Chủ Nhật, 27 tháng 10, 2013

Đừng đẩy đất nước đến nguy cơ vỡ nợ

Đây là bài viết của bác Trân, bác là Đại biểu Quốc hội các khóa IX, X, XI, khi đó đất nước có nhiều khó khăn, song chưa đến mức khốn nạn như hiện giờ. Bác đã nhắc tới chuyện chỉ mấy năm trước thôi, Quốc hội đã xác định ở mức trần nợ an toàn là 49% GDP. Giờ thì ai đó đã tự nâng lên 65% để tiếp tục đòi QH cho phép được vay thêm, được chỉ tiêu thêm, và người trả nợ sẽ là con cháu sau này. Bác Trân nhắn các ĐBQH hiện nay: Hãy nhớ lấy lời Bác Hồ để tránh cho cử tri phải gánh thêm những khoản chi tiêu vô tội vạ (của Chính phủ ?).
Gs.TsKH NGUYỄN NGỌC TRÂN:
Đừng đẩy đất nước đến nguy cơ vỡ nợ
TT - Nâng cao hiệu quả đầu tư công là vấn đề đã được nêu từ các khóa Quốc hội trước. Khi đó tốc độ tăng trưởng GDP trên 7%/năm, nợ công mới xấp xỉ 40% GDP và ngưỡng an toàn hãy còn được xác định ở mức 49% và Việt Nam được hưởng ODA vay ưu đãi vì là nước đang phát triển có mức thu nhập thấp.
Ảnh: MINH ĐỨC
Thế nhưng nền tài chính và ngân sách quốc gia cứ trượt cho tới tình trạng hiện nay mà báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - ngân sách đã thừa nhận. Đáng quan tâm nhất là tình trạng phải vay để đảo nợ 70.000 tỉ đồng trong năm 2014, nợ công lên đến 59,8% và ngưỡng an toàn được nâng lên 65%.

Có nhiều lý do khách quan như tình hình kinh tế thế giới khủng hoảng, bấp bênh và biến đổi khí hậu nhanh gây thiệt hại lớn... 


Và cũng có nhiều nguyên nhân chủ quan mà một trong số đó là tình hình tiêu xài hoang phí vẫn cứ tiếp diễn bất chấp các nghị quyết và luật lệ đã ban hành.

Từ đồng bằng đến miền núi, từ các đô thị đến vùng sâu vùng xa, nhiều nơi mọc lên trụ sở tỉnh ủy, ủy ban hoành tráng, nơi thì rộng, nơi thì cao, nơi vừa rộng vừa cao. Xây dựng nông thôn mới phải đáp ứng 19 chỉ tiêu thì chỉ tiêu đầu tiên triển khai là xây chợ ngay cả ở những nơi mà kinh tế hãy còn gần như tự cung tự cấp. Rồi lễ hội, kỷ niệm vài trăm năm, nghìn năm...

Danh sách các dự án cứ dài ra theo chiêu thức: hãy lập tổng dự toán thấp thôi để dễ được duyệt, rồi khi “ván đã đóng thuyền” sẽ phải theo lao thì tổng dự toán cứ thế mà nâng lên.

Thời sự nhất là dự án luồng hàng hải cho tàu trọng tải lớn vào sông Hậu qua kênh Quan Chánh Bố. Tổng dự toán lúc được khởi công tháng 11-2007 khoảng 3.150 tỉ đồng, nay năm 2013 được nâng lên 10.320 tỉ đồng. Cần nhấn mạnh thêm là dự án này đã bị Ngân hàng Thế giới từ chối cho vay 200 triệu USD vì lý do tính khả thi không bảo đảm trước sóng, triều và biến đổi khí hậu. Các nhà khoa học cũng đã cảnh báo. Bất chấp, dự án vẫn được quyết định khởi công cuối năm 2007 với vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước. Nay dự án này được đưa vào diện đầu tư từ trái phiếu chính phủ mà Quốc hội đang bàn để thông qua.

Danh sách những khoản chi tiêu như trên còn nhiều, đang làm kiệt quệ ngân sách quốc gia, phải vay để đáo nợ, đẩy đất nước đến nguy cơ vỡ nợ.


Bất giác tôi nhớ đến một ý Bác Hồ nói khi các đồng chí thân cận khuyên Bác nên thay bộ ghế xôpha và bộ áo Bác mặc tiếp khách quốc tế: đất nước còn nghèo. Nếu đua đòi với các nước giàu, chúng ta làm sao bì kịp. Chúng ta nghèo nhưng đi lên, thành công bằng cách của chúng ta thì không phải so với ai cả.

Mong các đại biểu Quốc hội nhớ lấy lời Bác để tránh cho cử tri phải gánh thêm những khoản chi tiêu vô tội vạ.

Gs.TsKH NGUYỄN NGỌC TRÂN
(Đại biểu Quốc hội khóa IX, X, XI)
http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/Thoi-su-suy-nghi/576773/dung-day-dat-nuoc-den-nguy-co-vo-no.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét