Chủ Nhật, 1 tháng 5, 2011

4 ngộ nhận về "đô la hóa" và những hệ lụy

(VEF.VN) – Trong kinh tế thị trường và đời sống xã hội hiện đại luôn có nhiều ngộ nhận cả về nhận thức, cũng như hành động. Trong quản lý và ứng xử với ngoại tệ - đặc biệt trong bối cảnh gia tăng nạn “đô la hóa” như thời gian gần đây cũng không nằm ngoài trạng thái đó.


Có ít nhất có 4 dạng ngộ nhận điển hình cần lưu ý sau đây:
Thứ nhất, đánh rắn ở đuôi, biến hệ lụy thành nguyên nhân của nạn đô la hóa
Trước hết, cần thấy rằng "đô la hóa" là hệ quả tự nhiên và tất yếu của hội tụ các nhân tố, mà trước hết là sự mất giá nhanh chóng của đồng nội tệ, giảm sút lòng tin vào chính sách tiền tệ nói riêng và năng lực quản lý nhà nước nói chung đối với đời sống kinh tế-xã hội đất nước. Sự mất cân đối nghiêm trọng của cung-cầu ngoại tệ như là hệ quả của sự khan hiếm nguồn cung ngoại tệ chính thức và mặt trái của chính sách tỷ giá khiến làm tăng động cơ găm giữ và kỳ vọng tăng tỷ giá.
Ngoài ra, tâm lý này còn bị thúc đẩy bởi những hoạt động đầu cơ trục lợi dựa trên chênh lệch giá chính thức và tự do, giá trong nước với giá nước ngoài và chất lượng dịch vụ của hệ thống ngân hàng trong cung ứng nguồn ngoại tệ, vàng cho những nhu cầu chính đáng và hợp pháp của doanh nghiệp, tổ chức và người dân.
Trong bối cảnh đó, việc định giá, giao dịch và cả thanh toán bằng đô la hay vàng, cả chính thức hay không chính thức, sẽ trở nên mở rộng như một sự thay thế thuận lợi, an toàn cho các giao dịch bằng đồng nội tệ đã bị giảm sút nghiêm trọng độ tín nhiệm. Hơn nữa, khi đó, cả người dân và doanh nghiệp cũng sẽ ưa chuộng việc nắm giữ trong két sắt hay tài khoản riêng các ngoại tệ hoặc vàng như là phản ứng tự nhiên, giải pháp tình thế để bảo tồn các giá trị tài chính chính đáng của mình, cả với tư cách cất giữ, cũng như phòng khi có việc cần dùng đô la trong kinh doanh hoặc việc riêng.

Tuy nhiên, khi những nguyên nhân này bị che mờ, đánh giá thấp, hoặc vì lý do nào đó không được tính đến, sẽ dễ nẩy sinh sự ngộ nhận coi bản thân việc nắm giữ đôla đó như là nguyên nhân duy nhất và trực tiếp cần xử lý, mà không tập trung tháo gỡ tận gốc những nguyên nhân đích thực nêu trên. Từ đó sẽ nảy sinh các cực đoan chính sách hành chính khác nhau với các hệ quả biến dạng khó đo lường về hệ quả của chúng.
Hơn nữa, cần khẳng định rằng, trong bối cảnh toàn cầu và hội nhập hiện đại, xu hướng tăng dần tính chất chuyển đổi tự do nội tệ đang ngày càng gia tăng, cùng với xu hướng ưa chuộng tich trữ vàng cả ở các nước và ngân hàng trung ương trên toàn thế giới.

Quá kỳ vọng vào sức mạnh của biện pháp hành chính
Kinh nghiệm của thời kỳ chưa xa về cơ chế quản lý kinh tế kiểu hành chính quan liêu bao cấp và duy ý chí đã cho thấy nhiều bài học đắt giá về sử dụng những biện pháp hành chính trong quản lý kinh tế. Những biện pháp cấm đoán hành chính cực đoan thường lợi bất cập hại, nhất là về lâu dài, vì thường đưa lại những hệ quả ngược với hiệu quả và kỳ vọng dù tốt đẹp nhất ban đầu.
Hơn nữa, việc cấm đoán thường dễ tạo ra những kẽ hở (do không thể có một bộ luật chi tiết nào đủ sức che chắn và bao quát hết các tình hưống và khả năng muôn hình vạn trạng của cuộc sống), mà việc vượt qua không mấy khó khăn. Đồng thời nó sẽ mở rộng những cơ hội "vàng" và mảnh đất tốt làm bộc phát các hành vi đầu cơ, trục lợi và lạm dụng từ sự độc quyền phi kinh tế.
Đặc biệt, các biện pháp hành chính thường không chỉ ngộ nhận về sức mạnh toàn năng của mình, mà còn ít khi tính đến đầy đủ sự đáp ứng thuận lợi và tôn trọng những lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp về nhu cầu tích trữ tài sản và thanh toán quốc tế bằng ngoại hối. Điều này, đến lượt mình, sẽ không chỉ là vi hiến, mà còn làm trầm trọng thêm nạn đô la hóa do yếu tố tâm lý-hành chính.

Bỏ mặc tình trạng đô la hóa, buông lỏng quản lý
Tuy nhiên, cũng sẽ là ngộ nhận chết người nếu bỏ mặc cho các giới đầu cơ trong nước và quốc tế "làm mưa làm gió", mặc sức thao túng thị trường tài chính quốc gia. Điều này cũng đồng nghĩa với việc bỏ mặc lợi ích quốc gia, doanh nghiệp và người dân, từ bỏ trách nhiệm và quyền lực, cũng như làm giảm hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước về tài chính-tiền tệ, làm giảm sự ổn định và lành mạnh của môi trường đầu tư.
Kinh nghiệm từ các cuộc khủng hoảng quốc gia và toàn cầu cho thấy, cần kết hợp chặt chẽ, hài hòa và thích hợp với thực tế địa phương cả bàn tay thị trường với bàn tay nhà nước trong mọi hoạt động kinh tế-xã hội, trong đó nhất là trong thị trường tài chính-tiền tệ.

Sùng bái thái quá về giá trị ổn định của đồng USD
Sẽ là ngộ nhận chết người không kém khi cứ khư khư ôm giữ mù quáng, bám víu vào một đồng ngoại tệ dù mạnh nhất đương thời hay trong quá khứ. Lịch sử đã cho thấy mọi thứ đều có phát sinh, phát triển và suy giảm. Trong bối cảnh vĩnh viến qua rồi chế độ bản vị vàng, thì mọi đồng tiền trên thế giới đều không ngừng mất giá và không ngừng lúc lắc, dễ bị đổi ngôi hoặc soán ngôi.
Bản thân đồng USD cũng mất giá nhanh chóng  vài chục phần trăm kể từ sau kết thúc chiến tranh lạnh đến nay do các khó khăn kinh tế-xã hội mà nước Mỹ phải đối diện, cũng như do bản thân sự chủ động lựa chọn chính sách đồng USD yếu như một lợi thế cạnh tranh quốc tế của Mỹ. Đồng Euro cũng đang trong xu thế biến động mạnh, còn các đồng tiền của các nước khác cũng đang có những vẫn đề không dễ vượt qua tự bên trong.

Rõ ràng là, thay vì đánh rắn khúc đuôi, cấm đoán cực đoan hay buông xuôi quản lý, cũng như cuồn tín khư khư ôm giữ 1 đồng ngoại tệ nào đó, phó mặc số phận mình vào tay người khác, đã đến lúc cả chính phủ, doanh nghiệp và người dân cần chủ động, hợp tác thân thiện, dân chủ hóa và tăng tính phản biện xã hội để tạo đồng thuận cao hơn, tìm ra giải pháp quản lý nạn đôla hóa một cách thông minh và có lợi, hài hòa nhất. Đồng thời, cần củng cố vị thế đồng nội tệ và sức mạnh tài chính -tiền tệ quốc gia cho cả vĩ mô, lẫn vi mô, trước mắt và lâu dài, tránh cảnh "đục nước béo cò" và "ngư ông đắc lợi".

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả. Mọi ý kiến trao đổi mời gửi về vef@vietnamnet.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét