Bình Dương sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp bị thiệt hại
(TBKTSG Online) - Sáng sớm ngày 14-5, lãnh đạo chính quyền tỉnh Bình Dương đã có thông cáo báo chí kêu gọi mọi thành phần nhân dân cần bình tĩnh, kiềm chế. Người dân không nên nghe theo sự kích động của các đối tượng quá khích dẫn tới vi phạm pháp luật. Và Bình Dương sẽ hỗ trợ cho các doanh nghiệp bị thiệt hại.Sau cuộc họp sáng nay, ông Trần Văn Nam, Phó chủ tịnh UBND tỉnh Bình Dương người phụ trách phát ngôn với báo chí về việc này cho TBKTSG Online biết, chính quyền tỉnh Bình Dương sẽ trao đổi với các doanh nghiệp, chia sẻ khó khăn cùng các doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay, sẽ có những tính toán để đền bù, hỗ trợ cho những doanh nghiệp bị những người quá khích đập phá nhằm bảo đảm quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh tại tỉnh.
Để làm được việc này tỉnh sẽ lập các đoàn để nắm tình hình. Cụ thể là các doanh nghiệp bị thiệt hại trong đợt này sẽ được đánh giá mức độ tổn thất, tìm hiểu tâm tư các chủ doanh nghiệp. Ông Mai Hùng Dũng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương được giao lên kế hoạch cụ thể cho chương trình này.
Theo thống kê sơ bộ, tại Bình Dương đã có 15 doanh nghiệp bị thiệt hại do đốt, đập phá, nhiều doanh nghiệp bị hư hại cổng, tường rào do bị ném gạch đá .
Ông Nam cho biết các cơ quan chức năng đã triển khai các biện pháp nghiệp vụ rà soát và đã bắt được một số đối tượng quá khích. Trả lời câu hỏi phải chăng cơ quan chức năng đã có phản ứng hơi chậm trước những hành động quá khích vừa qua, ông Nam giải thích, "các cơ quan chức năng ở tỉnh phải xử lý đúng theo quy định của pháp luật".
Còn tại tỉnh Đồng Nai, trao đổi với TBKTSG Online, ông Võ Thanh Lập, trưởng Ban quản lý các KCN Đồng Nai cho biết đang phối hợp với công an để xử lý việc biểu tình gây rối và phức tạp của công nhân.
“Đối với những doanh nghiệp không ổn định được tình hình, ban quản lý khuyến khích doanh nghiệp đó tạm đóng cửa trong 1-2 ngày”, ông Lập nói.
Ông Lập cho biết có một số doanh nghiệp đóng cửa nhưng không phải toàn KCN Đồng Nai.
Giám đốc một doanh nghiệp Việt Nam chuyên gia công giày xuất khẩu tại KCN Bình Đường, huyện Dĩ An, Bình Dương xin không được nêu tên cho biết, sau khi bị công nhân biểu tình tràn vào đập phá, công ty đã đóng cửa tạm ngưng hoạt động từ hôm qua, hôm nay vẫn còn đóng cửa để nghe ngóng tình hình dù đang trong thời kỳ cao điểm thực hiện đơn hàng của ngành giày.
"Chúng tôi đã liên hệ với phía khách hàng xin được dời thời hạn giao hàng. Dù không muốn, họ cũng phải đồng ý (dời đơn hàng - pv), chứ sao giờ”, vị giám đốc này nói.
Ông Hàn Vay Chi, Chủ đầu tư Khu công nghiệp Việt Hương 1 và 2 cho biết đã trấn an lãnh đạo những công ty trong khu công nghiệp và khuyên họ cho công nhân nghỉ một vài ngày để tình hình ổn định trở lại và vẫn trả lương cho công nhân dù không đi làm.
Theo ông Chi, hiện trong các hợp đồng bảo hiểm không có điều khoản nào bảo hiểm cho trường hợp các công ty bị đập phá bởi các đám đông. Như vậy, do không được trả bảo hiểm nên trước mắt và lâu dài ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của các công ty. Vụ việc vừa qua sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các công ty khoảng 1-3 tháng.
“Để tạo niềm tin cho các doanh nghiệp phía cơ quan quản lý ngoài việc hỗ trợ tài chính thì phải làm sao để trong thời gian tới không xảy ra tình huống tương tự, có như vậy, doanh nghiệp mới yên tâm làm ăn lâu dài ở Việt Nam”, ông Chi nói thêm.
Theo ghi nhận của TBKTSG Online, trong sáng 14-5, ở các khu công nghiệp tại TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai nhiều công ty, nhà máy đã đóng cửa cho công nhân nghỉ vì lo ngại tình trạng quá khích của một nhóm người diễn ra trong ngày hôm qua.
Hàng chục công ty, xí nghiệp bị đập phá cổng ra vào, văn phòng điều hành và máy móc, thậm chí có xí nghiệp còn bị nhóm người quá khích đốt cháy. Trong đó, Nhà máy giày Duy Hưng thuộc Công ty Cổ phần Công nghiệp Đông Hưng nằm trong khu Công nghiệp Sóng Thần đã bị cháy hết phần nhà xưởng phía bên trong. Toàn bộ phần sân bãi của xí nghiệp này trong cảnh tượng tan hoang, đổ vỡ.
Chị Nguyễn Thị Hương Lan, công nhân của Nhà máy giày Duy Hưng cho biết, trong sáng nay chị vẫn đi làm bình thường nhưng khi đến nhà máy thì đã thấy nhà xưởng đã bị đốt cháy trơ trụi. Chị Lan đang rất lo sợ mất việc làm vì đang nuôi hai con nhỏ dưới quê. "Nhà máy cháy như vậy rồi, việc mất mà không biết có lấy được lương từ trước tới giờ hay không?", chị Lan than thở.
Dưới đây là những hình ảnh do phóng viên ghi nhận tại Khu công nghiệp Sóng Thần sáng 14-5:
Nhóm công nhân Công ty Chutex đang đứng trước cổng công ty để ngóng chờ những thông tin mới. Ảnh: Mạnh Tùng
Nhiều công ty dán bảng thông báo cho công nhân nghỉ trong ngày hôm nay, 14-5. Ảnh: Mạnh Tùng
Một nhóm người mang biểu ngữ, giăng khắp các cổng công ty trong Khu công nghiệp Sóng Thần. Ảnh: Mạnh Tùng
Trước tình hình công nhân ở một số nơi có hành động quá khích đập phá nhà xưởng, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (TLĐLD) đã có văn bản yêu cầu các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố; các Công đoàn ngành Trung ương và tương đương, Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn phải chủ động nắm bắt tình hình, báo cáo kịp thời khi công nhân có những hành động quá khích.
TLĐLĐ cũng yêu cầu các đơn vị trên phân công cán bộ bám sát cơ sở, phát hiện những biểu hiện của một số đối tượng quá khích trà trộn vào kích động người lao động có các hành động cực đoan, không phù hợp quy định pháp luật; ngăn chặn các hành động đáng tiếc xảy ra. Song song đó, các đơn vị trên cũng phải tổ chức các hoạt động tuyên truyền để người lao động hiểu đúng tình hình, có các hành động đúng đắn để bảo đảm hoạt động sản xuất - kinh doanh ổn định.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét