Thứ Năm, 8 tháng 5, 2014

Xuất khẩu gạo không đủ tiền nhập bắp, đậu nành

Xuất khẩu gạo không đủ tiền nhập bắp, đậu nành
Chính phủ Việt Nam tỏ ra chậm chạp trong việc tìm đối sách giải quyết nghịch lý nông nghiệp. Tổng số tiền xuất khẩu gạo mỗi năm không đủ để chi cho nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi như bắp và khô dầu đậu nành.
Sản phẩm nông nghiệp: lúa, bắp, đậu nành... RFA files
Sự sai lầm của chính sách nông nghiệp
Năm 2013 Việt Nam xuất khẩu 6,6 triệu tấn gạo trị giá 2,9 tỷ USD nhưng đã phải nhập khẩu 9,2 triệu tấn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trị giá 4,5 tỷ USD. Trong đó lượng bắp nhập khẩu lên tới hơn 2 triệu tấn và hơn 4 triệu tấn khô dầu đậu nành tức bã đậu nành sau khi đã ép để lấy dầu.

Chính sách nông nghiệp tập trung vào lúa gạo sau ba thập niên đã lộ rõ sự sai lầm, người trồng lúa khốn khó trong khi gạo Việt Nam luôn bán giá thấp. Nếu nhà nước nhìn xa trông rộng thì tình hình đã không đến nỗi bế tắc như hiện nay.

Ông Phạm Đức Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội thức ăn chăn nuôi Việt Nam từ Đồng Nai nhận định:

“ Đây là một sự sai lầm trong chính sách nông nghiệp của Việt Nam. Trước đây có ảnh hưởng tâm lý về an ninh lương thực của những vụ đói trước đây tạo ra suy nghĩ của người Việt Nam chỗ nào cũng phải trồng lúa. Ngay cả những vùng đất gò đồi người ta cũng trồng lúa thay vì trồng bắp. Không có những chính sách khuyến nông để trồng bắp dẫn tới không có đầu tư, không có công nghiệp hóa, cơ giới hóa trong việc trồng bắp thu hoạch bắp, phương tiện sơ chế không có. Đây là sai lầm… tự hào về việc xuất khẩu gạo nhất nhì thế giới và cứ đeo đuổi mục tiêu đó. Theo bản thân chúng tôi suy nghĩ, hiện nay có thể nhà nước và Bộ NN-PTNT đã nhìn ra. Thứ nhất là kế hoạch chuyển 200.000 héc ta trồng lúa sang trồng bắp, với 200.000 héc ta này trồng bắp mỗi năm một vụ thì với năng suất khiêm tốn 5 tấn/ha thì một vụ có 1 triệu tấn bắp, trồng hai vụ sẽ có 2 triệu tấn bắp và nếu nhà nước VN và Bộ NN-PTNT cho phép trồng cây bắp biến đổi gien thì năng suất tăng gấp đôi, coi như Việt Nam sẽ có 4 triệu tấn bắp. Nếu việc này trở thành hiện thực thì trong tương lai gần Việt Nam không phải nhập bắp nữa.” 

Trên thực tế Việt Nam có diện tích trồng bắp khoảng hơn 1 triệu ha, sản lượng trung bình từ 4 tới 5 triệu tấn. Hiện nay giá bắp sản xuất trong nước cao hơn bắp nhập khẩu từ 100đ tới 200đ/kg, mặc dù bắp nhập khẩu có chịu thuế VAT và chi phí vận chuyển hàng hải. Theo Bộ NN-PTNT trong 4 tháng đầu năm 2014, lượng bắp nhập khẩu lên đến hơn 2,04 triệu tấn trong khi cả năm 2013 con số nay là 2,26 triệu tấn. Bắp nhập khẩu ồ ạt được cho là vì giá thế giới giảm đã làm cho nông dân trồng bắp ế ẩm phải bán hạ giá mà vẫn không thể cạnh tranh.

Trao đổi với Nam Nguyên, Phó Chủ tịch Hiệp hội thức ăn chăn nuôi Phạm Đức Bình cho rằng, ngành trồng bắp (ngô) cần tăng năng suất, tăng chất lượng giảm chi phí thì mới có thể cạnh tranh với bắp nhập khẩu từ Mỹ, Argentina…

“ Tại sao các công ty Việt nam nhập khẩu nhiều bắp từ nước ngoài, lý do vì mua ở Việt Nam mua số lượng nhiều không có. Chất lượng thì không đồng đều, thứ nhất vụ bắp chính của Việt Nam gieo khi mùa mưa đến và khi thu hoạch thì gặp lúc mưa dầm, hệ thống sấy để tồn kho không có cho nên chất lượng không đều và số lượng cũng không nhiều. Ví dụ một đêm chúng tôi có thể mua trên thị trường CBOT một tàu hàng 100.000 tấn rất dễ dàng. Nhưng ở Việt Nam nếu mua được một khối lượng như thế thì phải tổ chức rất nhiều điểm thu mua, những nhân viên thu mua để mua được số lượng như thế mà chất lượng thì không tin tưởng, chất lượng không đồng nhất dẫn tới bảo quản rất khó. Đây là những hạn chế của sản xuất bắp ngô của Việt Nam.”

Câu chuyện tái cơ cấu nông nghiệp

Trong dịp trả lời chúng tôi, GS Bùi Chí Bửu nguyên Viện trưởng Viện trưởng Viện khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam nói rằng Việt nam có thể tăng sản lượng bắp nếu có chính sách và đầu tư đúng. Ông nói:

“ Cây bắp thì chúng tôi tính là chỉ cần nâng 1 tấn/ha tức là 4 tấn lên 5 tấn thì mình không phải nhập. Bắp thì chắc chắn khỏi nhập nhưng đậu nành thì phải nhập. Bắp mình tới hơn 1 triệu héc-ta, hiện nay cây bắp trên Tây nguyên không có nước, chủ yếu sử dụng nước trời, còn vùng có nước trên Tây nguyên như Đắc Lắc được 8 tấn/ha dễ dàng lắm. Bắp đồng bằng sông Cửu Long chỉ có những vùng đất ở Cù Lao giữa song, hay đất vùng đầu nguôn An Giang Đồng Tháp. Những vùng đó mình đẩy diện tích lên thì cũng được hơn 100.000 héc-ta, hiện nay chỉ vài chục nghìn héc-ta. Nhưng mà vùng này không phải là vùng trồng bắp, mặc dù năng suất bắp rất cao nhưng diện tích manh mún nhỏ không đưa vào công nghiệp hóa được. Không thể có nhà máy nào mà rải rác để thu mua được. Chúng tôi khuyến nghị cây bắp nên đưa về Đồng Nai lên Đắc Nông  lên Tây nguyên. Đó mới là vùng thích hợp với điều kiện phải đầu tư nước tưới cho nó. Nếu có nước tưới thì ta không phải nhập bắp nữa, trồng ở đó giá thành mới rẻ được còn ở đồng bằng sông Cửu Long giá thành đắt lắm.” 

Với tính cách của một nhà kinh doanh, ông Phạm Đức Bình phó Chủ tịch Hiệp hội thức ăn chăn nuôi Việt Nam tỏ ra lạc quan về việc có thể chuyển đổi một phần diện tích lúa sang bắp, điều mà ông nói là vừa tăng thu nhập cho nông dân vừa tiết kiệm ngoại tệ nhập khẩu bắp từ nước ngoài. Ông nói:

“ Nhà nước cần có những chính sách khuyến nông về chuyện trồng bắp, thí dụ hỗ trợ giá bắp giống rôi đưa cây biến đổi gien vào, năng suất nó tăng lên đồng nghĩa với thu nhập của người nông dân tăng lên. Như vậy chuyện chuyển đổi rất dễ dàng. Hiện nay trồng lúa bán không được, lúa ê hề mà người nông dân vẫn thua thiệt không bán được lúa và họ rất muốn có một loại cây trồng để thay thế.

Đây là một cơ hội để chuyển đổi, còn đầu ra thì không lo bởi ngành chăn nuôi Việt Nam đang phát triển, sự tiêu thụ bắp rất nhiều.  Ở Việt Nam bây giờ xuất khẩu gạo không đủ nhập thức ăn chăn nuôi về, tôi nghĩ rằng nhà nước VN đã nhìn thấy vấn đề và đang thay đổi rất tích cực trong chính sách vĩ mô, chính sách khuyến nông. Còn về kinh tế thị trường người nông dân sẽ tự thay đổi. Khi ở đâu mang lại lợi nhuận cao sẽ kéo theo tất cả các dịch vụ logistics, hệ thống kho sấy…” 

Câu chuyện nghịch lý lúa gạo và nguyên liệu thức ăn chăn nuôi không phải đến năm 2014 này mới được báo chí, chuyên gia và doanh nghiệp lên tiếng. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang từng nói, nước xuất khẩu gạo nhất nhì thế giới mà túi rỗng. Câu chuyện tái cơ cấu nông nghiệp, tổ chức lại sản xuất, chuyển đổi giống cây trồng cho đến nay vẫn cứ không nhúc nhích.

Nam Nguyên, phóng viên RFA 
2014-05-07

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét