Liên minh của các nước Châu Âu đã được hình thành và liên kết ngày càng chặt chẽ hơn để tìm ra một giải pháp hoà giải giữa những bên có mâu thuẫn truyền thống, chủ yếu liên quan đến khả năng cạnh tranh kinh tế và những thách thức mới của thời kỳ sau chiến tranh. Nền tảng kinh tế (đầu tiên như là cộng đồng Than Châu Âu, Cộng đồng Thép, Cộng Đồng Kinh tế Châu Âu, Cộng Đồng Châu Âu và cuối cùng là Liên Minh Châu Âu) là điểm khởi đầu để tăng cường sự tin tưởng lẫn nhau và khám phá khả năng thiết lập quan hệ chính trị giữa các bên. Quy trình hội nhập đã đóng một vai trò chiến lược cho sự tái sinh của các quốc gia Châu Âu.
Nhìn vào những kinh nghiệm của Châu Âu, đặc biệt là trong bối cảnh khủng hoảng Ukraine hiện nay, các quốc gia ASEAN có thể hiểu một cách sâu sắc tầm quan trọng của chiến lược chính trị chung là để có một vai trò thực sự trong những diễn biến quốc tế. Việc không có khả năng đưa ra một tiếng nói chung không chỉ làm suy yếu các điều kiện an ninh ở mức độ rộng hơn, mà còn tạo ra khoảng trống để cho các nhà nước khác lấp đầy đó và tạo ra sự ảnh hưởng của họ với Đông Nam Á.
Hiện tại, ASEAN có khả năng tận dụng những lợi thế từ các nền kinh tế phát triển mạnh của một số thành viên của mình để thúc đẩy sự hợp tác và mở rộng lợi ích chung của sự năng động này cùng đến các quốc gia thành viên đang chịu sự phụ thuộc vào việc trao đổi thương mại với các nền kinh tế lớn trong khu vực, điều này tạo hệ quả tất yếu trong quá trình ra quyết định. Việc giảm những ảnh hưởng từ bên ngoài có thể cho phép tổ chức tăng cường sự gắn kết nội bộ và để tăng cường cả uy tín cũng như hiệu quả của các công cụ ngoại giao theo ý của mình. Điều này sẽ làm cho ASEAN trở thành một bên đối thoại mạnh mẽ hơn nhằm đảm bảo sự ổn định của khu vực.
ASEAN cần có quan điểm trực diện hơn và phản đổi rõ ràng hơn đối với những yêu sách chủ quyền và quyền chủ quyền không dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế, ủng hộ mạnh mẽ các biện pháp kiểm soát và quản lý tranh chấp dựa trên luật, như việc xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Tăng cường hợp tác
ASEAN sẽ dần trở thành một định chế giám sát khu vực để giải quyết những vấn đề tranh chấp trên Biển Đông.
ASEAN sẽ phải tăng cường hợp tác để làm rõ cách thức diễn giải luật pháp quốc tế và các quy tắc ứng xử ở Biển Đông, như hợp tác giải thích việc áp dụng Điều 121 UNLCOS trong thực tiễn Biển Đông, diễn giải các điều khoản của UNCLOS, COLREGs, SUA... trong thực tiễn áp dụng ở Biển Đông. Các nước ASEAN cũng sẽ ủng hộ mạnh mẽ hơn các biện pháp giải quyết tranh chấp theo luật pháp quốc tế, như cơ chế giải quyết tranh chấp của UNCLOS, kể cả việc sử dụng các cơ quan tài phán quốc tế.
Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phải nhìn nhận rằng có một thực tế là sự gắn kết giữa các nước ASEAN trong vấn đề Biển Đông hiện chưa cao do lợi ích khác biệt giữa các nước thành viên trong các vấn đề trực tiếp liên quan tới Biển Đông, cũng như quan hệ của họ với Trung Quốc. Trong thực tế này, VN cần tranh thủ tối đa cảm xúc của các nước ASEAN về nguy cơ Trung Quốc bành trướng trên biển Đông để thúc đẩy ASEAN thể hiện mạnh mẽ hơn quan điểm ủng hộ VN, đề cao sự tôn trọng nguyên tắc thượng tôn pháp luật – các vấn đề tranh chấp quốc tế phải được giải quyết phù hợp với các nguyên tắc và quy định của luật quốc tế, thúc đẩy Trung Quốc hoàn tất đàm phán DOC và ủng hộ việc giải quyết vấn đề Biển Đông thông qua các biện pháp hoà bình mà luật quốc tế công nhận như các biện pháp đàm phán, hoà giải, pháp lý và tránh dùng vũ lực.
VN cũng cần thúc đẩy quá trình hình thành cộng đồng ASEAN để dần đưa các nước thành viên ASEAN có nhiều lợi ích chung hơn và từ đó thống nhất về quan điểm lập trường của khối đối với vấn đề Biển Đông; thuyết phục các nước thành viên ASEAN quan tâm tới vấn đề biển Đông để thúc đẩy ASEAN thực hiện các sáng kiến hợp tác an ninh khu vực, như tăng cường các cơ chế ARF, ADMM+, EAS... trong việc thúc đẩy đối thoại về an ninh biển, gia tăng hợp tác để bảo đảm an ninh biển. Như vậy, ASEAN sẽ dần trở thành một định chế giám sát khu vực để giải quyết những vấn đề tranh chấp trên Biển Đông. Với tư cách này sẽ giúp ASEAN tăng cường lợi ích của các bên liên quan về hiệu quả thực sự của việc hợp tác trong mối tương quan này và, qua đó buộc Trung Quốc phải cân nhắc nhiều hơn tới việc tôn trọng các quan điểm của các nước thành viên ASEAN (bao gồm Việt Nam) và các quy tắc của cơ chế này.
TS. Trần Việt Dũng
Quyền trưởng khoa Luật Quốc tế,
Đại học Luật TP HCM
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét