Thứ Sáu, 8 tháng 8, 2014

Cách tính GDP của các tỉnh “không giống ai cả”

Cách tính GDP của các tỉnh thành “không giống ai cả” vì không ai tính GDP cho cấp tỉnh. Lưu ý thời Liên Xô vì dùng hệ thống thống kê sản xuất vật chất MPS chứ không phải hệ thống thống kê SNA (hệ thống tài khoản quốc gia) của kinh tế thị trường nên Liên Xô và Việt Nam đều không tính GDP mà chỉ tính thu nhập quốc dân (gần giống GDP nhưng không tính đến khu vực phi sản xuất vật chất, nên thu nhập quốc dân chỉ bằng khoảng 60-70% GDP).
Cách tính GDP của các tỉnh thành “không giống ai cả”
NGUYÊN ĐỨC BizLIVE - Trao đổi cùng các đại biểu tham dự hội nghị ngành KH&ĐT 2014 tại Đà Nẵng hôm 07/8/2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã giành gần 1 giờ đồng hồ để nói chuyện, đề cập nhiều vấn đề khúc mắc trong điều hành kinh tế và pháp chế vĩ mô. 
Đặc biệt về phương pháp tính tổng giá trị sản phẩm nội địa GDP, Thủ tướng thẳng thắn nhìn nhận, đã đến lúc phải có sự thay đổi phù hợp.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại hội nghị ngành KH&ĐT 2014.
GDP “không giống ai cả”
Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, cần nhìn phương pháp tính GDP đang áp dụng ở các tỉnh thành cả nước dưới con mắt khách quan. Bởi lẽ đây là hệ quả của 1 thời kỳ dài đất nước chuyển đổi, từ nền kinh tế tập trung bao cấp sang kinh tế thị trường, từ cách tính GDP theo Nhà nước Liên Xô trước đây, Việt Nam kế thừa cho đến nay. Cho nên, với sự phát triển của kinh tế thế giới, và bối cảnh kinh tế hội nhập, đến nay cách tính cũ đã không còn thích hợp.

Thủ tướng bày tỏ, các nước hiện cho rằng “cách tính GDP của các tỉnh thành là không xác thực, và so với quốc tế thì “không giống ai cả”. Đây là 1 sự thật, chúng ta đã đổi mới rồi, hội nhập rồi, thì cái gì phổ quát, khoa học thì nên theo. Cách tính tăng trưởng GDP cả nước, cách tính lạm phát từ chỉ số GDP từng tháng, quý, năm, các tổ chức quốc tế đều cho rằng sai; rồi cách tính GDP các tỉnh thành phải tính lại, cho đúng thực tế hơn và phù hợp thông lệ quốc tế”.

Thủ tướng cũng nhìn nhận, sự thật với cách tính GDP mới, là chỉ số GDP sẽ thấp đi. Hiện tại, các tỉnh thành đều có chỉ số GDP đến 9 – 11%, nhưng cộng lại sẽ không thể ra con số hơn 5% của cả nước, như đã tính là 5,8%. Cho nên, cần phải áp dụng cách tính GDP chính xác, khoa học hơn.

Thủ tướng: Cách tính GDP của các tỉnh thành "không giống ai cả".

Trên tinh thần đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các tỉnh thành phối hợp bộ KH&ĐT cùng Tổng cục thống kê thuộc bộ triển khai lại phương pháp tính GDP mới đúng lộ trình đặt ra.

5 căn cứ lập kế hoạch kinh tế

Mở rộng vấn đề hoạch định kinh tế xã hội quốc gia, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, việc xây dựng kế hoạch kinh tế xã hội 5 năm theo sáng kiến của bộ KH&ĐT là quan trọng, và đến thời điểm này triển khai là kịp thời.

Tuy nhiên, Thủ tướng đề nghị các bộ ngành và tỉnh thành trong việc xây dựng kế hoạch cần phải căn cứ vào các luận điểm quan trọng.

Thứ nhất, phải căn cứ cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ mà Đại hội Đảng lần thứ 11 đã thông qua, căn cứ vào chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2011 – 2020, các nghị quyết chuyên đề lớn của Trung ương như về các vấn đề xã hội, văn hóa, nông nghiệp nông thôn.

Thứ hai, phải căn cứ kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội 5 năm 2011 – 2015. Kết quả đó phải được đánh giá thẳng thắn, khách quan và toàn diện, đánh giá cả thành tựu đạt được, không tô hồng, không chủ quan thỏa mãn; lẫn những hạn chế yếu kém, không bôi đen, mà phải chỉ rõ các nguyên nhân, bài học. Các cấp phải xuất phát từ thực tiễn mới đề ra kế hoạch thiết thực.

Muốn vậy, phải nỗ lực bằng các giải pháp có được, để đạt kết quả cao nhất nhiệm vụ năm 2014. Nếu không nỗ lực, quyết liệt cũng khó đạt được các chỉ tiêu tăng trưởng như GDP cả nước là 5,8% đã đề ra. Muốn có kế hoạch 5 năm 2016 – 2014, phải nỗ lực quyết liệt để thực hiện được nhiệm vụ 2014 – 2015, thì các chỉ tiêu đề ra mới có giá trị thật.


Phải phát huy được nội lực và thu hút ngoại lực mới có thể phát triển kinh tế.

Thứ ba, phải nâng cao chất lượng dự báo về bối cảnh kinh tế quốc tế, để chủ động xây dựng các chỉ tiêu kế hoạch thực tiễn phù hợp.

Thứ tư, phải căn cứ vào 5 quan điểm phát triển kinh tế xã hội 10 năm đã được tổng hợp. Trong đó, theo Thủ tưởng, quan điểm đầu tiên là phải đổi mới đồng bộ, toàn diện cả kinh tế chính trị, để tạo động lực mạnh mẽ, huy động cao nhất mọi nguồn lực trong và ngoài nước, xây dựng và bảo vệ đất nước.

Quan điểm thứ 2, phải phát triển bền vững, tăng trưởng kinh tế trên cơ sở ổn định kinh tế vĩ mô. Thực tiễn 5 năm qua, không thể sốt ruột được. Muốn phát triển bền vững, phải kết hợp, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của nền kinh tế; gắn với tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Quan điểm thứ ba, phải quán triệt thực hiện quan điểm kinh tế thị trường định hướng XHCN, trước hết là phải thực hiện đầy đủ các quy luật, nguyên tắc của kinh tế thị trường, đặc biệt trong phân bổ nguồn lực và giá cả; và Nhà nước có công cụ, chính sách điều tiết phân bổ công bằng xã hội, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo.

Quan điểm thứ tư, nhà nước pháp quyền phải thượng tôn pháp luật và phát huy quyền làm chủ của người dân, trước hết là trong kinh tế. Phải dân chủ, tự do bình đẳng trong kinh doanh kinh tế thị trường.

Cuối cùng, phải phát huy nội lực và huy động nguồn lực bên ngoài. Nội lực là cơ sở chủ yếu để xây dựng kế hoạch kinh tế trung hạn. Song nội lực không chỉ theo hướng nhìn vào ngân sách, mà phải làm sao huy động được cả xã hội đầu tư phát triển. Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, bài học thực tiễn trong xây dựng đất nước, là phải cuốn hút và tận dụng được mọi nguồn lực kinh tế trong và ngoài nước, mới có thể tạo nên sức mạnh để hiện thực hóa các kế hoạch hành động đề ra.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét