Hà hơi tiếp sức cho "xác chết biết đi"?
(Tài chính) - Nợ ngập đầu, dòng tiền eo hẹp bằng cách xin giãn nợ, hoãn nợ, cơ cấu lại các khoản trái phiếu, khoản tín dụng, bán cổ phần ở các công ty con… Nhiều doanh nghiệp (DN) bất ngờ công bố thoát khỏi gánh nợ đến hạn cả nghìn tỷ đồng. Chuyên gia Lê Đăng Doanh cảnh báo, hoãn nợ, giãn nợ... cho các doanh nghiệp yếu kém là tiếp sức cho những "xác chết biết đi".
Nợ cũ chưa trả lại thêm phần nợ mới, tiềm ẩn nhiều
rủi ro cho hệ thống ngân hàng và cả nền kinh tế.
Bao giờ các chủ nợ đòi được tiền?Ngày 29/10, Công ty Đầu tư Năm Bảy Bảy (NBB) bất ngờ công bố thoát khỏi gánh nợ đến hạn nhờ việc cơ cấu lại các khoản trái phiếu và các khoản tín dụng.Đại gia đang bị khủng hoảng bất động sản vùi dập cho biết, khoản trái phiếu 350 tỷ đồng tại ngân hàng VIB đến hạn vào năm 2012 và 2013 được gia hạn đến 2014 và 2016. Các khoản nợ trái phiếu và tín dụng hàng trăm tỷ đồng tại Tài chính Điện lực, Chứng khoán Bảo Việt, Ngân hàng BIDV... đều được gia hạn, giãn nợ từ 1 đến 5 năm.
Tổng cộng NBB cơ cấu được 1.000 tỷ đồng tiền nợ và trái phiếu, chiếm khoảng 80% khoản vay của đơn vị này. Theo báo cáo tài chính hợp nhất, tính đến ngày 30/6, tổng giá trị các khoản vay của NBB là hơn 1.200 tỷ đồng. Với việc được cơ cấu 1.000 tỷ đồng nợ và trái phiếu, 83% các khoản vay của NBB sẽ được gia hạn từ 1-5 năm.
Trước đó, NBB đã từng xin khất 1 năm trả nợ, lãi suất ban đầu của trái phiếu là 11,5%/năm, đến kỳ gia hạn năm 2012 sang năm 2013 đã tăng lên mức 18%/năm. Không chỉ xin kéo dài thời hạn trả nợ trái phiếu, nợ dài hạn, mà nợ ngắn hạn của Công ty cũng trong tình trạng tương tự.
Hạch toán là nợ ngắn hạn từ thời điểm 1/1/2012, tức là nợ phải trả trong thời hạn dưới 1 năm, nhưng đến thời điểm 30/6/2013, các khoản nợ (tín dụng) này hầu như không thay đổi. Con số 180 tỷ đồng từ phát hành cổ phiếu không thấm vào đâu so với hơn 400 tỷ đồng nợ ngắn hạn mà NBB đang có.
Trường hợp của ông Đặng Thành Tâm, người giàu nhất TTCK năm 2007 mới đây cũng đã đề nghị được xem xét cho phép được lùi thời gian trả tới cuối năm 2014 những khoản trái phiếu do các công ty mà ông Tâm làm chủ sở hữu trực tiếp hoặc gián tiếp phát hành 1.700 tỷ trái phiếu.
Theo ông Tâm, do không lường trước được những khó khăn của nền kinh tế nên việc cam kết trả nợ đúng hạn là điều không thể thực hiện được.
Không dừng lại ở việc giãn, hoãn nợ, trường hợp khác là Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HGA) đã thành lập Công ty Xử lý nợ xấu An Phú nhằm giúp công ty mẹ làm sạch báo cáo. Công ty An Phú vay tiền của công ty mẹ để thanh toán các khoản mua công ty con và các dự án không hiệu quả, đồng thời xây dựng tiếp hoặc bán dự án để thu tiền về cho công ty mẹ.
Đồng thời tách các công ty con ra khỏi công ty mẹ, bán bớt tài sản trong đó có 6 dự án thủy điện, mang về doanh thu hơn 2.099 tỷ đồng và giảm được dư nợ vay 1.876 tỷ đồng.
Nợ chồng nợ?
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng viện quản lý Kinh tế Trung ương cho biết, hiện nay các DN khó có khả năng thanh toán các khoản nợ nhất là các DN bất động sản khả năng thanh toán nợ càng thấp vì vậy ngân hàng và các DN nên thỏa thuận với nhau các biện pháp tạm hoãn hoặc xử lý các khoản nợ nhất định để tạo điều kiện cho các DN vẫn tiếp tục hoạt động.
Ông Doanh ví những DN yếu kém, khó có khả năng thanh toán nợ như những “xác chết biết đi” và cảnh báo: “Việc hoãn nợ, giãn nợ ở những DN có khả năng trả được nợ là cần thiết, cần xem xét trong từng trường hợp cụ thể không giãn nợ, hoãn nợ, cho vay tràn lan, nếu DN quá khó khăn cần phải tiến hành xử lý phá sản hoặc làm thủ tục thanh lý. Vì tìm cách tiếp sức cho các “xác chết biết đi” lúc bấy giờ nợ cũ không giải quyết được, thêm gánh nặng nợ mới, nợ chồng nợ”, ông Doanh nói.
Ông Doanh cho biết thêm, các ngân hàng cần phải tăng cường sự giám sát và minh bạch hơn. “Những người có trách nhiệm ở Ngân hàng biết rõ rủi ro nhưng vẫn cho vay vì họ sẽ có một số lợi ích cá nhân là nguyên nhân để ngân hàng gia tăng nợ xấu từ các DN”, ông Doanh nói.
Mới đây, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TPHCM cho biết, các DN trên địa bàn TP Hồ Chí Minh dù có nợ xấu chưa trả được nhưng có phương án sản xuất kinh doanh khả thi sẽ vẫn được vay mới.
Ông Minh nói, đây là một trong những chủ trương nhằm giúp DN thoát khỏi khó khăn, có thể trả được những khoản nợ cũ, đồng thời cũng giúp ngân hàng tăng trưởng tín dụng trong các tháng cuối năm. Quy định này cũng chỉ được áp dụng đến hết năm nay.
Nhưng, ông Nguyễn Hoàng Minh cũng thừa nhận, việc này cũng có thể tạo ra thêm rủi ro cho ngân hàng nếu khách hàng không trả được cả nợ cũ lẫn nợ mới.
Nguyên Thảo
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét